Banner trang chủ

Hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên

23/09/2019

    Ngày 7/9/2019, tại tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2020.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

    Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến tháng 8/2019, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên có 604/1.424 xã tham gia xây dựng NTM được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 42,41%), thấp hơn mức bình quân đạt chuẩn của cả nước (50,8%). Bình quân tiêu chí/xã khu vực Duyên hải Nam Trung bộ đạt 15,21 tiêu chí; khu vực Tây Nguyên đạt 13,72 tiêu chí, thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước (15,26 tiêu chí/xã). Điều này cho thấy, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang là vùng trũng về xây dựng NTM của cả nước. Cả vùng có 9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; hiện đang thực hiện quy trình xét công nhận 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (1 đơn vị của tỉnh Gia Lai và 3 đơn vị của tỉnh Lâm Đồng). Cả vùng phấn đấu đến hết năm 2020, có khoảng 126 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 35 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

   Trong quá trình xây dựng NTM, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn như giao thông, điện, đường, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt…; công tác BVMT và cải tạo cảnh quan nông thôn được các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên chú trọng, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức các lễ hội ngành, hàng nhằm xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, đồng thời quảng bá và thúc đẩy phát triển du lịch (điển hình là các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam. Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) sau hơn 1 năm triển khai, bước đầu đạt kết quả nhất định, tạo đầu ra cho những sản phẩm đặc sản của vùng, miền (điển hình ở tỉnh Quảng Nam, Lâm Đồng).

   Kết quả xây dựng NTM mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng còn khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền và thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ xã dưới 10 tiêu chí của cả vùng (chiếm 21,98% của cả nước); chất lượng công nhận xã đạt chuẩn NTM ở một số nơi chưa đảm bảo. Xây dựng NTM của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên còn thiếu chiều sâu, chưa toàn diện, mới chỉ tạo được điểm sáng ở một số nơi, tính lan tỏa, nhân rộng các mô hình điển hình chưa nhiều; một số địa phương chưa phát huy hết lợi thế về nguồn lực đất đai, tài nguyên, các giá trị văn hóa truyền thống để khai thác, hỗ trợ cho xây dựng NTM. Việc chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn của hầu hết các tỉnh đều khá thấp; thu nhập người dân nông thôn tăng chậm, thiếu bền vững…

   Về nhiệm vụ trong giai đoạn tới, Hội nghị quán triệt quan điểm “nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể”; phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, xây dựng NTM vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên tiếp tục hướng tới phát triển nông thôn toàn diện và bền vững, làm cho sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn khá giả, tiệm cận với khu vực đô thị.

    Theo đó, các tỉnh, thành phố tại 2 vùng cần tập trung nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển du lịch nông thôn làm nền tảng cơ bản gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và phù hợp với quá trình đô thị hóa; chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn; đẩy mạnh công tác giữ gìn, BVMT, xây dựng cảnh quan nông thôn Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp.

    Tham luận tại Hội nghị, các lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương và đại biểu địa phương đã đóng góp nhiều giải pháp thúc đẩy nông hộ tham gia liên kết chuỗi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; kết hợp giữa phát triển sản xuất nông nghiệp với thu hút khách du lịch trải nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; những vấn đề đặt ra và giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu…

 

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn