Banner trang chủ

Hội Nông dân tỉnh Yên Bái: Chung sức, đồng lòng cùng toàn dân xây dựng nông thôn mới

23/12/2019

     Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến  nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có 46 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, Hội Nông dân (HND) tỉnh Yên Bái với nhiều việc làm, hành động thiết thực nhằm nâng cao ý thức của hội viên nông dân trong công tác BVMT, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn lành mạnh, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM tại địa phương.

     Xây dựng NTM góp phần nâng cao đời sống người dân

     Kết quả rõ nét nhất từ Chương trình xây dựng NTM của Yên Bái là hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, phát triển mạnh, tính đến tháng 12/2018, toàn tỉnh có 63 xã đạt tiêu chí giao thông (tương đương với 40,13%); 137 xã đạt tiêu chí thủy lợi (87,26%); 64 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (40,76%), tăng 7,64% so với năm 2017; 62 xã đạt tiêu chí trường học; 62 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa… Bên cạnh đó, Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với người dân để phát triển sản xuất; bố trí kinh phí và nguồn lực thực hiện các đề án tập trung vào những sản phẩm chủ lực, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Hàng loạt các dự án, đề án, mô hình kinh tế, sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả cao được triển khai nhân rộng như: Trồng lúa chất lượng cao, cây ăn quả có múi, rau an toàn, tre măng Bát độ, nuôi trồng thủy sản...

     Năm 2019, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu, có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đồng thời, xây dựng 22 xã hoàn thành các tiêu chí để công nhận là xã đạt chuẩn NTM. Để hoàn thành mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Yên Bái yêu cầu các huyện, thị xã trực thuộc, các Sở, ban, ngành duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với 46 xã hiện đã được công nhận đạt chuẩn NTM, hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Đồng thời, các địa phương rà soát, đánh giá các tiêu chí NTM, nhất là những tiêu chí khó duy trì như cơ sở hạ tầng giao thông, thu nhập bình quân đầu người, môi trường, cơ sở vật chất giáo dục… để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Các địa phương cũng tập trung thực hiện những dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

 

Hệ thống điện, đường giao thông nông thôn ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân

 

     Đến thời điểm hiện tại, 11 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vẫn duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã NTM, đảm bảo hết năm 2019 sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra. Đối với 22 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, hiện đã có 2/22 xã đã được công nhận đạt chuẩn; 6 xã đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh xét duyệt, các xã còn lại đều đạt từ 14/19 tiêu chí trở lên. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Yên Bái yêu cầu các huyện, thị xã và TP trực thuộc rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể đối với từng xã; cân đối, huy động mọi nguồn lực thực hiện các tiêu chí, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng.

     Hội Nông dân - Vai trò chủ thể trong xây dựng NTM

     Xác định xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phải có sự nỗ lực, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện những nội dung, việc làm cụ thể, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng NTM.

     Ban Thường vụ HND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo phát động, triển khai phong trào “Nông dân thi đua xây dựng NTM” và xác định đây là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội, đưa vào Nghị quyết Đại hội HND các cấp cũng như các chương trình, kế hoạch công tác, chỉ tiêu thi đua hàng năm. Ban chấp hành HND tỉnh cũng ban hành, triển khai Đề án “Phát huy vai trò chủ thể của các cấp Hội và hội viên nông dân trong tham gia xây dựng NTM, giai đoạn 2014 - 2018”; đề nghị các cấp Hội tham gia thực hiện, đảm nhận những phần việc, tiêu chí cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội như tiêu chí về nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng an ninh… Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; nhân rộng những sáng kiến, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả, nêu gương sáng về tập thể, cá nhân điển hình trong việc tham gia BVMT, xây dựng NTM.

     Đồng thời, các cấp Hội đã vận động, kêu gọi cán bộ, hội viên nông dân phát huy vai trò chủ thể, đóng góp một phần vào quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thu hút trên 10.000 lượt hội viên nông dân tham gia, hiến trên 800.000 m2 đất, đóng góp 606.742 ngày công lao động, trên 400 tỷ đồng để làm mới, nâng cấp, sửa chữa hàng nghìn km đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng cũng như các công trình nông thôn. Trong đó phải kể đến HND bản Cồ Dề Sang B, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải đã vận động hội viên, nhân dân quyên góp vật liệu, ngày công xây dựng nhà văn hóa bản với diện tích 78 m2, tổng trị giá trên 200 triệu đồng.

     Cùng với đó, các cấp Hội đã hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp như thực hiện ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội, tín chấp với Ngân hàng NN&PTNT, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn làm giàu, thoát nghèo bền vững. Công tác tín dụng, chuyển tải vốn vay phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai hiệu quả, dư nợ các nguồn vốn vay thông qua kênh của Hội thường xuyên đạt trên 1.000 tỷ đồng, với trên 30.000 hội viên nông dân (gần 30% tổng số hộ viên) đang sử dụng vốn tín dụng để phát triển sản xuất. Hàng năm, các cấp Hội liên kết với doanh nghiệp, tổ chức cung ứng trên 3.000 tấn phân bón trả chậm, giúp nông dân sản xuất kịp thời vụ.

     Các cấp Hội cũng tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trang trại, kinh tế tập thể sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng, có khả năng cạnh tranh theo chuỗi giá trị. Điển hình như mô hình trồng rừng bền vững theo chuỗi giá trị đạt Chứng chỉ quốc tế FSC tại 5 xã của huyện Yên Bình; xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể cam Văn Chấn do HND quản lý tại 8 xã vùng ngoài huyện Văn Chấn cùng với 4 hợp tác xã sản xuất cam đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu; liên kết với doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm chè bền vững, an toàn tại xã Minh Bảo - TP. Yên Bái…

     Thời gian tới, các cấp HND tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phong trào “Nông dân thi đua xây dựng NTM”, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã hoàn thành, đồng thời nỗ lực cùng các địa phương hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó tập trung vào thi đua lao động sản xuất, nâng cao thu nhập; đóng góp kinh phí, công sức xây dựng hạ tầng nông thôn, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường.  

 

Nguyễn Thị Hoa

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

 

Ý kiến của bạn