10/10/2019
Huyện Vụ Bản là vùng chiêm trũng nghèo khó và là một trong những huyện chậm phát triển của tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), vùng đất này đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Ngày 6/7/2019, UBND huyện Vụ Bản đã vinh dự đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2018 theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 27/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Những kết quả đạt được là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân huyện Vụ Bản cùng chung sức xây dựng NTM.
Từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động sự đóng góp của nhân dân, từ năm 2011 - tháng 8/2018, huyện Vụ Bản đã huy động tổng nguồn vốn xây dựng NTM đạt 2.392,5 tỷ đồng, trong đó, 190,9 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và tỉnh; hơn 435,3 tỷ đồng từ ngân sách huyện và xã; 370,8 tỷ đồng do doanh nghiệp hỗ trợ và 455,8 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Các xã trên địa bàn huyện đã tập trung xây dựng, cải tạo, nâng cấp hơn 640 km đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế. Hệ thống thủy lợi được thiết kế, xây dựng phù hợp, đảm bảo tưới, tiêu cho 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (10.804 ha), đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai và đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt 3.300 tỷ đồng; giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản tăng từ 1.219 tỷ đồng (năm 2010) lên 1.952 tỷ đồng; gá trị sản phẩm bình quân 1 ha đất canh tác tăng từ 74,7 triệu đồng (năm 2010) lên 98,8 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người của các xã đạt 43,94 triệu đồng/người, tăng 28,5 triệu đồng/người so với năm 2010.
Thực hiện phong trào nông dân chung sức xây dựng NTM, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Vụ Bản đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân nói riêng và cộng đồng nói chung về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác BVMT, từ đó vận động hội viên tích cực tham gia thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, trong đó, nổi bật là phong trào “Nông dân chung tay xây dựng NTM, BVMT”. Để triển khai phong trào, HND huyện đã phối hợp với Chi cục BVMT tỉnh Nam Định và Phòng TN&MT huyện tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, mít tinh, in phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về BVMT để hưởng ứng các Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị (thứ 2 từ phải sang) trao Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vụ Bản
Với mục tiêu góp một phần sức lực vào công cuộc xây dựng xã NTM, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, HND xã Cộng Hòa đã đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng 12 tuyến đường nông dân tự quản BVMT; thành lập Tổ thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên các cánh đồng ở 12/12 chi hội, giúp nông dân thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen trong lao động, sản xuất, góp phần BVMT. Bên cạnh đó, sau mỗi đợt xã phát động phun thuốc BVTV, các Tổ thu gom lại tổ chức thu nhặt vỏ bao bì thuốc BVTV còn rơi vãi trên đồng ruộng, đưa về các bể chứa rồi chuyển đi xử lý theo quy định, nhờ vậy, đồng ruộng không còn vỏ bao bì thuốc BVTV. Không chỉ xã Cộng Hòa, các xã khác trên địa bàn huyện cũng có nhiều sáng kiến trong công tác BVMT, trong đó có một số xã đã trở thành mô hình điểm về BVMT. Năm 2019, HND huyện đã chọn thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng làm điểm mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ, rác thải rắn tại hộ gia đình thông qua việc hỗ trợ 90 thùng đựng rác cho các hộ dân trong thôn. Đồng thời, phối hợp với Phòng TN&MT huyện, HND xã Hợp Hưng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách phân loại, xử lý rác thải theo đúng quy định.
Tuyến đường nông dân tự quản BVMT của Chi hội nông dân thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng
Ngoài ra, HND huyện Vụ Bản đã chỉ đạo HND các xã, thị trấn thành lập “Tổ tự quản vệ sinh môi trường” tại các chi hội. Đến nay, 100% các chi hội ở các thôn, xóm đã thành lập Tổ tự quản, với trên 1.560 hội viên nông dân tham gia. Các Tổ tự quản tổ chức dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, nạo vét cống rãnh thoát nước ở khu dân cư vào ngày Chủ nhật cuối tháng, giữ cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp. Hiện toàn huyện đã xây dựng được 313 tuyến đường treo biển nông dân tự quản BVMT, với tổng chiều dài 150 km. HND các xã Trung Thành, Hiển Khánh, Hợp Hưng đã vận động hội viên trồng, chăm sóc 4 tuyến đường cây xanh, với chiều dài 5.500 m. Qua đó, nhiều mô hình nông dân BVMT hoạt động hiệu quả, mang lại hiệu ứng xã hội tích cực cũng thu hút đông đảo hội viên nông dân và cộng đồng tham gia, điển hình như mô hình “Tổ vệ sinh yêu nước” ở Chi hội xóm Tư 2, xã Trung Thành, với 30 thành viên tham gia. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân trong thôn về ý thức BVMT; sản xuất các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường; sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, nói không với thực phẩm bẩn… Các thành viên trong Tổ còn thường xuyên tham gia nạo vét, khơi thông cống rãnh, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh tạo bóng mát.
Bằng những việc làm thiết thực, các cấp HND huyện Vụ Bản đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên nông dân cùng hành động BVMT, hình thành hành vi ứng xử thân thiện với môi trường, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn lành mạnh. Các cấp HND trong huyện đã và đang chung sức cùng chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM ở địa phương.
Trương Thị Giang
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)