Banner trang chủ

Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi ở Bình Xuyên

08/11/2018

    Không chỉ là địa phương trọng điểm về sản xuất công nghiệp của tỉnh, Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) còn được biết đến là huyện có ngành chăn nuôi phát triển mạnh, với 9.200 con bò, gần 48.000 con lợn, hơn 337.000 con gia cầm.

    Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và Nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa trên địa bàn, Bình Xuyên đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm như: Chăn nuôi lợn tại Sơn Lôi, Hương Sơn, Gia Khánh, Thanh Lãng; chăn nuôi gia cầm tại Thiện Kế, Đạo Đức, Gia Khánh, Hương Sơn; chăn nuôi trâu, bò tại Thiện Kế, Trung Mỹ, Phú Xuân. Hiện nay, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi lợn có quy mô hàng nghìn con cùng khu chăn nuôi gà đẻ tập trung cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình, chủ trang trại. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế đem lại, việc xử lý chất thải, nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi đã và đang trở thành bài toán khó tại nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện, bởi phần lớn các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nằm xen kẽ trong khu dân cư, quỹ đất nhỏ hẹp không đảm bảo khoảng cách vệ sinh theo tiêu chuẩn. Cùng với đó, do kinh phí xây lắp lớn, nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ không có đủ điều kiện xây dựng các công trình tiêu thoát nước thải. Chính vì vậy, hầu hết lượng nước thải, chất thải từ gia súc, gia cầm chưa được thông qua xử lý, trực tiếp thải ra cống rãnh, ao hồ… bốc mùi khó chịu, gây ô nhiễm nguồn nước, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sực khỏe người dân.

 

Việc lắp đặt hầm biogas trong xử lý chất thải chăn nuôi giúp các hộ gia đình vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tiết kiệm chi phí đun nấu

 

    Để hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, huyện Bình Xuyên đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BVMT thông qua các hội nghị, hội thảo, chuyên đề... nhằm nâng cao nhận thức về BVMT cho các hộ chăn nuôi; gắn hoạt động BVMT vào hoạt động của các HTX Dịch vụ nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ các hộ chăn nuôi áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, vệ sinh môi trường và phát triển các giống vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao, thực hiện nghiêm các quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định. Trong đó, khuyến khích người dân tự đầu tư các nguồn lực để xây dựng hầm biogas, bể lọc sục khí...; phổ biến rộng rãi hiệu quả của việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học trộn vào thức ăn và xử lý chất thải chăn nuôi để giảm mùi hôi thối, giúp tăng sức đề kháng cho vật nuôi, đồng thời, tạo nguồn phân bón hữu ích cho cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

   Nhờ đó, đến nay, huyện đã hỗ trợ xây dựng được 921 hầm biogas, cung ứng hàng nghìn tấm đệm lót sinh học cho trên 650 hộ cùng hàng trăm ngàn tấn chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi cho bà con nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn; 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM với trên 80% số hộ chăn nuôi sử dụng hầm khí biogas, chế phẩm sinh học để xử lý chất thải…

 

Hương Mai

Ý kiến của bạn