Banner trang chủ

Thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới - Hướng đi phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội

05/05/2022

    Với điều kiện đa dạng về hệ sinh thái - tự nhiên, văn hóa và đặc biệt là có vị trí thuận lợi kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước, Thành phố Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp (DLNN) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Quy hoạch vùng nông thôn gắn liền với thúc đẩy DLNN là chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như đời sống của người dân tại khu vực nông thôn, hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Cùng với các điều kiện thuận lợi, Hà Nội xác định phát triển kinh tế DLNN, nông thôn hướng đến xây dựng NTM đi vào chiều sâu là một nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược.

    Phát triển DLNN hướng đến xây dựng nông thôn bền vững

    Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế DLNN, nông thôn gắn với xây dựng NTM trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy và Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021 của UBND Thành phố thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn Hà Nội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng NTM bền vững; Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân, sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại Hà Nội để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người lao động; Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển kinh tế DLNN, nông thôn gắn với xây dựng NTM… Ngày 4/3/2022, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND về việc phát triển kinh tế DLNN, nông thôn gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại, dịch vụ; Tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn; Thúc đẩy liên kết, xây dựng, phát triển chuỗi giá trị du lịch, nông nghiệp, nông thôn hiệu quả. Cùng với đó, phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế DLNN, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn với nông - lâm - ngư nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần thực hiện hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM bền vững; Phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao của Hà Nội đáp ứng nhu cầu thị trường; Thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn trong hoạt động du lịch.

Hà Nội là địa phương có tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch

    Theo đó, để thúc đẩy nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, hướng đến xây dựng NTM bền vững, toàn diện, UBND Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2022 - 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển DLNN, nông thôn trên địa bàn Thành phố triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết DLNN, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân - Hợp tác xã - Hộ kinh doanh - Doanh nghiệp. Thành phố sẽ triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghề, kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh DLNN, nông thôn. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển DLNN, nông thôn; Du lịch cộng đồng; Làng du lịch thông minh; Du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây.

    Triển khai thực hiện, Thành phố sẽ tổ chức điều tra, thu thập thông tin, số liệu về tài nguyên, thị trường DLNN, nông thôn nhằm phân tích, đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển; Nghiên cứu xây dựng phần mềm công nghệ thông tin để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá hiện trạng DLNN, nông thôn trên địa bàn Thành phố, phục vụ quy hoạch, quản lý mô hình DLNN, nông thôn gắn với xây dựng NTM. Song song với đó, Thành phố tổ chức lựa chọn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; Lựa chọn phát triển một số mô hình điểm về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cảnh quan nông nghiệp, du lịch ẩm thực, văn hóa lễ hội làng quê, mô hình homestay tại các làng nghề nông nghiệp về trồng trọt sạch, an toàn, hữu cơ tại các vùng ngoại thành theo các nhóm như điểm đến DLNN; Điểm đến du lịch làng nghề, ngành nghề nông thôn; Điểm đến du lịch văn hóa tâm linh. Mặt khác, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, đầu tư xây dựng một số mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục - du lịch học đường, du lịch sinh thái; Du lịch ẩm thực...; Phát triển kinh tế du lịch tại các xã có làng nghề, sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với các xã có chợ truyền thống, chợ chuyên doanh…

Làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây) - Một trong những điểm du lịch nông thôn hấp dẫn của Thành phố Hà Nội

    Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Phó Chánh Thường trực Văn phòng điều phối xây dựng NTM Hà Nội, để thúc đẩy phát triển kinh tế DLNN, nông thôn gắn với xây dựng NTM, cần hoàn thiện các cơ chế quy hoạch tổng thể và xây dựng hành lang pháp lý. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cần tính đến việc khai thác, sử dụng và phát triển các nguồn tài nguyên du lịch một cách hợp lý, bảo đảm sự phát triển mang tính bền vững đối với hệ sinh thái. Đặc biệt, trong quá trình quy hoạch cần bảo đảm cấu trúc của môi trường tự nhiên, điều kiện phát triển của các ngành kinh tế khác, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Đồng thời, chú trọng đầu tư, phát triển các mô hình DLNN chuyên biệt, như mô hình du lịch trang trại, DLNN sinh thái, DLNN ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất… Mặt khác, để phát huy tối đa tiềm năng của DLNN, nông thôn, các ngành chức năng phải có sự hợp tác chặt chẽ, tạo nên bước đột phá dựa trên những giá trị tương đương để tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và hấp dẫn. Ngoài ra, phải tăng cường công tác quản lý của địa phương và các sở, ban ngành cần thường xuyên phối hợp hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, vệ sinh môi trường nhằm xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh.

    Tạo sự nối kết, khơi dậy sức mạnh nội sinh và liên kết bên ngoài

    Triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”, Hà Nội xác định phát triển DLNN hướng đến xây dựng nông thôn bền vững, đi vào chiều sâu là một nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược. Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung xây dựng các điểm DLNN, phát triển những sản phẩm thế mạnh của địa phương, thu hút sự tham gia tích cực của người dân, góp phần quan trọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.. Đến nay, Thành phố có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, tiêu biểu như Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ)…

Trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì)

    Xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh là địa phương nằm trong quy hoạch xây dựng NTM định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái. Mô hình trồng nho hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái tại địa phương là một trong những mô hình thành công trong thời gian qua. Tận dụng các lợi thế về nông nghiệp, giao thông và du lịch, Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng nho gồm 5 thành viên với quy mô gần 5 ha. Du khách đến đây được trải nghiệm các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch nho với quy trình sản xuất an toàn. Với hai vụ thu hoạch trong năm, dự kiến sản lượng nho đạt từ 50 - 60 tấn/năm, giá bán 200.000/kg, mang lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân. Mô hình vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa tạo được không gian sinh thái giữa các đô thị.

Xã Hồng Vân, huyện Thường Tín định hướng phát triển du lịch trên nền tảng, hạ tầng kinh tế nông nghiệp

    Từ một xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín, Hồng Vân đã phát triển theo hướng làng nghề sinh vật cảnh kết hợp với khai thác dịch vụ du lịch sinh thái trải nghiệm. Với cách làm sáng tạo, mỗi năm xã Hồng Vân đón gần 6 vạn lượt khách đến du lịch trải nghiệm, thu nhập ước tính đạt trên 6 tỷ đồng/năm. Năm 2018, xã Hồng Vân được Thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh thái. Đây là dấu mốc quan trọng để chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái gắn liền với xây dựng NTM. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Hồng Vân lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định xây dựng xã trở thành xã “du lịch - sinh thái - làng nghề”, phấn đấu đến năm 2025, Hồng Vân trở thành một trung tâm kết nối vùng trọng điểm và là một điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.

    Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế DLNN, nông thôn, thời gian tới, Thành phố Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng các làng DLNN, nông thôn thông minh, tạo sự nối kết, khơi dậy sức mạnh nội sinh của cộng đồng cư dân tại chỗ và liên kết bên ngoài; Xây dựng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, quảng bá sản phẩm du lịch và nông nghiệp (phần mềm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề; Phần mềm quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm); Xây dựng các website, chợ giao dịch điện tử, mô hình Làng du lịch thông minh, số hóa Trung tâm thông tin (điểm check-in, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin về điểm du lịch và cung ứng dịch vụ âm thực...) trong liên kết với các điểm du lịch lân cận theo tour, tuyến. Trên cơ sở các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển du lịch nói chung và DLNN, nông thôn nói riêng, Thành phố yêu cầu xác định các điểm đến du lịch nông thôn hiện có, đã được đầu tư, hỗ trợ và dự kiến phát triển những điểm đến du lịch NTM; Đánh giá ưu điểm cũng như những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của các điểm đến để kịp thời xác định nội dung hỗ trợ đảm bảo phù hợp, hiệu quả.

DLNN, nông thôn là hướng đi hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Thành phố Hà Nội

    Một giải pháp quan trọng nữa mà Thành phố cũng chú trọng đó là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch DLNN, nông thôn gắn với xây dựng NTM; Thông tin cho người dân về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu du lịch, mô hình du lịch trên địa bàn; các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, bảo vệ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự an toàn xã hội; Quy tắc ứng xử văn minh du lịch; Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Đồng thời, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế DLNN, nông thôn gắn với xây dựng NTM trên địa bàn Thành phố.

    Có thể thấy, phát triển kinh tế DLNN, nông thôn gắn với xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, nhằm nâng cao giá trị của nông nghiệp và nông thôn, góp phần phát triển các sản phẩm nông nghiệp thông qua Chương trình OCOP, phát huy giá trị văn hóa của các địa phương, góp phần hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, để DLNN của Hà Nội thực sự khởi sắc, cần sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các cơ quan chủ quản về văn hóa, du lịch và nông nghiệp cho đến mỗi người dân Thủ đô.

Gia Linh

(Trang báo có sự phối hợp của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội)

Ý kiến của bạn