Banner trang chủ

TP. Hà Nội nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

10/09/2024

    Nhằm khuyến khích, thu hút được nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân đầu tư máy móc, thiết bị thực hiện cơ giới hoá đồng bộ phục vụ sản xuất, thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp; giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, ngày 27/4/2024, UBND TP. Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND triển khai thực hiện một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 08/2023/NQ- HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND TP. Hà Nội từ nguồn ngân sách thành phố cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện năm 2024 - 2025. Theo đó, UBND TP. Hà Nội sẽ bố trí hơn 10 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số nông nghiệp tại Điều 13 Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp TP. Hà Nội ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2023/ND-HĐND. Cụ thể, trong năm 2024, thành phố dự kiến địa điểm thực hiện tại thị xã Sơn Tây và các huyện Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai. Dự kiến số lượng hỗ trợ 28 cơ sở; với tổng kinh phí hỗ trợ là 3,657 tỷ đồng. Năm 2025, dự kiến địa điểm thực hiện tại các huyện: Thạch Thất, Sơn Tây, Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Quốc Oai. 49 cơ sở sẽ nhận được hỗ trợ của UBND TP Hà Nội. Dự kiến kinh phí hỗ trợ là 6,551 tỷ đồng… Điều này cho thấy TP. Hà Nội đang nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu hiện đại hóa và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Bưởi hữu cơ ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý giám sát của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến

    Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội, những mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp đang xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần đem lại những giá trị mới có tính bền vững. Hà Nội đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi số không chỉ giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, thu hẹp và loại bỏ các khâu trung gian vốn là vấn đề nan giải nhiều năm qua, việc ứng dụng công nghệ số đang từng bước đưa nền nông nghiệp vận hành theo phương thức truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Một số mô hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả như: Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ thực hiện quản lý và sản xuất với diện tích 70 ha. Hợp tác xã trồng lúa, bưởi hữu cơ và rau an toàn ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý giám sát vùng sản xuất với quy mô 20 ha. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng giúp cập nhật thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, quy trình sản xuất lúa hữu cơ. Các camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh. Hay Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà tại huyện Thường Tín là một trong những đơn vị sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP có diện tích khoảng 10.000 m2 để trồng rau mầm, toàn bộ sản phẩm tại hợp tác xã được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ từ việc chọn giống, vệ sinh giá thể cho đến hệ thống nước tưới và chăm sóc rau. Để sản phẩm của hợp tác xã được quảng bá và nhiều người biết đến, thuận tiện trong truy xuất của người tiêu dùng, hợp tác xã còn ứng dụng công nghệ thông tin đăng ký QRcode tích hợp với thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, như quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói... Người tiêu dùng chỉ với thao tác quét mã QRcode gắn trên sản phẩm bằng smartphone là đã có thể nắm được đầy đủ thông tin nguồn gốc của sản phẩm và không bị lẫn với bất kỳ sản phẩm, nhãn hiệu nào khác cùng loại bán trên thị trường. Từ đó, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, mỗi năm hợp tác xã cung ứng cho thị trường hơn 200 tấn rau mầm các loại. Còn tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của Hà Nội có quy mô sản xuất 17,8 ha, Hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số trong hai lĩnh vực là ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ eGap. Qua đó giúp sản phẩm của Hợp tác xã đã vào được các kênh phân phối uy tín với giá bán rau ổn định hơn so với bán ở chợ…

Dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ

    Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, thời gian qua, việc số hóa trong từng khâu sản xuất hoặc số hóa hoàn toàn được nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng. Chuyển đổi số trong sản xuất không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh và cũng là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến. Cũng từ đó, người sản xuất có thể kiểm soát được thời gian thu hoạch, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Nhiều cơ sở sản xuất, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong chăm sóc, theo dõi, quản lý bằng công nghệ thông tin qua điện thoại, máy tính, sản phẩm được đăng ký tem, mác, mã số, mã vạch, thuận tiện giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tại các vùng sản xuất tập trung đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, quy trình canh tác tiên tiến. Ðối với sản xuất lúa, nhiều địa phương đã đưa thiết bị bay không người lái phục vụ khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm tiếp xúc trực tiếp với hóa chất bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp tại các địa phương còn nhiều khó khăn, việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh do còn mới cho nên nhận thức của hầu hết doanh nghiệp, cơ sở và nhất là nông dân còn hạn chế. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) hạn chế; việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số…

    Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, TP. Hà Nội đã có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp TP. Hà Nội. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, phối hợp với UBND các huyện, thị xã tăng cường phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp. TP. Hà Nội cũng xác định thực hiện chuyển đổi số phải dựa trên nền tảng dữ liệu; tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như: Ðất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản...; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người dân về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp…

Hương Đỗ

(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội)

 

Ý kiến của bạn