04/09/2024
Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, đưa các giống mới chất lượng vào sản xuất nông nghiệp của TP. Hà Nội đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, hình thành nên một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và từng bước xây dựng các thương hiệu sản phẩm có chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã phối hợp với các huyện, thị xã trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, phát huy được lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, như rau, hoa, cây ăn quả... Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được xem là giải pháp hết sức quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp đô thị tại Hà Nội theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Điều này cũng hướng đến cụ thể hóa các mục tiêu của 2 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Cụ thể là Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 17/3/2021, về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân” và Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội” trong giai đoạn 2021 - 2025”.
Nhờ sử dụng công nghệ sản xuất rau an toàn, hiện đại, sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã Cuối Quý luôn được thị trường đón nhận
Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 262 mô hình lĩnh vực trồng trọt, 119 mô hình lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình lĩnh vực thủy sản. Thành phố có 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản. Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai… Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường. Trong nuôi trồng thủy sản, các hộ sản xuất đã ứng dụng công nghệ cao vào một số khâu, như làm giàu oxy bằng quạt nước, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước, sử dụng công nghệ biofloc.
Ứng dụng công nghệ cao diễn ra ở mọi lĩnh vực trong nông nghiệp như: ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, công nghệ canh tác không sử dụng đất, công nghệ Blockchain truy xuất nguồn gốc, công nghệ biofloc… Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất tuy đòi hỏi mức vốn đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, ổn định hơn nhiều so với gieo trồng theo phương pháp truyền thống. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nổi bật có thể kể đến như mô hình Hợp tác xã rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý, tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng nhờ áp dụng phương pháp canh tác theo công nghệ cao, toàn bộ quy trình sản xuất các loại rau hữu cơ không sử dụng thuốc và phân bón hóa học nên không chỉ hạn chế các tác động bất lợi của thời tiết, mang lại năng suất cao, mà còn bảo đảm chất lượng sản phẩm ổn định, được thị trường ưa chuộng. Từ đó, các sản phẩm của Hợp tác xã được lựa chọn để cung cấp thường xuyên cho các trường học trên địa bàn huyện và nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị… Trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) hoạt động theo mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, bình quân mỗi tháng xuất khoảng 1.000 con lợn thịt và từ 500 đến 1.000 con lợn giống; doanh thu đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm. Trang trại còn sở hữu vùng trồng rau hữu cơ quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn thành phố, cung cấp hàng chục tấn rau mỗi ngày. Mô hình sản xuất nấm công nghệ cao của Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) đã đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm sạch theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản, với quy mô hơn 3.000 m2, sản lượng đạt 30 tấn/tháng, mang lại doanh thu 1,8 - 2 tỷ đồng/tháng. Hay gia đình chị Đỗ Thị Thứ ở xã Liên Hà huyện Đông Anh đầu tư một trang trại chăn nuôi gà an toàn sinh học với 34.000 con gà đẻ trứng, mỗi năm thu hơn chục tỷ đồng. Trang trại được đầu tư, xây dựng theo quy trình chuẩn không chỉ bảo đảm giữ vệ sinh môi trường xung quanh mà còn thực sự mang lại hiệu quả chăn nuôi cao. Thêm vào đó chăn nuôi gà với quy mô lớn đòi hỏi tuân thủ yêu cầu kỹ thuật từ vệ sinh, cho ăn, nước uống, tiêm phòng... khắt khe hơn nhiều so với nuôi gà theo hình thức chăn thả tự nhiên. Hiện nay, sản phẩm trứng gà của gia đình chị Thứ được nhiều nơi biết đến với sản phẩm trứng gà đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn có mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng); mô hình áp dụng thâm canh lúa cải tiến toàn phần và mô hình gieo cấy lúa Japonia (huyện Ứng Hòa); mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao (huyện Ứng Hòa, huyện Chương Mỹ); mô hình trồng hoa, sản xuất giống hoa nuôi cấy mô của Công ty cổ phần Vật tư và giống cây trồng Hà Nội; mô hình sản xuất rau thủy canh của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm); mô hình sản xuất hộ gia đình của gia đình ông Nguyễn Mạnh Hồng ở xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì)…
Trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) sở hữu vùng trồng rau hữu cơ quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn thành phố
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã xác định 7 nhóm chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đến năm 2025 đạt trên 70% (hiện đang ở mức 46%). Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, theo yêu cầu của UBND thành phố, Sở NN&PTNT đang xây dựng, hoàn thiện “Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030” với mục tiêu thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Kế hoạch đặt ra một số nhiệm vụ chính như: Phấn đấu đến năm 2030, toàn thành phố có 250 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thành phố sẽ hình thành và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch được phê duyệt; hỗ trợ hình thành, duy trì và phát triển được ít nhất 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định…
Vũ Nhung
(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội)