Banner trang chủ

Siết chặt quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường

16/09/2021

    Thời gian qua, công tác quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn TP. Hà Nội còn lỏng lẻo, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô là yêu cầu không đơn giản với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Trước thực trạng trên, các ngành chức năng của TP. Hà Nội đã và đang tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó tập trung vào những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư.

    Khó khăn trong công tác quản lý

    Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có 738 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có tới 673 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công. Với số dân khoảng 10 triệu người, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm mỗi ngày ở Thành phố là rất lớn, tuy nhiên, lượng thịt gia súc, gia cầm hàng ngày được cung cấp từ các cơ sở giết mổ được kiểm soát chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu; 40% còn lại được cung cấp từ các lò giết mổ tại các hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ, nguồn thịt nhập khẩu và từ các khu vực ngoại thành.

Gia cầm được bày bán, giết mổ ngay tại khu chợ ven đường Quốc lộ 6,

gần khu vực cầu Mai Lĩnh (quận Hà Đông)

    Nói về tình trạng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ở Hà Nội gây mất VSATTP và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong số 738 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của Thành phố thì có tới 673 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công. Đa số những điểm giết mổ này không có địa điểm cố định, thường nằm rải rác ở các chợ, khu dân cư thuộc các huyện, thị xã, chưa bảo đảm điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Công tác đánh giá phân loại, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, quản lý, kiểm tra, kiểm soát trong giết mổ đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động, vì vậy, cơ quan thú y không thể kiểm soát theo đúng quy định của Luật Thú y. Các cơ sở giết mổ công nghiệp không có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, thiếu hệ thống phân phối sản phẩm, thiếu sự hỗ trợ của khâu chế biến sau giết mổ và chi phí giết mổ cao nên giảm tính cạnh tranh.

    Bên cạnh đó, do đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, trong khi lực lượng cán bộ thú y mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ. Không chỉ khó khăn trong kiểm soát giết mổ, TP. Hà Nội còn phải đối mặt với việc quản lý vận chuyển gia súc, gia cầm vào Thành phố. Theo quy định, hiện nay chỉ thực hiện kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật trên cạn vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh, thành phố. Vì thế, khi phát hiện người bán không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng chủ hàng khai báo nguồn gốc trong tỉnh, thành phố thì cán bộ thú y không có cơ sở kiểm tra, xử lý. Đây là thực trạng đáng lo bởi tình trạng bán thịt gia súc, gia cầm ngoài khu vực chợ hoặc trong khu dân cư khá nhiều, ý thức chấp hành quy định của người sản xuất, kinh doanh chưa cao, thậm chí còn thủ đoạn buôn gian bán lận thì khó có thể bảo đảm nguồn hàng là an toàn cho người sử dụng. Mặt khác, tại các chợ cóc, chợ tạm trong Thành phố còn nhiều điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ mất vệ sinh, nhất là giết mổ gia cầm. Mỗi điểm thường có một nồi nước sôi dùng cả ngày cho hàng trăm con gà, vịt, ngan và một vài chiếc chậu cáu bẩn để làm lông, quanh khu vực nhốt gia cầm, phân và nước thải lênh láng, bốc mùi hôi. Điều đáng nói là, khi được hỏi về mối nguy hại từ công việc này, các chủ cơ sở đều có chung câu trả lời rằng họ rất lo bị nhiễm dịch bệnh, nhất là khi dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố, nhưng vì miếng cơm, manh áo nên vẫn phải duy trì.

Cán bộ thú y kiểm tra nguồn gốc, đóng dấu kiểm định gia cầm tại cơ sở giết mổ đã đăng ký

    Nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (CSGMNL) dường như đang nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Việc chậm trễ xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung; vị trí cơ sở giết mổ không thuận tiện giao thông; cách thức tổ chức phân phối sản phẩm sau giết mổ chưa hợp lý, cũng như thói quen tiêu dùng của người dân… được xem là nguyên nhân để các CSGMNL có đất sống. Hơn nữa, chính quyền ở một số nơi còn lơ là trong việc xử lý nghiêm các điểm giết mổ chui; chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý giết mổ và triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ trên địa bàn quản lý; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, VSATTP của các cấp, ngành chức năng chưa triệt để, chế tài chưa đủ mạnh để tạo sự răn đe. Ngoài ra, các hộ giết mổ chưa nhận thức đúng về vệ sinh thú y, VSATTP mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt để kiếm lời, chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung. Số lượng chợ đầu mối buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm chưa đáp ứng nhu cầu, do đó, hiện tượng buôn bán, kinh doanh sản phẩm động vật ở các chợ cóc, chợ tạm phục vụ đời sống dân sinh vẫn diễn ra thường xuyên...

    Tìm lời giải cho bài toán khó

    Theo các chuyên gia trong ngành chăn nuôi và thú y, để khắc phục những bất cập nêu trên, cần tổ chức hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, BVMT và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Lực lượng liên ngành (nông nghiệp, công an, quản lý thị trường, y tế), UBND các huyện, thị xã, thành phố... cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Nếu kiểm tra các lò mổ chui không đủ điều kiện vệ sinh thú y, chưa có giấy phép thì kiên quyết đề xuất chính quyền địa phương buộc dừng hoạt động; đồng thời, triển khai tiếp kế hoạch vận động, đưa các điểm, hộ, CSGMNL vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn; tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết giữa các cơ sở giết mổ với hộ chăn nuôi quy mô lớn để tạo liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm; nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giết mổ. Ngoài ra, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Giết mổ lợn theo dây chuyền công nghiệp tại Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín)

bảo đảm an toàn thực phẩm

    Để kiểm soát nguồn thịt gia súc, gia cầm bán ra thị trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai Quyết định số 5003/QĐ-UBND ngày 28/7/2017 của UBND Thành phố, đồng thời, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động giết mổ. Song song với đó, tập trung triển khai Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 24/10/2018 của UBND Thành phố về việc thực hiện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn. Theo đó, Thành phố phấn đấu giảm khoảng 50% số cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trên địa bàn các huyện, thị xã; Tăng tỷ lệ kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố, đảm bảo cung cấp phần lớn lượng thịt gia súc, gia cầm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô từ các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; Nâng cao nhận thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho cộng đồng, sự hiểu biết về các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố; tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của người chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật; Hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đến tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững.

    Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng chia sẻ, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp tập trung theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020 của UBND Thành phố về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn TP. Hà Nội” gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện có tại từng địa phương. Cùng với đó, mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh thịt an toàn, có truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý; tăng tỷ lệ tiêu thụ thịt mát, thịt cấp đông để các cơ sở giết mổ công nghiệp bảo đảm điều kiện hoạt động. Bên cạnh đó, căn cứ các quy định hiện hành của Trung ương và Thành phố, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan tham mưu UBND Thành phố về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn phù hợp với đặc thù phát triển của Thủ Đô. Tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đáp ứng các tiêu chí hỗ trợ theo chính sách hiện hành. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố; phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; có lộ trình, giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.

    Những giải pháp trên nếu được thực hiện đồng bộ, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và người dân, chắc chắn hoạt động kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cẩm nhỏ lẻ trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ có chuyển biến tích cực.

Châu Long

Ý kiến của bạn