26/07/2021
Ngày 23/7/2021 đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình ứng dụng và thương mại cây trồng biến đổi gen khi Philippines là quốc gia đầu tiên trên toàn cầu chính thức phê duyệt canh tác Gạo Vàng biến đổi gen - BĐG (Golden Rice). Cùng ngày, quốc gia này cũng phê duyệt cho phép sử dụng cà tím biến đổi gen (Bt Eggplant) làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và trong chế biến.
Philippines là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép canh tác Gạo Vàng BĐG - Golden Rice (Nguồn: IRRI)
Quốc gia đầu tiên phê duyệt canh tác thương mại Gạo vàng
Gạo Vàng được nghiên cứu và phát triển thông qua dự án hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Lúa Gạo (DA-PhilRice) thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines và Viện Nghiên cứu Lúa Gạo Quốc tế (IRRI), có chứa hàm lượng beta-carotene cao - thành phần có thể chuyển hoá thành vitamin A trong cơ thể con người.
Theo thống kê, có khoảng 1/5 trẻ em từ các cộng đồng cư dân nghèo nhất ở Philippines bị thiếu hụt vitamin A (vitamin A deficiency - VAD) trong khi trên toàn cầu, ước tính có khoảng 190 triệu trẻ em cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh mù lòa, đồng thời góp phần làm suy giảm hệ thống miễn dịch ở trẻ.
Tiến sĩ Jean Balié, Tổng Giám đốc của IRRI - Trung tâm nghiên cứu thuộc CGIAR, cho biết: “Bước tiến quan trọng này đã đưa Philippines trở thành quốc gia dẫn đầu trên thế giới trong việc thúc đẩy cải tiến nghiên cứu nông nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề về suy dinh dưỡng và các tác động liên quan đến sức khỏe một cách an toàn và bền vững. Sự thành công trong việc thông qua quy định về Gạo Vàng thể hiện sự đi đầu trong nghiên cứu của DA-PhilRice cũng như sự tiến bộ của hệ thống quản lý an toàn sinh học của Philippines”.
Gạo Vàng là giống cây được tạo ra từ ứng dụng kỹ thuật biến đổi gen, tăng cường hàm lượng beta carotene và có thể cung cấp tới 50% nhu cầu trung bình ước tính (EAR) của hàm lượng vitamin A ở trẻ nhỏ - nhóm tuổi dễ bị thiếu hụt vitamin A nhất ở Philippines. Giống gạo này đã được các cơ quan quản lý ở Úc, New Zealand, Canađa và Hoa Kỳ cấp chứng nhận an toàn thực phẩm; tuy nhiên Philippines là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép canh tác thương mại. Hiện tại, Bangladesh cũng đang trong các bước phê duyệt cuối cùng để phê duyệt giống gạo này.
Tiến sĩ John de Leon, Giám đốc Điều hành của DA-PhilRice chia sẻ: “Chúng tôi cam kết trong việc đảm bảo chất lượng hạt giống tốt nhất cho nông dân cũng như nguồn cung cấp thực phẩm an toàn và bổ dưỡng cho người dân Philippines”.
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi cũng sẽ thiết lập một chương trình quản lý và đảm bảo chất lượng Gạo Vàng một cách toàn diện, bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị từ hệ thống sản xuất hạt giống cho đến quy trình chế biến sau thu hoạch và cuối cùng là triển khai kế hoạch tiếp thị, đưa sản phẩm ra thị trường”.
DA-PhilRice đã bắt đầu làm việc với các đối tác trong khu vực để triển khai tiếp thị và đưa sản phẩm gạo vàng ra thị trường, trong đó ưu tiên trước hết là các khu vực và cộng đồng dân cư có tỷ lệ thiếu hụt vitamin A cao cũng như thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng liên quan khác. Số lượng các hạt giống gạo sẵn có cũng đang được tăng cường và các hoạt động cần thiết khác cũng đang được thực hiện để đưa Gạo vàng tới nông dân.
Các biện pháp can thiệp trước đây để giải quyết tình trạng thiếu hụt vitamin A như cung cấp thực phẩm bổ sung vào bữa ăn của các gia đình, hay các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng sinh học như dầu hoặc bột mì đều có thể gây tốn kém hoặc đòi hỏi sự thay đổi về hành vi từ các hộ gia đình bị mắc bệnh suy dinh dưỡng. Giờ đây Gạo Vàng giúp bổ sung hàm hàm lượng dinh dưỡng quan trọng vào gạo, loại lương thực chính được tiêu thụ với khối lượng gần 120kg mỗi người mỗi năm.
Tiến sĩ Ajay Kohli, Giám đốc nghiên cứu của IRRI cho hay: “Việc áp dụng Gạo Vàng chỉ là một phần của phương pháp tiếp cận hệ thống lương thực trong việc giải quyết vấn đề dinh dưỡng, phương pháp này còn bao gồm các chương trình tiếp cận cộng đồng, các dịch vụ khuyến nông cũng như cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho nông dân. Bằng việc cải tiến các giống lúa nhằm đáp ứng nhu cầu của nông dân, người tiêu dùng và môi trường, những cải tiến về kỹ thuật chọn tạo giống chính xác như kỹ thuật di truyền và chỉnh sửa gen có thể mở ra những giải pháp toàn diện hơn đối với hệ thống lương thực”.
Gạo vàng được phát triển đầu tiên bởi hai giáo sư Ingo Potrykus và Peter Beyer vào cuối những năm 1980. IRRI đã trở thành đơn vị đầu tiên cấp phép các hoạt động nghiên cứu và phát triển của các nhà khoa học vào năm 2001.
Bên cạnh dự án về Gạo vàng, Chương trình Gạo giàu dinh dưỡng (Healthier Rice Program) của IRRI hiện đang phát triển loại gạo chứa hàm lượng sắt và kẽm cao (HIZR), với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một giống lúa chứa cả beta-carotene, sắt và kẽm có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhiều vi chất dinh dưỡng đang tắc động tới sức khoẻ của hơn hai tỷ người trên toàn thế giới.
Quốc gia tiếp theo sau Bangladesh phê duyệt cà tím biến đổi gen (Bt Eggplant)
Cũng trong ngày 23/7 vừa qua, Vụ Quản lý ngành thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines (DA-BPI) đã ban hành quyết định phê duyệt cho sự kiện cà tím biến đổi gen ‘EE-1’ để sử dụng làm thực phẩm trực tiếp, thức ăn chăn nuôi và trong chế biến - quyết định này được cấp cho Đại học Los Baños, Philippines. Theo quyết định phê duyệt, cà tím biến đổi gen Bt (tên thường dùng tại địa phương là Bt talong) được chứng nhận là an toàn tương đương với các giống cà tím truyền thống.
Ruộng cà tím biến đổi gen (Nguồn: ISAAA)
Cà tím BĐG chứa gen Bt có vai trò giúp tăng tính chống chịu khỏi các loại sâu hại chính, như sâu đục thân và sâu đục quả, một trong các dịch hại phổ biến và nguy hại nhất trên cà tím. Gen Bt “chỉ tạo ra các tác động tới các loài sâu hại mục tiêu; an toàn với sức khoẻ của con người, động vật và các loài không phải là mục tiêu” - Tiến sỹ Lourdes D.Taylo, trưởng nhóm nghiên cứu Dự án Cà tím BĐG tại Đại học Los Baños cho biết. Theo một nghiên cứu gần đây, ước tính nếu được chấp thuận canh tác, cà tím BĐG có thể giúp tăng năng suất lên tới 192% và giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng khoảng 48% trên 1 ha.
Việc phê duyệt cà tím BĐG Bt để sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chế biến là bước tiến quan trọng trong ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học tại Philippines. Để hoàn tất quy trình pháp lý về an toàn sinh học, cà tím BĐG sẽ được tiếp tục đánh giá và cấp phép an toàn đối với môi trường để được phê duyệt canh tác thương mại.
Với sự phê duyệt này, Philippines là quốc gia thứ 2 sau Bangladesh chứng nhận tính an toàn của cà tím BĐG. Bangladesh đã cấp phép canh tác cà tím BĐG bt từ năm 2014. Theo một số báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2014 tới 2019, có khoảng 91.270 hộ nông dân tại Bangladesh đã trồng giống cây này.
Phạm Đình
Tài liệu tham khảo:
- Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) - Thông tin phê duyệt gạo vàng BĐG tại Philippines https://www.irri.org/news-and-events/news/philippines-becomes-first-country-approve-nutrient-enriched-golden-rice
- Quyết định & Thông tin phê duyệt gạo vàng tại Philippines (Bộ Nông nghiệp Philippine): https://www.philrice.gov.ph/filipinos-soon-to-plant-and-eat-golden-rice/
- ISAAA – Thông tin phê duyệt cà tím BĐG https://www.isaaa.org/blog/entry/default.asp?BlogDate=7/23/2021