Banner trang chủ

Nông dân Nam Định xây dựng môi trường nông thôn Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp

20/06/2022

    Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh Nam Định đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia các hoạt động BVMT, qua đó góp phần gìn giữ, tạo cảnh quan môi trường NTM Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, các cấp HND trong tỉnh đang tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên chú trọng thực hiện tiêu chí cảnh quan - môi trường bằng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực.

    Theo đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, các xã, thị trấn trong tỉnh đã tích cực xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện tiêu chí cảnh quan - môi trường với các chỉ tiêu thành phần như: Cảnh quan môi trường nông thôn Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp; 50% số thôn, xóm trở lên triển khai phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình và cộng đồng; các khu dân cư tập trung có hệ thống thu gom nước thải, tiêu thoát nước mưa, nước thải đã qua xử lý trước khi đổ ra kênh mương; các hộ gia đình đảm bảo “3 sạch” (sạch nhà - sạch bếp - sạch ngõ); xã có hoạt động xử lý rác thải thân thiện với môi trường; phải duy trì thường xuyên hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã đạt 90% trở lên...

Nông dân xóm 13, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật vào thùng chứa (Ảnh: Báo Nam Định)

    Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hàng năm, HND tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền BVMT, tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); tăng cường các chương trình phối hợp với Trung ương Hội, Sở TN&MT thực hiện các hoạt động BVMT. Cùng với đó, chỉ đạo 10/10 huyện, thành Hội xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các chương trình, hoạt động BVMT; đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương để Hội đứng ra đảm nhận tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội; đưa chỉ tiêu BVMT thành một trong các chỉ tiêu chính để đánh giá, xếp loại công tác Hội hàng năm. Mặt khác, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc BVMT cũng được chú trọng. Hàng năm, HND tỉnh đã tích cực hối hợp với Sở TN&MT tập trung tuyên truyền cho hội viên về ý nghĩa của Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn”, Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5); tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” và Ngày Môi trường thế giới 5/6; xây dựng các mô hình điểm về công tác BVMT...; Chủ động viết tin, bài tuyên truyền về ác BVMT, giới thiệu mô hình, gương điển hình tiêu biểu trong phong trào BVMT nông thôn… trên đài phát thanh địa phương, bản tin Nông dân Nam Định, website hoinongdannamdinh.org.vn; facebook Nông dân Nam Định; phối hợp kẻ, vẽ pa nô, áp phích khẩu hiệu, cung cấp tờ rơi, sách báo tuyên truyền về tầm quan trọng của việc BVMT đối với sản xuất, đời sống, sức khỏe con người.

    Mỗi cơ sở Hội có một việc làm cụ thể tham gia BVMT như nhận thu gom rác thải trong thôn xóm, khu dân cư; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng; trồng mới, bảo vệ và chăm sóc hàng cây nông dân; xây dựng tuyến đường không có rác thải; cải tạo chỉnh trang khuôn viên gia đình. Tiêu biểu như HND huyện Vụ Bản đã chỉ đạo 223 chi hội thành lập 223 tổ tự quản “Vệ sinh môi trường trên địa bàn dân cư” với tổng số 1.561 thành viên tham gia, đảm nhận 313 tuyến đường liên thôn, liên xã. HND huyện Ý Yên thành lập được 189 tổ thu gom rác thải và vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm. HND huyện Nam Trực chỉ đạo 100% các xã, thị trấn đảm nhận việc thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch. HND huyện Hải Hậu nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở 34/34 xã, thị trấn, vận động hội viên xây dựng mô hình “Vườn kiểu mẫu”. HND các huyện Giao Thủy, Xuân Trường với mô hình “Tuyến đường, dòng sông không rác thải”. HND thành phố Nam Định với mô hình “Xây dựng tuyến phố, ngõ xóm không có rác thải”. Đặc biệt, các cấp HND trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo nhân rộng mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”. Trong năm 2021, HND tỉnh phối hợp với Sở TN&MT xây dựng mô hình tại xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) với 70 hộ tham gia; phối hợp với Trung tâm Môi trường phát triển bền vững - Trung ương HND Việt Nam xây dựng mô hình tại xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường), xã Nam Hồng (Nam Trực) với 700 hộ tham gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có 9/10 huyện triển khai xây dựng mô hình ở 145/209 cơ sở Hội và 1.452/3.167 chi hội, sử dụng 36.350 thùng ủ rác, 31.870 nắp đậy hố rác hữu cơ. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn phát động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng tham gia Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” bằng các việc làm cụ thể như vệ sinh đường làng, ngõ, xóm tạo cảnh quan Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp; nạo vét, khơi thông dòng chảy các kênh mương thủy lợi nội đồng...

Hội viên nông dân xóm Tư 2, xã Trung Thành, huyện Vụ Bản tham gia tổng dọn vệ sinh đường làng (Ảnh: dangcongsan.vn)

    Trước thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra ở nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là ở địa bàn nông thôn, các cấp HND trong tỉnh còn chú trọng tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn; tuyên truyền, vận động nông dân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm 2021, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 482 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 32 nghìn hội viên, nông dân. HND tỉnh phối hợp với Ban Kinh tế và Văn phòng Trung ương HND Việt Nam chỉ đạo xây dựng mô hình “Chăn nuôi lợn sinh học” tại xã Trực Thắng (Trực Ninh). Nhiều địa phương đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, gắn sản xuất với BVMT, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Nông dân ưu tiên sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vừa duy trì, nâng cao độ màu mỡ của đất, BVMT sinh thái, vừa không để lại dư lượng độc hại trong nông sản, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Một số hội viên đã hướng đến canh tác, sản xuất rau màu theo quy trình VietGAP, giúp giảm thiểu việc dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu; phát triển chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ. Các cấp Hội còn tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông phân về chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi; sử dụng chế phẩm vi sinh SUMITRI để xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Cũng trong năm 2021, HND các cấp phối hợp Công ty TNHH Phương Nam tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên tuyên truyền sử dụng và cung ứng 3.555 gói chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ và chất hữu cơ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ những việc làm trên, các cấp HND trong tỉnh đã nâng cao tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về BVMT; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng sạch đẹp, góp phần tích cực vào việc xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. 

    Bằng những việc làm cụ thể mang ý nghĩa thiết thực, HND các cấp tỉnh Nam Định đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH. Các mô hình BVMT được xây dựng và ngày càng nhân rộng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Nhận thức, ý thức của người dân về bảo vệ TN&MT được nâng lên. Trong thời gian tới, các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy hơn nữa vai trò chủ thể trong cuộc vận động giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, tích cực tham gia xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, xây dựng NTM Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh.

An Vi

Ý kiến của bạn