Banner trang chủ

Kinh tế trang trại là thành tố quan trọng, điểm sáng của nông nghiệp Hà Nội

17/06/2024

    Hiện nay, kinh tế trang trại (KTTT) được xem là thành tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội, đảm bảo mục tiêu xuyên suốt trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Để thực hiện hiệu quả nền KTTT, thời gian qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển nhiều mô hình trang trại theo hướng xanh, bền vững về môi trường gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Cùng với đó, Thành phố cũng đẩy mạnh phát triển KTTT ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, chuyển đổi số, nhằm mục đích đưa KTTT trở thành điểm sáng của nông nghiệp Hà Nội.

    Tạo mọi điều kiện để KTTT phát triển bền vững

    KTTT được xem là hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ với các sản phẩm có giá trị, bảo đảm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hà Nội, nếu như năm 2011, toàn Thành phố có 1.124 trang trại, thì đến nay, con số này đã tăng lên 3.150 trang trại (tăng 2.026 trang trại). Trang trại chăn nuôi vẫn chiếm ưu thế với 2.700 trang trại, tiếp đến nuôi trồng thủy sản với 218 trang trại, trồng trọt có 38 trang trại, lâm nghiệp 1 trang trại và 193 trang trại tổng hợp. Còn theo tiêu chí mới ban hành được quy định tại Thông tư số 02/2020/TT/BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ NN&PTNT quy định về tiêu chí KTTT, Hà Nội hiện có 1.695 trang trại, trong đó 43 trang trại trồng trọt; 1.346 trang trại chăn nuôi; 196 trang trại nuôi trồng thủy sản; 109 trang trại tổng hợp. Đặc biệt, đã có 15 trang trại đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP; 64 trang trại có sản phẩm VietGAP, hữu cơ; 281 trang trại ứng dụng công nghệ cao; 294 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ... Đáng chú ý, trên địa bàn Thành phố đã hình thành một số trang trại kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao.

    Để các loại hình KTTT hình thành và phát triển, Thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ về đất đai, khoa học kỹ thuật, vay vốn, xúc tiến thương mại… giúp các trang trại phát triển hiệu quả. Đơn cử như chính sách về đất đai, theo Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 18/1/2008 của UBND Thành phố Hà Nội “Ban hành quy định về một số chính sách khuyến khích, phát triển KTTT trên địa bàn Thành phố” quy định về thời gian sử dụng đất phát triển KTTT tối thiểu là 20 năm kể từ ngày được phê duyệt lại và được phép xây nhà cấp 4 để làm kho chứa vật tư, thức ăn chăn nuôi… Các chủ trang trại còn được tham gia thực hiện mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; được vay vốn từ các quỹ hỗ trợ nông dân, khuyến nông để phát triển trang trại theo quy định. Thành phố cũng hỗ trợ 70% kinh phí cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và quảng cáo sản phẩm nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ 100% kinh phí thuê gian hàng để tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ở trong nước và quầy hàng, điểm bán hàng tại các chợ do ngành thương mại, UBND các quận, huyện, thị xã quản lý trên địa bàn Hà Nội đối với việc kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn; hỗ trợ 50% kinh phí thuê gian hàng ở nước ngoài để tham gia các hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp... qua đó, giúp cho các mô hình KTTT tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Đáng nói, nhiều trang trại đã sản xuất và cung ứng giống tốt, làm dịch vụ, kỹ thuật, tiêu thụ sản xuất cho nông dân trong vùng, tạo nguồn cung ổn định cho các cơ sở chế biến, tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao để phục vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại. Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ cho vay hàng trăm tỷ đồng để các trang trại đầu tư mở rộng sản xuất. Về phía các trang trại, chủ động khai thác nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để phát triển sản xuất từ các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, Qũy Hội Nông dân, Qũy Phát triển hợp tác xã (HTX), Qũy Tín dụng nhân dân...

Lễ Kỷ niệm Ngày HTX Việt Nam (11/4) và phát động Phong trào thi đua khu vực KTTT năm 2024 do Liên minh HTX TP. Hà Nội tổ chức

    Ngày 10/4/2024 mới đây, Liên minh HTX TP. Hà Nội đã tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày HTX Việt Nam (11/4) và phát động Phong trào thi đua khu vực KTTT năm 2024. Theo Liên minh HTX TP. Hà Nội, tính đến ngày 31/12/2023, tổng số HTX trên địa bàn Thành phố là 2.538 với doanh thu bình quân năm 2023 đạt 2.500 triệu đồng; số HTX phân loại tốt, khá đến cuối năm 2023 đạt 1.425 HTX… Triển khai Phong trào thi đua năm 2024, Liên minh HTX Thành phố tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành và các quận, huyện rà soát, nắm tình hình hoạt động, thành lập mới HTX; tăng cường tư vấn, hỗ trợ đơn vị thành viên; tổ chức tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của HTX. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ vốn đối với các đơn vị thành viên trên địa bàn từ nguồn quỹ hỗ trợ phát triển HTX; hướng dẫn các đơn vị thành viên tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh… 

    Bên cạnh đó, Liên minh HTX Thành phố tổ chức chuỗi sự kiện cũng như các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì HTX năm 2024, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô như: Tổ chức chức tuần hàng quảng bá sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ, làng nghề thống tại trụ sở cơ quan; tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức; tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm và xúc tiến thương mại, sản phẩm nông sản OCOP của HTX; ra mắt Tổ thành viên; tổ chức hội nghị phổ biến hướng dẫn hoạt động vay vốn Quỹ Hỗ trợ HTX Thành phố; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ quản lý HTX tại các huyện... Ngoài ra, Liên minh HTX Hà Nội còn phát động các phong trào thi đua tới cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan và các đơn vị thành viên phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Phấn đấu đến cuối năm 2024, vận động thành lập mới từ 100 HTX; thu nhập bình quân người lao động đạt 60 triệu đồng/người/năm… Trong thời gian tới, các HTX, doanh nghiệp, đơn vị thành viên Liên minh HTX sẽ tiếp tục xác định rõ vai trò trong xây dựng và phát triển KTTT, kinh tế tư nhân; tạo ra lợi ích, nâng cao lợi nhuận thu nhập cho thành viên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tạo liên kết vùng trong việc phát triển thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, tận dụng mọi nguồn lực, nhất là nguồn vốn hỗ trợ phát triển KTTT, HTX từ Trung ương và các cơ quan, ban ngành chức năng; triển khai hiệu quả các Đề án, kế hoạch của Trung ương, Thành phố về đẩy mạnh phát triển  KTTT, HTX, từ đó xây dựng và nhân rộng các mô hình KTTT điển hình tiên tiến.

    Ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, KTTT của Hà Nội luôn phát triển theo cả bề rộng và chiều sâu, theo hướng tập trung, quy mô lớn, gia tăng giá trị, bền vững. Các tiêu chí thực hiện theo đúng theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trang trại có mức hạn điền tối thiểu là 2,1 ha, giá trị sản lượng hàng hóa tối thiểu đạt 700 triệu đồng/năm). Đối với trang trại chăn nuôi, giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 2,369 tỷ đồng/trang trại/năm; trang trại tổng hợp là 2,834 tỷ đồng/trang trại/năm; trang trại trồng trọt 2,064 tỷ đồng/trang trại/năm; trang trại du lịch 2,4 tỷ đồng/trang trại/năm và trang trại lâm nghiệp đạt 1,1 tỷ đồng. Để KTTT có những bước tiến mới trong giai đoạn tiếp theo, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bên cạnh việc tham mưu Thành phố ban hành kế hoạch phát triển KKTT trong 5 năm tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tổ chức tập huấn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến và cung cấp thông tin thị trường, đào tạo quản lý từ chương trình khuyến nông để các chủ trang trại ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả. Mặt khác, đẩy mạnh phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp quy hoạch chung, từ đó, công bố công khai để nhân dân, chủ trang trại nắm bắt; đồng thời, khuyến khích, hướng dẫn các trang trại thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTT, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển KKTT theo hướng xanh, bền vững môi trường gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; phát triển trang trại ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, chuyển đổi số; tư vấn, hướng dẫn tạo điều kiện để các trang trại tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

    Đối với diện tích trồng lúa kém hiệu quả, đất để hoang hóa, ngành nông nghiệp sẽ chủ động tham mưu với Thành phố và các địa phương chuyển đổi sang phát triển trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, trồng hoa cảnh, cây cảnh, cây công trình, cây dược liệu… Bên cạnh đó, ngành cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại, kết nối cung - cầu “từ trang trại tới bàn ăn”; đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận cho các trang trại để được hưởng chính sách khuyến khích của Nhà nước. Ngoài ra, thực hiện liên kết theo chuỗi, nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, khuyến khích người dân thực hiện tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa chuyên canh để nâng cao sức cạnh tranh. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương giúp các chủ trang trại tiếp cận chính sách hỗ trợ của Thành phố về nông nghiệp, nông thôn, từ đó phát triển các mô hình KTTT theo hướng giá trị cao, bền vững; đẩy mạnh phát triển các loại hình KTTT, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm...

    Kỳ vọng là điểm sáng của nông nghiệp Hà Nội

    Phát triển KTTT trên địa bàn Hà Nội đã góp phần sử dụng hiệu quả đất đai, vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật; cung ứng cho thị trường số lượng lớn nông sản với các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, Thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển và đưa công nghiệp cũng như các ngành nghề dịch vụ đến khu vực nông thôn. Thu nhập của các trang trại ngày càng được nâng cao do ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chủ trang trại dám nghĩ, dám làm, tạo ra bước đột phá trong nhóm kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng nông thôn, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nhiều trang trại đã quan tâm đến liên kết sản xuất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Có thể thấy, Thành phố Hà Nội đã hình thành một hệ thống trang trại với nhiều loại hình, song những hạn chế về quy mô hay phát triển thiếu quy hoạch khiến KTTT chưa phát huy được tiềm năng. Khi Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào đời sống (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), Hà Nội kỳ vọng KTTT sẽ trở thành điểm sáng của nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới.

Mô hình KKTT của một hộ gia đình ở huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội

    Một trong những điểm tựa phát triển KTTT được các chuyên gia nông nghiệp kỳ vọng là những đổi mới trong Luật Đất đai (sửa đổi), cho phép mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất hay các quy định về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả. Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định khá rõ nét chế độ sử dụng đất kết hợp đa mục đích nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa những người sử dụng đất. Đây là điểm mới khá ưu việt, đang được đông đảo người dân quan tâm, nhất là ở những khu vực có lợi thế phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ, du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Thực tiễn phát triển các trang trại, gia trại gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm thời gian qua ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố cũng cho thấy, chính sách sử dụng đất đa mục đích sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo việc làm, bảo đảm sinh kế, cải thiện thu nhập cho nông dân; đồng thời, bổ sung nguồn thu từ tiền sử dụng đất cho ngân sách. Nếu triển khai hiệu quả, đây sẽ là giải pháp ích nước, lợi nhà, khắc phục tình trạng bỏ hoang đồng ruộng hoặc sử dụng sai mục đích, qua đó, đưa đất nông nghiệp vào khai thác đạt hiệu quả tối ưu. Chính sách mới này cũng hứa hẹn tạo điều kiện thúc đẩy các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khám phá miệt vườn, đặc biệt là mô hình “Farmstay” đang nở rộ, tạo động lực phát triển cho khu vực ngoại thành Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, với việc Hà Nội được quyết định sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông cho sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm… sẽ là những giải pháp mang tính quyết định để phát triển KTTT nói riêng và nông nghiệp Thủ đô nói chung. Cùng với Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có các quy định về quy hoạch đất, đó là tiền đề để phát triển các loại hình kinh tế nông nghiệp. Những quy định mới này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc vốn tồn tại lâu nay để KTTT, kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển hiệu quả, tạo bứt phá mới trong tương lai.

    Đặc biệt, Hà Nội là địa phương có nền nông nghiệp đặc thù - nền nông nghiệp nằm trong lòng đô thị, do đó, để phát triển nông nghiệp bền vững phù hợp với đặc thù riêng, Thành phố Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sạch, hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến nông sản và kết nối bền vững với chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) của nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Hà Nội năm 2023 là 2,74%, giá trị sản xuất đạt 41.681 tỷ đồng... Đến nay, Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Các mô hình công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường. Đáng chú ý, Hà Nội đã hoàn thành trước một năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới và thành tựu này được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô. Năm 2024, ngành nông nghiệp Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,5 đến 3%; yêu cầu đặt ra cho ngành là phải xác định đúng phương hướng phát triển, bảo đảm đầy đủ các yếu tố tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, gìn giữ văn hóa, giữ vững an ninh lương thực trong mọi hoàn cảnh. Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phục hồi tốc độ tăng trưởng thông qua việc nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, qua đó nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm trong tình hình mới. Cùng với đó, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; đồng thời, phải có những điểm nhấn khác biệt, bài toán giá trị kinh tế luôn song hành với bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn…; gắn nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với tập trung phát triển kinh tế hợp tác, KTTT, ngành nghề, làng nghề...

    Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất; giảm diện tích trồng lúa; tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh. Chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, cụ thể: Nâng cao hiệu quả và giảm dần diện tích trồng lúa, kế hoạch gieo trồng năm 2024 là 150.000 ha, sản lượng đạt hơn 900.000 tấn/năm; tập trung phát triển theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác, thu hoạch, sơ chế và chế biến lúa gạo. Đối với cây rau, mở rộng diện tích gieo trồng đạt hơn 35.000 ha; mở rộng diện tích trồng hoa đạt 7.449 ha; mở rộng diện tích cây ăn quả đạt 23.206 ha, tập trung phát triển cây trồng đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao như nhãn chín muộn, bưởi diễn, cam canh, táo, ổi... Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, xây dựng kế hoạch phát triển KTTT có trọng tâm, trọng điểm, nhằm huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân… để KTTT thực sự phát huy hiệu quả, trở thành điểm sáng của nông nghiệp Hà Nội.

Thu Hằng

(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội)

Ý kiến của bạn