Banner trang chủ

Huyện Thanh Oai: Đoàn kết xây dựng nông thôn mới

17/02/2022

    Ngày 7/1/2022, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thanh Oai đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); tổng kết các nhiệm vụ chính trị năm 2021 và phát động phong trào thi đua năm 2022. Như vậy, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM 2010 - 2020, từ một huyện có xuất phát điểm thấp so với bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, đời sống nhân dân còn thấp, thu nhập bình quân chỉ đạt hơn 8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 11,42%, Thanh Oai đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, thành phố, sự vào cuộc chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Thanh Oai, 19/19 tiêu chí của 20 xã và 9/9 tiêu chí của huyện đều đạt chuẩn NTM theo quy định.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Quyết định huyện Thanh Oai đạt chuẩn NTM năm 2020

    Thanh Oai là huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam Thủ đô, có tổng diện tích đất tự nhiên 12.447,34 ha, trong đó: đất nông nghiệp 8.372,47 ha (67%); dân số toàn huyện 221.438 người; huyện có 21 đơn vị hành chính cấp xã gồm 20 xã, 1 thị trấn Kim Bài là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện. Đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nét đặc trưng của nền văn hóa đồng bằng Bắc Bộ với nhiều làng nghề lâu đời, đặc sắc. Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Thanh Oai đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 

    Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai mới chỉ đạt từ 1 - 3 tiêu chí xây dựng NTM. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xuống cấp, thu nhập của người dân còn thấp, bình quân đạt 8,028 triệu đồng (năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 11,42%). Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và để đạt được mục tiêu đề ra. Được sự quan tâm của Trung ương, thành phố, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thanh Oai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế đặc thù phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và phân công cụ thể cho cấp ủy, chính quyền các cấp để tổ chức thực hiện. Huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện việc lập quy hoạch chung xây dựng NTM. Với sự tập trung nguồn lực của Nhà nước và người dân, doanh nghiệp  đã xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông đường trục xã, liên xã; đường trục thôn, liên thôn; đường ngõ xóm đã đảm bảo 100% được nhựa hóa, bê tông hóa. Đầu tư cải tạo, nâng cấp 6,96 km kênh mương cấp III; 8 trạm bơm phục vụ tưới tiêu thuận lợi, kịp thời đáp ứng sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp 158 trạm biến, 374,96 km đường dây trung thế 635,71 km đường dây hạ thế góp phần giảm thiểu tổn thất điện năng từ 9,23% xuống còn 3,65%; xây dựng mới 8 trạm y tế và nâng cấp, cải tạo 4 trạm y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,1% (tăng 40,39% so với năm 2010). Trường học xây mới 60, cải tạo nâng cấp 17 trường, đến nay toàn huyện có 60/74 trường học đạt chuẩn (đạt 81%) tăng 46 trường chuẩn so với năm 2010. Các thiết chế văn hóa, thể thao được đổi mới phương thức tổ chức hoạt động, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, cải tạo.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng đoàn công tác TP. Hà Nội thăm cơ sở sản xuất hoa lan công nghệ cao tại thôn Thiên Đông, xã Mỹ Hưng

    Thanh Oai hiện có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động, 5 cụm công nghiệp đã được thành phố phê duyệt trong năm 2020, hiện đang được các chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và 51 làng nghề truyền thống. Việc phát triển công nghiệp, làng nghề đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp, lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tăng, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng gia tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ; tăng chất lượng, năng suất lao động trong sản xuất.

    Đặc biệt, huyện đã có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2021, có 90% hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; có 62/74 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 83,8%... Hiệu quả của quá trình xây dựng NTM của huyện còn được thể hiện ở việc đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới mang lại giá trị kinh tế cao. Đến hết năm 2021, toàn huyện có 57 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)…

    Với những kết quả Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Thanh Oai đã nỗ lực phấn đấu trong hơn 10 năm qua, UBND TP. Hà Nội đã công nhận 20/20 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ngày 30/3/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 488/QĐ-TTg công nhận huyện Thanh Oai đạt chuẩn NTM năm 2020.

Các cơ sở đoàn trực thuộc trên địa bàn huyện Thanh Oai đồng loạt triển khai đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh, ngày 24/7/2022

    Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, phương châm thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, trong điều kiện tình hình kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện Thanh Oai tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa nguồn lực để tiếp tục xây dựng NTM nâng cao gắn với bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết để đạt và vượt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa 23 đề ra đó là phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng trở lên, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ rác thải, chất thải được thu gom, vận chuyển trong ngày đạt 100%... Đồng thời, hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung có quy mô lớn ở một số địa bàn có lợi thế thuận tiện giao thông, tiếp tục triển khai khu đô thị Thanh Hà - Mỹ Hưng và các khu đô thị xanh, sinh thái mới tại khu vực phía Nam huyện bám theo đường trục phát triển kinh tế phía Nam - Cenco 5; Hình thành các tuyến, điểm du lịch đạt chuẩn nhằm kết nối du lịch Thủ đô và du lịch vùng để từng bước đưa du lịch Thanh Oai thành ngành kinh tế quan trọng của huyện…

Hương Đỗ

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn