Banner trang chủ

Huyện Gia Lâm: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn

27/08/2021

     Từ một địa phương là tỉnh Quảng Ninh phát kiến đầu tiên, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020 (Chương trình OCOP) và nhân rộng ra cả nước. Thực hiện Chương trình, từ năm 2018 đến nay, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội đã có hàng chục sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao đến 5 sao. Đây là kết quả tích cực, góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với BVMT và phát huy giá trị văn hóa của địa phương.

     Sự vào cuộc tích cực của cả cộng đồng

     Ông Nguyễn Tiến Hoàng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 và UBND TP. Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình này, UBND huyện Gia Lâm đã xây dựng Đề án, ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện; Kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn; Tiến hành rà soát, đánh giá các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp để xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm tiêu biểu, làm nền tảng xây dựng các sản phẩm OCOP. Đồng thời, huyện đề ra mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ quản lý Chương trình OCOP cấp huyện và cấp xã, thị trấn được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, điều hành triển khai trực tiếp Chương trình OCOP; 100% các nhà quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình OCOP được đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh... UBND huyện Gia Lâm cũng đã thành lập Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP đến năm 2020; Ban hành quy chế phân công nhiệm vụ thành viên Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP; Thực hiện công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP và huy động nguồn lực thực hiện Chương trình...

Các sản phẩm tinh dầu, bột nghệ đạt 3 sao, 4 sao của cơ sở sản xuất tinh bột nghệ bà Bé, xã Dương Xá

      Sau 2 năm triển khai, Chương trình OCOP huyện Gia Lâm đã đạt được kết quả tích cực, 49/49 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình đều được đánh giá, phân hạng từ 3 sao đến 5 sao. Trong đó, có 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 36 sản phẩm đạt 4 sao và 8 sản phẩm đạt 3 sao. Cụ thể, 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao năm 2019 là sản phẩm gốm sứ của Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh và HTX sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (xã Bát Tràng). Hiện tại, các sản phẩm đã được Đoàn thẩm định của Hội đồng thẩm định và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định Trung ương về kiểm tra trực tiếp tại cơ sở. Huyện đang hoàn thiện hồ sơ để UBND TP. Hà Nội đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Các sản phẩm đạt 4 sao và 3 sao tập trung vào các loại rau, quả tươi (xã Văn Đức); Các loại trà (xã Ninh Hiệp); sữa tươi, sữa chua (xã Phù Đổng); sản phẩm nông nghiệp chế biến như viên nghệ, tinh dầu, bột nghệ các loại (xã Dương Xá)... Các sản phẩm OCOP được xếp hạng có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn.

     Để Chương trình OCOP được triển khai hiệu quả, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục hỗ trợ, tư vấn nâng cấp các sản phẩm để tham gia đánh giá phân hạng, nâng thứ hạng sao đối với sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP năm 2019 - 2020, bao gồm 44 sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP 3 sao và 4 sao; Tiếp tục khảo sát, đăng ký đánh giá phân hạng mới đối với các sản phẩm tiềm năng như: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống (gốm sứ xã Bát Tràng, Kim Lan; Dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; Rau an toàn của các xã Văn Đức, Đặng Xá; Rau mầm xã Đình Xuyên; Rau thủy canh, giá an toàn xã Đa Tốn; Ổi Đông Dư; Ổi lê Phú Thị, Dương Xá; Chuối Kim Sơn, Phú Thị; Chuối cấy mô thị trấn Trâu Quỳ; Rau cải mầm xã Đình Xuyên; Thực phẩm thịt tươi sống, thực phẩm qua chế biến của Công ty cổ phần Lan Vinh, Công ty cổ phần Hải Nguyên; Trà xạ đen xã Yên Thường; Sản phẩm thảo dược xã Ninh Hiệp; Sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch tại 5 làng nghề truyền thống xã Bát Tràng, Kim Lan, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp...). Riêng năm 2021, huyện dự kiến tham gia đánh giá 30 sản phẩm OCOP; Năm 2022 - 2025 tham gia đánh giá từ 40 sản phẩm trở lên.

     Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, Gia Lâm đã phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức khai trương 2 điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP tại các xã: Dương Xá và Bát Tràng, gắn với du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương tới du khách. Vì vậy, thời gian tới, phòng Kinh tế huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng và các xã tổ chức khảo sát, đánh giá, xác định 6 nhóm sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, tập trung vào những sản phẩm lợi thế tại các làng nghề truyền thống: Gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan; Dát vàng quỳ và may da Kiêu Kỵ; Dược liệu Ninh Hiệp; các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như rau, quả an toàn ở Văn Đức, Đặng Xá… gắn với du lịch làng nghề văn hóa, sinh thái trải nghiệm. Mỗi năm, duy trì tổ chức ít nhất một chuyến đi thực tế cho cán bộ, nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đến địa phương đang thực hiện tốt Chương trình OCOP… Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng rà soát, triển khai xây dựng thêm nhiều điểm giới thiệu sản phẩm OCOP khác gắn với các địa điểm du lịch làng nghề, sinh thái, trải nghiệm trên địa bàn, góp phần quảng bá sản phẩm tiêu biểu của huyện tới khách thập phương, tạo mối liên kết sản xuất - tiêu thụ và tăng thu nhập cho người dân làng nghề.

    Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội cho rằng, Chương trình OCOP có tiếp cận rất rõ ràng, theo đó phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương...). Với nguyên tắc như vậy, Chương trình đặt ra các yêu cầu: Phát huy được tiềm năng, lợi thế cũng như truyền thống của địa phương để phát triển các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế và văn hóa; Phát huy sự sáng tạo cùng sức mạnh cộng đồng để tổ chức sản xuất và hình thành các sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng; Phát triển liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa. Thực chất, Chương trình OCOP bao hàm các giải pháp hỗ trợ tổng thể đối với các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, trong đó tập trung vào ba khía cạnh chính: Chuẩn hóa và phát triển sản phẩm dựa trên thế mạnh, lợi thế của các địa phương; Thúc đẩy sự sáng tạo để hình thành các sản phẩm gắn với nhu cầu của thị trường (yêu cầu về an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác, sự tiện dụng…), nhưng vẫn bảo đảm sự đặc sắc và nổi trội (đặc biệt về chất lượng, văn hóa truyền thống…); Tập trung nâng cao năng lực của các chủ thể kinh tế (quản trị, tổ chức sản xuất và marketing...), đặc biệt là hướng đến xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP với vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, kế hoạch xây dựng, phát triển các điểm bán, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của Gia Lâm trong thời gian tới là rất quan trọng, qua đó khuyến khích các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP; Phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng… 

     Gắn phát triển Chương trình OCOP với xây dựng NTM

     Huyện Gia Lâm nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của TP. Hà Nội, nơi giao thoa giữa 2 nền văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc, có vị trí địa lý rất thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu thương mại. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM); Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội và Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nhân dân, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền cũng toàn thể nhân dân huyện Gia Lâm đã tập trung triển khai, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.

     Từ xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, chỉ có 9 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí; 11 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí vào năm 2010, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt như: Quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, hộ nghèo, môi trường… Tuy nhiên, với đặc điểm là huyện ngoại thành ở phía Đông Bắc của Thủ đô, nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông huyết mạch đã tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Chính vì vậy, huyện Gia Lâm xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, là cơ hội để tập trung mọi nguồn lực đầu tư, định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp theo hướng đô thị hóa, từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo lao động, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị. Đến nay, 20/20 xã của huyện đã đạt chuẩn NTM và năm 2018, huyện Gia Lâm đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.

Gia Lâm có nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

     Trong quá trình xây dựng NTM, việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống luôn được huyện đặc biệt quan tâm. Với các làng nghề truyền thống như: Dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; Thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp; Gốm sứ Kim Lan, Bát Tràng… đã tạo ra giá trị đặc trưng, các sản phẩm tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Huyện Gia Lâm đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề, phát triển làng nghề theo định hướng xây dựng NTM gắn với công tác quản lý môi trường và phát triển du lịch. Đồng thời, gắn với vấn đề tái cấu trúc làng nghề để thích nghi với hội nhập kinh tế, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển liên doanh, liên kết giữa các cơ sở làng nghề; Đảm bảo sự tăng trưởng ổn định lâu dài về mặt kinh tế và sự phát triển bền vững của làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khang trang, Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp.

     Đặc biệt, cùng với làng nghề Vạn Phúc - Hà Đông, làng nghề truyền thống Bát Tràng đã được UBND TP. Hà Nội công nhận là điểm du lịch và quy hoạch, đầu tư, bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống, kết hợp với du lịch. Nắm bắt cơ hội, UBND huyện Gia Lâm đã xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển du lịch ở Bát Tràng, đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển làng văn hóa du lịch Bát Tràng gắn với phát triển Chương trình OCOP. Để các sản phẩm truyền thống, dịch vụ của Bát Tràng đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước cũng như quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

     Bên cạnh đó, xã Văn Đức được biết đến là vùng trồng rau theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP lớn nhất huyện Gia Lâm (tổng diện tích khoảng 250 ha). Tham gia OCOP năm 2019, để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức đăng ký 7 sản phẩm: Bắp cải, cải thảo, cải ngọt, súp lơ xanh, trắng, mướp đắng, đậu trạch. Kết quả, các sản phẩm của Hợp tác xã được đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Nhờ đó, giá trị sản phẩm tăng, nhiều khách hàng biết đến nên số lượng tiêu thụ tăng 20 - 30%, một phần còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc, cải thiện thu nhập cho nông dân.

Sản phẩm gốm Bát Tràng có nhiều kiểu dáng, mẫu mã và chủng loại

     Trên cơ sở khảo sát, đánh giá những sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh, huyện Gia Lâm xác định các nhóm sản phẩm chính: Thực phẩm (rau, quả an toàn, thịt lợn hữu cơ), đồ uống (sữa), thảo dược... tập trung tại các xã: Văn Đức, Đặng Xá, Đa Tốn, Cổ Bi, Phù Đổng, Dương Hà; Những sản phẩm có lợi thế tại các làng nghề truyền thống: Gốm sứ Bát Tràng và Kim Lan; Dát vàng quỳ, may da Kiêu Kỵ; Hoa - cây cảnh xã Phù Đổng... được đưa vào danh sách đăng ký tham gia OCOP. Năm 2019, huyện xây dựng thành công 19 sản phẩm OCOP, trong đó, 14 sản phẩm được phân hạng 4 sao; 5 sản phẩm được đánh giá tiềm năng 5 sao... Cùng với duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, huyện tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đã được UBND TP. Hà Nội đánh giá phân hạng sản phẩm tiềm năng 5 sao, đạt hơn 90 điểm (năm 2019) để Thành phố đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Việc đăng ký sản phẩm tham gia OCOP chính là xây dựng, quảng bá thương hiệu, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm; Tạo liên kết chuỗi trong sản xuất - tiêu thụ... Việc dán logo OCOP là cách giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm tốt để lựa chọn. Năm 2020, huyện tiếp tục đánh giá, phân hạng từ 60 sản phẩm trở lên, tập trung vào các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực (rau, quả an toàn); Sản phẩm của các làng nghề truyền thống (Bát Tràng, Kim Lan, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp). Đồng thời, xây dựng lộ trình hình thành 3 sản phẩm du lịch: Mô hình làng nghề văn hóa, du lịch Bát Tràng gắn với phát triển sản phẩm OCOP; Mô hình trải nghiệm nông nghiệp xã Văn Đức; Mô hình làng nghề hoa - cây cảnh xã Phù Đổng.

     Để nâng tầm sản phẩm OCOP, huyện Gia Lâm đề nghị các Sở, ngành, Thành phố quan tâm, có chính sách hỗ trợ người dân về vốn đầu tư mở rộng sản xuất; phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; Kết nối xây dựng liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm OCOP ổn định, hiệu quả... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo nền tảng tiếp tục tập trung cho các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng NTM gắn với đô thị hóa để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM trên địa bàn, nhất lả tiêu chí vè môi trường, hướng đến xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị và BVMT, phấn đấu đạt các mục tiêu theo quy định, đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện thành quận trong giai đoạn 2020 - 2025.

Bảo Bình

Ý kiến của bạn