Banner trang chủ

Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ: Sát cành cùng nông dân thoát nghèo và nỗ lực góp phần xử lý rác thải, chất thải từ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại địa phương

28/10/2021

    Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân tham gia BVMT, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, Hội Nông dân (HND) các cấp tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các hoạt động BVMT, đặc biệt là tham gia các hoạt động hưởng ứng sự kiện, chủ điểm lớn về môi trường như Ngày Môi trường thế giới, Ngày Nước thế giới, Tuần lễ quốc gia vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… Hàng năm, các cấp Hội phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức BVMT; thu gom, phân loại rác thải của hộ gia đình; thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải từ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm của các hộ dân nằm xen kẽ trong khu dân cư nông thôn; xây dựng các mô hình “đoạn đường nông dân tự quản”, “thắp sáng làng quê”, “con đường hoa”... 

       Cùng nông dân thoát nghèo

    Toàn tỉnh hiện có 208.798 hội viên nông dân, chiếm 92,08%, với tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo -  Phát triển”, các cấp HND trong tỉnh đã phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện; phát huy vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên quê hương Đất Tổ. Trong quá trình hoạt động, Ban Chấp hành HND các cấp đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, mạnh dạn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo phương châm hướng về cơ sở, gần nông dân, sát nông dân; làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; đổi mới phương thức tập hợp nông dân trên cơ sở xây dựng chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp. Đồng thời, mở rộng thành phần, đối tượng, hướng tới phát triển hội viên là nông dân vùng đồng bào có đạo, các chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, các hợp tác xã phục vụ nông nghiệp, nông thôn, các nhà khoa học, học sinh phổ thông trung học, sinh viên đại học, cao đẳng…; hướng tới xây dựng phần mềm quản lý hội viên trong hệ thống Hội. Đến nay, các cấp HND trong tỉnh đã thành lập 54 chi HND nghề nghiệp, 149 tổ HND nghề nghiệp và 1 chi HND tại Trường Đại học Hùng Vương.

Đại diện HND tỉnh Phú Thọ hướng dẫn bà con nông dân thu gom bao bì vỏ thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa theo quy định

    Hội luôn xác định lấy lợi ích kinh tế làm trọng tâm để tổ chức tập hợp hội viên nông dân thông qua các loại hình tổ chức kinh tế, các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, tập trung, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế thị trường. Cùng với đó, các cấp HND trong tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân, thay đổi tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn, trang bị cho nông dân có đủ kiến thức để làm chủ và phát huy vai trò chủ thể trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Chú trọng tổ chức các hình thức chuyển giao kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình điểm để tổ chức cho hội viên thăm quan, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. HND tỉnh cũng triển khai đồng bộ các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân trên các lĩnh vực và mang lại kết quả tích cực. Bình quân mỗi năm, Hội trực tiếp tổ chức từ 15 - 20 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 500 - 700 học viên là lao động nông thôn; tập huấn kiến thức cơ bản về xây dựng mô hình kinh tế tập thể cho trên 700 cán bộ, hội viên nông dân; thành lập từ 8 - 10 hợp tác xã, 10 - 15 tổ hợp tác, mô hình kinh tế tập thể liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức trên 800 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cho trên 70.000 lượt hội viên nông dân; nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với tổng số dư nợ trên 1.200 tỷ đồng cho 35.000 hộ vay vốn tại 1.050 tổ tiết kiệm và vay vốn để đầu tư cho sản xuất. Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp cũng làm tốt công tác xây dựng quản lý vốn, hiện tại cho gần 1.200 hội viên vay phát triển sản xuất kinh doanh với số tiền trên 45 tỷ đồng. Hội cũng đã cung ứng hàng nghìn tấn phân NPK chậm trả cho nông dân...

    Các cấp hội đã đẩy mạnh các phong trào thi đua như nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh… Chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi làm nòng cốt tham gia thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp, xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; xây dựng các mô hình điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như VietGAP, GlobalGAP… Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp vận động, hướng dẫn, thành lập 949 tổ hợp tác, 235 hợp tác xã. Đến nay, Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành phong trào cách mạng của giai cấp nông dân, được đông đảo các hộ nông dân hưởng ứng, tham gia, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có trên 80.000 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp.

    Tích cực thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải từ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại địa phương

    Cùng với phát triển kinh tế, các cấp HND trong tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hội viên, nông dân toàn tỉnh đã hiến hàng vạn m2 đất, đóng góp hàng triệu ngày công lao động, hàng trăm tỷ đồng... để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, phúc lợi công cộng, các thiết chế văn hóa… và tham gia tích cực vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tham gia có trách nhiệm, hiệu quả vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, giúp các địa phương sớm hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, các cấp HND trong tỉnh triển khai thực hiện và phối hợp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp HND Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Hội viên nông dân vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm

    Nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường ở khu vực thành thị và nông thôn, các cấp HND tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều mô hình, dự án xử lý rác thải ở nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, năm 2021, thực hiện Quyết định số 3895-QĐ/HNDTW ngày 28/7/2021 của Ban Thường vụ Trung ương HND Việt Nam phê duyệt Xây dựng mô hình “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải và chất thải từ giết mổ gia súc, gia cầm của các hộ dân nằm xen kẽ trong khu dân cư nông thôn” và thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình HND Việt Nam tham gia BVMT làng nghề giết mổ gia súc, gia cầm nằm xen kẽ trong khu dân cư nông thôn” năm 2021, HND tỉnh Phú Thọ được Trung ương HND Việt Nam hỗ trợ xây dựng mô hình với số tiền 150 triệu đồng. HND tỉnh đã phối hợp với HND huyện Thanh Thủy tiến hành khảo sát và xây dựng mô hình: “Xử lý chất thải, rác thải cho các hộ giết mổ gia súc, gia cầm xen kẽ trong khu dân cư nông thôn” năm 2021 tại xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy với 25 hộ nông dân giết mổ gia súc, gia cầm nằm xen kẽ tại các khu dân cư.

    Theo nội dung xây dựng mô hình, đến nay, HND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc BVMT nông thôn; hướng dẫn kỹ thuật xây dựng khu giết mổ, chế biến, chuồng trại chăn nuôi đảm bảo chất lượng, đúng quy cách, tiêu chuẩn quy định; kỹ thuật thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải chăn nuôi thành phân vi sinh cho 100 cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy. Hỗ trợ vật tư bao gồm: 75 thùng đựng rác cho (mỗi hộ 3 thùng đựng rác để thu gom, phân loại rác thải); 125 kg men vi sinh xử lý nước thải, rác thải sau giết mổ gia súc, gia cầm cho 25 hộ tham gia mô hình. Ngoài ra, HND tỉnh còn phối hợp với chính quyền địa phương giám sát việc xây dựng bể lắng nước thải, cống rãnh thoát nước (nguồn vốn đối ứng của các hộ dân) nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn. Thông qua việc xây dựng mô hình HND tỉnh đã hướng dẫn thành lập được “Tổ HND BVMT trong giết mổ, gia súc gia cầm”. Đồng thời, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn xã nói chung, hội viên nông dân các xã trên địa bàn toàn tỉnh nói riêng tích cực vệ sinh đường làng, ngõ xóm, ruộng đồng, vệ sinh môi trường nông thôn Xanh - Sạch - Đẹp, tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội phát động.

    Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập HND Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2021), tiếp nối truyền thống vẻ vang của giai cấp nông dân Việt Nam, với tinh thần đổi mới và quyết tâm chính trị cao, HND tỉnh Phú Thọ sẽ luôn kiên định, vững bước trên con đường cách mạng, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân; tập hợp đoàn kết nông dân vào tổ chức Hội, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Đại hội đại biểu HND tỉnh Phú Thọ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hương Mai

 

Ý kiến của bạn