Banner trang chủ

Hà Nội hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đồng bộ, toàn diện

23/04/2021

     Với những kết quả đã đạt được, xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thủ đô Hà Nội đã thực sự là luồng gió mới, trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, được hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Năm 2021, Hà Nội phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM ở 100% số xã; có thêm 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 huyện đạt chuẩn NTM... Để đạt mục tiêu đề ra, Thành phố đã chỉ đạo các địa phương chủ động vào cuộc, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.

     Điểm sáng của cả nước trong xây dựng NTM

     Thông tin tại Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đến hết quý I/2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 9 tháng cuối năm do Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU tổ chức ngày 23/4/2021, Giám đốc Sở NN&PTNT - Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong quý I/2021, Thành phố đã có thêm 5 huyện đạt chuẩn NTM. Đến nay, toàn Thành phố đã có 12/18 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM .Cũng trong quý I, Thành phố đã thẩm định công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 368/382 xã (chiếm 96,3%) và 29 xã NTM nâng cao. Còn lại 14 xã (5 xã của huyện Mỹ Đức, 9 xã của huyện Ba Vì) đều đạt từ 15 - 18 tiêu chí. Đối với công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Thành phố duy trì ổn định các ngành trồng trọt và chăn nuôi. Đến hết quý I/2021, Thành phố có 141 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn; 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Thành phố đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.054 sản phẩm và xây dựng được 14 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Công tác chăm lo đời sống cho người dân được duy trì, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, đặc biệt có 4 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức) không còn hộ nghèo. Thành quả mà Hà Nội đạt được trong xây dựng NTM, một phần quan trọng đến từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã huy động được tổng nguồn lực hơn 57.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, Thành phố  đã vận động được các doanh nghiệp, hợp tác xã và đông đảo nhân dân ủng hộ nguồn lực lên tới hơn 4.800 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Cũng nhờ nguồn lực lớn từ nhân dân mà đến nay, Hà Nội không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Mục tiêu của Thành phố đề ra trong năm 2021 là tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng NTM ở các xã đã đạt chuẩn; Hoàn thành xây dựng NTM đối với 14 xã còn lại. Thành phố cũng phấn đấu có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM; 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao...

Công trình đường bê tông nội đồng ở Sóc Sơn, Hà Nội

     Trao đổi về vấn đề hoàn thành xây dựng NTM đối với 14 xã còn lại trong năm 2021, ông Chu Phú Mỹ cho biết, trong xây dựng NTM nâng cao, chỉ tiêu đặt ra cho các tiêu chí đều cao hơn hẳn so với xây dựng NTM thông thường. Đơn cử, tiêu chí trường học, yêu cầu xã phải đạt chuẩn quốc gia đối với 3 cấp học là trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, trong đó có tối thiểu 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 nên đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực rất lớn mới hoàn thành. Vì vậy theo ông, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là hoàn thành xây dựng NTM ở 14 xã còn lại, bởi tuy số xã chưa đạt chuẩn NTM không nhiều, nhưng đây đều là những địa phương khó khăn thuộc các huyện cũng khó khăn của Thành phố.

     Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM Thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, với mục tiêu 14 xã còn lại hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2021, Thành phố đã yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo các xã tập trung hoàn thành các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ trình Thành phố thẩm định, công nhận trước ngày 30/9/2021. Đối với xây dựng xã NTM nâng cao, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các huyện, thị xã đăng ký mục tiêu cụ thể. Trên cơ sở đó, Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho các huyện, thị xã và có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện. Về mục tiêu huyện đạt chuẩn NTM, ngoài những đơn vị cấp huyện đã được công nhận và các đơn vị khác đang được Trung ương xem xét, công nhận năm 2021, Hà Nội tiếp tục yêu cầu 3 huyện: Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận.

Mô hình trồng rau an toàn tại xã Chu Minh (huyện Ba Vì) góp phần nâng cao đời sống cho người dân

     Triển khai nhiệm vụ Thành phố giao, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn thông tin, huyện đang huy động tối đa các nguồn lực để 5 xã còn lại về đích NTM. Tuy nhiên, để hoàn thiện các tiêu chí hạ tầng cần nguồn vốn lớn, trong khi Mỹ Đức là huyện khó khăn nên mong muốn được Thành phố hỗ trợ thêm, đồng thời chỉ đạo các quận tiếp tục giúp đỡ các huyện trong xây dựng NTM. Còn theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, đối với nhiệm vụ xây dựng NTM ở 9 xã còn lại trong năm 2021, bên cạnh tập trung cho các tiêu chí cần nhiều vốn đầu tư, huyện yêu cầu các xã hoàn thành các tiêu chí không cần nhiều kinh phí như văn hóa, môi trường... ngay từ những tháng đầu năm.

     Chủ động với quyết tâm cao, hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu

     Một trong những bài học kinh nghiệm, yếu tố quan trọng tạo nên thành quả xây dựng NTM của Hà Nội là việc xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, gắn với giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời. Ngay sau khi Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ Thành phố Hà Nội được thông qua, ngày 26/4/2016, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”. Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy thành lập nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, làm việc trực tiếp với các huyện, thị xã và sở, ngành liên quan để đôn đốc việc thực hiện tại cơ sở. Tiếp đó, ngày 6/10/2016, UBND Thành Phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND nhằm cụ thể hóa việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU. Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo các cấp, ban, ngành, địa phương, đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi và Thành phố đặc biệt coi trọng việc sơ kết, tổng kết, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình số 02-CTr/TU đề ra.

     Trong suốt 10 năm qua, Hà Nội luôn giữ vững quan điểm xuyên suốt: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và BVMT sinh thái. Dó đó, một bài học kinh nghiệm khác được Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI chỉ ra, có thể đóng vai trò quan trọng đối với việc hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, đó là nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở các cấp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng cần tiếp tục được chú trọng, nhằm tạo chuyển biến nhận thức về vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Qua đó, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tạo động lực để phong trào ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu.

     Cụ thể hóa chủ trương, đường lối trên, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Đây được xem là tiền đề thuận lợi để NTM Thủ đô tiếp tục có những bước chuyển mạnh mẽ trong 5 năm tới. Định hướng giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy cũng đã được nhận diện. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông thôn, nông dân cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân;Tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng NTM theo hướng nâng cao, kiểu mẫu gắn với quy hoạch chung phát triển Thủ đô; Chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng khung một số huyện định hướng phát triển thành quận theo kế hoạch, lộ trình của Thành phố;  Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, trong đó ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng gắn với sản xuất nhằm bảo đảm và đa dạng sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng hóa;Quản lý và sử dụng hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; Quy hoạch và phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mạnh ngành nghề, dịch vụ, gắn với đào tạo, nhân cấy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…

     NTM là công cuộc có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc

     Ngày 22/4/2021, tại Hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã truyền đạt đến đại biểu các nội dung của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”.

     Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVI) về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”. Tổng nguồn vốn Thành phố đã huy động để đầu tư trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM là 62.459 tỷ đồng. Đến nay, Thành phố Hà Nội đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 368/382 xã (chiếm 96,3% số xã) đạt chuẩn NTM, 29 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao… Toàn thành phố cũng đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa cho các hộ dân (đạt 99,21%); có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1.054 sản phẩm OCOP, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 731 sản phẩm 4 sao, 306 sản phẩm 3 sao… Đây là những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng NTM tại Thủ đô, làm thay đổi toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân tại khu vực nông thôn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến truyền đạt

nội dung của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 22/4/2021

     Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại, như: Việc xây dựng NTM vẫn chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước; Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư chưa đồng bộ; Công tác tổ chức sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ còn chuyển biến chậm; Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; Sự chênh lệch trong thu nhập và đời sống của người dân giữa khu vực thành thị và nông thôn ngày càng cao; Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn còn tiềm ẩn phức tạp… Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ những mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong việc xây dựng NTM của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu được đặt ra tại Chương trình số 04-CTr/TU là: Quá trình xây dựng NTM cần thực hiện thực chất, thiết thực, hiệu quả và bền vững hơn, gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, NTM phồn vinh, văn minh và hiện đại. Cùng với đó, Thành phố phải xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, phù hợp theo tiêu chí đô thị; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ và bền vững, trình độ sản xuất tiên tiến, hiện đại, chuyên nghiệp; Sản phẩm có sức cạnh tranh cao; Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

     Thành phố cũng cần đặt mục tiêu xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa, nông dân giàu có; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh; Hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; Quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn...

     Từ thực tế những kết quả đã đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế, Thành phố Hà Nội sẽ quyết tâm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với: 100% các huyện, các xã đạt chuẩn NTM; 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 95% trở lên…

Bùi Hằng

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Thành phố Hà Nội)

 

Ý kiến của bạn