Banner trang chủ

Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp: Cách làm của TP. Hà Nội

11/11/2021

    Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến rất phức tạp trên cả nước. Tại Hà Nội, số ca nhiễm F0 trong cộng đồng vẫn còn cao. Trong khi đó, nông sản thực phẩm là mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng Thủ đô, chủ yếu mua hàng thông qua các điểm bán hàng truyền thống, siêu thị nên dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ dễ phát sinh dịch bệnh. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, các đơn vị kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP đang lúng túng trong việc kết nối, tiêu thụ, người tiêu dùng chưa kịp thời tiếp cận nguồn cung sản phẩm vừa bảo đảm an toàn, chất lượng, giá hợp lý và bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch theo quy định của Thành phố. Trước thực trạng trên, để tránh việc đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn để phòng chống dịch hiệu quả và phát triển sản xuất, TP. Hà Nội đang tập trung phát triển kênh phân phối nông sản trực tuyến; mạnh dạn ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để giúp nông dân, các chủ thể sản xuất, kinh doanh có thêm cơ hội tiếp cận người tiêu dùng. Hình thức livestream trên mạng xã hội và hoạt động xúc tiến thương mại thí điểm mô hình "Chợ đêm trên mây" kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trên nền tảng số được xem là những giải pháp hữu hiệu, linh hoạt để địa phương có thể quảng bá, kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, tháo gỡ khó khăn cho nông dân và các chủ thể sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại.

Các chủ thể OCOP livestream bán hàng trực tuyến trong "Ngày hội livestream sản phẩm OCOP" lần 1

    Livestream là phương thức bán hàng kiểu mới, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh và xu thế phát triển của công nghệ hiện đại, giúp cho các chủ thể có thể đổi mới tư duy, quyết tâm tiếp cận với công nghệ mới để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách trực quan, hữu ích. Đây cũng là không gian để những nhà sản xuất, nông dân đích thực, dành cả tâm huyết và niềm đam mê của mình cho những sản phẩm, giới thiệu thông tin về sản phẩm, chia sẻ những chuyện nghề, giá trị nhân văn (văn hóa, con người). Đồng thời, là không gian để người tiêu dùng có thể mua hàng trực tiếp, có địa chỉ tin cậy để mua hàng khi có nhu cầu, tương tác, trao đổi những thắc mắc, vấn đề quan tâm. Đặc biệt, những thông điệp của sự kiện được trao đổi, dẫn dắt và truyền tải qua những nhân vật nổi tiếng bằng sự trải nghiệm, tâm huyết và trách nhiệm với cộng đồng, góp phẩn lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

    Nhận thức được điều đó, ngày 6/6/2021, lần đầu tiên Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội phối hợp cùng một số cơ quan tổ chức sự kiện "Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội" gắn với chương trình vận động ủng hộ Quỹ Vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ. Đây là cơ hội để các chủ thể, tiệm cận làm quen với hệ thống thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay. Tại sự kiện đã thu hút 10 chủ thể với hơn 60 sản phẩm OCOP đã được đánh giá phân hạng của thành phố tham gia. Với sự hỗ trợ của các MC nổi tiếng và đơn vị tổ chức truyền thông giao lưu và hướng dẫn các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông sản kỹ năng giới thiệu trực tiếp những đặc sản OCOP đạt tiêu chuẩn “Ba sạch bốn sao”. Đồng thời, các chủ thể cũng giới thiệu những quy trình sản xuất, chế biến an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chia sẻ những câu chuyện văn hóa kết tinh trong từng sản phẩm tới khách hàng, người tiêu dùng qua nền tảng thương mại trực tuyến, mạng xã hội. Việc tổ chức sự kiện lần này xuất phát chính từ những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm và sản phẩm OCOP có dấu hiệu bị đứt gãy, đe dọa trực tiếp đến các đơn vị sản xuất, đặc biệt là người nông dân. Đồng thời, cũng phù hợp với định hướng của Bộ NN&PTNNT trong thời gian vừa qua, đó là xây dựng kế hoạch dài hạn trong việc bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Livestream bán sản phẩm OCOP ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19

    Cùng với livestream, từ cuối tháng 8/2021 đến nay, vào tối thứ sáu hàng tuần, Sở NN&PTNT, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội thí điểm tổ chức chương trình “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trực tuyến” với tên gọi “Phiên chợ đêm trên mây”. Dù mới đi vào hoạt động (đến hết tháng 10/2021 đã tổ chức được 5 phiên chợ) song mô hình đã khẳng định hiệu quả thiết thực, giúp chuỗi cung ứng nông sản không bị đứt gẫy, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Đây là chương trình thí điểm sự kiện "Kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền" trên nền tảng kỹ thuật số của chợ đêm trên mây. Mục tiêu của sự kiện nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ và UBND TP. Hà Nội, cũng như hỗ trợ các học viên là các chủ thể OCOP và nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền được học tập trao đổi kinh nghiệm kỹ năng livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội; trao đổi và tiếp thị sản phẩm. Cùng với đó, kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối và người tiêu dùng Thủ đô để từng bước giúp các chủ thể sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường. Đặc biệt, Chương trình này còn kết nối chuỗi các hoạt động: tập huấn kỹ năng tiếp thị và bán hàng trên môi trường số "Tập huấn online"; hoạt động truyền thông, tiếp thị "Ngày hội livestream" và hoạt động xúc tiến thương mại thí điểm mô hình "Chợ đêm trên mây" kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trên nền tảng số.

Đại diện Ban Tổ chức và các chủ thể tham gia phiên chợ trực tuyến "Chợ đêm trên mây" tối ngày 1/10/2021

    Có thể nói, “Phiên chợ đêm trên mây” là hoạt động rất thiết thực nhằm thực hiện tinh thần cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong bối cảnh tình hình mới và chiến lược thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ cũng như của Thủ đô. Từ đó, giúp các chủ thể OCOP, những cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn đến thời vụ thu hoạch, chế biến có nơi tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, từng bước hỗ trợ họ thích ứng với trạng thái bình thường vừa nới lỏng giãn cách từng bước vừa an toàn trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm… Đáng chú ý, tại “Phiên chợ đêm trên mây”, người mua được mua sản phẩm trực tiếp từ người sản xuất với giá gốc, được hưởng các chương trình khuyến mại, quà tặng, do hàng bán trên chợ này chủ thể không mất chi phí thuê gian hàng. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của phương thức bán hàng trực tuyến là độ tin cậy của sản phẩm. Chính vì vậy, sự xuất hiện của bên thứ ba là cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc xác nhận chất lượng, bảo đảm người bán hàng cung cấp sản phẩm an toàn, người mua thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán. Nhận thức được điều này, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội yêu cầu chủ thể sản xuất, kinh doanh khi tham gia “Chợ đêm trên mây” phải có đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn mác chứng minh chất lượng của sản phẩm. Đặc biệt, phải có cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm giới thiệu và bán tại “Chợ đêm trên mây”. Mục tiêu cốt lõi mà phiên chợ hướng đến là “Sản phẩm thật - Giá trị thật - Giao dịch thật”. Mỗi phiên chợ online bên cạnh sự có mặt của chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền, Ban Tổ chức còn mời các nhà phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng tham dự, nắm bắt cơ hội hợp tác, liên kết, mua sản phẩm.

    Dịch Coid-19 đang tạo ra cơ hội mới cho kênh bán hàng trực tuyến và có thể mang lại triển vọng mới cho ngành bán lẻ thời gian tới. Ðể tiếp tục đẩy mạnh phát triển bán hàng đa kênh, ứng dụng công nghệ 4.0 hiệu quả, các chủ thể OCOP cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị, áp dụng mạnh và nhanh chóng chuyển đổi số trong kinh doanh, giảm khâu trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ðồng thời, cần tiếp tục xây dựng những thương hiệu mạnh, tạo thêm nhiều cơ hội thuận lợi để đưa hàng hóa trong nước vào các chuỗi bán lẻ, triển khai mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững ngành bán lẻ Việt Nam.

Trần Hương

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Ý kiến của bạn