12/01/2021
KTTT hiện là một trong những mũi nhọn góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sản xuất hàng hóa ở Hà Nội thông qua tích tụ, tập trung ruộng đất, khai thác các tiềm năng về đất, vốn và lao động tại các địa phương; Nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, giúp nông dân làm giàu, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn; Giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động địa phương, từng bước thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” cũng tiếp tục xác định, đẩy mạnh phát triển KTTT theo hướng ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm, nhằm phát huy giá trị văn hóa và hiệu quả sử dụng đất.
Toàn Thành phố có hơn 3.000 trang trại
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các quận, huyện, thị xã xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; Tổ chức tập huấn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, bảo quản chế biến và cung cấp thông tin thị trường, đào tạo quản lý từ chương trình khuyến nông, chương trình đào tạo nghề của Chi cục Phát triển nông thôn để các chủ trang trại ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả. Các quỹ hỗ trợ nông dân và quỹ khuyến nông cũng tạo điều kiện cho các trang trại tiếp cận nguồn vốn vay hiệu quả. Ngoài ra, các chính sách về thuế, đầu tư, tín dụng, lao động, khoa học, công nghệ, môi trường, thị trường… đi vào cuộc sống cũng tạo điều kiện giúp các trang trại ổn định phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thêm nông sản hàng hoá. Nhiều trang trại đã sản xuất và cung ứng giống tốt, làm dịch vụ, kỹ thuật, tiêu thụ sản xuất cho nông dân, tạo nguồn cung ổn định cho các cơ sở chế biến, tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Thành phố và xuất khẩu. Nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng giảm loại hình trồng trọt, tăng loại hình chăn nuôi và tổng hợp, bức tranh phát triển KTTT của Hà Nội vì thế mà có nhiều đổi thay theo hướng tích cực. Nếu như năm 2011, toàn Thành phố có 1.124 trang trại, thì đến nay, con số này đã tăng lên 3.150 trang trại (tăng 2.026 trang trại). Trang trại chăn nuôi vẫn chiếm ưu thế với số lượng 2.700 trang trại, tiếp đến nuôi trồng thủy sản với 218 trang trại, trồng trọt có 38 trang trại, lâm nghiệp 1 trang trại và 193 trang trại tổng hợp. Còn theo tiêu chí mới ban hành được quy định tại Thông tư số 02/2020/TT/BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ NN&PTNT quy định về tiêu chí KTTT, Hà Nội hiện có 1.581 trang trại, trong đó: 1.173 trang trại chăn nuôi, 218 trang tại tổng hợp, 120 trang trại thủy sản, 69 trang trại trồng trọt và 1 trang trại lâm nghiệp. Theo tính toán, doanh thu bình quân của một trang trại hiện nay đạt trên 2,2 tỷ đồng/năm. Các loại hình trang trại phát triển đã góp phần quan trọng tạo việc làm cho người lao động nông thôn. Cùng với việc giải quyết việc làm, KTTT đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế Hà Nội...
Tang trại chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP, xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh)
Cùng với việc khuyến khích các hộ gia đình tham gia phát triển KTTT theo hướng truyền thống, an toàn, TP. Hà Nội tích cực vận động các tổ chức, cá nhân phát triển nông sản theo hướng cơ giới hóa, sử dụng công nghệ. Nhờ vậy, nhiều trang trại của các hộ gia đình cho thu nhập cao, ổn định, đặc biệt, các trang trại trên địa bàn thành phố đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; Tạo việc làm, tăng thu nhập; Khuyến khích làm giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo; Phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng NTM. Phát triển KTTT còn góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp và nông thôn… Có thể kể đến một số trang trại tiêu biểu như: Trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai có quy mô 1,3 ha, tổng vốn đầu tư 11 tỷ đồng, doanh thu đạt 20 tỷ đồng/năm với các sản phẩm lợn, gà, cá và bưởi, tạo việc làm cho 11 lao động, thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng; Trang trại chăn nuôi của nhà ông Nguyễn Văn Hanh, ở xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức có quy mô 1 ha, tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng, doanh thu đạt 19 tỷ đồng/năm với sản phẩm giống lợn, tinh lợn, lợn thương phẩm, tạo việc làm cho 12 lao động, thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng; Trang trại nuôi trồng thủy sản của hộ ông Nguyễn Đình Viện ở xã Thư Phú, huyện Thường Tín có quy mô 11 ha, tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng, doanh thu đạt 7,5 tỷ đồng/năm với các sản phẩm cá và nhãn, tạo việc làm cho 20 lao động, thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Hà Nội đã hình thành một số trang trại kết hợp dịch vụ, du lịch sinh thái có hiệu quả kinh tế cao như trang trại hữu cơ Tuệ Viên ở quận Long Biên, trang trại trải nghiệm Vạn An ở huyện Thanh Trì...
Để các loại hình KTTT hình thành và phát triển, thời gian qua, Thành phố đã có nhiều chính sách về đất đai, khoa học kỹ thuật, vay vốn, xúc tiến thương mại… giúp các trang trại phát triển có hiệu quả. Đơn cử, chính sách về đất đai, theo Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 18/1/2008 của UBND TP. Hà Nội về “Ban hành quy định về một số chính sách khuyến khích, phát triển KTTT trên địa bàn Thành phố” quy định về thời gian sử dụng đất phát triển KTTT tối thiểu là 20 năm, kể từ ngày được phê duyệt lại và được phép xây nhà cấp 4 để làm kho chứa vật tư, thức ăn chăn nuôi… Các trang trại còn được tham gia thực hiện các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; Được vay vốn từ các quỹ hỗ trợ nông dân, khuyến nông để phát triển trang trại theo quy định. Thành phố cũng hỗ trợ 70% kinh phí cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và quảng cáo các sản phẩm nông nghiệp trên các phương tiện đại chúng; Hỗ trợ 100% kinh phí thuê gian hàng để tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ở trong nước và các quầy hàng, điểm bán hàng tại các chợ do ngành Thương mại và UBND các quận, huyện, thị xã quản lý trên địa bàn Hà Nội đối với việc kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp an toàn; Hỗ trợ 50% kinh phí thuê gian hàng ở nước ngoài, để tham gia các hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp... Qua đó, giúp cho các mô hình KTTT tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Đáng nói, nhiều trang trại đã sản xuất và cung ứng giống tốt, làm dịch vụ, kỹ thuật, tiêu thụ sản xuất cho nông dân trong vùng, tạo nguồn cung ổn định cho các cơ sở chế biến, tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao để phục vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố và xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhiều trang trại trên địa bàn Thành phố phát triển còn mang tính tự phát, không mang tính chiến lược ổn định và lâu dài, chưa tương xứng với tiềm năng. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kinh doanh, khoa học, kỹ thuật của chủ trang trại còn thấp, do đó, việc tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên rủi ro tương đối lớn; Các trang trại chủ yếu sử dụng lao động của gia đình, một số trang trại có thuê lao động thời vụ và lao động thường xuyên, tiền công lao động chỉ được thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa hai bên, chưa thực sự tạo sự ổn định về giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển KTTT còn hạn chế, nhất là về vốn. Hầu hết vốn đầu tư là vốn tự có của chủ trang trại và vốn vay của cộng đồng. Vốn vay của các tổ chức tín dụng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ; Nhiều địa phương có KTTT chưa làm tốt công tác quy hoạch sản xuất, hệ thống thuỷ lợi, điện, định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm… làm cho không ít trang trại gặp khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Nhiều chủ trang trại vẫn áp dụng phương pháp sản xuất truyền thống, chưa chú ý tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất cũng như tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, có lúc khó tiêu thụ… Thêm vào đó, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chưa rà soát, cập nhật thường xuyên để phù hợp quy hoạch chung tại các địa phương, chưa công bố đầy đủ để nhân dân và chủ trang trại nắm bắt kịp thời.
Trang trại trồng rau hữu cơ của Công ty cổ phần Sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn Vinh Hà
(thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên)
Về mặt chủ quan thì năng lực xây dựng phương án sử dụng đất của các chủ trang trại hạn chế cho nên vẫn còn trường hợp xây dựng công trình của trang trại sai phép; Trình độ quản lý và sản xuất của các chủ trang trại chủ yếu chưa qua đào tạo nên khả năng quản lý sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Mặt khác, chất lượng sản phẩm từ các trang trại chưa cao, chưa chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm; Liên kết giữa các trang trại với nhau, với các hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chưa phát huy được hết lợi thế của vùng.
Hướng đến phát triển bền vững
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện phát triển KTTT trên địa bàn Thành phố; Tạo môi trường thuận lợi nhằm tác động trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh, tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm lực, lợi thế từ các thành phần kinh tế tập thể, nâng cao vai trò của kinh tế tập thể trong sự phát triển chung của Thành phố... Mục tiêu là giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu có từ 2.000 trang trại trở lên, số lao động làm việc trong các trang trại là gần 8.000 người, đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT mgày 28/2/2020 của Bộ NN&PTNT quy định tiêu chí về KTTT; Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của trang trại đạt trên 70%; Phấn đấu có từ 100 trang trại trở lên ứng dụng công nghệ cao; Thí điểm thực hiện 15 trang trại chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ một số trang trại gắn với du lịch, trải nghiệm…
Nhằm đẩy mạnh phát triển KTTT theo sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Thành ủy, giải pháp đối với các địa phương là cần tập trung rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp quy hoạch chung; Công bố công khai quy hoạch để nhân dân, chủ trang trại nắm bắt được dễ dàng; Khuyến khích và hướng dẫn các trang trại thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, Thủ tục thuê, chuyển nhượng đất theo Nghị định số 64/NĐ-CP của Chính phủ, đấu giá thuê quyền sử dụng đất công ích; Khai thác sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp bỏ hoang; Quy định phê duyệt phương án có xây dựng công trình trên đất nông nghiệp; Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ trang trại. Đồng thời, tăng cường kiểm tra theo quy định, kiên quyết xử lý các trang trại vi phạm sử dụng đất nông nghiệp; Tạo điều kiện hỗ trợ phát triển KTTT theo hướng xanh, bền vững về môi trường gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; Tư vấn, hướng dẫn để các trang trại tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Cùng với đó, các chủ trang trại cần đổi mới phương thức, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào mô hình chăn nuôi, khai thác, nhằm đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; Xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh; Sử dụng và đưa các sản phẩm OCOP đặc trưng riêng của địa phương vào mô hình trang trại. Thông qua chính quyền địa phương, kết nối, mở rộng mô hình kinh tế trang trại gắn với du lịch, tạo các tuyến du lịch sinh thái với các doanh nghiệp lữ hành.
Về phía Thành phố, đối với đất quỹ công ích do UBND cấp xã quản lý để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản: Cho phép các địa phương được phép gia hạn khi hết thời hạn trúng đấu giá thuê quyền sử dụng đất 5 năm; UBND cấp xã đánh giá phương án thuê đất nếu các chủ thể thuê đất tại địa phương hoạt động hiệu quả, tại thời điểm kiểm tra không vi phạm sử dụng đất; Địa phương chưa có kế hoạch sử dụng quỹ đất được tiếp tục gia hạn và ký hợp đồng lại và bổ sung, điều chỉnh mức giá thuê đất cho phù hợp với thực tế.
Về phía Trung ương, Bộ NN&PTNT cần sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định phát triển KTTT thay thế Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 2/2/2000 về Phát triển KTTT, trong đó có quy định về tiêu chí gắn với du lịch, quy định về sử dụng đất đối với loại hình trang trại này. Bộ TN&MT cần sớm ban hành chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất.
Trồng chè mang lại thu nhập ổn định cho nông dân xã Ba Trại, huyện Ba Vì
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, TP. Hà Nội đã bám sát các nội dung của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội để phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện dồn đổi, tập trung đất đai, tạo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu phát triển trang trại. Cùng với đó, tập trung xây dựng và triển khai đề án phát triển kinh tế hộ, KKTT bền vững trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đẩy mạnh việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tháo gỡ khó khăn về thời gian thuê đất sử dụng để các chủ trang trại yên tâm đầu tư vào sản xuất, tạo điều kiện về các nguồn vốn vay, ưu đãi; Định hướng phát triển KTTT theo hướng xanh, bền vững với môi trường gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Sở NN&PTNT cũng sẽ quan tâm hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn về khoa học kỹ thuật, kỹ năng quản lý sản xuất kinh doanh, kiến thức tiếp cận thị trường cho các chủ trang trại; Phát triển nguồn nhân lực lao động có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu làm việc trong các trang trại. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm; Xây dựng một số mô hình KTTT điểm về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất theo chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trang trại gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm để tổng kết, đánh giá, chỉ đạo nhân rộng…
Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, giai đoạn từ 2016 - 2020, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, văn bản cụ thể hóa cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển KTTT. Đơn cử trong công tác đào tạo, tập huấn, 5 năm qua, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức 90 lớp tập huấn với 5.400 lượt học viên là các chủ trang trại tham dự. Năm 2021, con số này là 15 lớp tập huấn, hiện đã tổ chức được 6 lớp với 360 học viên tham gia, giúp cho các chủ trang trại nâng cao năng lực, trình độ quản lý sản xuất, kỹ năng xây dựng, lập phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả… Để KTTT có những bước tiến mới trong giai đoạn tiếp theo, hướng đến phát triển bền vững, bên cạnh việc tham mưu Thành phố ban hành kế hoạch phát triển KKTT trong 5 năm tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; Tổ chức tập huấn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, bảo quản chế biến và cung cấp thông tin thị trường, đào tạo quản lý từ chương trình khuyến nông để các chủ trang trại ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả. Mặt khác, đẩy mạnh phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp quy hoạch chung. Từ đó, công bố công khai để nhân dân, chủ trang trại nắm bắt. Đồng thời, khuyến khích, hướng dẫn các trang trại thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTT, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển KKTT theo hướng xanh, bền vững môi trường gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; Phát triển trang trại ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, chuyển đổi số; Tư vấn, hướng dẫn tạo điều kiện để các trang trại tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đối với diện tích trồng lúa kém hiệu quả, đất để hoang hóa, ngành sẽ chủ động tham mưu với Thành phố và các địa phương chuyển đổi sang phát triển trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, trồng hoa cảnh, cây cảnh, cây công trình, trồng cây dược liệu… Bên cạnh đó, ngành cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại, kết nối cung - cầu “từ trang trại tới bàn ăn”; Đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận cho các trang trại để được hưởng các chính sách khuyến khích của Nhà nước. Ngoài ra, thực hiện liên kết theo chuỗi, nhằm tìm kiếm “đầu ra” ổn định cho sản phẩm, khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa chuyên canh để nâng cao sức cạnh tranh
Không chỉ chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước phụ trách phát triển KTTT, đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp; hướng dẫn các chủ trang trại xây dựng và thực hiện phương án bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tích cực hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm cho các trang trại, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, lựa chọn những sản phẩm của các trang trại đặc thù, chất lượng cao tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; Khuyến khích và tạo điều kiện để trang trại hoạt động hiệu quả, phát triển thành hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp….
Thu Hằng
(Trang báo có sự phối hợp của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội)