Banner trang chủ

Công ty cổ phần Nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam - Đơn vị tiềm năng sản xuất các sản phẩm OCOP tại Chương Mỹ

04/10/2022

    Sản xuất nông nghiệp sạch không chỉ mang lại giá trị về sức khỏe cho con người mà còn mang lại rất nhiều giá trị khác như sinh thái - môi trường, kinh tế. Những giá trị này có thể đảm bảo được sự ổn định trong sản xuất nông nghiệp bền vững, duy trì cuộc sống mạnh khỏe cho người dân, BVMT, bảo vệ sự đa dạng sinh học và giữ được nguồn tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau. Với mục tiêu chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng thông qua việc chế biến các loại rau, dược liệu an toàn, năm 2020, anh Trần Văn Nguyện đã mạnh dạn thành lập Công ty cổ phần Nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam, trụ sở tại thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Áp dụng phương pháp sản xuất hiện đại kết hợp nguồn nguyên liệu sạch, Công ty đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm hữu cơ chất lượng như bột rau má nguyên chất, bột rau má đậu xanh, trà túi lọc rau má tía tô, trà xông giải cảm, bột đắp mặt rau má ngọc trai… Mặc dù quy mô hoạt động còn nhỏ, song hiệu quả kinh tế bước đầu mà Công ty mang lại cho thấy đây là hướng đi mới, có triển vọng tại địa phương.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM

Thành phố Hà Nội cùng các đại biểu tham quan các sản phẩm của Công ty

    Hiện nay, để đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, huyện Chương Mỹ đang tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện sản xuất theo hướng tập trung, liên kết chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, huyện chỉ đạo duy trì thực hiện các dự án đủ 3 năm theo thuyết minh đã được phê duyệt; kịp thời sơ kết, tổng kết các dự án để chỉ đạo nhân rộng; khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đặc biệt, huyện Chương Mỹ đang tập trung thực hiện Đề án số 06-ĐA/HU ngày 28/6/2021 về “Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản sạch; tiếp tục phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao, tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp huyện Chương Mỹ giai đoạn 2021 - 2025”. Thực hiện Đề án, huyện phấn đấu đến năm 2025, xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa, nông sản sạch được chứng nhận chất lượng với quy mô 60 trang trại và 600 ha sản xuất, gồm: 300 ha lúa, 50 ha rau, 200 ha bưởi, 50 ha thủy sản. Theo đó, huyện sẽ tập trung hỗ trợ và phát triển mới các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tập trung cho những sản phẩm chủ lực, có lợi thế phát triển trên địa bàn; đảm bảo 100% các chủ thể tham gia liên kết được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức để triển khai xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, phấn đấu 100% chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng; triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo chuỗi; tổ chức hội thảo, hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách, các hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

    Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Chương Mỹ, thời gian qua, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện khi triển khai thực hiện đều trên cơ sở rà soát, tổng hợp ý kiến từ nhu cầu của người dân nên có sự thống nhất cao và được người dân ủng hộ, tích cực hưởng ứng, tham gia. Hiệu quả của các dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là việc tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hiểu được vai trò của mình trong liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm đầu ra. Mặt khác, chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa đã góp phần tích cực trong vấn đề giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, mang lại hiệu quả về kinh tế, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện ra nhập hợp tác xã, tổ hợp tác, góp phần phát triển kinh tế tập thể ở địa phương. Tiêu biểu là Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm từ dược liệu. Tham gia Dự án, gần hai năm nay, nhiều người dân thôn Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây tía tô, rau má. Sản phẩm được Công ty cổ phần Nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam ký hợp đồng thu mua nên bảo đảm ổn định về đầu ra và giá cả. 

Gian hàng trưng bày sản phẩm của Công ty tại Hội chợ trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP năm 2022

    Chia sẻ về mô hình liên kết trồng rau má, tía tô, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam Trần Văn Nguyện cho biết: “Là kỹ sư nông nghiệp, trong một chuyến đi du lịch Nhật Bản, tôi thấy người Nhật Bản bán và sử dụng rất nhiều sản phẩm có thành phần từ thảo dược như rau má, tía tô… Đây cũng là những loại thảo dược Việt Nam có lợi thế, điều này thôi thúc tôi cần xây dựng chuỗi liên kết với nông dân trong trồng, chế biến và đưa ra thị trường các sản phẩm này”. Để có sản phẩm chất lượng tốt, toàn bộ quy trình sản xuất của Công ty được kiểm soát chặt chẽ, khép kín, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các sản phẩm đều sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, được tách nước bằng phương pháp sấy lạnh, độ ẩm khống chế dưới 5%. Sản phẩm thu được là bột rau nguyên chất, không phẩm màu, không chất bảo quản, không có phụ gia, với loại bột rau được nghiền siêu mịn này, người sử dụng có thể dùng để làm sinh tố, pha nước ép, nước detox... Đặc biệt, từ đầu năm 2021, Công ty thực hiện mô hình liên kết với nông dân thôn Lương Xá, xã Lam Điền xây dựng vùng trồng nguyên liệu rau má, tía tô phục vụ sản xuất trà và bột rau sấy lạnh. Công ty đã xây dựng vùng trồng mẫu rau má, tía tô (1,3 ha) với quy trình chuẩn để người dân làm theo, đồng thời, ký hợp đồng liên kết với nông dân để bao tiêu sản phẩm trên diện tích 1,7 ha. Những hộ ký hợp đồng liên kết đều được tập huấn quy trình sản xuất tại khu vườn mẫu trước khi trồng rau trên khu ruộng của gia đình. Thời gian đầu khi mới bắt tay thực hiện mô hình liên kết cũng gặp khó khăn, do nhiều hộ dân đã quen sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học nên nghi ngờ hiệu quả khi canh tác theo hướng hữu cơ. Hơn nữa, làm rau tỉ mỉ, mất nhiều công hơn làm lúa khiến nhiều người băn khoăn… Tuy nhiên, chỉ sau 1 vụ canh tác, hiệu quả được chứng minh, người dân rất phấn khởi.

    Bày tỏ niềm vui mừng khi được hưởng lợi từ hoạt động phối hợp này, bà Nguyễn Thị Túy ở thôn Lương Xá, xã Lam Điền cho hay, gia đình tôi bắt đầu trồng rau má theo mô hình liên kết với doanh nghiệp từ vụ xuân năm 2021. Tham gia liên kết, gia đình tôi phải sản xuất theo quy trình kỹ thuật doanh nghiệp yêu cầu, từ khâu làm đất đến thu hoạch đều không sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón có nguồn gốc hóa học nên mất nhiều công làm cỏ, ủ phân hữu cơ. Bù lại, trồng rau má 1 lần nhưng thu hoạch lâu dài; canh tác sạch, không hại sức khỏe, toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu, không phải lo đầu ra. Cứ hơn 1 tháng, gia đình tôi thu 1 lứa rau má với sản lượng khoảng 250 - 300 kg/sào. Giá rau tươi doanh nghiệp thu mua là 25.000 đồng/kg, tính ra, trồng rau má hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa trước đây nên chúng tôi rất phấn khởi..


Một số sản phẩm hữu cơ của Gigaherbs Việt Nam

    Từ những thành công bước đầu, Công ty cổ phần Nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam đã xây dựng vùng sản xuất và khu chế biến sản phẩm thảo dược khang trang. Các sản phẩm: Trà rau má, lá sen; trà rau má tía tô; trà rau má, cà gai leo; trà tía tô, bạc hà; bột rau má, đậu xanh; bột rau má nguyên chất; bột tô diệp (bột tía tô sấy lạnh)… đang cung ứng cho thị trường cả nước. Đặc biệt, năm 2022, Công ty đăng ký với huyện Chương Mỹ có 8 sản phẩm dự thi đánh giá phân hạng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

    Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội cho biết, hiện nay, Thành phố Hà Nội đang tập trung đầu tư, phát triển chương trình OCOP gắn với hai mục tiêu cốt lõi là xây dựng NTM, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện chương trình OCOP đến từng chủ thể. Bên cạnh đó, để tăng cường sức mạnh cho các sản phẩm OCOP, Thành phố cũng hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu; chủ trương hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; ít nhất 50% chủ thể OCOP được tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại. Việc Công ty cổ phần Nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam đăng ký có 8 sản phẩm dự thi đánh giá phân hạng trong Chương trình năm 2022 sẽ góp phần đẩy mạnh chuỗi liên kết, giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng, đồng thời, giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định chất lượng cuộc sống... góp phần vào việc đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Phương Linh

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

 

Ý kiến của bạn