Banner trang chủ

Cần tăng cường bảo vệ môi trường ở chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ

07/07/2021

     Nhà nông thường coi “con trâu là đầu cơ nghiệp”, nhưng ở xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội, gia cầm các loại mới chính là cơ nghiệp của bà con nơi đây. Xã có 3 thôn, nếu trước năm 2000 chỉ có thôn Hà Vỹ chuyên giết mổ, buôn bán, kinh doanh gia cầm, thì nay, cả hai thôn còn lại: Từ Vân (nổi tiếng với nghề thêu), An Cảnh (nghề thợ xây) cũng đã chuyển sang nghề này. Hoạt động này giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, song cũng “lợi bất cập hại”, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, tình trạng các điểm kinh doanh gia cầm sống đặt không đúng nơi quy định, hoạt động giết mổ gia cầm ngay tại chợ, trong khi công tác khử trùng tiêu độc môi trường tại chợ chưa được tiến hành thường xuyên, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn. Vì vậy, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ gia cầm sống tại chợ nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế mầm bệnh cúm gia cầm phát sinh.

     Trăm nẻo mưu sinh

     Khi nhắc đến địa danh xã Lê Lợi, hay làng Hà Vỹ, từ các chuyên gia về phòng chống dịch bệnh, thương lái, đến hàng vạn hộ chăn nuôi khắp miền Bắc hầu như ai cũng biết đến, bởi toàn xã có 1.820 hộ với hơn 7.600 nhân khẩu thì có tới hơn 700 hộ gắn bó với nghề kinh doanh gia cầm. Cái duyên gắn bó đời sống người dân ở đây với con gà nói riêng và các loại gia cầm nói chung cũng rất tình cờ. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi rộ lên phong trào nuôi gà công nghiệp, dân Hà Vỹ đã nắm bắt thời cơ với hy vọng thoát nghèo. Thế nhưng, vào khoảng năm 1995 - 1996, hàng nghìn con gà công nghiệp đến kỳ xuất chuồng không tiêu thụ được. Một số người thấy cơ nghiệp của mình có nguy cơ tàn lụi thì xót của, cố vớt vát bằng cách thử giết mổ vài con mang bán cho các nhà hàng hoặc bán rong trên phố. Số lượng tiêu thụ dần tăng, không chỉ giải quyết được lượng gà tồn mà còn mở ra hướng đi mới có hiệu quả. Từ sau đợt ấy, dân thôn Hà Vỹ không nuôi gà nữa mà đi gom ở khắp các địa phương về bán lại cho thương lái. Tiếng lành đồn xa, các chủ buôn bán gia cầm lớn từ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Sơn La… cũng tìm về chợ Hà Vỹ.

Chợ Hà Vỹ họp cả ngày, nhưng sôi động nhất thường từ 2h - 5h sáng

     Trung bình mỗi ngày, chợ Hà giết mổ gia cầm và xuất buôn từ 30.000 - 35.000 con gia cầm sống (khoảng 60 - 80 tấn), có hôm cao điểm lên tới 100 tấn/ngày, gấp nhiều lần so với công suất thiết kế của chợ. Chợ họp cả ngày, nhưng sôi động nhất thường từ 2h - 5h sáng. Gia cầm được chở đến chợ bằng nhiều phương tiện: Ô tô, xe máy, xe bò kéo tự chế…  Sớm tinh mơ, bất kể ngày nắng hay ngày mưa, từng đoàn xe máy của người dân xã Lê Lợi nối đuôi nhau tiến vào nội ô. Có lẽ, ngày mới ở đây đến sớm hơn bất kỳ ngôi làng nào ở ngoại thành Hà Nội. Bên trong chợ là 4 dãy ki ốt A, B, C, D khang trang lợp mái tôn rộng lớn, mỗi dãy lại có hàng chục ki ốt nhỏ với diện tích hơn 20 m2/ki ốt. Theo lời mời chào của các tiểu thương, vịt ở đây được bán buôn với giá 26.000 đồng - 27.000 đồng/kg. Qua khảo sát, mức giá này rẻ hơn rất nhiều so với các chợ đầu mối khác (chợ La Khê 40.000 đồng/kg; chợ Dịch Vọng Hậu 45.000 đồng/kg). Ngoài khu vực chợ, người dân giết mổ nhỏ lẻ cũng thức khuya dậy sớm chẳng kém, khoảng 3, 4 giờ sáng là nhà nhà đã lục đục dậy, mỗi người một việc, người đun nước, người vặt lông, kể cả trẻ con và người già cũng xúm vào làm để kịp thời gian chở hàng vào nội thành.

     Chẳng phải nghề “hái ra tiền”, nhưng ở xã Lê Lợi hiện có tới 70% số hộ dân dựa vào nghề buôn bán, giết mổ gia cầm để kiếm sống, đời sống của người nông dân ở đây cũng lên xuống, thăng trầm cùng với diễn biến dịch bệnh và giá cả chênh lệch của thị trường. Gần 20 năm gắn bó với nghề, dẫu biết rằng đi kèm theo là biết bao rủi ro, vất vả, thậm chí là cả sự đánh đổi, bọn trẻ con phải thức khuya, dậy sớm cùng bố mẹ nên việc học hành chểnh mảng; những bà, những chị chở nặng xe hàng trong đêm tối, “thân gái dặm trường”, người thân ở nhà cũng không tránh khỏi lo lắng, thấp thỏm... Bên cạnh những cái được thì mặt trái của nó cũng từng làm nhức nhối các cơ quan chức năng. Vì lợi nhuận, nhiều tiểu thương đã lách luật, tuồn gà nhập lậu về chợ. Trung bình mỗi năm, các cơ quan chức năng xử lý khoảng chục vụ buôn bán gia cầm lậu trái phép trên địa bàn huyện Thường Tín, tiêu hủy khoảng 6 - 7 tấn gà thải loại. Về sau, cơ quan chức năng tiến hành kiểm soát ráo riết, quyết tâm nói không với gia cầm nhập lậu, nhận thức của tiểu thương đã có những chuyển biến tích cực.

     Hoạt động giết mổ gia cầm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh

     Ra khỏi chợ Hà Vĩ, đi xuôi về hướng UBND xã Lê Lợi chừng 20 m, có đến 5 - 6 lán giết mổ gia cầm dịch vụ ven hai bên đường. Theo lời người dân địa phương, đầu năm 2016, những lò mổ tự phát này bắt đầu mọc lên chỉ với vài cây tre, chiếc bạt tạm bợ cùng vài cái chậu, xoong, nồi làm đồ nghề mưu sinh của những người làm nghề giết mổ gia cầm thuê với giá khoảng 5.000 đồng - 7.000 đồng/con. Ban đầu, các hộ chỉ căng phông bạt tạm và làm thịt gia cầm trên nền đất thuộc hành lang giao thông đường liên xã. Đến nay, nhiều hộ dựng hẳn lều lán lát gạch và căng, kéo dây điện để phục vụ chiếu sáng, sơ chế gia cầm bằng máy vặt lông gà. Cùng với đó, các hộ khoan giếng, bơm lấy nước ngay tại mương chứa nước thải liền kề đen ngòm, hôi tanh để sơ chế gia cầm.

Các lán giết mổ gia cầm tạm bợ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

     Từ 23h đêm - 3h sáng là thời điểm các lò mổ hoạt động nhộn nhịp. Theo quy định, gia cầm trước khi giết mổ phải được cán bộ thú y kiểm tra. Nhưng ở các lò mổ chui, chưa được cấp phép thì sẽ chẳng có ai kiểm tra, gà vịt cứ được đưa vào là làm thịt. Trung bình mỗi lò mổ tại chỗ họ giết mổ từ 10-30 con gà, vịt/ngày. Quá trình làm gà, vịt, những thứ phế thải được gom ngay tại nơi giết mổ, còn nước thải người bán vô tư đổ ra lề đường, chảy lênh láng…khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng. Trong khi đó, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các ổ dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành, do đó, chợ đầu mối Hà Vỹ cũng không là trường hợp ngoại lệ trước nguy cơ lây lan các dịch bệnh từ gia cầm. Theo những người giết mổ gia cầm sống tại chỗ, trung bình họ bán /ngày. Những ngày lễ, tết, nhu cầu người mua tăng lên gấp 2 - 3 lần nhưng các điểm giết mổ gia cầm tự phát này vẫn đáp ứng đầy đủ cho khách. Lý giải vì sao việc giết mổ gia cầm sống ngay tại chợ, nhiều người cho rằng xuất phát từ nhu cầu của người mua. Tiểu thương chỉ cần “phục vụ” khách hàng, còn chất lượng hàng bán ra sao là chuyện khác. Điều này cũng có nghĩa, chuyện giết mổ gia cầm sống tại chỗ đang diễn ra theo kiểu “cha chung không ai khóc”.

     Cần có những biện pháp quyết liệt hơn

     Từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình kiểm soát dịch bệnh, khử trùng đảm bảo vệ sinh môi trường tại chợ Hà Vỹ tương đối tốt. Hàng ngày, khi xe ô tô chở gia cầm ra vào đều có đội kiểm dịch liên ngành của Sở Y tế kiểm tra kỹ lưỡng, xe nào đạt yêu cầu mới được vào chợ để thực hiện giao dịch. Bên cạnh đó, chợ cũng được đầu tư khoảng 30 tỷ đồng theo dự án VAHIP của Bộ NN&PTNT, nên chợ gia cầm có được cơ sở hạ tầng, nơi làm việc của Ban quản lý chợ khang trang… Chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh vận động, tuyên truyền cho người dân ý thức phòng, chống các loại dịch bệnh có nguồn gốc từ gia cầm. Ngoài ra, chính quyền xã còn kết hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các chốt kiểm dịch, phun thuốc khử trùng, khử độc, kiên quyết không cho các loại gia cầm không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc vào chợ; đồng thời thực hiện tiêm phòng dịch thường xuyên số gia cầm ở chợ, đảm bảo hạn chế mức thấp nhất các ổ dịch xảy ra trên địa bàn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Quản lý chợ đã có nhiều quy định

để phòng chống dịch bệnh

     Hiện nay, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nên công tác phòng, chống dịch được Ban Quản lý chợ đặc biệt quan tâm, hàng ngày đều có tổ công tác đi kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh, khách mua hàng chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch. Tại nhiều nơi trong chợ đều có dán các quy định, khuyến cáo. Ngoài ra, các chủ hàng vận chuyển gia cầm tới chợ Hà Vỹ để buôn bán đều phải có Giấy xác nhận chăn nuôi của chính quyền địa phương, xác nhận địa phương không có dịch và gia cầm không có dịch bệnh, đã được tiêm, chăm sóc đúng theo quy định. Từ 25/5/2021, UBND Thành phố Hà Nội cũng có yêu cầu đóng cửa các hàng, quán từ 12 giờ để phòng, chống dịch, vì vậy, chợ Hà Vỹ cũng vắng người, những chiếc xe chở gia cầm thường ngày tất tả ngược xuôi đưa hàng, nay nằm im lìm, lượng tiêu thụ gia cầm tại chợ Hà Vỹ đã giảm rất nhiều so với trước khi có dịch. Nhưng như nhiều tiểu thương tâm sự, họ sẵn sàng nghỉ bán hàng, hoặc chỉ bán cầm chừng để chia sẻ khó khăn với Thành phố, tất cả vì mục tiêu chung, vì sức khỏe cộng đồng, từng bước đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.

     Như vậy, để bảo vệ sức khỏe con người và phòng chống dịch bệnh gia cầm, người buôn bán giết mổ gia cầm cần thực hiện nghiêm quy định về an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, Ban Quản lý chợ và các cơ quan chức năng liên quan phải kịp thời vào cuộc để tuyên truyền, nhắc nhở các tiểu thương cũng như người dân thực hiện đúng nội quy của chợ để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn