Banner trang chủ

Cần sức bật để kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Thủ đô tạo nên cú hích lớn

12/05/2022

    Hà Nội là một trong số ít các địa phương có tốc độ phát triển hợp tác xã (HTX) nhanh cả về số lượng và chất lượng, tính đến nay, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, Thành phố có số lượng HTX dẫn đầu cả nước (chiếm 9,9%), hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh đa dạng hơn. Nhiều HTX đã phát huy nội lực, đổi mới phương thức hoạt động, mạnh dạn đầu tư trong liên doanh, liên kết, mở thêm nhiều ngành nghề mới trong kinh doanh, sản xuất, từ đó hình thành nên các phong trào thi đua phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, tạo sự lan tỏa mạnh. Không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, HTX còn giữ vai trò bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, cung ứng vật tư nông nghiệp... giúp nông dân yên tâm sản xuất, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của Thành phố, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Tuy nhiên, để tạo động lực cho KTTT mà nòng cốt là HTX phát triển trong giai đoạn mới, trở thành động lực trong xây dựng NTM và Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội cần có những giải pháp chiến lược phù hợp để tháo gỡ những rào cản, thách thức.

    Dẫn đầu cả nước về số lượng HTX

    Thực tế những năm qua cho thấy, KTTT ở Thủ đô đã có bước phát triển mới cả về chất và lượng, khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, đồng thời khẳng định những tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của địa phương. Đáng chú ý, mô hình HTX là điểm tựa vững chắc cho phát triển HTX nông nghiệp hiện nay. HTX còn là tổ chức đại diện cho nhiều nông dân, liên kết với doanh nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái nông thôn…

    Theo Báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT” trên địa bàn Thành phố Hà Nội được tổ chức vào ngày 4/11/2021, kinh tế HTX phát triển mạnh sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, các HTX đã củng cố lại tổ chức bộ máy quản lý; thành viên tham gia theo nguyên tắc tự nguyện, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Cùng với đó, năng lực, trình độ cán bộ quản lý HTX và tay nghề của người lao động ngày càng được cải thiện, dần đáp ứng được yêu cầu phát triển của HTX. Các HTX cũng đã tự hạch toán và chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh, chủ động xây dựng phương án sản xuất, bảo đảm về số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, một số HTX đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, sử dụng công nghệ sản xuất chế biến thân thiện với môi trường. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Thành phố hiện có 1.393 tổ hợp tác, trong đó có 1.254 tổ hợp tác trong nông nghiệp, 139 tổ hợp tác phi nông nghiệp. Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với quy mô và nội dung hoạt động đa dạng. Ước tính đến ngày 31/12/2021, Thành phố có tổng số trên 2.200 HTX và quỹ tín dụng nhân dân (tăng 143% số HTX so với thời điểm ngày 31/12/2008 với 602.000 thành viên); 20 liên hiệp HTX, trong đó có 8 liên hiệp HTX nông nghiệp, 11 liên hiệp HTX phi nông nghiệp, góp phần khẳng định HTX đã và đang giữ vị trí, vai trò nền tảng trong khu vực KTTT, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

HTX sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh, làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

    Tiêu biểu như HTX sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), khi nhận thức rõ về xu hướng thị trường, với làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, HTX Tân Thịnh đã có những đổi mới về công nghệ sản xuất, không ngừng tăng cường mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm phù hợp với thị hiếu trong nước và nước ngoài. Đồng thời, ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, mở rộng thị trường. Là người say mê với nghề, nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân đã nghiên cứu rất nhiều về công nghệ, mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại bậc nhất vào các công đoạn sản xuất gốm sứ của HTX như máy đánh hồ, máy khuấy, máy nghiền li tâm, lò nung đốt liên hoàn bằng điện, máy in hoa văn... Nhờ đó, sản lượng năm sau lớn hơn năm trước từ 20 - 30% mà cung vẫn không đủ cầu. Đặc biệt, công nghệ mạ kim loại trên cốt gốm, bộ sản phẩm lọ gốm hoa văn cách điệu của HTX Tân Thịnh được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2014. Gần đây, HTX cho ra mắt bộ sản phẩm men suối ngọc được chế tác thành công từ những nguyên liệu trong nước, các loại quặng kim loại trong lòng đất hàng triệu năm, kỹ thuật pha chế trang trí công phu khi được nung ở nhiệt độ 1.2500C, tạo ra các màu men sống động như ngọc trên tác phẩm. Bộ sản phẩm này đã được gửi đi tham dự Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội, được rất nhiều khách hàng ngợi khen, đặt hàng. Nói đến gốm Bát Tràng, người ta sẽ hình dung ra những dòng men thời Lý, Trần, Lê, đó là những dòng chảy văn hóa in sâu vào tâm thức của người Việt. Thế nhưng, HTX Tân Thịnh đã chọn dòng gốm nghệ thuật mang tính chất trang trí đương đại, đưa gốm truyền thống vào đời sống, vừa mang tính thẩm mỹ, vừa toát lên hồn cốt sinh động. Mặt khác, nếu như công nghệ giúp rút ngắn các công đoạn chế tác sản phẩm, thì thương mại điện tử là cầu nối đưa gốm sứ Tân Thịnh tương tác giữa khách hàng với các nghệ nhân, tăng sức cạnh tranh, đưa thương hiệu làng nghề tiến xa hơn trên thị trường thế giới. Đối mặt với dịch Covid -19, HTX Tân Thịnh thực hiện ký kết các hợp đồng online trên sàn thương mại điện tử với các mặt hàng cao cấp mang tính độc bản, sản phẩm phân loại các dòng sản phẩm, vừa quảng bá, vừa là biện pháp thúc đẩy doanh thu, duy trì sản xuất. Những nỗ lực của nghệ nhân Đức Tân đã đạt kết quả khi năm 2020, bộ sản phẩm men suối ngọc của HTX Tân Thịnh đã được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP cấp quốc gia, đánh giá có tiềm năng 5 sao OCOP quốc gia.

    HTX Ðan Hoài (huyện Ðan Phượng) cũng tạo được tiếng vang lớn với việc xây dựng thành công mô hình điểm trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thành lập năm 2002 với 12 thành viên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, sau hai năm hoạt động, HTX không thể vượt qua những khó khăn về thị trường, con giống nên phải chuyển hướng sang trồng hoa cao cấp. Tận dụng lợi thế về đồng đất ven sông Hồng, năm 2004, các thành viên HTX quyết định đầu tư kinh phí để xây dựng nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động, điều chỉnh ngoại cảnh... cho hơn 3 ha trồng hoa lan. Ðến nay, HTX đã thành công và cung cấp ra thị trường sản phẩm hoa lan mang thương hiệu Flora. Ngoài ra, HTX xây dựng thành công phòng nuôi cấy mô hiện đại nhằm kiểm soát được nguồn và chất lượng cây giống, cho sản phẩm đạt hơn một triệu cây/năm. Nhờ sự đầu tư bài bản, khoa học, doanh thu của HTX ước đạt từ 4 - 5 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, cho thu lãi hàng tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 30 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ kiểm soát được nhiệt độ nên HTX Đan Hoài có thể cung cấp nhiều loài hoa quanh năm cho thị trường

    Những kết quả đạt được của KTTT, HTX cho thấy sự ổn định từng bước nâng chuẩn chất lượng, năng suất, hiệu quả cũng như an toàn sản xuất. Tuy nhiên, mô hình KTTT vẫn còn những bất cập cần khắc phục để hoạt động hiệu quả hơn. Trong đó, tỷ trọng đóng góp từ các mô hình KTTT vào GDP tăng trưởng của Thành phố còn thấp, chưa kể số lượng HTX thành lập mới theo định kỳ hàng năm chưa nhiều như kỳ vọng, loại hình KTTT vẫn chưa phát triển đồng đều trên các lĩnh vực.

    Nâng cao hiệu quả hơn nữa KTTT, HTX

    Trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục thúc đẩy KTTT, HTX phát triển đa dạng với nhiều hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực truyền thống gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa có hiệu quả. Mục tiêu đến năm 2030, Thành phố vận động, hướng dẫn thành lập mới khoảng 100 tổ hợp tác, 100 HTX mỗi năm, nâng tổng số HTX đến năm 2025 lên khoảng 2.500 HTX, đến năm 2030 là gần 3.000 HTX, trong đó phấn đấu ít nhất 80% HTX hoạt động đạt loại tốt, khá, doanh thu bình quân là 3,5 tỷ đồng/HTX; thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

    Ðể phát huy được hiệu quả của KTTT, HTX tại Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị Thành phố cần giải thể, sáp nhập các HTX hoạt động không hiệu quả; tái cơ cấu các liên minh HTX theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó, mỗi HTX cần tập trung chuyên canh một sản phẩm nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ứng dụng khoa công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất. Cùng với đó, Thành phố cần chú trọng công tác đào tạo về nội dung KTTT, HTX cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình HTX thành công; phát triển HTX theo hướng sản xuất các sản phẩm chủ lực để tiếp tục đóng góp vào GRDP của Thành phố…

    Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Hà Nội là địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh về thị trường tiêu thụ hàng hóa cùng với sự phát triển của 1.350 làng nghề, vì thế Ban Cán sự đảng, UBND Thành phố cũng như các đơn vị liên quan cần tập trung ưu tiên rà soát, tháo gỡ những khó khăn, bất cập để KTTT, HTX phát triển hiệu quả thực chất hơn nữa; đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý của các HTX, gắn với chuyển đổi số và liên kết hợp tác để phát huy hiệu quả hoạt động. Hà Nội cũng đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, tiếp tục ban hành nghị quyết, kết luận về phát triển KTTT, HTX đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm định hướng, thúc đẩy đổi mới phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT, HTX. Cùng với đó là kiến nghị với Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HTX năm 2012 cho phù hợp với yêu cầu phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới…

KTTT, HTX đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô

    Chia sẻ về vấn đề này, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, giai đoạn tới, nếu chỉ dừng lại ở kinh tế hộ, sản xuất truyền thống thì Hà Nội sẽ không có động lực phát triển. Do đó, Thành phố cần tập trung nguồn lực phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các cánh đồng chuyên canh và đẩy mạnh cơ giới hóa. Đồng thời, cần phát triển các HTX chuyên ngành, HTX toàn xã, từ đó thúc đẩy liên kết, gắn sản xuất với chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp…

    Để làm được điều này, ngoài khuyến khích sự nỗ lực tự thân từ các HTX, Hà Nội cần đẩy mạnh đầu tư về vốn, chính sách để tạo nên những hành lang an toàn cho KTTT, HTX phát triển. Hiện Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển KTTT HTX gồm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về HTX, vai trò của KTTT để người dân tích cực tham gia; xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 1840/QÐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025; gắn kết hợp thực hiện có hiệu quả Nghị định số 98/NÐ-CP ngày 5/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ HTX tham gia liên kết chuỗi. Cùng với tập trung giải thể 145 HTX đã ngừng hoạt động, Sở sẽ duy trì, củng cố hoạt động các HTX hiện có và đẩy mạnh chuyển đổi mô hình, nâng cao năng lực hoạt động của các HTX trung bình, yếu. Ðồng thời, tập trung thành lập mới các tổ, nhóm, HTX chuyên ngành phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng thôn, làng, địa phương, gắn với mục tiêu xây dựng NTM và chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025…

Thu Hằng

(Trang báo có sự phối hợp của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội)

Ý kiến của bạn