Banner trang chủ

Xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai

16/12/2019

     Thời gian qua, mặc dù việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, một số làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn gặp khó khăn, đời sống của người dân ở mức thấp, thậm chí rất thấp. Xuất phát từ quan điểm: Nếu không có thôn, làng nông thôn mới (NTM) thì sẽ không có xã NTM, huyện NTM, năm 2018, mô hình “làng NTM vùng đồng bào DTTS” của tỉnh Gia Lai đã ra đời. Đến nay, sau hơn một năm xây dựng và thực hiện mô hình, thói quen sinh hoạt, tập quán của người dân đã từng bước thay đổi theo hướng văn minh; bộ mặt nông thôn có nhiều tiến bộ và khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao...

     Với quan điểm hướng về cơ sở, lấy thôn, làng làm thước đo sự phát triển kinh tế - xã hội, ngày 13/2/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU (Chỉ thị số 12) về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp trong xây dựng làng NTM tại các đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Nội dung Chỉ thị số 12 dựa trên cơ sở lồng ghép 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM và điều chỉnh một số tiêu chí để phù hợp với điều kiện thực tế của vùng đồng bào DTTS. Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn số 760/UBND-NL; Sở NN&PTNT cũng có Công văn số 945/SNNPTNT-VPNTM về việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng NTM trong đồng bào DTTS. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của tỉnh, các địa phương đã tích cực rà soát thực trạng, có phương án xây dựng khu dân cư, lộ trình, giải pháp lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM với các chương trình, dự án khác. Cụ thể, trong năm 2018, có 32 làng thuộc 17 huyện, thị xã, TP đăng ký xây dựng làng NTM. Sau khi đăng ký, các địa phương đã đầu tư, vận động tổ chức, cá nhân và người dân đóng góp nguồn lực triển khai thực hiện các tiêu chí làng NTM như: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin - truyền thông, nhà ở, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, hệ thống chính trị, an ninh - quốc phòng... Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 15 làng đạt chuẩn các tiêu chí NTM theo quy định, trong đó, phải kể đến các huyện: Phú Thiện, Đức Cơ, Chư Prông. Từng là những ngôi làng khó khăn nhất tỉnh, nhờ sự quan tâm của cấp trên, đến nay, các làng DTTS của những huyện này đã thay da đổi thịt, cảnh quan nông thôn trở nên khang trang, đời sống người dân được cải thiện đáng kể.

 

Một góc làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện sau khi được quy hoạch xây dựng làng NTM

 

     Tiêu biểu như làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện được tỉnh Gia Lai và huyện Phú Thiện chọn làm điểm xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS theo tinh thần Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Làng Hek là một trong 4 làng căn cứ cách mạng của huyện Phú Thiện, có khoảng 100 hộ, 400 khẩu nhưng có đến hơn 60% số hộ nghèo do người dân chủ yếu sản xuất lúa rẫy một vụ và trồng sắn, thu nhập bình quân đầu người thấp. Từ năm 1990, 12 hộ dân với gần 60 khẩu đã tự ý di dời lên định cư trên núi Cheng Leng thuộc địa phận xã H’bông, huyện Chư Sê, chấp nhận cuộc sống biệt lập, thiếu thốn, ốm đau không được chữa bệnh, trẻ em không được đến trường… Sau khi được sự chung tay vào cuộc, giúp đỡ của các cấp chính quyền, làng Hek bây giờ đã được quy hoạch, 11 trục đường bê tông chia làng thành 8 ô bàn cờ, lấy nhà rông làm khu trung tâm; hơn 100 hộ được cấp 600 m2 đất/hộ để xây dựng nhà ở, bố trí rào ngăn nắp bằng lưới và trụ bê tông có cổng, ngõ; gia súc có chuồng nuôi nhốt riêng biệt; người dân được dùng điện, sử dụng nước sạch...

     Làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ cũng là một trong những địa phương đăng ký thực hiện mô hình điểm làng NTM vùng đồng bào DTTS. Là xã biên giới, giáp với Campuchia, cũng như làng Hek, đời sống của người dân rất khó khăn, có đến 177/230 hộ là người dân tộc Gia Rai (chiếm 77%). Ngay sau khi được UBND huyện Đức Cơ chọn làm điểm xây dựng làng NTM, làng Sơn đã tổ chức họp dân để bàn kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời quán triệt chủ trương, kế hoạch của huyện thông qua các cuộc họp làng, giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, vai trò và trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận cao của đồng bào, đến cuối năm 2018, làng Sơn đã đạt 19/19 tiêu chí làng NTM; tỷ lệ hộ nghèo giảm 20 hộ so với cuối năm 2017; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,8 triệu đồng/người/năm, tăng 5,2 triệu đồng so với năm 2017. Tất cả các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch; hơn 70% số hộ trong làng có nhà vệ sinh, nhà tắm, bể nước hợp vệ sinh. Điều đáng nói, tuy đã có nhiều khởi sắc nhưng làng Sơn vẫn lưu giữ những nét văn hóa rất riêng của đồng bào dân tộc Gia Rai. Hiện các ngành chức năng của huyện đang hoàn chỉnh hồ sơ xét công nhận làng Sơn đạt chuẩn NTM theo quy định, đồng thời tổ chức hội nghị đánh giá để nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện với hy vọng sẽ tạo ra những điểm nhấn khác biệt trong xây dựng NTM, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

     Tương tự làng Hek, làng Sơn, làng Bẹk, xã Ia Bă, huyện Chư Prông có 216 hộ với 976 nhân khẩu, trong đó, hơn 70% số dân là đồng bào DTTS. Ðầu năm 2019, khi được huyện chọn làm điểm xây dựng làng NTM, làng Bẹk mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí, nhưng sau khi có chủ trương xây dựng làng NTM, Chi bộ xã đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể thôn tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về chủ trương, chính sách của tỉnh, tự nguyện tham gia hiến đất, đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang nhà cửa, sửa chữa hàng rào, phát triển sản xuất… Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ đầu năm 2019 đến nay, người dân làng Bẹk đã đóng góp hơn 1,3 tỷ đồng và 400 ngày công để làm đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, người dân đã xây dựng 25 nhà vệ sinh; kéo điện thắp sáng 1,2 km đường làng; mua sắm trang thiết bị nhà sinh hoạt cộng đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, làng Bẹk đã hoàn thành thêm 6 tiêu chí và phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thiện 2 tiêu chí còn lại, gồm thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm, sớm cán đích NTM theo đúng lộ trình và kế hoạch đề ra.

     Có thể thấy, xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS là mô hình mới xuất phát từ thực tế của Gia Lai, dù chỉ mới qua 1 năm triển khai thực hiện nhưng mô hình đã ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan, tạo điểm tựa vững chắc, là động lực quan trọng để nhiều thôn, làng trong tỉnh đổi thay, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào. Đây được đánh giá là chương trình thể hiện tính nhân văn sâu sắc và là sáng kiến riêng có của tỉnh Gia Lai. Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành địa phương sẽ tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm, tính đoàn kết, năng động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo để nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh, gắn với việc giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Nguyễn Hải

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

Ý kiến của bạn