Banner trang chủ

Phù Yên: Trồng cây ăn quả phủ xanh đất trống, đồi trọc, góp phần xây dựng nông thôn mới

31/05/2019

     Phù Yên (Sơn La) là huyện miền núi, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với hơn 20.000 ha đất canh tác. Trước đây, người dân chủ yếu trồng lúa, ngô, sắn… nên hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Phù Yên đã tiến hành rà soát, đánh giá, thống kê toàn bộ diện tích trồng cây nông nghiệp hiệu quả thấp để quy hoạch chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, đặc biệt là cam, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng độ che phủ đất, BVMT, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

     Hiệu quả của mô hình trồng cam trên đất dốc

     Năm 2000, khi những người dân Hưng Yên lên Phù Yên xây dựng kinh tế mới đã đưa các giống cây cam Vinh, đường canh lên trồng. Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, đến nay, cây cam đã phát triển xanh tươi, đơm hoa, kết trái ngọt, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân nơi đây. Song thời gian đầu, diện tích trồng cam còn ít, sản phẩm làm ra chưa được người tiêu dùng cả nước biết đến, chất lượng cam chưa được khẳng định, giá bán không ổn định do bị tư thương ép giá. Với quyết tâm đưa cây cam trở thành nông sản mũi nhọn, huyện Phù Yên đã có nhiều giải pháp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu cam. Giờ đây, đi dọc các tuyến đường của huyện, có thể thấy bạt ngàn những đồi cam sai trĩu quả.

     Nằm trên trục Quốc lộ 37, Mường Thải là một trong những xã đi đầu của huyện Phù Yên về phát triển mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc. Những nương ngô, sắn trước đây giờ đã phủ kín màu xanh của các loại cây ăn quả, trong đó cam được xem là cây mũi nhọn ở vùng đất đất này. Một trong những người đầu tiên đem cây cam về trồng đất dốc là ông Nguyễn Văn Ngân ở thôn Văn Yên, xã Mường Thải. Do địa hình của huyện Phù Yên phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, thường xuyên bị xói mòn nên chỉ trồng được cây ngô trên các sườn đồi. Từ năm 1963, ông Ngân đã cùng gia đình lên huyện Phù Yên lập nghiệp. Ông đã mang các giống cây cam Vinh, cam đường lên trồng. Thời gian đầu, cây cam cho quả ít, năm 2011, ông đã đến vùng đất cam Cao Phong để học hỏi kinh nghiệm, sau đó chuyển đổi toàn bộ diện tích hơn 2ha trồng ngô của gia đình sang trồng cam. Sau một vài vụ thất bại, năm 2014, vườn cam nhà ông Ngân đã cho lứa quả đầu tiên. Từ năm 2016 đến nay, hơn 2ha cam đã cho sản lượng gần 30 tấn, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 700 triệu đồng. Để có sản lượng lớn, tập trung ký kết tiêu thụ với các siêu thị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tháng 9/2016, ông Ngân đã vận động 16 gia đình trồng 17 ha cam đường canh, Vinh, quýt ngọt trên địa bàn và thành lập Hợp tác xã (HTX) trồng cam Văn Yên. Năm 2017, sản lượng cam của  hợp tác xã đạt 150 tấn quả, doanh thu 4,5 tỷ đồng.

 

Cây cam đã phủ xanh các vùng đồi ở Phù Yên

 

     Xác định được giá trị kinh tế của cây ăn quả, nhiều hộ gia đình ở các xã Mường Thải, Mường Cơi, Tân Lang đều mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cam, quýt. Hiện nay, toàn huyện Phù Yên có trên 785 ha trồng cây ăn quả có múi, trong đó diện tích trồng cam khoảng 200 ha. Năm 2018, sản lượng cam ước khoảng 3.000 tấn. Năng suất trung bình đối với giống cam Vinh đạt 21 tấn/ha, cam đường canh 20 tấn/ha. Cây cam đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đây chính là sinh kế bền vững, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con dân tộc nơi đây.

     Chú trọng phát triển sản phẩm nông sản chủ lực trong xây dựng NTM

     Để phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, huyện Phù Yên đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ trồng cây ăn quả trên đất dốc tới nhân dân các dân tộc trong huyện. Huyện đã triển khai lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia: 30a, xây dựng NTM, 135... hỗ trợ người dân giống cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung hỗ trợ giống cây ăn quả có lợi thế với từng địa phương như cam, quýt, bưởi, xoài, nhãn. Ngoài hỗ trợ giống, huyện Phù Yên còn chỉ đạo phòng, ban chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về kĩ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. Được hỗ trợ giống, kỹ thuật, bà con nông dân các xã, bản đã bỏ ngô, sắn, đưa cây ăn quả vào trồng thay thế, góp phần phủ xanh đất dốc.

     Cùng với đó, huyện Phù Yên đã hỗ trợ xây dựng mối liên kết thị trường giữa các nhà đầu tư nông nghiệp với nông dân và các tổ chức để trồng cam, quýt; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá rộng rãi sản phẩm cam, quýt; triển khai dán tem chứng nhận, chỉ dẫn địa lý trên quả cam. Năm 2017, sản phẩm cam Phù Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy Chứng nhận nhãn hiệu. Đến nay, sản phẩm "Cam Phù Yên" ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường, được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi vị ngọt sắc cũng như hương thơm đặc trưng. Những diện tích cam ở Phù Yên đã mang lại những mùa vàng cho người nông dân. Giá trị sản phẩm không những tăng lên mà còn ổn định qua từng niên vụ. Không chỉ thế, lợi ích của việc trồng cây ăn quả là phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng độ che phủ rừng. Đặc biệt, kinh tế phát triển, người dân tích cực, đồng lòng tham gia xây dựng NTM, tạo nên phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” ngày càng phát triển sâu rộng khắp các xã, xóm, thôn, bản. Hiện nay, huyện Phù Yên đã có 2 xã đạt chuẩn NTM (Huy Hạ và Gia Phù) và theo kế hoạch trong năm 2019, 3 xã (Quang Huy, Huy Bắc và Mường Cơi) sẽ phấn đấu đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên 5/26 xã. Phấn đấu hết năm 2019, kết quả bình quân chung của huyện Phù Yên đạt 11,5 tiêu chí/xã.

     Trong thời gian tới, huyện Phù Yên sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền xã trong công tác xây dựng NTM trên địa bàn; tăng cường quản lý, khuyến khích và nhân rộng các mô hình sản xuất để có cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; đẩy mạnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân tham gia thực hiện xây dựng NTM; thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại các xã trong quá trình thực hiện xây dựng NTM.

     Cùng với đó, huyện Phù Yên cũng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong xây dựng NTM theo hướng liên kết sản xuất, giúp nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho nông dân; tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ theo hướng tập trung quy mô trang trại,.. tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để nhân rộng các mô hình HTX có hiệu quả, giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập. Trên cơ sở quy hoạch vùng huyện Phù Yên, tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn các xã. Định hướng đến năm 2020, diện tích cây ăn quả trồng mới trên địa bàn huyện trồng mới gần 794 ha; trong đó cây cam và quýt 432 ha. Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện Phù Yên đang tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức trong nhân dân, trong các tổ chức và cá nhân có ý thức bảo vệ, giữ gìn vườn cây, bảo đảm chất lượng quả; khuyến khích và hỗ trợ thành lập các hợp tác xã sản suất, kinh doanh cam; tăng cường thanh, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định nhãn hiệu sản phẩm, sở hữu trí tuệ. Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung quy mô lớn, lấy sản xuất hàng hóa là mục tiêu gắn với phát triển thị trường tiêu thụ ổn định…

     Ngoài ra, huyện tiếp tục thực hiện một số nội dung về BVMT nông thôn theo nguồn vốn sự nghiệp NTM, phân bổ trực tiếp cho các xã thực hiện thu gom, xử lý chất thải, cải thiện môi trường nông thôn, xây dựng bể chứa thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật.

 

Vũ Văn Doanh

Đại học TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn