Banner trang chủ

Nam Định: Cải thiện chất lượng môi trường trong chăn nuôi

04/12/2018

     Với hơn 7 triệu con gia cầm, 733 nghìn con lợn và gần 38 nghìn con trâu, bò, Nam Định là một trong những tỉnh có đàn gia súc, gia cầm lớn ở vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế đem lại, việc xử lý chất thải, nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi đã và đang trở thành "bài toán khó" đối với tỉnh.

     Hiện nay, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 70% (hơn 70.000 hộ) số hộ chăn nuôi toàn tỉnh. Các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu nằm trong khu dân cư, với hệ thống xử lý chất thải còn khá thô sơ. Điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Một số cấp chính quyền địa phương vẫn ưu tiên phát triển kinh tế mà coi nhẹ yếu tố môi trường, nên việc quản lý và xử lý môi trường chăn nuôi mang nặng tính hình thức.

     Để phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, trong thời gian qua, Sở NN&PTNT tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Xây dựng quy hoạch chăn nuôi; áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt VietGAP; sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc xử lý chất thải khử mùi hôi chuồng trại và xây dựng bể biogas, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa cung cấp chất đốt phục vụ sinh hoạt… Qua triển khai thực hiện, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có cách làm hiệu quả, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Mô hình chăn nuôi an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của gia đình chị Nguyễn Thị Toan (xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường)

 

     Tại huyện Hải Hậu, với tổng đàn lợn đạt gần 146 nghìn con, đàn gia cầm 1,3 triệu con, mỗi năm sản xuất gần 24 nghìn tấn thịt hơi xuất chuồng các loại, nên lượng chất thải trong chăn nuôi khá lớn. Để kiểm soát tốt dịch bệnh và xử lý triệt để chất thải trong chăn nuôi, huyện Hải Hậu đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, có hệ thống xử lý nước thải. Đồng thời, khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại để từng bước giảm và thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán; nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân và áp dụng những mô hình chăn nuôi mới thân thiện với môi trường. Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp giai đoạn 2013 - 2018 đã hỗ trợ 1.090 trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Hải Hậu xây dựng 1.172 công trình khí sinh học quy mô nhỏ, góp phần giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.

     Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Ý Yên đã và đang phát triển mạnh chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ chăn nuôi hiện đại, giảm ô nhiễm môi trường. Toàn huyện hiện có 35 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN&PTNT và 2.500 gia trại chăn nuôi. Tổng đàn lợn luôn được duy trì trên 147 nghìn con, đàn gia cầm 907 nghìn con và đàn trâu, bò hơn 14 nghìn con. Trong quá trình phát triển chăn nuôi, một số hợp tác xã (HTX) đã có sự sáng tạo và đạt hiệu quả. Điển hình như, HTX chăn nuôi Yên Lợi (xã Yên Lợi) đã xây dựng quy trình sản xuất lợn an toàn sinh học và được các thành viên áp dụng, với 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ lúc lợn mới sinh đến 3 tháng được cho ăn thức ăn vi sinh; giai đoạn 2, từ tháng thứ 3, lợn được cho ăn ngô, cám gạo, đậu tương… Để xử lý chất thải, hầu hết các thành viên HTX đều xây hầm biogas và thường xuyên làm vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc…, góp phần giảm nguy cơ ô nhiễm trong chăn nuôi.

     Từ đầu năm 2016 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường. Mô hình đã hướng dẫn cho người dân vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi, phun thuốc sát trùng xung (định kỳ mỗi tuần 1 lần), rắc vôi bột tại khu vực chăn nuôi. Ngoài ra, hộ chăn nuôi cũng được hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm môi trường, giúp hạn chế mùi hôi cho chuồng nuôi. Sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật tại xã Xuân Ngọc, kết quả kiểm tra, xét nghiệm bệnh, môi trường chăn nuôi đều đạt yêu cầu. Có thể thấy, thành công ở xã Xuân Ngọc là tiền đề để nhân rộng ra các địa phương khác, mở hướng phát triển chăn nuôi bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm.

     Với việc đẩy mạnh thực hiện tiêu chí môi trường, nhất là đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, Nam Định trở thành một trong những địa phương có thành tích cao nhất cả nước trong xây dựng nông thôn mới (NTM), với 200/209 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM (96%); 6 huyện (Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy và Mỹ Lộc) và TP. Nam Định có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM trong nhận thức và hành động, hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

 

Nguyễn Thị Ngọc

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2018)

 

 

 

Ý kiến của bạn