Banner trang chủ

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới

03/01/2019

     Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, phát huy sức mạnh thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng NTM. Trong đó, chú trọng đến việc phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các nội dung, tiêu chí trong xây dựng NTM, đặc biệt là tiêu chí môi trường.

     Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, năm 2009, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đây là Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng được triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc; hợp lòng dân, sát với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Qua 10 năm thực hiện Chương trình, diện mạo nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao... Tính đến cuối tháng 10/2018, cả nước đã có 3.542 xã (39,7%) đạt chuẩn NTM, tăng 64 xã (0,72%) so với cuối tháng 8/2018; bình quân đạt 14,33 tiêu chí/xã; còn 88 xã dưới 5 tiêu chí. Bên cạnh đó, có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 tỉnh, TP được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

     Để có được kết quả trên, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai quyết liệt, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Với trách nhiệm của mình, MTTQ Việt Nam các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của Chương trình. Từ kết quả công tác tuyên truyền, Mặt trận đã động viên nhân dân tích hưởng ứng, tham gia thực hiện chủ trương xây dựng NTM. Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh/TP, trong 10 năm qua, nhân dân đã tình nguyện hiến hơn 45 triệu m2 đất để làm đường, công trình dân sinh. Các địa phương đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn. Thông qua cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, trong 10 năm (2008 - 6/2018), Quỹ Vì người nghèo 4 cấp đã vận động được 14.000 tỷ đồng; an sinh xã hội được 36.000 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa được 1,5 triệu nhà đại đoàn kết, giúp nhiều hộ thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Đồng thời, Mặt trận đã vận động nhân dân xây dựng gia đình, nếp sống gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở mỗi cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Từ đó, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM.

 

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa giám sát công tác BVMT của Công ty sản xuất bao bì Hiệp Hưng (huyện Diên Khánh)

 

     Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tương thân, tương ái, hàng năm, MTTQ các cấp đã phát động, kêu gọi sự đóng góp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các cơ quan, đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tuyên truyền, vận động và triển khai phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, hướng dẫn nhân dân xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự. Thông qua các mô hình đã phát huy được vai trò tự quản của nhân dân trong giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương… Đặc biệt, từ năm 2005, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động phong trào "Toàn dân tham gia BVMT” để cụ thể hóa các nhiệm vụ BVMT trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Đây là tiền đề để hệ thống MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở thực hiện nhiệm vụ BVMT. Đến nay, công tác BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong hệ thống Mặt trận đã trở thành nề nếp và ngày càng có hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển bền vững của mỗi địa phương, cũng như cả nước.

     Công tác xây dựng mô hình BVMT được quan tâm thực hiện, ở mỗi tỉnh, TP chọn xây dựng ít nhất 2 mô hình để đánh giá rút kinh nghiệm, tính đến tháng 6/2018, đã xây dựng được 194 mô hình BVMT ở khu dân cư. Một số mô hình BVMT hiệu quả đã được nhân rộng ở 63 tỉnh, TP như: “Khu dân cư tự quản BVMT”, “Khu dân cư thực hiện hài hòa, xóa đói, giảm nghèo và BVMT” được nhân rộng ở trong toàn quốc. Một số mô hình BVMT được lồng ghép thực hiện với phong trào “Tiết kiệm điện nước sinh hoạt", xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”,  “Ngày Chủ nhật xanh, sạch, đẹp”, trồng hoa, cây xanh quanh tường rào, tạo nét đẹp cho cảnh quan NTM. Tính đến hết tháng 6/2018, cả nước có 4.859 xã đạt tiêu chí về môi trường (chiếm tỷ lệ 45,4%), 72.194 khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường, hơn 27 tỉnh, TP đã có hệ thống xử lý rác thải tập trung ở khu vực nông thôn như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình… Đặc biêt, hoạt động BVMT của các tổ chức tôn giáo được triển khai và đưa nội dung về BVMT, ứng phó với BĐKH vào chương trình hoạt động hàng năm, đã có 41 tổ chức tôn giáo hưởng ứng tham gia BVMT; xây dựng 322 mô hình tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH.

     Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, MTTQ Việt Nam đã tích cực thực hiện trách nhiệm giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Hàng năm, MTTQ các cấp đã xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động giám sát, với các nội dung: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh, vật tư, nông nghiệp; giám sát BVMT; xây dựng cơ sở hạ tầng; nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, nhất là nguồn lực do nhân dân đóng góp, bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng; chính sách hỗ trợ, ưu đãi nông dân phát triển sản xuất, hỗ trợ nông dân nghèo... Trong năm 2016, 2017, MTTQ Việt Nam các cấp một số tỉnh miền Trung đã tập trung giám sát bồi thường cho người dân sau sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra... Ở cơ sở, việc giám sát được thực hiện thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, với hình thức trực tiếp đóng góp ý kiến vào việc đầu tư xây cơ sở hạ tầng, xây dựng đường giao thông nông thôn, quy hoạch sử dụng đất trong xây dựng NTM; giám sát việc hỗ trợ chế độ chính sách đối với người có công, chính sách đối với hộ nghèo ở nông thôn, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo... MTTQ Việt Nam các cấp thường xuyên nắm bắt, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, chủ động đăng ký với cấp ủy, phối hợp với chính quyền và ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát theo chuyên đề.

     Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia giám sát trong xây dựng NTM như: Thực hiện các công trình phúc lợi, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; có cơ chế hỗ trợ và huy động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, dồn điền đổi thửa... Ngoài ra, MTTQ Việt Nam các cấp cũng tích cực tuyên truyền cho cán bộ, bà con nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện những sai phạm, bất cập và phản ánh với cấp có thẩm quyền.

     Căn cứ Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 -2020, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 78/HD-MTTW-BTT về nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM ở cấp huyện, xã. Đồng thời, chọn 10 tỉnh, TP chỉ đạo điểm để xây dựng đánh giá, rút kinh nghiệm về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM tại 25 xã trên địa bàn 10 tỉnh, TP. Theo báo cáo của các địa phương triển khai thí điểm, việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM được thực hiện nghiêm túc, có sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền; việc phân công trách nhiệm, theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Trong quá trình thực hiện đã đảm bảo các bước lấy ý kiến của người dân theo quy định và kết quả được niêm yết công khai; việc tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến được thực hiện dân chủ với sự tham gia của đại diện các hộ gia đình ở khu dân cư.

     Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 đã bước sang một giai đoạn mới, với yêu cầu nâng cao chất lượng tiêu chí, nhằm đảm bảo tính bền vững của kết quả xây dựng NTM và hướng đến xây dựng các xã, huyện NTM kiểu mẫu. Để góp phần thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, MTTQ Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, chú trọng phát huy vai trò tự quản của nhân dân trong giám sát để Chương trình xây dựng NTM đạt hiệu quả cao, nhằm đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

 

Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2018)

 

 

Ý kiến của bạn