Banner trang chủ

Làng đô thị xanh - Mô hình hướng tới sự phát triển bền vững

06/06/2019

     Thành phố (TP) Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi với những cảnh đẹp rừng thông, đồi núi và thác ghềnh, cùng với các công trình kiến trúc Pháp cũ, những thửa ruộng bậc thang trồng rau, hoa ôn đới đặc trưng. Đà Lạt còn đẹp bởi sự thân thiện, hiền hòa, mến khách của người dân nơi đây. Tất cả tạo nên một hình ảnh đô thị đặc trưng, là “TP trong rừng và rừng trong TP”; đây là nét độc đáo không phải nơi nào cũng có được. Ngoài việc bảo vệ các giá trị tài nguyên thiên nhiên, quỹ kiến trúc đô thị cảnh quan độc đáo, nơi đây còn có tài nguyên nhân văn rất đặc sắc cần được trân trọng; trong đó có tập quán sản xuất rau và hoa ôn đới trong lòng đô thị đã có từ bao đời nay.

     Hiện nay, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP, đô thị hóa là một quá trình tất yếu, khách quan. Tuy nhiên, quá trình này cũng làm nảy sinh không ít những khó khăn, thách thức. Sự gia tăng dân số của khu vực nông thôn, làm phát sinh nhu cầu tách hộ và xây dựng thêm nhà ở, khiến tình trạng xây cất tự phát trên đất nông nghiệp không thể kiểm soát. Bên cạnh đó, do quá trình đô thị hóa, một bộ phận lao động trong nông nghiệp mất đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm; một bộ phận dân cư từ khu vực nông thôn chuyển vào đô thị để tìm việc, làm gia tăng nhu cầu về cơ sở hạ tầng, lương thực, thực phẩm. Sức ép về đô thị hóa làm biến dạng các khu vực cận kề với đô thị, quỹ đất nông nghiệp dần bị thu hẹp, cơ sở hạ tầng chắp vá, manh mún, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Ô nhiễm không khí, đất đai và nguồn nước ngày càng tăng.

     Do vậy, việc phát triển mô hình thí điểm “Làng đô thị xanh” tại TP. Đà Lạt, mà trong đó người dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, bảo đảm sự cân bằng sinh thái, tạo hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng môi trường khu vực..., là một trong những hướng đi tối ưu, có tính khả thi cao, góp phần giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng TP Đà Lạt tăng trưởng xanh bền vững.

 

                   Thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ có nhiều yếu tố thuận lợi để thực hiện Đề án thí điểm “Làng đô thị xanh”

 

     Ngày 23/11/2018, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã ký Quyết định ban hành Ðề án thí điểm xây dựng mô hình “Làng đô thị xanh” tại xã Xuân Thọ, TP. Ðà Lạt. Mục tiêu của Đề án xây dựng mô hình thí điểm “Làng đô thị xanh” là phân khu đô thị thuộc quy hoạch chung TP Đà Lạt nhằm tạo ra cơ sở nhân rộng mô hình trên địa bàn TP và các đô thị vệ tinh theo định hướng Quy hoạch chung TP và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014.

     Thí điểm mô hình “làng đô thị xanh” đầu tiên ở Việt Nam

     Nằm cách trung tâm TP. Đà Lạt hơn 10 km, thôn Ða Lộc, xã Xuân Thọ, TP Ðà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng chọn là địa điểm xây dựng mô hình thí điểm "Làng đô thị xanh". Đây cũng là mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước, được kỳ vọng góp phần giúp Đà Lạt phát triển xanh và bền vững, cải thiện điều kiện sản xuất, nâng cao đời sống dân cư, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến sự phát triển của đô thị hiện đại, giàu bản sắc Đà Lạt.

     Đa Lộc là vùng đất màu mỡ, độ dốc vừa phải, thích hợp trồng các loại rau, hoa được canh tác theo hướng nông nghiệp công nghệ cao từ nhiều năm nay, phù hợp với các mục tiêu như nghiên cứu, đề xuất mô hình cư trú đạt tiêu chuẩn đô thị, kết hợp sản xuất nông nghiệp xen giữa đô thị và nông thôn. Mô hình “Làng đô thị xanh” sẽ phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và xây dựng hình ảnh nông thôn mới trong lòng đô thị, kết hợp phát triển loại hình du lịch canh nông, homestay. Tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với dịch vụ xử lý sau thu hoạch, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, nhằm nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Hiện nay, thôn Đa Lộc có khoảng 680 nhân khẩu, sau khi dự án hoàn thành, "Làng đô thị xanh" sẽ có quy mô dân số khoảng 6.000 - 10.000 người.

     Trên cơ sở những lợi thế và đặc điểm về địa hình, dân cư, kinh tế, xã hội..., làng đô thị xanh có quy mô quy hoạch trực tiếp là 180 ha (quy hoạch chi tiết khu dân cư tập trung có quy mô khoảng 54 ha và phạm vi nghiên cứu quy hoạch là 40 ha) nằm trọn trên địa bàn thôn Đa Lộc, phía Bắc giáp trung tâm xã Xuân Thọ, phía Đông và Nam giáp thôn Đa Thọ, phía Tây giáp thôn Lộc Quý. Quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được phát triển đồng bộ, trong đó mật độ đất giao thông/đất quy hoạch là 10,5 ha.; Nâng cấp công suất và hoàn chỉnh mạng lưới cấp điện hiện có, đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo quy mô của làng đô thị xanh; Ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường. Ngoài ra, hệ thống thoát nước, vệ sinh, môi trường, công viên, cây xanh, hạ tầng thủy lợi, cơ sở hạ tầng xã hội... cũng sẽ là những yếu tố được thực hiện theo Đề án.

     Hiện nay, chính quyền địa phương đã và đang tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ, hiểu đúng về lợi ích mà Đề án “Làng đô thị xanh” mang lại, đồng thời đảm bảo các yếu tố như không để phá vỡ quy hoạch và xảy ra tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất trong khu vực vượt qua con số thực. Quá trình thực hiện Đề án, chính quyền đã nghiên cứu bố trí khu vực sản xuất của nhân dân phù hợp với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với các công nghệ chế biến sau thu hoạch, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu, sản xuất gắn với mô hình du lịch canh nông; sản xuất hàng hóa theo hướng thích hợp, gắn kết các hộ gia đình trong làng theo mô hình hợp tác xã kiểu mới hoặc hình thức kinh tế tập thể hiện đại...

     Để thực hiện Đề án, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra một số giải pháp về chính sách (đất đai, thuế, thu hút đầu tư); tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; đào tạo nguồn nhân lực. Nhà nước tổ chức lập Đề án, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung, các công trình dịch vụ công cộng; xây dựng danh mục thu hút đầu tư như: hạ tầng khu dân cư, nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội phục vụ ở, sản xuất và khai thác du lịch.

     Việc xây dựng mô hình Làng đô thị xanh là phương án tốt nhất để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, Làng đô thị xanh là một khái niệm mới trong phát triển hình thái không gian ở Việt Nam nói chung, cũng như đối với Đà Lạt nói riêng. Chính vì vậy, cần tham khảo kinh nghiệm các mô hình thành công tại các quốc gia trên thế giới nhằm học hỏi, xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện Đà Lạt và xu hướng phát triển tại Việt Nam.

 

Đỗ Huyền

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)


  
 

Ý kiến của bạn