Banner trang chủ

Kết quả thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình

25/10/2018

    Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã góp phần tích cực thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực nông nghiệp nông thôn. Để đạt NTM cần thực hiện 19 tiêu chí qui định theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, vấn đề môi trường thuộc tiêu chí 17; trong đó, có 5 nội dung, đó là: Tỷ lệ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; Các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

    Tỉnh Quảng Bình luôn coi BVMT là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội là một trong những mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ liên quan, chủ động lồng ghép các nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vào công tác chuyên môn của từng ngành, lĩnh vực. Việc thực hiện tiêu chí môi trường các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh thời gian qua đã được UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời, triển khai quyết liệt và đạt được một số kết quả cơ bản như sau:

    Chỉ đạo Sở TN&MT biên soạn và ban hành Hướng dẫn số 869/HD-STNMT ngày 17/6/2014 về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM đến các địa phương trong toàn tỉnh để có căn cứ cụ thể trong triển khai thực hiện; Chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức thông qua các tổ chức chính trị xã hội hoặc trực tiếp đối với các địa phương được lựu chọn điểm qua các năm. Việc tuyên truyền tập huấn chủ yếu tập trung vào các Nghị quyết của Đảng, chính phủ về xây dựng NTM, các Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, các bộ, ngành, tỉnh, các văn bản pháp luật về tài nguyên và môi trường liên quan đến trách nhiệm của địa phương, cơ sở và cộng đồng dân cư. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, chính sách về BVMT đã được nâng lên, thể hiện rõ nét trong mỗi hành động cụ thể như: vệ sinh nhà cửa, sử dụng nước sạch, giữ gìn cảnh quan đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải đúng nơi quy định, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; các phong tục, tập quán lạc hậu của bà con vùng đồng bào dân tộc đã và đang dần được loại bỏ.

 

 

    Việc xã hội hóa nguồn lực BVMT tại tỉnh Quảng Bình đã được triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh đặc biệt là mô hình Hợp tác xã thu gom rác tại nhiều địa phương. Một số xã đã xây dựng Đề án thu gom, xử lý rác thải và thành lập các tổ thu gom rác, việc thu gom, xử lý rác được giao cho hợp tác xã, doanh nghiệp thu gom hoạt động hiệu quả, trong đó điển hình có mô hình xã Thanh Trạch, đội vệ sinh môi trường tại các thôn của huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. 
Ứng phó sự cố môi trường cá biển chết hàng loại tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành bố trí lượng lượng thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi tình hình, kịp thời hướng dẫn các địa hương thu gom, xử lý cá chết đảm bảo vệ sinh môi trường.

   Thực hiện các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay tỉnh Quảng Bình có 65/159 xã đạt tiêu chí môi trường đạt tỷ lệ 40,9%. Ngoài ra có 15 xã dự kiến đạt tiêu chí môi trường trong năm 2016.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn hiện còn rất nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất đối với các xã khi thực hiện chương trình xây dựng NTM tại tỉnh Quảng Bình. Do địa hình phức tạp, chia cắt và lịch sử hình các vùng nông thôn có tính đặc thù riêng dân cư sống không tập trung nên việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại một số khu vực nông thôn gặp nhiều trở ngại. Hầu hết các gia đình vùng sâu, vùng xa tự xử lý rác thải bằng các biện pháp đơn giản như đốt, chôn, thậm chí để vào một góc vườn rồi đốt. Không ít nơi người dân tuỳ tiện xả rác thải sản xuất và sinh hoạt bừa bãi; làm chuồng trại gia súc gần nơi ăn ở... gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cộng đồng và bộ mặt nông thôn. Tại trung tâm một số huyện cũng còn nhiều bất cập, như: thiếu kinh phí, thiếu nhân lực, chưa có phương tiện chuyên dụng để thu gom rác thải, bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh không đảm bảo qui chuẩn quy định... Việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn ở khu dân cư tập trung ở nông thôn còn rất hạn chế. Nguồn nước mặt trong một số khu dân cư, một số đoạn sông, kênh, nương bị ô nhiễm. 

   Thực trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó là hệ thống pháp luật về BVMT còn bất cập. Ý thức chấp hành, thực thi pháp luật về BVMT chưa nghiêm. Sự phân cấp, phối hợp với các cơ quan chức năng, các ngành, các cấp chưa được chặt chẽ. Bộ máy quản lý nhà nước về BVMT chưa đồng bộ, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu đặc biệt là cán bộ xã nên chưa theo kịp với những diễn biến ngày càng phức tạp của các vấn đề môi trường. Nguồn lực đầu tư cho BVMT còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý chi sự nghiệp BVMT còn chưa hiệu quả, phân bố dàn trải. Xã hội hóa nguồn lực BVMT cần cơ chế chính sách phù hợp để huy động nguồn lực cho BVMT. Nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho BVMT. Cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương chưa phát huy đúng vai trò, trách nhiệm về BVMT. Việc phát hiện xử lý còn chậm, lúng thúng. Cùng với quá trình phát triển, sức ép về môi trường ngày càng lớn, phức tạp, tác động nhiều mặt đến đời sống người dân.

    Để đạt được tiêu chí về môi trường nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền và các đoàn thể; tăng cường vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu dân cư, khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại, đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải và xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn. Đặc biệt, cần tổ chức các đội tự quản vệ sinh môi trường tại các thôn, bản. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ khâu quy hoạch, kế hoạch bố trí nguồn lực thực hiện đánh giá kết quả và điều chỉnh kịp thời. Nơi tập kết, xử lý rác tập trung cần được tiến hành phù hợp với thực tế và quy hoạch chung của địa phương. Việc xây dựng NTM cần được phối hợp triển khai đồng bộ và tận dụng tốt nguồn lực từ các chương trình, dự án khác. Lồng ghép các nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", thực hiện hương ước - quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với BVMT (tiêu biểu như làm bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi); đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn…

 

Bình Minh

 

Ý kiến của bạn