Banner trang chủ

Bắc Kạn: Thực hiện bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

22/10/2018

     Trong những năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, ngành, đặc biệt là các hội, đoàn thể đã tích cực phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn bà con không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các chất độc hại trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi; áp dụng nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, liều lượng, thời điểm và phương pháp khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

    Hiện nay, tại khu vực nông thôn, sản xuất nông nghiệp đang có bước chuyển dịch từ quy mô nông hộ nhỏ sang sản xuất hàng hóa có quy mô lớn hơn, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với BVMT, hướng tới phát triển bền vững. Điển hình như: Tổ sản xuất rau an toàn ở xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông; Tổ hợp tác trồng bí xanh thơm ở xã Địa Linh, huyện Ba Bể; Tổ hợp tác trồng rau an toàn tại Thành phố Bắc Kạn; Mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông… Các mô hình sản xuất này đều do người nông dân trực tiếp quản lý.

     Cùng với đó, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường tại các xã có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức của người dân về BVMT đã từng bước được nâng cao, phong trào trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, việc chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ không lầy lội… được phát động và duy trì tốt ở nhiều khu dân cư. Tại nhiều địa phương, người dân tự xây dựng lò đốt rác thải quy mô hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình. Ngoài ra, từ nhiều chương trình, dự án như: Chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình 134, 135, Hội Chữ thập đỏ, vốn vay tín dụng... Bắc Kạn đã đầu tư xây dựng nhiều công trình nước sạch. Nhờ đó, đến nay, 96,5% dân số nông thôn trên toàn tỉnh đã được sử dụng nước hợp vệ sinh để sinh hoạt.

Vẫn còn nhiều khó khăn

     Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ có 9/110 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ dân nông thôn chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt khoảng 40%; tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 60,4%; đa số các xã, người dân tự xử lý rác thải hộ gia đình bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với sự tăng trưởng của các thành phần kinh tế và đời sống của người dân ngày càng nâng cao, chất thải nông thôn ngày càng gia tăng về số lượng và chủng loại, đặc biệt, trong thành phần rác thải có nhiều vật khó phân hủy như túi nilon, các bao bì, vỏ chải lọ thuốc bảo vệ thực vật…

    Đặc biệt, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc tổ chức thu gom rác thải. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn kinh phí eo hẹp, thiếu nhân lực, chưa có phương tiện chuyên dụng để thu gom rác thải; không có quỹ đất để xây dựng bãi chứa rác hợp vệ sinh; một số nơi địa hình phức tạp, dân cư sống không tập trung nên việc thu gom gặp nhiều trở ngại. Đến nay, chỉ có 6 xã được tỉnh đầu tư xây dựng mô hình đốt rác thải sinh hoạt: Cẩm Giàng, Quân Bình, (huyện Bạch Thông); Bình Trung, Rã Bản (huyện Chợ Đồn); Hảo Nghĩa, huyện Na Rì; Bình Văn (huyện Chợ Mới). Riêng huyện Ba Bể tự đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt cho các xã Chu Hương, Hà Hiệu, Khang Ninh, Cao Thượng.

    Mặc dù, đa số các xã trên địa bàn tỉnh đều đã có kênh mương thoát nước thải nhưng chủ yếu là rãnh đất, chưa có rãnh xây. Việc xây dựng đường nông thôn mới chỉ tập trung làm mặt đường, không có rãnh thoát nước. Việc xây dựng nghĩa trang tập trung theo quy hoạch của các xã khó thực hiện do nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng thiếu, quỹ đất hạn hẹp, đặc biệt là phong tục tập quán của người dân thường chôn người chết trên đất rừng của gia đình và không cải táng.

Nỗ lực thực hiện quy định mới trong tiêu chí môi trường

     Theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, để thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm đối với các tỉnh thuộc Trung du và miền núi phía Bắc, các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 phải bảo đảm các yêu cầu: 100% cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về BVMT; xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn và chất thải rắn trên địa bàn, nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định; tối thiểu 70% hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh, đảm bảo “3 sạch” và hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường… Những yêu cầu của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới kể trên là cần thiết, nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường sinh thái ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, đối với tỉnh Bắc Kạn hiện nay, số địa phương đáp ứng của tiêu chí này là thấp. Vì vậy, Bắc Kạn đang xây dựng Đề án “BVMT trong xây dựng nông thôn mới cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”, giai đoạn 2017 – 2020, để các xã có cơ sở thực hiện.

    Cùng với đó, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cũng đang tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nói chung và tiêu chí môi trường và an toàn trong xây dựng nông thôn mới nói riêng để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, từ đó chủ động thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh thường xuyên động viên khuyến khích các cán bộ, công chức, viên chức, thành viên, hội viên, đoàn viên tham gia đóng góp tiền của, ngày công lao động để thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm…

 

Thu Hà

Ý kiến của bạn