Banner trang chủ

10 sự kiện/hoạt động môi trường nổi bật năm 2018

29/01/2019

     Năm 2018 đã diễn ra nhiều sự kiện/hoạt động lớn, quan trọng, có tác động tích cực trong lĩnh vực BVMT và phát triển bền vững đất nước. Dưới đây là 10 sự kiện/hoạt động môi trường nổi bật do Tạp chí Môi trường bình chọn.

     1. Ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

     Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Kinh tế biển ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường trên mọi mặt.

 

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

 

     Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bững (PTBV) kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xuyên suốt Nghị quyết là PTBV kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, với 5 chủ trương lớn về phát triển kinh tế biển và ven biển; 3 khâu đột phá; 7 nhóm giải pháp chủ yếu. Đây là Nghị quyết quan trọng, cấp thiết, mang tính thời đại của Đảng trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước liên quan đến biển, đảo diễn biến phức tạp; đặt ra yêu cầu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển và PTBV, thịnh vượng, an ninh, an toàn; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực về biển và đại dương.

     2. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

     Trong những năm qua, bên cạnh việc tái chế chất thải, tận dụng phế liệu phát sinh trong nước làm nguyên liệu sản xuất, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của một số ngành sản xuất, Chính phủ đã cho phép nhập khẩu phế liệu với các điều kiện quy định cụ thể tại Luật BVMT, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Tuy nhiên, việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu (PLNK) nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ bị lợi dụng để đưa chất thải vào Việt Nam, gây ÔNMT.

     Nhằm tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng PLNK làm nguyên liệu sản xuất, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu từ xa, giảm thiểu nguy cơ gây ÔNMT, ngày 17/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt hoạt động nhập khẩu và sử dụng PLNK làm nguyên liệu sản xuất.

 

Phiên họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý, ngày 25/7/2018

 

     Cũng trong lĩnh vực này, năm 2018, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018 quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với 6 nhóm PLNK được sử dụng phổ biến trong quá trình sản xuất. Với những quy định chặt chẽ, rõ ràng, chi tiết tại các Thông tư, việc quản lý chất lượng PLNK trong thời gian tới sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, hạn chế rủi ro môi trường trong hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

     3. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy trong lĩnh vực môi trường

     Năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ TN&MT. Một thập kỷ ghi dấu những nỗ lực BVMT quốc gia được thể hiện qua việc xây dựng thể chế, huy động nguồn lực, thanh, kiểm tra giám sát, phòng ngừa sự cố, gìn giữ thiên nhiên, chất lượng môi trường… từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu quả. Đồng thời, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các nhiệm vụ mới tại Quyết định số 15/2018/QĐ-TTg ngày 12/3/2018 (thay thế Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg). Cùng với đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường cũng được điều chỉnh.

 

 

     Hiện cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường đã được tinh giản, gọn nhẹ và bao quát toàn bộ các nhiệm vụ quản lý môi trường, đảm bảo thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Môi trường được quy định theo hướng kết hợp giữa các nhiệm vụ, quyền hạn chung và nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù về quản lý chuyên ngành; khắc phục được những chồng chéo, bỏ sót trong quản lý nhà nước về môi trường giữa Bộ TN&MT với các Bộ, ngành khác.

     4. Hoàn thiện chính sách pháp luật về BVMT

Năm 2018, hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực môi trường tiếp tục được hoàn thiện. Các văn bản mới được ban hành đã tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động BVMT của các doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội.

     Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT…

     Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án xác định rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận về nguyên tắc 7 nhóm nhiệm vụ ưu tiên để triển khai thực hiện Đề án, kèm theo lộ trình và phân công thực hiện.

     Bộ TN&MT đã hoàn thiện Đề xuất Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT. Dự án Luật khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thi hành pháp luật về BVMT; thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BVMT trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, bảo đảm cho sự PTBV đất nước.

     Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT về việc quy định tiêu chí xác định các loài ngoại lai xâm hại. Thông tư quy định Danh mục các loài ngoại lai xâm hại gồm: 4 loại vi sinh vật, 4 loại động vật không xương sống, 3 loại cá, 6 thực vật…

     5. Thanh tra, kiểm tra toàn diện việc chấp hành pháp luật trong BVMT

  • Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được Bộ TN&MT triển khai sâu rộng, tập trung chủ yếu vào các cơ sở có lượng xả thải lớn, thuộc loại hình hoạt động có nguy cơ gây ÔNMT cao. Tháng 8/2018, Bộ TN&MT đã tiến hành thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về BVMT trong hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, đánh giá toàn diện công tác quản lý nhà nước trong việc cấp Giấy chứng nhận, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan nếu có sai phạm, đồng thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
  • Tổng cục Môi trường tiếp tục triển khai hiệu quả Đường dây nóng theo Chỉ thị số 03/CT-BTNMT ngày 10/10/2017 về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ÔNMT. Tính đến ngày 27/12/2018, Đường dây nóng của Tổng cục đã nhận được 1.143 thông tin phản ánh về ÔNMT trên phạm vi cả nước, trong đó có 542 vụ việc đã được xử lý và phản hồi tới người dân, 601 vụ việc đang được các địa phương xác minh, xử lý.

     6. Chủ động, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế

  • Khẳng định quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết Mục tiêu PTBV (SDGs), Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị “Quốc hội và các Mục tiêu PTBV”. Đây là bước khởi động để các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND địa phương bắt tay vào việc xây dựng một số kế hoạch hành động, nhằm tham gia sâu hơn vào việc thúc đẩy thực hiện các SDGs, phù hợp với những ưu tiên, yêu cầu và hoàn cảnh phát triển của mỗi địa phương.
  • Chung tay cùng thế giới giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, Sáng kiến về thiết lập Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa, hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đề xuất tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và tại Kỳ họp GEF 6 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Để thực hiện Sáng kiến, năm 2018, Bộ TN&MT phát động rộng khắp phong trào “Chống rác thải nhựa”, triển khai xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia quản lý rác thải nhựa đại dương và đã được nhiều cơ quan, tổ chức, cộng đồng hưởng ứng tích cực.
  • Năm 2018 là lần đầu tiên Việt Nam được Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) tín nhiệm và trao quyền đăng cao tổ chức Đại hội ASOSAI 14, với chủ đề "Kiểm toán môi trường vì sự PTBV". Chủ đề này thể hiện sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu PTBV của Liên hợp quốc nói chung và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng.

 

Phiên khai mạc Đại hội ASOSAI 14

 

     Ngoài ra, Các hoạt động hợp tác đa phương và song phương về BVMT đã được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu về quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó BĐKH và PTBV.

     7. Tổ chức thành công Kỳ họp đại hội đồng quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6

     Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6) và các sự kiện liên quan là một trong những cuộc họp toàn cầu quan trọng nhất về môi trường trong năm 2018 do Việt Nam đăng cai tổ chức tại thành phố Đà Nẵng (từ ngày 23-29/6/2018). Kỳ họp GEF6 thu hút sự tham gia của gần 1.500 đại biểu, gồm một số nguyên thủ, lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng, lãnh đạo cơ quan môi trường của 183 quốc gia, các tổ chức của Liên hợp quốc, tổ chức phi chính phủ, chuyên gia về môi trường… Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp “Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới PTBV”, nhấn mạnh tương lai nhân loại phụ thuộc vào hành động của mỗi người. Đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng tham gia các dự án toàn cầu liên vùng, liên lĩnh vực để chung tay xử lý những vấn đề môi trường toàn cầu.

 

Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6

 

     Việc đăng cai tổ chức Kỳ họp GEF6 đã thể hiện sự trưởng thành mạnh mẽ của Việt Nam trong hội nhập toàn cầu về môi trường và PTBV. Qua kỳ họp này, Việt Nam cũng khẳng định là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cam kết chung tay cùng các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên toàn thế giới trong việc giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu.

     8. Giá trị ĐDSH của Việt Nam được thế giới công nhận

  • Tôn vinh những giá trị độc đáo, đặc sắc, nổi bật về địa chất, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, lịch sử, cảnh quan của Công viên địa chất non nước Cao Bằng, tại Phiên họp lần thứ 204, Hội đồng chấp hành UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên này là Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO. Đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ hai của Việt Nam được công nhận (sau Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang); danh hiệu thứ 38 của Việt Nam được UNESCO công nhận và là Công viên địa chất toàn cầu thứ 8 khu vực Đông Nam Á. Công viên có diện tích gần 3.300 km², trải rộng trên địa bàn 9 huyện, có trên 130 điểm di sản địa chất, địa mạo độc đáo, giá trị tầm cỡ quốc tế, với nhiều di sản giá trị minh chứng khoa học lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài đến hơn 500 triệu năm.
  • Sở hữu hệ sinh thái đầm lầy ngập nước, thủy văn ngầm hiếm có và các loài động, thực vật đa dạng, Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Vân Long (Gia Viễn, Ninh Bình) đã được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar) tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Ramsar lần thứ 13. Theo các kết quả nghiên cứu, đến nay, Vân Long có 1 loài cá bản địa, 6 loài bò sát, 1 loài chim, 8 loài thú và 3 loài thực vật bậc cao có mạch được liệt kê vào các hạng: Cực kỳ nguy cấp (CR); nguy cấp (EN); sắp nguy cấp (VU) theo IUCN (2016).

 

Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng

 

     9. Vinh danh các nhà khoa học có nhiều đóng góp cho công tác BVMT

  • Năm qua ghi nhận nhiều đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực BVMT. Trong đó, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã được trao Giải Nhất trong Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đối với lĩnh vực môi trường, với công trình nghiên cứu khoa học "Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại”; Ấn phẩm sách "Các giải pháp thiết kế công trình Xanh ở Việt Nam". Với công lao, đóng góp của các nhà khoa học cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành TN&MT, Bộ TN&MT đã tổ chức Lễ vinh danh tại Hà Nội. Tại buổi Lễ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt cho GS. Phạm Ngọc Đăng và trao Bằng khen cho GS. Đặng Huy Huỳnh, TS. Nguyễn Ngọc Sinh (VACNE).

 

 

  • Giải thưởng Môi trường Goldman công nhận những nhà hoạt động cơ sở vì những thành tựu quan trọng trong công tác BVMT. Giải thưởng được trao tặng hàng năm cho các anh hùng môi trường từ 6 khu vực lục địa trên thế giới. Năm 2018, Quỹ môi trường Goldman đã công bố 7 người nhận Giải thưởng Môi trường Goldman, trong đó bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng cao quý này.

     10. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam kỷ niệm 30 năm xây dựng và trưởng thành

     Là một tổ chức có nhiều đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên và môi trường ở nước ta, năm 2018, VACNE đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và trưởng thành (1988 - 2018).  Trải qua 30 xây dựng và phát triển, VACNE đã không ngừng lớn mạnh, tập hợp ngày càng đông đảo các nhà khoa học, cộng đồng mong muốn hành động vì môi trường. Đến nay, số lượng các Hội thành viên liên tục tăng với 207 hội viên tập thể và hàng vạn hội viên cá nhân. Nhờ đó, Hội đã và đang làm tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT trong nhân dân; góp phần đưa nội dung bảo vệ thiên nhiên và môi trường vào chương trình giảng dạy trong trường học, đấu tranh chống mọi hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.

 

10 tập thể thuộc VACNE nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT vì đã có thành tích xuất sắc trong ngành TN&MT

 

     Đặc biệt, với sự tham gia tâm huyết của các nhà khoa học chuyên ngành, VACNE đã có nhiều đóng góp tích cực qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật, phản biện khoa học, tuyên truyền và xây dựng các mô hình sản xuất bền vững. Mặt khác, Hội cũng tham gia xây dựng và thực hiện các chiến lược, chủ trương, chính sách, pháp luật về môi trường, PTBV như: Luật BVMT (1993, 2005 và 2014); Luật ĐDSH năm 2008; Luật Thuế BVMT; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020…

 

Vũ Nhung

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2019)

 

Ý kiến của bạn