Banner trang chủ

Thực trạng triển khai một số thị trường các-bon và gợi ý cho Việt Nam

12/05/2025

    Thị trường các-bon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính (KNK) là loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trong thị trường là lượng KNK được cắt giảm của một đơn vị phát thải/hấp thụ khi hoạt động giữa bên mua và bên bán. Thị trường này hình thành từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) được thông qua vào năm 1997. Nguồn doanh thu từ tín chỉ các-bon sẽ là nguồn hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm (hay dự kiến làm giảm) phát thải KNK dưới dạng đặt mua lượng giảm phát thải này. Tại Việt Nam, việc phát triển thị trường các-bon tuân thủ sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK theo đóng góp do quốc gia tự quyết định với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp. Điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế các-bon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Tuy nhiên, việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ các-bon tại Việt Nam hiện đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Bối cảnh đó đòi hỏi Việt Nam phải dựa trên những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đã vận hành thành công thị trường này như: Thị trường giao dịch tín chỉ châu Âu, Thị trường giao dịch tín chỉ New Zealand, Thị trường Giao dịch tín chỉ Trung Quốc. Ngoài các thị trường này, thế giới còn có nhiều thị trường các-bon lớn khác như: Hệ thống giao dịch khí thải California (Mỹ), hệ thống giao dịch khí thải Hàn Quốc (KETS), hệ thống giao dịch khí thải Vương quốc Anh (UK ETS)…

Thị trường giao dịch tín chỉ châu Âu (EU-ETS)

    Châu Âu là khu vực tiên phong trong xây dựng và vận hành thị trường giao dịch quyền phát thải các-bon và các KNK khác với mục tiêu kiểm soát và giảm phát thải với chi phí thấp nhất. Thị trường trao đổi phát thải của Liên minh châu Âu (European Union Emission Trading Scheme EU-ETS) là thị trường thương mại phát thải quốc tế đầu tiên trên thế giới và là công cụ chính sách quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) để đạt mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050 theo Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) và thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto. EU ETS hiện hoạt động tại 28 quốc gia EU, Iceland, Liechtenstein, Na Uy và giới hạn phát thải từ hơn 11.000 doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng (tập trung vào các nhà máy sản xuất năng lượng, hoặc sử dụng nhiều năng lượng như sắt thép, xi măng, gốm, giấy và ngành hàng không) [11]. Từ tháng 1/2024, hệ thống đã mở rộng phạm vi đối với ngành giao thông hàng hải [12]. Quá trình phát triển Hệ thống ETS được chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn I (từ năm 2005 - 2007): giai đoạn thí điểm nhằm thiết lập hệ thống và kiểm tra chức năng hoạt động của Hệ thống ETS với khoảng 12.000 cơ sở phát thải tham gia vào hệ thống giao dịch; Giai đoạn II (từ năm 2008 - 2012): Hệ thống được tích hợp vào giai đoạn cam kết đầu tiên của Nghị định thư Kyoto với khoảng 11.500 cơ sở phát thải tham gia vào hệ thống giao dịch; Giai đoạn III (từ năm 2013 - 2020): Có những cải cách đáng kể đã được áp dụng, bao gồm mức trần nghiêm ngặt hơn và áp dụng đấu giá để nhận mức được phép phát thải với khoảng 11.000 - 11.500 cơ sở phát thải tham gia vào hệ thống giao dịch; Giai đoạn IV (từ năm 2021 - 2030) là giai đoạn hiện tại với các mục tiêu tham vọng hơn và áp dụng Quỹ dự trữ ổn định thị trường (Market Stability Reserve-MSR) để giải quyết lượng được phép phát thải dư thừa với khoảng 11.000 cơ sở phát thải tham gia vào hệ thống giao dịch.

    Về cách thức hoạt động, EU ETS hoạt động theo nguyên tắc “cap and trade” (hạn mức và thương mại), trong đó hạn mức (cap) là giới hạn tổng lượng KNK phát thải của các cơ sở thuộc hệ thống và giảm dần hàng năm để phù hợp mục tiêu khí hậu của EU. Nếu vượt quá hạn mức, doanh nghiệp phải mua tín chỉ để bù đắp hoặc chịu mức phạt chung theo quy định châu Âu là 100 EUR/tấn CO₂, danh sách các cơ sở vi phạm cũng sẽ được công bố hàng năm. Hạn mức của EU ETS được thể hiện dưới dạng các tín chỉ/giấy phép/quyền phát thải, gọi chung là tín chỉ phát thải (EU Allowances - EUA), mỗi tín chỉ tương đương với 1 tấn CO₂. Tín chỉ được phân bổ miễn phí và một phần được mua thông qua cơ chế đấu giá, đồng thời có thể giao dịch giữa các cơ sở nếu cần thiết. Giá của tín chỉ được xác định bởi thị trường các-bon EU, tuân theo một bộ quy tắc giám sát chặt chẽ. Tất cả các giao dịch được ghi lại trong Sổ đăng ký Liên minh (Union Registry). Năm 2023, EU đã sửa đổi hệ thống với mục tiêu cắt giảm 62% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so với mức năm 2005, bao gồm cả phát thải từ giao thông hàng hải được đưa vào EU ETS từ năm 2024. Đồng thời, một hệ thống giao dịch phát thải mới ETS2 sẽ được triển khai từ năm 2027 nhằm giải quyết lượng khí thải CO₂ từ quá trình đốt nhiên liệu trong các tòa nhà, vận tải đường bộ và các lĩnh vực bổ sung (chủ yếu là ngành công nghiệp nhỏ không nằm trong EU ETS hiện tại) [10].

    Kể từ khi hệ thống giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu được thành lập vào năm 2005, lượng khí thải CO2 đã giảm đáng kể. Lĩnh vực sản xuất điện và nhiệt, bao gồm các nhà máy nhiệt và điện chiếm khoảng 58% phát thải, đã giảm đáng kể 30% phát thải thông qua chuyển đổi từ than sang các nguồn năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên. Lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như nhà máy lọc dầu, sản xuất sắt, thép, nhôm, kim loại, xi măng, vôi, thủy tinh, gốm sứ, bột giấy, giấy, bìa cứng, axit và hóa chất hữu cơ, chiếm khoảng 40% phát thải, đã giảm được 15 - 20% phát thải thông qua những bước tiến về hiệu quả sử dụng năng lượng và chuyển sang các quy trình ít sử dụng các-bon hơn. Lĩnh vực hàng không, bao gồm các chuyến bay trong Khu vực kinh tế châu Âu (EEA), chiếm khoảng 2% phát thải, phải đối mặt với những thách thức trong việc giảm phát thải nhưng đang nỗ lực cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu và sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững. EU ETS không ngừng phát triển, với nhiều lĩnh vực có khả năng được đưa vào và các giới hạn phát thải nghiêm ngặt hơn đang được thực hiện. EU ETS là công cụ giúp EU đạt được các mục tiêu giảm phát thải tổng thể. Giai đoạn 3 (từ năm 2013 - 2020), mức độ giảm phát thải đạt được ở mức 1,74%/năm; giai đoạn 4 (2021 - 2030), mức giảm hàng năm được tăng lên 2,2%. Mục tiêu cuối cùng là đạt được sự cân bằng khí hậu vào năm 2050, với các mục tiêu trung gian như giảm 55% lượng phát thải KNK vào năm 2030 so với mức của năm 1990 [13].

Thị trường giao dịch tín chỉ New Zealand (NZ-ETS)

    Sau EU, năm 2008, New Zealand cũng giới thiệu Chương trình giao dịch khí thải (NZ ETS), áp dụng cho hầu hết các ngành của nền kinh tế. Khác với EU ETS, ban đầu các doanh nghiệp tham gia NZ ETS không bị áp hạn ngạch phát thải. Chính phủ New Zealand cung cấp miễn phí các tín chỉ phát thải gọi là NZU (New Zealand Unit) cho doanh nghiệp và 1 NZU tương đương với quyền được phát thải 1 tấn CO2. Số lượng NZU cấp phát sẽ khác nhau giữa các ngành nghề. Trong trường hợp doanh nghiệp phát thải vượt quá số lượng NZU miễn phí do chính phủ cấp, họ có thể lựa chọn mua tiếp NZU hoặc mua tín chỉ phát thải từ thị trường quốc tế để nộp lại cho chính phủ, sau đó Chính phủ sẽ bán lại số tín chỉ này. Chính phủ New Zealand không giới hạn lượng tín chỉ các-bon phải nộp của các doanh nghiệp, vì thế, thị trường các-bon của New Zealand từng được gọi là thị trường linh hoạt. Tuy nhiên, NZ ETS không đặt ra giới hạn về tổng lượng ô nhiễm, từ đó khiến lượng khí thải tăng lên và chuyển chi phí phát thải từ những người gây ô nhiễm sang người nộp thuế. Từ năm 2020, Chính phủ New Zealand đã có những điều chỉnh, chuyển sang thị trường hạn ngạch. Chính phủ New Zealand cũng áp dụng các mức phạt cho các tổ chức không hoàn thành nghĩ vụ về thu thập số liệu hoặc cố tình chỉnh sửa sai sót thông tin báo cáo. Mặc dù có nhiều điểm tương đồng với thị trường các-bon châu Âu, mô hình thị trường các-bon của New Zealand có một số khác biệt:

    Thứ nhất, thị trường các-bon mở rộng phạm vi bao gồm ngành lâm nghiệp. Đây là điểm đặc biệt, vì ngành lâm nghiệp là ngành hấp thụ các-bon nên không bị áp dụng hạn ngạch phát thải như các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp lâm nghiệp muốn phá rừng hoặc chuyển đổi rừng thì cần thiết để có được các khoản tín dụng tương đương với lượng phát thải hấp thụ dự kiến ​​từ các khu rừng bị chặt phá

    Thứ hai, EU-ETS tập trung vào việc quản lý các doanh nghiệp phát thải hạ lưu, còn NZ-ETS quản lý các doanh nghiệp phát thải thượng nguồn. Chính phủ New Zealand yêu cầu tất cả các ngành công nghiệp báo cáo lượng khí thải hàng năm để mua hoặc nộp hạn ngạch cho chính phủ. Trong giai đoạn đầu tiên, một thị trường trao đổi khí thải đã được xây dựng để liên kết các thị trường các-bon quốc tế theo Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2015, Chính phủ New Zealand chỉ tập trung vào thị trường trong nước và tín dụng quốc tế không được công nhận.

Thị trường giao dịch tín chỉ Trung Quốc (China-ETS)

    Trung Quốc - quốc gia phát thải KNK lớn nhất thế giới đã ưu tiên đạt đỉnh phát thải và trung hòa các-bon. Để đạt được các mục tiêu này, chính phủ đang phát triển một thị trường các-bon. Sáng kiến này nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu, thúc đẩy hội nhập kinh tế, năng lượng xanh và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, đồng thời giảm phát thải. Quá trình phát triển của thị trường giao dịch các-bon Trung Quốc trải qua 3 giai đoạn:

    Giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2002 - 2012: theo Nghị định thư Kyoto, Chính phủ đã thiết lập cơ chế hợp tác giữa Cơ chế phát triển sạch (CDM) và Giảm thải khí thải được chứng nhận (CER).

    Giai đoạn 2 từ năm 2013 - 2020: Nhà nước bắt đầu triển khai giao dịch thí điểm tại một số địa phương và hình thành thị trường chứng nhận giảm thải trong nước. Thị trường tín dụng các-bon ở Trung Quốc được xây dựng thông qua quá trình thí điểm ở các khu vực có nền kinh tế tương đối phát triển và các thành phố có cường độ phát thải thấp hơn mức trung bình quốc gia (Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Đông, Thiên Tân, Hồ Bắc, Trùng Khánh, Phúc Kiến, Thâm Quyến) và tập trung vào ngành năng lượng sau khi Trung Quốc ban hành Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội ngũ niên lần thứ 12 giai đoạn 2011 - 2015. Đây là điểm khác biệt lớn nhất của thị trường các-bon Trung Quốc. Trong số 8 thị trường thí điểm ở Trung Quốc, hệ thống phân cấp pháp lý và sắp xếp của Hệ thống giao dịch khí thải ETS khác nhau. Chỉ có Thâm Quyến và Bắc Kinh tiến hành các hoạt động theo luật pháp quốc gia, được bổ sung bởi các quy định của địa phương. Sáu chợ thí điểm khác được thành lập theo luật pháp địa phương. Các tiêu chuẩn liên quan đến phân bổ hạn ngạch, giám sát, báo cáo, thẩm định là các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương xây dựng và ban hành. Do khác nhau về khuôn khổ pháp lý và các thỏa thuận ở cấp quốc gia, các tiêu chuẩn của pháp luật địa phương, đã trở thành một trở ngại cho việc kết nối thí điểm thị trường các-bon. Các tín chỉ các-bon được chấp nhận tại các ETS địa phương như: Giảm phát thải được chứng nhận của Trung Quốc (CCER), Giảm phát thải được chứng nhận của rừng (FCER), Giảm phát thải được chứng nhận của Lâm nghiệp Phúc Kiến (FFCER)... tiếp tục được chấp nhận bù đắp phát thải tại ETS quốc gia.

    Giai đoạn 3 từ năm 2021 đến nay: Hiện tại, ETS quốc gia chỉ bao gồm ngành điện (điện và nhiệt), ngành thải ra lượng CO2 tương đương 5Gt mỗi năm (bằng 15% lượng khí thải toàn cầu, 40% tổng lượng khí thải của Trung Quốc). Tuy nhiên, trong bốn năm qua, ETS của Trung Quốc đã không hoạt động hiệu quả để giảm lượng khí thải. Điều này là do so với các đối tác châu Âu và Mỹ, lượng tín chỉ trợ cấp của ETS Trung Quốc quá nhiều, dẫn đến giá giao dịch thấp. Trong giai đoạn đầu, giá giao dịch tại Trung Quốc dao động từ 7-8 đô la Mỹ/tấn, so với mức 58 đô la Mỹ/tấn ở EU ETS. Giá thấp hạn chế động lực tài chính để doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm phát thải mạnh mẽ. Xét trên tác động trong nước, sự thiếu đa dạng ngành nghề đã hạn chế khả năng cắt giảm phát thải sâu trong toàn bộ nền kinh tế. Hiện tại, Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng thêm ngành thép, xi măng và nhôm. Xét trên tác động quốc tế, do Trung Quốc chưa tham gia thị trường ITMO nên chưa áp dụng công cụ điều chỉnh tương ứng (CA) trong giao dịch quốc tế.

Một số gợi ý cho Việt Nam

    Phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNKđã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới. Để thực hiện mục tiêu này, năm 2012, Việt Nam đã trở thành thành viên của “Chương trình sẵn sàng tham gia thị trường các-bon Quốc tế” (Partnership for Market readiness - PMR) do Ngân hàng Thế giới tổ chức. Từ năm 2015, Việt Nam triển khai Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” (Viet Nam Partnership for Market readiness - VNPMR), đặt nền móng cho việc hình thành, phát triển thị trường carbon theo hướng gia nhập thị trường các-bon thế giới. Đồng thời, tham gia Chương trình “Đối tác thực hiện thị trường các-bon” (PMI) do Ngân hàng Thế giới khởi xướng.

    Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành khung pháp lý và chính sách hình thành thị trường các-bon như Luật BVMT năm 2020; Nghị định số 06/2022/ND-CP ngày 7/1/2022 về giảm thiểu phát thải KNK và bảo vệ tầng ô zôn; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/1/2022 quy định chi tiết thi hành Luật BVMT trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK (1.912 cơ sở). Đây là danh mục được công bố lần đầu đối với các lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê theo quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Theo quy định, danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê NKN sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ cập nhật định kỳ 2 năm/lần. Trên cơ sở rà soát, tổng hợp của các Bộ quản lý lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp và của UBND cấp tỉnh, ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê (cập nhật) tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg. Theo đó, có 2.166 cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK, tăng 254 cơ sở so với danh mục được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022, chiếm khoảng 30% tổng phát thải KNK quốc gia. Trong các văn bản này có rất nhiều quy định liên quan đến việc thành lập và vận hành thị trường các-bon, trong đó vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan đã được đề cập. Bên cạnh đó, ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ phát triễn thị trường các-bon theo mô hình tập trung, hoạt động theo nguyên tắc thị trường dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Nhà nước, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích quốc gia, hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường. Lộ trình thực hiện sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch các-bon trong nước từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2029.

    Có thể nói, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành và đang thực hiện nhiều chính sách cho mục tiêu xây dựng thị trường các-bon, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ứng phó với BĐKH, giảm phát thải KNK; thực hiện Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cần phát triển kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, đồng thời thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH mà Việt Nam là một quốc gia thành viên. Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành thị trường các-bon là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính. Bối cảnh đó đòi hỏi Việt Nam phải dựa trên những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đã vận hành thành công thị trường này. Để vận hành thị trường các-bon ở Việt Nam hiệu quả, cần quan tâm một số vấn đề sau:

    Thứ nhất, cần xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon và cơ chế trao đổi, bù trừ tỉn chỉ các-bon, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm sàn giao dịch các-bon. Giai đoạn vận hành thị trường các-bon, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý để hình thành và tạo điều kiện thuận lợi điều kiện phát triển thị trường các-bon trong nước dựa trên kết quả đánh giá giai đoạn thí điểm, bao gồm: quy định về điều chỉnh phân bổ và thu hồi phát thải KNK hạn ngạch cho các doanh nghiệp tham gia thị trường các-bon; trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon phái sinh đối với lượng các-bon; xác định ngành gây phát thải KNK lớn tham gia thị trường các-bon; xác định lượng phát thải KNK hiện tại và quá khứ của các doanh nghiệp được lựa chọn để tham gia vào thị trường các-bon; vận hành đầy đủ hệ thống đăng ký và giao dịch phát thải khí nhà kính. Kinh nghiệm từ EU ETS cho thấy, một khung pháp lý vững chắc là cơ sở để phát triển thị trường và thu hút đầu tư. Hay Trung Quốc đã xây dựng một khung pháp lý và chính sách mạnh mẽ, với NDRC (nay là Bộ Sinh thái và Môi trường - MEE) chịu trách nhiệm quản lý ETS quốc gia. Điều này đảm bảo tính liên kết và hiệu quả trong triển khai.

    Thứ hai, việc triển khai thí điểm trước khi mở rộng là bài học kinh nghiệm cần thiết. Trung Quốc bắt đầu bằng các thị trường ETS thí điểm khu vực, thu thập kinh nghiệm trước khi triển khai ETS quốc gia vào năm 2021. Việt Nam có thể triển khai các dự án thí điểm tại các khu vực hoặc ngành cụ thể (như năng lượng hoặc giao thông) để thử nghiệm và tối ưu hóa hệ thống trước khi mở rộng. Đây có thể là một cơ hội cho TP. Hồ Chí Minh triển khai ETS thí điểm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.

    Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường các-bon của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực và nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhần đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường các-bon. Học hỏi từ kinh nghiệm của New Zealand, việc nâng cao hiểu biết và kỹ năng cho các bên liên quan sẽ giúp thúc đẩy sự tham gia tích cực và hiệu quả hơn.

    Thứ tư, cần có quy định về hướng dẫn đo lường, kiểm kê một cách chính xác lượng khí thải thực tế của các doanh nghiệp, cơ sở. Hoàn thiện hệ thống kiểm kê KNK từ Trung ương đến địa phương, các Bộ, ngành.

Bùi Văn Hưng

Đại học Bách khoa Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2025)

Tài liệu tham khảo:

1. WBCSD & WRI (2011). Greenhouse gas protocol. https://ghgprotocol.org/sites/default/files/standards/ghg-protocol-revised.pdf.

2. Wang, Y., & Wang, W. (2016). Risk identification and regulatory system design for the carbon market. Chinese Journal of Population Resources and Environment, 14(2), 59-67.

3. IEA (2020). China’s Emissions Trading - Designing efficient allowance allocation https://iea.blob.core.windows.net/assets/d21bfabc-ac8a-4c41-bba7-e792cf29945c/China_Emissions_Trading_Scheme.pdf.

4. ICAP (2021). China National ETS. https://icapcarbonaction.com/en/ets/china-national-ets.

5. Karplus, VJ (2021). China’s CO2 Emissions Trading System: History, Status, and Outlook. Harvard Project on Climate Agreements. https://www.belfercenter.org/publication/chinasco2-emissions-trading-system-history-status-and-outlook.

6. Trung tâm nghiên cứu KNK nông nghiệp New Zealand (2023). Government and Climate change https://www.agmatters.nz/about/government-and-climate-change/.

7. LIFE ETX (2024). EU ETS 101 – A beginner’s guide to the EU’s Emissions Trading System.

8. Bộ Môi trường New Zealand (2024). About the New Zealand Emission Trading Scheme. https://environment.govt.nz/what-government-is-doing/areas-of-work/climatechange/ets/about-nz-ets/.
9. Carbon Credits (2024). The Ultimate Guide to Understanding Carbon Credits. Available at:
https://carboncredits.com/the-ultimate-guide-to-understanding-carbon-credits/.

10. European Commission, Our ambition for 2030: 
https://climate.ec.europa.eu/eu-action/eu-emissions-trading-system-eu-ets/what-eu-ets_en#our-climate-ambition-for-2030, truy cập ngày 20/3/2025.

11. European Commission, EU ETS Handbook: https://climate.ec.europa.eu/document/download/5dee0b48-a38f-4d10-bf1a-14d0c1d6febd_en?filename=factsheet_ets_en.pdf, truy cập ngày 20/3/2025.

12. https://climate.ec.europa.eu/eu-action/transport/reducing-emissions-shipping-sector_en, truy cập ngày 20/3/2025.

13. Nguyễn Đình Thọ, Đặng Thị Nhàn (2024). Tác động của hệ thống giao dịch phát thải châu Âu (EU ETS) đối với việc giảm phát thải và tăng trưởng kinh tế. Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt II/2024.

 

Ý kiến của bạn