Banner trang chủ

Tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

12/05/2025

    Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước (ANNN) và an toàn đập, hồ chứa nước thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ quan điểm nước là tất yếu của sự sống, là nguồn lực của quốc gia, có vai trò quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và BVMT. Với trữ lượng nước mặt và nước dưới đất phong phú, tỉnh Hòa Bình có nhiều lợi thế trong khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước (TNN). Nước được được sử dụng cho mục đích sản xuất của cả vùng hạ du; đưa vào nhà máy để trở thành nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân; biến thành dòng điện góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… Tuy nhiên, những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) cùng các hoạt động của con người đã có nhiều tác động tiêu cực, khiến nguồn TNN của tỉnh dần cạn kiệt, suy thoái về chất lượng và gia tăng vùng bị ô nhiễm... Để giải quyết bài toán này, tỉnh Hòa Bình đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ TNN, qua đó, thực hiện hiệu quả nguyên tắc khai thác gắn với sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. 

1. Tình hình khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

    Theo Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TNN của tỉnh Hòa Bình nằm trên lưu vực 3 hệ thống sông lớn (sông Đà, sông Mã, sông Đáy), với khoảng 400 sông, suối chảy qua và 1.300 ha ao, hồ nhỏ, trong đó khoảng 50% sông, suối có lưu lượng thường xuyên lớn hơn 3 lít/s. Những sông lớn có lưu lượng dòng chảy khá gồm sông Đà, sông Bôi, sông Bùi, sông Bưởi, sông Lạng; tổng lượng dòng chảy của hệ thống sông, suối đạt gần 6 tỷ m3.

    Tiềm năng nước mặt trung bình năm khoảng 57,5 tỷ m3 (lượng nước sông Đà từ bên ngoài cung cấp 53,1 tỷ m3 và lượng dòng chảy trên địa bàn tỉnh đạt 4,4 tỷ m3). Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, Hòa Bình có số lượng đập, hồ chứa nước tương đối lớn, với 555 công trình đập, hồ chứa, bao gồm 546 hồ chứa thủy lợi và hệ thống ao, đầm, trong đó, 39 hồ chứa có dung tích lớn hơn 1 triệu m3; 1 hồ chứa thủy điện đặc biệt (hồ Hòa Bình); 12 hồ chứa thủy điện nhỏ. Trong 544 hồ chứa thủy lợi, có 474 hồ thuộc phạm vi điều chỉnh theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập (49 hồ lớn, 151 hồ đập loại vừa, 274 hồ đập loại nhỏ) và 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP. Riêng hồ Hòa Bình có diện tích mặt hồ khoảng 20.800 ha (phần diện tích thuộc tỉnh Hòa Bình khoảng 8.000 ha), đáng chú ý, từ khi hồ Sơn La được xây dựng ở thượng lưu, dung tích hồ Hòa Bình tăng từ 9,45 tỷ m3 lên 9,862 tỷ m3 và dung tích hữu ích là 6,062 tỷ m3. Ngoài nhiệm vụ chính là phòng chống lũ hạ du với dung tích phòng lũ 7 tỷ m3, hồ Hòa Bình còn cung cấp nước để phát điện, điều tiết nước cho vùng đồng bằng sông Hồng.

    Hòa Bình cũng là địa phương có nguồn TNN dưới đất khá dồi dào, nhưng phân bố không đồng đều theo cấu thành tầng địa chất, nhiều nơi ở độ sâu 5 - 10 m (tập trung ở lưu vực sông, vùng ven hồ); một số nơi nằm dưới độ sâu 40 - 50 m; trữ lượng tiềm năng nước dưới đất khoảng 790.776 m3/ngày, đêm. Với 21 tầng chứa nước, TNN dưới đất có khả năng cung cấp đủ nước sinh hoạt cho dân cư toàn tỉnh, trong đó có 7 tầng chứa chất lượng, trữ lượng bảo đảm khai thác lưu lượng lớn, cấp nước cho các khu dân cư, khu công nghiệp. Những tầng chứa giàu nước chủ yếu phân bố ở vùng ven sông, suối, khu vực đất thấp, bằng phẳng hoặc trong thung lũng, còn lại ở vùng núi cao, độ dốc lớn là những tầng chứa nghèo, nước thường xuất hiện mạch lộ thiên với lưu lượng nhỏ, biến đổi theo mùa. Chất lượng nước dưới đất phần lớn là nước ngọt, chưa bị ô nhiễm, có khả năng khai thác phục vụ mục đích sản xuất cũng như cấp nước sinh hoạt cho người dân. Hiện nay, tổng công suất khai thác nước dưới đất của tỉnh Hòa Bình tại các bãi giếng do Công ty Nước sạch Hòa Bình quản lý cũng như các đơn vị khai thác nhỏ lẻ lên đến 9.630 m3/ngày, đêm (3.250 m3/ngày, đêm đối với công trình cấp nước tập trung tại đô thị và 6.380 m3/ngày, đêm đối với công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở khu vực nông thôn).

    Từ yêu cầu đặt ra của cuộc sống, vấn đề khai thác, sử dụng TNN phục vụ cho sinh hoạt đô thị kết hợp với sản xuất công nghiệp của tỉnh Hòa Bình ngày càng tăng cao, riêng năm 2023, Sở TN&MT tỉnh (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã tham mưu trình UBND tỉnh cấp 9 Giấy phép khai thác, sử dụng nước; 4 Giấy phép thăm dò theo thẩm quyền; trình UBND tỉnh phê duyệt tính tiền cấp quyền khai thác, sử dụng nước cho 6 dự án. Nhu cầu nước đến năm 2030 cho từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh theo dự báo của các ngành chức năng như sau: Nước sinh hoạt là 130.726 m3/ngày, đêm, trong đó, khu vực đô thị và khu dân cư tập trung là 68.511 m3/ngày, đêm, nông thôn là 62.230 m3/ngày, đêm; nước cấp cho các khu công nghiệp là 104.828 m3/ngày, đêm và công suất các nhà máy cấp nước yêu cầu là 60.620 m3/ngày, đêm; nước cho nông nghiệp (Trồng lúa là 500,5 m3/năm; cây hàng năm (ngô, rau, đậu, đỗ...) với diện tích 30.969 ha (năm 2025) và 21.176 ha (năm 2030), nhu cầu sử dụng nước là 123.900.000 m3 (năm 2025) và 84,7 triệu m3 (năm 2030)). Trong lĩnh vực chăn nuôi, định hướng năm 2025 trên toàn tỉnh sẽ có khoảng 110.000 con trâu, 115.000 con bò, 750.000 con lợn và 9 triệu con gia cầm, ước tính lượng nước cần tiêu thụ là 18.036.750 m3 (năm 2025) và 27.055.125 m3 (năm 2030). Đối với nuôi trồng thủy sản, nhờ lợi thế có nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện, tỉnh Hòa Bình đang đẩy mạnh nuôi cá lồng, cá bè theo hướng hàng hóa. Định hướng giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh tiếp tục phát triển nuôi cá lồng mặt hồ từ 4.750 lồng hiện nay lên 7.000 - 8.000 lồng, tạo việc làm cho 5.000 lao động; tổng nhu cầu nước cho hoạt động này là 28 triệu m3 (năm 2025) và giảm xuống còn 25 triệu m3 vào năm 2030. 

    Trước thực trạng trên, song song với việc cấp phép khai thác, UBND tỉnh Hòa Bình cũng luôn quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ TNN. Đáng chú ý, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, cải tạo, phục hồi; chỉ đạo Sở TN&MT lập Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp và Danh mục Bản đồ phân vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký nước dưới đất, kiểm kê TNN, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của những sông, hồ là nguồn nước nội tỉnh. Các ngành chức năng cũng tích cực cải tạo, xây dựng nhiều công trình thu giữ, tích trữ nước, nạo vét lòng hồ; nâng cấp một số hệ thống thu gom chất thải, xử lý rác thải và thoát nước trong đô thị; lập hành lang bảo vệ nguồn nước, khoanh định vùng bảo hộ vệ sinh, vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; nghiên cứu phương án giảm nhu cầu nước tưới trong nông nghiệp; áp dụng công nghệ mới trong xử lý, tái sử dụng nước thải; ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sử dụng phân bón, thuốc, chế phẩm sinh học... góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.

    Về phía Sở TN&MT, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng như Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 26/5/2015 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý TNN; Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND ngày 15/1/2018 của UBND tỉnh quy định quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng TNN; Quyết định số 2969/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 của UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Đặc biệt, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 25/8/2017 về triển khai thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác TNN Hòa Bình; trình UBND tỉnh và Bộ TN&MT ban hành Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác TNN cho 75 cơ sở đang khai thác, sử dụng TNN. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn quy định của pháp luật liên quan đến TNN cho các tổ chức, cá nhân trong tỉnh nhân dịp hưởng ứng các ngày lễ, sự kiện quan trọng hàng năm như Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế gới (23/3), Ngày Môi trường thế giới (5/6)…

Hồ Hòa Bình với dung tích 9,862 tỷ m3, giúp phòng chống lũ hạ du và cung cấp nước để phát điện, điều tiết nước cho vùng đồng bằng sông Hồng

2. Một số tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp trong thời gian tới

2.1. Tồn tại, hạn chế

    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng nguồn TNN trên địa bàn tỉnh cũng tồn tại một số hạn chế, bất cập nhất định, nhất là khi trữ lượng nước có thể khai thác, sử dụng thì ngày càng suy giảm cả về số lượng và chất lượng nhưng nhu cầu sử dụng nước lạităng mạnh. Hiện tượng BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm mạch nước ngầm, mất cân bằng sinh thái, đe dọa môi trường nước. Thực tế mùa khô năm 2023 cho thấy, nắng nóng, hạn hán khiến mực nước tại hầu hết hồ chứa trên địa bàn tỉnh xuống thấp báo động; vùng hạ du hồ thủy điện Hòa Bình khô cạn, dòng sông Đà cạn kỷ lục, sản lượng điện giảm nghiêm trọng. Mùa hè năm 2024 tiếp tục nắng nóng gay gắt, ngay từ những tháng đầu năm, Nhà máy thủy điện Hòa Bình phải khai thác ở mức hạn chế để đảm bảo tích nước hồ chứa.

    Đặc biệt, trong điều kiện tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vấn đề bảo đảm ANNN, an toàn đập, hồ chứa nước cũng đang đứng trước nhiều mối đe dọa; quá trình phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm ANNN, làm suy giảm số lượng, chất lượng, thậm chí gây mất ANNN. Trong khi đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến bảo đảm ANNN, an toàn đập, hồ chứa còn thiếu, chưa đồng bộ; nhiều công trình thủy lợi xuống cấp; rủi ro, mất an toàn đập, hồ chứa có xu hướng gia tăng. Không chỉ đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho gần 50.000 hộ dân trong tỉnh với khả năng cung cấp từ 17 - 20 nghìn m3 nước/ngày, đêm, nước mặt sông Đà còn là đầu vào của Nhà máy nước sạch Sông Đà (Viwasupco), cấp nước cho hàng trăm nghìn hộ dân thuộc chuỗi đô thị phía Tây Hà Nội. Đồng thời, Hòa Bình đang đóng vai trò quan trọng khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa khu vực thành phố và lòng hồ Hòa Bình vào quy hoạch là khu vực cấp nước sinh hoạt cho vùng Thủ đô. Vì vậy, tỉnh được xem là khu vực nhạy cảm về ANNN, chỉ một tác động nhỏ cũng có thể dẫn đến hệ quả lớn về môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân.

    Ngoài ra, công tác cắm mốc hành lang, đập, hồ chứa thủy lợi để bảo vệ nguồn nước còn chậm, vi phạm hành lang vẫn diễn ra do nhu cầu phát triển dân cư, du lịch; công tác quản trị nguồn nước chưa thực sự phát huy hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của một số cơ quan, tổ chức, địa phương, người dân trong quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao. Tại các đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước mưa đang chung với nước thải sinh hoạt; nước thải đô thị và nông thôn chưa được thu gom, xử lý đúng quy định; nước thải xả trực tiếp hoặc chỉ xử lý bằng bể tự hoại sau đó xả ra môi trường qua các dòng suối, hệ thống cống nước rồi đổ ra sông Đà. Trong khi đó, lực lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về TNN còn mỏng, nguồn kinh phí cho nhiệm vụ này ở địa phương hạn chế; công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về TNN do Trung ương và địa phương ban hành chưa thực hiện được rộng rãi tới mọi tổ chức, cá nhân...

2.2. Đề xuất giải pháp

    Trước thực trạng trên, từ năm 2021, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với quy hoạch TNN, mục tiêu đảm bảo tầm nhìn dài hạn, định hướng tổng thể, điều hòa, phân phối TNN đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt, ổn định an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, hài hòa với yêu cầu phát triển của từng ngành, từng địa phương và cộng đồng. Quản lý, khai thác TNN theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, BVMT, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với BĐKH và đảm bảo ANNN; khai thác, sử dụng TNN gắn với công tác bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, phân bổ, chia sẻ TNN hợp lý giữa các ngành, địa phương; ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt, sử dụng nước mang lại hiệu quả kinh tế cao và ít tiêu tốn nước; hạn chế khai thác nước dưới đất ở khu vực chất lượng kém, nguy cơ ô nhiễm cao; sử dụng TNN tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả; bảo vệ TNN cả về số lượng, chất lượng, kết hợp giữa bảo vệ với duy trì; xây dựng phương án phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. 

    Có thể thấy, nhu cầu dùng nước càng cao, hiểm họa từ nước càng nhiều, thách thức về nước càng lớn, vì vậy, để đảm bảo ANNN, an toàn đập, hồ chứa, số lượng, chất lượng nước, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch TNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1078/QĐ-UBND ngày 20/6/2024 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TNN số 28/2023/QH15; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện rà soát, xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật TNN năm 2023. Cùng với đó, tuyên truyền, tập huấn Luật TNN và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật (Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNN; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ TNN và tiền cấp quyền khai thác TNN; Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 của Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNN; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TNN và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản TNN; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc TNN dưới đất).

    UBND tỉnh cũng cần sớm ban hành các văn bản theo thẩm quyền để chỉ đạo các đơn vị chức năng ưu tiên bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp BVMT cho hoạt động bảo vệ, phục hồi nguồn nước; cập nhật phương án khai thác, sử dụng vào quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật TNN; công bố chức năng nguồn nước nội tỉnh; ban hành Danh mục hồ, ao không được san lấp, lấn chiếm, Danh mục hồ chứa phải có quy chế phối hợp; chỉ đạo lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước do Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố; ban hành Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; đăng ký khai thác nước mặt; lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; chỉ đạo các cơ quan liên quan cung cấp, cập nhật dữ liệu điều tra cơ bản vào cơ sở dữ liệu TNN quốc gia; công bố sức chịu tải nguồn nước nội tỉnh; cấp phép khai thác TNN; thanh tra, kiểm tra TNN…

    Mặt khác, dựa trên hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hòa Bình cần nghiêm túc triển khai xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến ANNN và an toàn hồ, đập chứa nước, bảo đảm đồng bộ, khả thi; thực hiện hiệu quả các phương án phát triển thủy lợi, cấp nước, phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH trong Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đồng thời, chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước; tăng cường năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, nguy cơ mất ANNN theo thời gian thực; kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu, bảo đảm chủ động trong phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh; ưu tiên nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, thông minh như công nghệ tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt, phun mưa, hệ thống thu gom nước mặt…; chú trọng thực hiện các giải pháp BVMT, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo đảm ANNN.

    Về phía Sở Nông nghiệp và Môi trường, cần tập trung chỉ đạo các tổ chức, đơn vị lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ; bảo đảm sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu và thực hiện các phương án điều hòa, phân phối, bảo vệ nguồn nước theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các nguồn nước nội tỉnh, khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và lập hành lang bảo vệ nguồn nước; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc tổ chức xây dựng kế hoạch, phương án, kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định hiện hành; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về lập hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ.

    Đối với UBND các huyện, thành phố, cần chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan triển khai, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, điều hòa, phân phối TNN; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng TNN tiết kiệm, hiệu quả, gắn với BVMT, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với BĐKH và đảm bảo ANNN.

    Nước là nguồn tài nguyên vô giá, nhưng không vô tận, là một trong những loại hình tài nguyên đặc biệt, được ví như máu của sự sống, “vàng trắng” quốc gia. Vfi vậy, bảo đảm ANNN và an toàn đập, hồ chứa nước là vấn đề cấp bách, tất yếu khách quan; là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân. Từ kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý TNN ở Hòa Bình cho thấy, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân là giải pháp thiết yếu trong bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.

Phạm Viết Trường

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2025)

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, 2018. Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định về quản lý an toàn đập.

2. UBND tỉnh Hòa Bình, 2018. Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND ngày 15/1/2018 của UBND tỉnh Hòa Bình ban hành quy định quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng TNN trên địa bàn tỉnh.

3. Quốc hội, 2023. Luật TNN số 28/2023/QH15.

4. Thủ tướng Chính phủ, 2023. Quyết định 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

5. Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, 2024. Quyết định số 3902/STNMT-TNNKT ngày 9/9/2024 của Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình về việc công bố và triển khai thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 20/6/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá hiện trạng; đề xuất giải pháp quản lý hoạt động xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”.

 

Ý kiến của bạn