Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Phát triển bao bì bền vững: Hành động vì một tương lai không rác thải

22/07/2024

    Hiện nay trên thế giới, mỗi năm, hàng triệu tấn rác thải bao bì được thải ra, chiếm một phần lớn trong tổng số rác thải đô thị, gây áp lực lớn lên hệ thống xử lý rác và các bãi chôn lấp. Quá trình sản xuất bao bì truyền thống cũng tiêu thụ một lượng lớn năng lượng và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, việc phát triển bao bì bền vững là một yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm tại buổi họp tham vấn triển khai kế hoạch nghiên cứu“Xây dựng tiêu chí thiết kế sinh thái, đề xuất lộ trình áp dụng thiết kế sinh thái cho bao bì của một số ngành, lĩnh vực ở Việt Nam” do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam tổ chức mới đây. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý truyền thông và đối ngoại cấp cao, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam về phát triển bao bì bền vững  và  giải pháp thúc đẩy thiết kế sinh thái cho bao bì đối với thực phẩm ở Việt Nam.

Bà Lê Thị Hoài Thương - Quản lý truyền thông và đối ngoại cấp cao,Công ty TNHH Nestlé Việt Nam

    PV: Thưa, bà có thể giới thiệu chức năng, lĩnh vực hoạt động của Công ty cũng như việc tuân thủ các quy định pháp luật hiện nay về việc phát triển các bao bì sinh thái thân thiện với môi trường?

    Bà Lê Thị Hoài Thương: Công ty Nestlé Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Nestlé - tập đoàn thực phẩm và dinh dưỡng lớn nhất trên toàn cầu - có trụ sở tại Thụy Sĩ. Trong suốt gần 30 năm thành lập và hoạt động tại Việt Nam, Nestlé Việt Nam luôn cam kết tuân thủ tốt các quy định của pháp luật đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác và các sáng kiến tạo giá trị chung, tập trung vào các trọng tâm gồm: Hành động chống biến đổi khí hậu; thu mua có trách nhiệm; bao bì bền vững; bảo tồn nguồn nước và bình đẳng giới.

    Chiến lược về bao bì bền vững của chúng tôi gồm 5 trụ cột: Giảm thiểu - Tái sử dụng - Cải tiến bao bì - Tái chế - Thay đổi hành vi. Chiến lược này được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học và khai thác các công trình nghiên cứu từ Viện Khoa học bao bì Nestlé được thành lập từ năm 2019. Viện đang giúp phát triển các thiết kế các vật liệu đóng gói đơn giản hơn hoặc thiết kế để tái chế, đồng thời phát triển các loại giấy bảo vệ hiệu suất cao cũng như vật liệu có thể phân hủy sinh học.

    Việc phát triển bao bì bền vững nói chung và bao bì sinh thái thân thiện môi trường nói riêng cần một lộ trình dài hạn với sự chung tay của nhiều bên. Tại Việt Nam, Công ty Nestlé Việt Nam và Công ty LaVie Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Nestlé) là hai trong số các thành viên sáng lập của Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam). Thực hiện quy định của Luật BVMT năm 2020, Công ty đã tham gia tích cực vào việc thúc đẩy thực thi có hiệu quả trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) và phát triển KTTH. Theo đó, từ năm 2021, Công ty đã hợp tác cùng Trung tâm truyền thông TN&MT (BộTN&MT) triển khai chương trình truyền thông “Nói không với ống hút nhựa dùng một lần” nhằm nâng cao nhận thức về BVMT cho học sinh. Kết quả, đến tháng 5/2022, 100% sản phẩm Milo của Công ty đã chuyển sang ống hút giấy (giảm thiểu khoảng 700 tấn rác thải nhựa mỗi năm) và dự kiến đến năm 2025 các sản phẩm Nestlé sẽ áp dụng 100% bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng.

    PV: Để hành động vì một tương lai không rác thải, Công ty đã đặt ra mục tiêu gì về giảm nhựa nguyên sinh trong sản xuất và bao bì được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng?

    Bà Lê Thị Hoài Thương:  Thông qua các kế hoạch, Nestlé Việt Nam đã tập trung ưu tiên phát triển bao bì bền vững với mục tiêu trên 95% bao bì được thiết kế để tái chế, hướng tới mục tiêu giảm số lượng nhựa nguyên sinh sử dụng trong hệ thống sản xuất xuống còn 1/3 vào năm 2025.

    Công ty cũng xác định tầm nhìn là: “Sẽ không có bao bì nào, kể cả nhựa bị thải bỏ ra môi trường tự nhiên”. Để hướng đến một tương lai không rác thải, Công ty đã thông qua các hành động cụ thể dựa trên 5 trụ cột chính: giảm thiểu, tái sử dụng, thiết kế bền vững, tái chế, và thay đổi hành vi. Tầm nhìn này đòi hỏi, Công ty phải thay đổi trong hệ thống đóng gói và phân phối sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng và người tiêu dùng. Vì thế, Công ty tập trung vào 3 nhóm cam kết để hiện thực hóa tầm nhìn bao gồm: (1) Cân nhắc lại - Rethink: > 95% bao bì của chúng tôi được thiết kế để tái chế vào năm 2025; (2) Đổi mới: Cải tiến nguyên liệu mới và phát triển hệ thống giao nhận thay thế (alternative delivery systems); (3) Chuyển đổi: Hỗ trợ phát triển hệ thống thu gom, phân loại và tái chế hiệu quả. Đến 2025, giảm thiểu 1/3 lượng nhựa nguyên sinh trong bao bì.

    Cùng với đó, Công ty đề ra 5  trụ cột để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra: (1) Giảm thiểu: Giảm sử dụng nhựa nguyên sinh; loại bỏ bao bì không cần thiết; tăng tỉ lệ vật liệu tái chế; (2) Tái sử dụng: Tăng cường sử dụng bao bì có thể tái sử dụng; hạn chế bao bì dùng một lần; (3) Cải tiến bao bì: Tiên phong sử dụng vật liệu thay thế, công nghệ hiện đại và các giải pháp bao bì cải tiến để hỗ trợ việc tái chế & tái sử dụng bao bì sản phẩm; (4) Tái chế: Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy hệ sinh thái phân loại, thu gom, tái chế/tái sử dụng bao bì; (5) Thay đổi hành vi: Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của nhân viên, của đối tác và của cộng đồng.

    Trong quá trình phát triển, chuyển đổi bao bì bền vững, Công ty đã cải tiến thiết kế và đổi mới công nghệ sản xuất bao bì; tăng giá trị tái chế; tuân thủ các quy định; thúc đẩy truyền thông với người tiêu dùng về phương thức xử lý bao bì có trách nhiệm…

    Kết quả cho đến nay, Nestlé Việt Nam là Công ty đầu tiên và duy nhất trong ngành thực phẩm chuyển đổi qua sử dụng 100% ống hút giấy (có chứng chỉ khai thác rừng bền vững FSC) cho các sản phẩm uống liền. Công ty đã đạt tỷ lệ 50% nhựa tái chế trong chai nước khoáng Lavie. Bên cạnh đó, Công ty đã cải tiến các thiết kế, nâng cao tỷ lệ thiết kết để tái chế như chuyển đổi bao bì đa lớp sang đơn lớp, đồng thời hợp tác triển khai các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi.

    PV: Với góc nhìn của doanh nghiệp, bà có đề xuất giải pháp gì để thúc đẩy thiết kế sinh thái cho bao bì đối với thực phẩm ở Việt Nam trong những năm tới?

    Bà Lê Thị Hoài Thương: Phát triển bao bì bền vững nói chung và bao bì sinh thái thân thiện môi trường nói riêng cần một lộ trình dài hạn với sự chung tay của nhiều bên. Là một doanh nghiệp tiên phong trong phát triển bao bì bền vững trong lĩnh vực thực phẩm, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

    Một là, đổi mới và thiết kế đóng vai trò then chốt trong phát triển bao bì bền vững. Điều này yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và vai trò của cơ quan quản lý.

    Hai là, các thiết kế bao bì sinh thái trong thực phầm cần quan tâm các yếu tố gồm: tính hiệu quả và chức năng của bao bì, tối ưu nguồn lực và sự phù hợp với cơ sở hạ tầng quản lý rác thải, tuân thủ và phù hợp với quy định địa phương, quốc tế, đặc tính của nhãn hàng và sự quan tâm của người tiêu dùng.

    Ba là, cần sự phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng quản lý rác thải từ phân loại, thu gom và tái chế cùng với tăng cường nâng cao nhận thức về tiêu dùng bền vững.

    Bốn là, cần có khung chính sách nhất quán và dài hạn, các tiêu chí kỹ thuật đồng bộ, cơ chế khuyến khích phát triển và sử dụng bao bì bền vững.

Châu Loan 

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2024) 

Ý kiến của bạn