Banner trang chủ

Huyện Sóc Sơn: Hành trình 10 năm tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới

15/10/2020

     Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của nhân dân, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả khả quan. Hiện địa phương đang hoàn thiện báo cáo đề nghị các cấp có thẩm quyền thẩm định, xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.

Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội khảo sát, thẩm định hồ sơ

đề nghị công nhận huyện Sóc Sơn đạt chuẩn NTM ngày 26/7/2020

Bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Sóc Sơn với xuất phát điểm rất thấp, chưa có xã nào đạt chuẩn NTM, vì vậy, quá trình thực hiện Chương trình, huyện xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân đã nỗ lực với quyết tâm cao, đến nay, huyện đã có bước phát triển khá toàn diện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, 100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, rải nhựa; 25/25 xã, đạt tỷ lệ 100% hoàn thành NTM; 100% hệ thống được trục đường xã, liên xã, đường trục thôn, đường liên thôn, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 85% kênh mương chính được cứng hóa; hệ thống lưới điện nông thôn ngày càng nâng cấp, cải tạo, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%; 87,06% tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, 26/26 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2020. Về thu nhập bình quân đầu người ước đạt 53,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,06% theo chuẩn nghèo đa chiều; 87,06% tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, 26/26 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bên cạnh đó, huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, hoàn thành phổ cập THCS mức độ 3; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 84,5%; tỷ lệ lao động có việc làm đạt 95,88%. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp dần chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, một số địa phương đã hình thành được vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, an ninh trật tự đều đạt chuẩn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Kết quả huy động nguồn lực trong 10 năm thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt 4.391.295 triệu đồng, trong đó, vốn từ doanh nghiệp, nhân dân và các nguồn xã hội hóa 1.286.444 triệu đồng, ngoài ra, nhân dân tự nguyện hiến khoảng 20.000 m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng. Sóc Sơn không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Đoàn thẩm định Trung ương đi khảo sát thực tế tại huyện Sóc Sơn ngày 10/11/2020

Theo yêu cầu tiêu chí trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, 100% hộ gia đình trên địa bàn có nhà vệ sinh đạt tiêu chí. Cùng với đó, 3.531/83.531 hộ gia đình có hệ thống thoát nước không để chảy tràn ra môi trường; 100% hộ gia đình có bể trữ nước sinh hoạt bằng bồn inox hoặc nhựa với thể tích bể giao động từ 1,5 - 4 m3/hộ; 100% các hộ đăng ký thực hiện 3 sạch theo nội dung Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động. Đối với các tiêu chí khác trong xây dựng NTM của huyện cũng đều vượt và đạt chỉ tiêu. Cụ thể, tính đến nay, tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về BVMT đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 75 %; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt tỷ lệ 100%. Toàn dân tích cực xây dựng cảnh quan, môi trường Xanh - Sạch - Đẹp, an toàn; thực hiện mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch, tỷ lệ hỏa táng trong quý II/2020 đạt 68,55%; chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định, đạt tỷ lệ 95%. Toàn huyện có 32.947/32.947 cơ sở chăn nuôi đã thực hiện các biện pháp BVMT, trong đó, 124/124 hộ chăn nuôi có hồ sơ về BVMT theo quy định, đạt tỷ lệ 100%. Nhìn chung, các hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn 25 xã đều nhỏ, lẻ; chuồng trại được xây dựng cách biệt với nhà ở, được vệ sinh định kỳ bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh. Chất thải chăn nuôi được thu gom xử lý chủ yếu bằng hầm biogas, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 96%...

Trung tâm hành chính huyện Sóc Sơn

Trên địa bàn huyện hiện có 25 xã các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, bao gồm các nhóm ngành nghề như: Công nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại... trung bình 98% cơ sở đạt các yêu cầu về BVMT. Đáng lưu ý, toàn có 1 khu công nghiệp với 42 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động có đầy đủ hồ sơ về thủ tục môi trường; 2 cụm công nghiệp chưa đi vào hoạt động; 32/32 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài khu công nghiệp có đầy đủ hồ sơ, thủ tục về môi trường; 350/360 cơ sở quy mô hộ gia đình đã được UBND các xã, thị trấn cấp giấy xác nhận kế hoạch BVMT theo quy định. Bên cạnh đó, 25/25 xã trên toàn huyện Sóc Sơn đều có điểm tập trung rác thải sinh hoạt, tổ chức thành lập các tổ thu gom rác tại các khu dân cư để thu gom, vận chuyển ra điểm thu gom tập trung của xã trước khi chuyển đi xử lý tại địa điểm tập trung của thành phố. 100% các xã đã triển khai xây dựng mô hình bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng và vận động người dân thu gom rác thải nông nghiệp. Đối với chất thải y tế, các cơ sở y tế đều yêu cầu thực hiện phân loại rác theo quy định, 100% rác thải y tế lây nhiễm được thu gom và xử lý. Đây là tiêu chí được đánh giá là khó thực hiện nhất trong các tiêu chí xây dựng NTM nhưng huyện Sóc Sơn đã nỗ lực thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ. Mặt khác, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao trong huyện ngày càng phát triển. Huyện đã hình thành thêm 9 chuỗi liên kết, 2 nhãn hiệu tập thể trong sản xuất, 7 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp, 27 sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao, trên 100 sản phẩm nông sản được đăng ký truy xuất nguồn gốc QRcode. Toàn huyện có 219 hợp tác xã, trong đó có 155 hợp tác xã nông nghiệp, cơ bản được củng cố, tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

Mô hình trồng rau thủy canh tại huyện Sóc Sơn đang mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp

hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch

Căn cứ vào tiêu chí số 17 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, Sở TN&MT Hà Nội nhất trí đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận huyện Sóc Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Qua thực tế khảo sát thực tế tại một số xã trên địa bàn huyện ngày 26/7/2020, Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội nhất trí đánh giá huyện Sóc Sơn đạt 98,5/100 điểm, đủ điều kiện, tiêu chuẩn, để UBND TP. Hà Nội đề nghị Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn huyện NTM. Tiếp đó, ngày 10/11/2020, Đoàn công tác liên ngành Trung ương đã có buổi kiểm tra, thẩm định, xét công nhận huyện Sóc Sơn đạt chuẩn NTM năm 2020. Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác đều đánh cao nỗ lực của toàn hệ thống chính trị huyện Sóc Sơn, sự đồng thuận, vào cuộc của toàn thể người dân trong xây dựng NTM, nhất là các nội dung liên quan đến tổ chức sản xuất, thu nhập, giao thông, giáo dục, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, diện mạo NTM có nhiều điểm sáng, hồ sơ chuẩn bị khá kỹ… Đồng thời, đoàn cũng chỉ ra nhưng ưu điểm, hạn chế của từng tiêu chí và những vấn đề cần bổ sung, sửa chữa cho phù hợp với thực tế để hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020 trong thời gian sớm nhất.

Có thể thấy, nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã đạt được thành công, song, địa phương luôn xác định, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục. Bởi vậy, để NTM thực sự đi vào chiều sâu, Sóc Sơn sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, hướng tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2025, đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Huyện cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác, tích cực tham gia xây dựng, duy trì đạt chuẩn NTM và thực hiện thường xuyên năm trật tự, văn minh đô thị, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tập trung. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của huyện và các xã, chú trọng vào tiêu chí môi trường, tổ chức sản xuất, thu nhập, các tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị, tiếp cận phổ biến giáo dục pháp luật…; tăng cường nguồn lực cho xây dựng NTM; huy động hiệu quả sự tham gia, đóng góp của nhân dân, kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực đóng góp xây dựng NTM; tận dụng mọi nguồn lực, thế mạnh để xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu…

 

Gia Linh

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng điều phối nông thôn mới Thành phố Hà Nội)

Ý kiến của bạn