Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Quảng Nam: Nỗ lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học

16/07/2024

    Quảng Nam nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền nam Trung bộ, có diện tích 10.574,86 km², dân số năm 2022 là 1.519.400 người. Với địa bàn rộng, vị trí địa lý đặc biệt tạo nên sự đa dạng về sinh cảnh, Quảng Nam được xếp vào địa phương có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, nằm trong vùng cảnh quan ưu tiên của Trung Trường Sơn. Những năm qua, Quảng Nam đã và đang nỗ lực quản lý, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, loài hoang dã, nguồn gen quý hiếm. Tuy nhiên, ĐDSH của Quảng Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ của biến đổi khí hậu (BĐKH) và áp lực phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), do vậy, công tác phục hồi, bảo tồn ĐDSH càng trở nên cần thiết và cấp bách.

1. Thực trạng ĐDSH trên địa bàn tỉnh

    Quảng Nam là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng và biển đặc trưng, có tính ĐDSH cao, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế; là nơi phân bố của các loài quý hiếm, đặc hữu như sao la, hổ, voi châu Á, voọc chà vá chân xám, khướu Ngọc Linh, mang Trường Sơn, sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển... Quảng Nam với 13 kiểu hệ sinh thái đặc trưng cho cả 3 vùng ĐDSH rừng - đất ngập nước và biển.

1.1. Thực trạng ĐDSH rừng

    Quảng Nam có diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng là 769.790,84 ha (729.654,17 ha trong quy hoạch và 40.136,67 ha có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng), độ che phủ rừng đạt 58,88%. Diện tích rừng và đất rừng phân theo chức năng cụ thể như sau: Rừng đặc dụng: 139.895,57 ha (có rừng 129.007,10 ha ; chưa có rừng 10.888,47 ha); Rừng phòng hộ: 315.765,25 ha (có rừng 278.863,60 ha; chưa có rừng 36.901,65 ha); Rừng sản xuất: 273.993,35 ha (có rừng 181.046,72 ha ; chưa có rừng 92.946,63 ha).

    Quảng Nam là nơi giao lưu giữa các hệ thực vật phía Bắc và phía Nam, nên rừng tự nhiên ở tỉnh Quảng Nam có tính ĐDSH cao với sự hiện diện của các loài thú quý hiếm như: Voi (Elephas maximus), sao la (Pseudoryx nghetinhensis), khướu Ngọc Linh (Trochalopteron ngoclinhense), chồn bay (Galeopterus variegatus), mang Trường Sơn (Caninmuntiacus truongsonensis), chà vá chân xám (Pygatrix cinerea); thực vật như: Pơ mu (Cupressus fodginssi), kiền kiền (Hopea pierrei); cây dược liệu: Sâm ba kích (Morinda officinalis), Sâm ngọc linh (Panax vietnamensis)… Qua điều tra, khảo sát của các đoàn chuyên gia đã ghi nhận: Có 1.129 loài thực vật; 111 loài thú, với nhiều loài thú được xác nhận là bị đe doạ trên toàn cầu với mức độ Sắp nguy cấp; 270 loài chim; 48 loài Bò sát.

1.2. Thực trạng ĐDSH đất ngập nước (ĐNN)

    Tổng diện tích đất ngập nước của tỉnh khoảng 71.049 ha (bao gồm đất chuyên trồng lúa nước, đất nuôi trồng thủy sản, đất sông, suối và mặt nước chuyên dùng). Lưu vực sông rộng lớn với ba hệ thống sông chính Tam Kỳ, Vu Gia, Thu Bồn, nguồn tài nguyên nước dồi dào với các hồ chứa, thuận lợi phát triển thủy lợi, thủy điện. Bờ biển dài 125km, nhiều bãi tắm, sạch, đẹp, là tài nguyên du lịch có giá trị. Bờ biển dài và rộng; Sông Cổ Cò kéo dài hơn 10 km và sông Tr­ường Giang kéo dài hơn 78km, chạy dọc theo đư­ờng bờ biển, với những vũng vịnh lớn như­ An Hòa, Trường Giang, là vùng ĐNN đầy tiềm năng và ĐDSH cao, có thể khai thác sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

    Theo kết quả khảo sát năm 2015-2017, có 447 loài sinh vật ở khu vực cửa sông Thu Bồn và 506 loài ở vùng chuyển tiếp; trong đó có 12 loài cá giống có giá trị kinh tế, thuộc 5 họ, 1 bộ đang được ngư dân khai thác. Trong đó, họ cá Mú (Serranidae) có 7 loài, họ cá Hồng (Lutjanidae): 2 loài, Họ Cá Khế (Carangidae) có 1 loài, họ cá Nâu (Scatophagidae) có 1 loài, họ cá Dìa (Siganidae). Khu vực đất ngập nước Sông Đầm (Tam Kỳ) với diện tích toàn bộ lưu vực là 650 ha, trong đó có gần 200 ha mặt nước. Qua khảo sát đánh giá của Viện Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam các loài động, thực vật Sông Đầm như sau: ghi nhận được 295 loài động vật; trong đó có 33 loài cá khác nhau; có 16 loài bò sát, ếch nhái; có 31 loài chim, đáng chú ý có loài “Cò nhạn” nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007; có 211 loài côn trùng. Ghi nhận được 170 loài thực vật bậc cao thuộc 74 họ khác nhau. Đặc trưng của hệ thực vật Sông Đầm là các loài cây ngập nước, bán ngập nước.        

1.3. ĐDSH biển

1.3.1. Khu vực biển xã Tam Hải, Núi Thành

    Kết quả điều tra về ĐDSH nguồn lợi thủy sản ở vùng biển xã Tam Hải và các khu vực lân cận đã xác định được: 98 loài cá 72 giống, 46 họ, 24 bộ, thuộc 2 lớp. Trong đó, xác định có 3 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng và 1 loài ở mức VU - sẽ nguy cấp thuộc Danh lục Sách đỏ thế giới. Động vật thân mềm có 13 loài, 12 giống, 9 họ của 3 lớp: Lớp Chân Bụng Gastropoda, lớp hai mảnh vỏ Bivalvia và lớp chân đầu Cephalopoda. Động vật giáp xác: 12 loài thuộc 7 giống, 4 họ của 1 lớp giáp mềm Malacostraca.

1.3.2. KBT biển Cù Lao Chàm, Hội An

    Cù Lao Chàm là một quần đảo bao gồm 7 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích khoảng 1.642,80 ha, cách Cửa Đại 15 km và TP. Hội An khoảng 18 km về hướng Đông, với gần 2.000 dân cư sinh sống tại khu vực Hòn Lao. Cù Lao Chàm được biết đến bởi sự ĐDSH của các hệ sinh thái quan trọng, bao gồm hệ sinh thái rừng thường xanh, hệ sinh thái nông nghiệp trên đảo; hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái thảm cỏ biển, rong biển và hệ sinh thái bờ triều - vùng đá, các hệ sinh thái có mối quan hệ, tính liên kết nhất định không tách rời từ trên rừng xuống biển. Đây còn là nơi có hệ sinh thái rừng và biển gần như nguyên vẹn cùng với các giá trị về tài nguyên thiên nhiên nổi trội.

Một góc KBT biển Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam

    Rừng Cù Lao Chàm là rừng nguyên sinh với tổng diện tích rừng bao phủ là 1.103,23 ha chiếm 67,15% tổng diện tích phần đảo nổi, hệ thực vật có 624 loài thuộc 418 chi, 130 họ, hệ động vật có 15 loài thú trong đó có 2 loài thú lớn là khỉ vàng và Tê tê JAVA, 133 loài thú nhỏ thuộc 9 họ, 3 chi, 33 loài chim, 51 loài bò sát và lưỡng cư thuộc 18 họ, 3 bộ. KBT biển Cù Lao Chàm có hệ sinh thái biển vô cùng phong phú, đa dạng với 311 héc ta rạn san hô với 292 loài san hô cứng thuộc 40 giống, 17 họ và 45 loài san hô mềm, là nơi cư trú của các loài sinh vật biển trong đó có 277 loài cá, 156 loài thân mềm, 25 loài giáp xác, 22 loài da gai, 97 loài nhuyễn thể. Bên cạnh đó, các hệ sinh thái khác ngoài hệ sinh thái rạn san hô như hệ sinh thái cỏ và rong biển với độ bao phủ cao, hệ sinh thái bãi biển… đã góp phần tạo nên bức tranh biển đảo đầy màu sắc.

2. Nỗ lực bảo tồn, phục hồi ĐDSH và tài nguyên thiên nhiên

    Thời gian qua, công tác điều tra, thống kê, khảo sát về ĐDSH trên địa bàn tỉnh được xác định là nhiệm vụ quan trọng, được thực hiện thông qua nhiều cách thức khác nhau: Xây dựng các kế hoạch điều tra, khảo sát định kỳ; thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ nhằm đánh giá được tiềm năng, cập nhật được thực trạng ĐDSH; tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho công tác quy hoạch, xây dựng và triển khai các giải pháp, chương trình, kế hoạch bảo tồn, phục hồi ĐDSH trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch, tiến hành thành lập các KBT thiên nhiên, KBT loài và sinh cảnh và các khu bảo vệ cảnh quan trên địa bàn với tổng diện tích 157.380 ha. Diện tích quy hoạch rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh được xây dựng với 144.465 ha; tăng hơn 4.500 ha so với giai đoạn 2011 - 2020. Tổng diện tích hiện nay của KBT biển Cù Lao Chàm là 23.500 ha, trong đó diện tích biển 21.888 ha (so với tổng diện tích 8.265 ha; diện tích biển 6.716 ha năm 2010).

    Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật luôn được tỉnh chú trọng, đẩy mạnh tăng cường đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã tổ chức với 284 hội nghị/10.715 lượt đại biểu tham gia, họp dân 1.467 đợt/84.269 lượt người tham gia; tập huấn với 2.081 lớp/138.479 lượt người tham gia; tuyên truyền lưu động 2.495 đợt; cấp phát hàng ngàn tờ rơi, poster tuyên truyền; đưa tin và phóng sự trên sóng phát thanh, truyền hình (QRT), báo tỉnh Quảng Nam và khu vực (VTV8) thông qua các phim ngắn, câu chuyện về bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh.

    Được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các ngành chức năng phối hợp khảo sát, đánh giá thực trạng và xây dựng Chiến lược và các kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh như: Chiến lược bảo tồn ĐDSH hệ sinh thái rừng phía Tây của tỉnh (2005); Xây dựng Chiến lược bảo tồn tài nguyên và ĐDSH tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2005-2015 và tầm nhìn 2020; Kế hoạch hành động Đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Kế hoạch hành động thực thi pháp luật về bảo tồn tài nguyên và ĐDSH; Kế hoạch hành động giáo dục bảo tồn…

    Từ năm 2015 đến năm 2023, có 18 nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp tỉnh đã và đang được triển khai thực hiện có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Các nhiệm vụ nghiên cứu về vấn đề phục hồi và bảo tồn rùa biển tại KBT biển Cù Lao Chàm; nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất thiết lập KBT biển khu vực xã Tam Hải, huyện Núi Thành; nghiên cứu ĐDSH động thực vật hồ Sông Đầm; xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông minh ĐDSH hệ thực vật các khu rừng đặc dụng tỉnh Quảng Nam… Ngoài ra, tỉnh đã tiến hành triển khai một số nhiệm vụ quỹ gen hướng đến giải quyết các các vấn đề về bảo tồn giống, phát triển các loại cây trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như lúa rẫy (Nhe mùa, Ba Trăng, Ba toon), ngô nếp Hội An, tiêu Tiên Phước, bưởi Trụ lông Đại Bình, bòn bon, măng cụt, lim xanh, giổi hương..., con vật nuôi (heo cỏ, gà tre)...

    Bên cạnh đó, các hoạt động phục hồi, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015-2023 được thực hiện thông qua các chương trình, dự án như: Dự án Bảo vệ và phát triển rừng, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Tiểu dự án 1, Dự án 3); các Dự án: Hành lang ĐDSH Tiểu vùng Sông Mê Công (BCC); Dự án Dự trữ các-bon và bảo tồn ĐDSH (CarBi); Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng Quảng Nam (KfW10); Trường Sơn xanh; Mây tre keo bền vững (SBARP) - WWF hỗ trợ cấp FSC; Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của BĐKH cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển tỉnh Quảng Nam (GCF); Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng; Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP góp phần tái tạo lại các diện tích rừng phần mất, suy thoái hay phủ xanh các diện tích đất trống.

    Đồng thời, tỉnh đã thực hiện trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác là 172.056,77 ha; trong đó, diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng 2.749,96 ha và trồng rừng sản xuất 169.306,81 ha. Thực hiện khoanh nuôi tái sinh với tổng diện tích 41.235,73 lượt ha. Tổng diện tích khoán, bảo vệ rừng trong giai đoạn 2015-2023 là 3.541.169,04 lượt ha thông qua triển khai thực hiện việc khoán, bảo vệ rừng theo nhiều chương trình chính sách như: giao khoán rừng tự nhiên tại các xã khu vực II, III theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Tiểu dự án 1, Dự án 3), Chi trả dịch vụ môi trường rừng, các dự án vốn ODA… Qua giao khoán bảo vệ rừng đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho hơn 30.000 hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc tại các huyện miền núi.

    Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Nam đã phối hợp, hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ triển khai nhiều hoạt động về bảo tồn và khôi phục các giá trị ĐDSH trên địa bàn như: Triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ quản lý và đào tạo nâng cao năng lực trên nhiều lĩnh vực cho đội ngũ cán bộ trong lực lượng lực Kiểm lâm, cán bộ làm công tác chuyên môn về bảo tồn tại các đơn vị trực thuộc và Ban quản lý rừng đặc dụng; Hỗ trợ xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên rừng Quảng Nam, thiết lập công cụ quản lý hệ thống dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART, Locus Map); Báo cáo đánh giá nhu cầu bảo tồn, nhu cầu kinh tế xã hội vùng đệm KBT… Thiết lập hệ thống thực thi pháp luật bảo vệ rừng hiệu quả; Giám sát ĐDSH; Triển khai hỗ trợ, phát triển sinh kế cộng đồng bền vững; Hoạt động quản lý bền vững ĐDSH…

    Ngoài ra, một số Dự án đang và sẽ triển khai tại Quảng Nam như: Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam (VFBC, do USAID tài trợ) với mục tiêu bảo tồn, bảo vệ và quản lý các loài động vật đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng cũng như hai loại rừng quan trọng: Rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; “Tăng cường vai trò các cộng đồng và tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn tại khu vực Trung Trường Sơn” do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ thông qua WWF; “Giải cứu Sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng”; “Đẩy mạnh chuỗi cung ứng bền vững, trao quyền cộng đồng, cải thiện khả năng phục hồi rừng và ĐDSH, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm xuyên quốc gia” (IKEA-pha 7, do IKEA tài trợ thông qua WWF); Phục hồi rừng và phát triển sinh kế huyện Tây Giang (do Velux tài trợ) và các dự án phục hồi rừng... cũng đã góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.

    Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, Quảng Nam đang đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học, do tác động bởi ô nhiễm nước, không khí và rác thải nhựa; khai thác, sản xuất và tiêu dùng quá mức, hủy hoại rừng, săn bắt và buôn bán trái phép các loài hoang dã, tận diệt nguồn lợi thủy sản. Cùng với đó, áp lực phát triển kinh tế cũng đã tác động lớn đến môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Do vậy, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội trong công tác ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học, bảo đảm duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, phát triển bền vững.

3. Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH

    Với mục tiêu ngăn chặn được tốc độ suy thoái của hệ sinh thái và ĐDSH; ĐDSH và các dịch vụ hệ sinh thái từng bước được phục hồi, bảo tồn và sử dụng hiệu quả nhằm góp phần phát triển bền vững KT - XH, chủ động ứng phó với BĐKH, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025, trong đó, xác định rõ về phương án bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, bao gồm:

    Thứ nhất, tập trung bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn.

    Thứ hai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng mục tiêu, hiệu quả; hạn chế chuyển đổi đất trồng lúa năng suất cao, đất rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

    Thứ ba, cải thiện về chất lượng, số lượng quần thể các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, đảm bảo không gia tăng số lượng loài bị tuyệt chủng; cải thiện tình trạng loài bị đe dọa tuyệt chủng.

    Thứ tư, tiếp tục thực hiện đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng; đẩy mạnh thu hút các khối tư nhân đầu tư nghiên cứu xây dựng tín chỉ các-bon rừng đối với các vùng rừng xung yếu; xin phép Thủ tướng cho thí điểm thực hiện; tranh thủ cơ hội có thể bán được tín chỉ các-bon rừng để người dân trong vùng bảo tồn được tiếp tục hưởng lợi.

    Thứ năm, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, dịch vụ hệ sinh thái tài nguyên di truyền. Công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH được thực hiện trên quan điểm quản lý gắn với khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm góp phần giảm nghèo, BVMT, đảm bảo cân bằng sinh thái và an ninh quốc phòng của tỉnh Quảng Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung. Các giải pháp bảo tồn ĐDSH phải phù hợp với quy hoạch phát triển KT - XH của tỉnh, quy hoạch sử dụng đất đai và các quy hoạch ngành có liên quan, đảm bảo phát triển bền vững KT - XH phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH liên quan của các ngành và các địa phương.

    Thứ sáu, tăng cường nguồn lực tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thông qua triển khai các dự án, mô hình thí điểm, từ đó từng bước lồng ghép vào chương trình, kế hoạch cụ thể của mỗi ngành, địa phương nhằm tăng cường tính hiệu quả trong quản lý bảo tồn trong phát triển KT - XH trên mỗi địa bàn, vùng sinh thái khác nhau.

    Thứ bảy, quy hoạch 3 vùng đất ngập nước quan trọng (Vùng đất ngập nước vũng An Hòa; Vùng đất ngập nước tại vùng Bãi Sậy - Sông Đầm; Hệ sinh thái Dừa nước tại khu vực sông Trầu và sông Bến Đình).

    Thứ tám, quy hoạch chuyển tiếp hành lang bảo tồn ĐDSH kết nối KBT loài và sinh cảnh Sao La, Vườn quốc gia sông Thanh và KBT loài và sinh cảnh Voi và Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh; thành lập mới hành lang ĐDSH Cù Lao Chàm-Cửa Đại, Quảng Nam.

    Thứ chín, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn ĐDSH; hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách về bảo tồn ĐDSH; giải quyết từng bước sinh kế, ổn định đời sống, nâng cao mức sống của người dân địa phương trong vùng quy hoạch các KBT...

Nguyễn Xuân Hoàng

Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025.

2. Báo cáo thực trạng công tác bảo tồn, phục hồi  ĐDSH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ năm 2015 đến năm 2023.

3. Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo.

Ý kiến của bạn