13/06/2022
Được thành lập theo Quyết định số 98/2005/QĐ-UBND, ngày 15/12/2005 của UBND tỉnh Khánh Hòa, Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hòn Bà có nhiệm vụ: Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới với các nguồn gen động thực vật quý hiếm; Phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ và duy trì nguồn nước cho hồ Suối Dầu; Góp phần BVMT sinh thái, điều tiết khí hậu; Phục vụ nghiên cứu khoa học về rừng, tạo nên một khu du lịch biển TP. Nha Trang.
ĐDSH tại Khu BTTN Hòn Bà
Hòn Bà được khám phá bởi bác sĩ Alexandre Yersin vào ngày 22/9/1863. Từ năm 1915, ông đã xây dựng trại nghiên cứu ở độ cao độ gần 1.600m so với mức nước biển trên đỉnh Hòn Bà. Tại đây, ông thực hiện nhiều chương trình thực nghiệm, gây trồng và sử dụng các loài cây thuốc. Đặc biệt, ông là người có công điều tra phát hiện nhiều loài thực vật quý, hiếm tại Hòn Bà như: Cây trương hùng (Reevesia yersinii), chè Hòn Bà (Thea yersinii)…
Trong Khu BTTN Hòn Bà hiện có khoảng 592 loài thực vật bậc cao, thuộc 401 chi và 120 họ; trong đó thông đất và dương xỉ có 73 loài, ngành hạt trần có 8 loài và ngành hạt kín có 511 loài. Ngoài các thành phần cây lá kim, nơi đây còn có sự hiện diện của những loài thuộc các họ chỉ phân bố ở đai khí hậu á nhiệt đới hoặc ôn đới như họ Đỗ quyên (Ericaceae), họ Thích (Aceraceae), họ Nguyệt quế (Lauraceae), họ Ráng tiên tọa (Cyatheaceae)… Trong danh lục thực vật Hòn Bà đã thống kê được 43 loài quý, hiếm được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam, có thể kể đến các loài thông lá dẹt (Pinus krempfii), pơ mu (Fokienia hodginsii), hồng quang (Rhodoleia championii), gõ đỏ (Afzelia xylocarpa), trắc dây (Dalbergia annamensis), mun (Diospyros mun), xoay (Dialium cochinchinensis)… Ớt làn mụn cóc (Tabernaemontana granulosa) là loài đặc hữu hẹp mới chỉ tìm thấy ở Hòn Bà và Ninh Hòa (Khánh Hòa). Một số loài còn mang tên các địa danh nổi tiếng như: dẻ gai Nha Trang (Castanopsis nhatrangensis), thị Nha Trang (Diospyros nhatrangensis), đỗ quyên Nha Trang (Rhododendron nhatrangensis), sồi Hòn Bà (Lithocarpus honbaensis), bùi Hòn Bà (Ilex honbaensis), minh điền Hòn Bà (Medinilla honbaensis)... Gần đây, KBTTN Hòn Bà đã ghi nhận thêm 2 loài mới cho hệ thực vật Việt Nam là cây gạt bao và săng ớt. Bên cạnh đó, Hòn Bà còn là nơi có nguồn dược liệu tự nhiên hết sức phong phú và giá trị cao gồm: linh chi (Ganoderma lucidum), sa nhân (Amomum xanthioides), dó bầu (Aquilaria crassna), lười ươi (Scaphium lychnophorum), cốt toái bổ (Drynaria fortunei), ngũ gia bì (Schefflera octophylla), ba gạc (Rauwolfia cambodiana), bời lời chanh (Litsea cubeba)…
Hệ động vật tại Hòn Bà cũng rất đa dạng, với 28 bộ, 88 họ và 274 loài; trong đó đã ghi nhận có 70 loài thuộc lớp thú, 144 loài thuộc lớp chim, 37 loài thuộc lớp bò sát, 17 loài thuộc lớp ếch nhái; có 56 loài động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới, tiêu biểu như gà lôi, gà tiền, niệc nâu, hồng hoàng, trĩ sao, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, vượn đen má hung, gấu ngựa, kỳ đà hoa, rắn cạp nong… Đặc biệt, Hòn Bà còn là nơi trú ngụ của một quần thể lớn voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), loài động vật hoang dã rất quý hiếm ở Việt Nam (thuộc nhóm IB) và đang trong tình trạng nguy cấp (theo Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên thiên IUCN). Tại Hòn Bà, voọc chà vá chân đen sống ở rừng thường xanh từ cao độ 380m đến đỉnh Hòn Bà 1.568m. Chúng sống thành đàn từ 5 - 23 con, có con đực đầu đàn, kiếm ăn vào buổi sáng và chiều, ngủ trên cây gỗ cao trong khe núi, ăn lá non, mầm cây. Nhờ sự đa dạng các loài thực vật bậc cao trong lâm phần, voọc chà vá chân đen có được nguồn thức ăn phong phú, cứ thế sinh sôi và sống yên bình trong sự bảo vệ của lực lượng bào vệ rừng Khu BTTN Hòn Bà.
Ban quản lý Khu BTTN Hòn Bà tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Nhâm Dần năm 2022
Nhiều giải pháp bảo vệ sự đa dạng sinh học tai Khu BTTN Hòn Bà
Để giữ cho Khu BTTN Hòn Bà được mãi xanh, bên cạnh bảo vệ nguyên trạng khu bảo tồn, thời gian qua, Ban quản lý Khu BTTN Hòn Bà luôn chú trọng trồng rừng tại các phân khu phục hồi chức năng nhằm phủ kín và làm dày các khu vực rừng trống lâu nay. Kết thúc mùa trồng rừng năm 2021, đã trồng được 10 ha rừng mới tại phân khu phục hồi chức năng thuộc khoảnh 9, Tiểu khu 235, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm.
Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, giữ rừng từ “gốc”. Hạt Kiểm lâm Hòn Bà đã xây dựng 6 trạm kiểm lâm, 1 chốt bảo vệ tại các địa bàn xung yếu, có nguy cơ rừng bị xâm hại cao. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, truy quét sâu vào rừng, kiểm soát lâm sản tại các khu vực trọng điểm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021 đã tổ chức 417 đợt tuần tra, truy quét. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực vào rừng, không để xảy ra các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt trái phép động vật trong Khu.
Cùng với việc quản lý, bảo vệ rừng, một trong những công việc trọng tâm của Khu BTTN Hòn Bà là phòng, chống cháy rừng trong mùa khô. Năm 2021, tại các khu vực có nguy cơ bị tác động như: Trà Dâng, Đá Trắng, Đá Hàn, Suối Tân, tuyến đường Hòn Bà (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm); Ma O, suối Chi Chay, Trại Gà, Tà Gụ, Ko Lắc, Ko Róa (huyện Khánh Sơn); Kho đạn, suối nước nóng, thác Yang Bay (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh)…, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Hòn Bà tổ chức 876 đợt tuần tra, kiểm tra kiểm soát, đã phát hiện, đẩy đuổi kịp thời nhiều đối tượng ra khỏi rừng.
Ngoài ra, nhằm thu thập thêm dữ liệu về động vật hoang dã, nâng cao cơ hội bảo tồn ĐDSH trong lâm phần, hiện nay, Ban Quản lý KBTTN Hòn Bà đang triển khai thí điểm việc đặt các bẫy ảnh để thu thập dữ liệu về động vật hoang dã trong Khu. Từ đầu tháng 1/2022, 4 bẫy ảnh đã được lắp đặt tại những khu vực có ĐDSH cao, thuộc các tiểu khu 213, 217. Sau thời gian đặt bẫy ảnh, tại Khu BTTN đã ghi nhận sự xuất hiện của các loài như: gà so trung bộ, chồn vàng; đang tiếp tục phân tích hình ảnh một số loài động vật hoang dã khác. Sau khi thử nghiệm trên một diện tích nhỏ trong lâm phần của khu bảo tồn, đơn vị sẽ tăng số lượng bẫy ảnh, khảo sát nhiều tuyến hơn. Qua đó, nghiên cứu, cập nhật danh mục động vật và thiết lập bản đồ phân bố các loài đặc hữu, nguy cấp trong Khu bảo tồn để có giải pháp bảo vệ hiệu quả.
Nhờ được quản lý, bảo vệ tốt nên hệ sinh học tại Khu BTTN Hòn Bà ngày càng phát triển, bảo tồn được sự đa dạng, nhất là môi trường sống của các loài động vật hoang dã được bảo vệ tốt. Trong Khu bảo tồn không còn tình trạng săn bắt, đặt bẫy thú rừng rầm rộ như trước đây; tình trạng lén lút săn bắt động vật hoang dã cũng đã giảm. Có được kết quả này là nhờ Ban quản lý Khu bảo tồn đã triển khai tốt các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã; thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, bảo vệ rừng từ gốc… Trong thời gian tới, Ban quản lý Khu BTTN Hòn Bà sẽ đề xuất tỉnh Khánh Hòa cho phép điều tra toàn diện về hệ động, thực vật tại Hòn Bà, đánh giá đầy đủ về giá trị tài nguyên rừng, hình thành cơ sở dữ liệu riêng cho Khu. Trên cơ sở đó, kiến nghị lập hồ sơ đề nghị nâng cấp hạng thành Vườn quốc gia thay cho Khu BTTN Hòn Bà như hiện nay.
Lê Thị Phương
Viện Hóa sinh biển - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam