19/07/2025
Từ ngày 17 - 18/7/2025, tại Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy, tỉnh Ninh Bình, Viện Địa lý nhân văn và Phát triển bền vững, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đa dạng sinh học (ĐDSH) biển Việt Nam và các mô hình bảo tồn ĐDSH biển”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ tuyên truyền hằng năm về truyền thông, nâng cao nhận thức về BVMT cho người lao động Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, với chủ đề năm 2025 là bảo tồn ĐDSH biển. Tham dự Hội thảo có Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn và Phát triển bền vững TS. Phạm Thị Trầm; Phó Giám đốc VQG Xuân Thủy Vũ Quốc Đạt và đại biểu thuộc các Viện nghiên cứu, Ban chức năng, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm…
Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn và Phát triển bền vững TS. Phạm Thị Trầm phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn và Phát triển bền vững TS. Phạm Thị Trầm cho biết: “Đến nay, Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động mạng lưới 11 trong tổng số 16 Khu bảo tồn (KBT) biển và các VQG có hợp phần bảo tồn biển tại Việt Nam gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Bái Tử Long, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 27 KBT biển được thành lập trong đó có 11 khu bảo tồn biển cấp quốc gia và 16 KBT biển cấp tỉnh. Tăng diện tích các KBT biển, ven biển đạt khoảng 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam vào năm 2030, góp phần bảo tồn ĐDSH biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng và đảm bảo tính toàn vẹn mối quan hệ giữa các hệ sinh thái đất liền và biển.
Mặc dù, đã có nhiều hoạt động bảo tồn ĐDSH biển đã và đang được triển khai tại Việt Nam, song vẫn còn không ít khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển đang làm suy giảm ĐDSH, áp lực từ các hoạt động du lịch lên môi trường và hệ sinh thái, khai thác và nuôi trồng thủy sản không bền vững… Công tác bảo tồn biển vẫn còn một số hạn chế về chính sách đầu tư phát triển mạng lưới KBT biển; công tác quản lý KBT biển ở địa phương còn nhiều bất cập…
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Trước thực trạng trên, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về bảo tồn ĐDSH biển, Hội thảo hôm nay được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của người lao động Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về bảo tồn ĐDSH biển, từ đó phát huy những sáng kiến BVMT, bảo tồn ĐDSH biển. Đồng thời, người lao động trong Viện sẽ được làm giàu thêm kiến thức, thực hiện tốt hơn vai trò tư vấn chính sách và chức năng tham mưu, phản biện, đóng góp cơ sở khoa học trong phát triển bền vững đất nước”.
Chia sẻ về hiện trạng VQG Xuân Thủy, đại diện VQG cho biết, Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) đất ngập nước (ĐNN) Xuân Thủy được thành lập từ năm 1995. Đến tháng 1/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg chuyển hạng khu BTTN ĐNN Xuân Thủy thành VQG Xuân Thủy. Tháng 12/2004, UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, trong đó VQG Xuân Thủy là vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt.
VQG Xuân Thủy có chức năng, nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái ĐNN của vùng cửa Sông Hồng, các loài động vật, thực vật đặc trưng của vùng sinh thái đất ngập nước, đặc biệt là các loài thủy sinh, các loài chim nước và chim di trú; Phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái; Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương.
Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham gia hoạt động trồng rừng ngập mặn tại VQG Xuân Thủy
Là vùng ĐNN tiêu biểu cho vùng cửa sông ven biển, VQG Xuân Thủy có sự đa dạng về các kiểu hệ sinh thái của vùng ĐNN ven biển cửa sông - nơi cư trú của rất nhiều nhóm sinh vật khác nhau. Thành phần loài sinh vật ở đây khá đa dạng và phong phú với 1.647 loài thuộc các nhóm thực vật, sinh vật nổi, rong, cỏ biển, cá, côn trùng, bò sát, ếch nhái, chim, thú. Điều kiện tự nhiên và đa dạng thành phần loài sinh vật trong các kiểu hệ sinh thái ĐNN ven biển của VQG Xuân Thủy đã trở thành tài nguyên quý giá và quan trọng cho khoa học, là nguồn lợi cung cấp thực phẩm cho người dân địa phương, nơi hấp dẫn các du khách ở khắp nơi trong nước và trên thế giới tới tham quan.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, VQG đang phải đối mặt với những thách thức như: tình trạng khai thác quá mức và trái phép tài nguyên sinh vật; thiếu các quy hoạch cụ thể khi cải tạo, xây dựng các đầm nuôi tôm quảng canh ở vùng lõi, phát triển nuôi ngao với mật độ nuôi cao ở phân khu phục hồi sinh thái phía đuôi Cồn Lu; dân số vùng đệm tăng nhanh; ô nhiễm hữu cơ do nguồn thải từ khu vực nuôi tôm ở Cồn Vạng và Cồn Lu…
Tham luận tại Hội thảo, Đại diện Viện Địa lý nhân văn và Phát triển bền vững đã trình bày về những khó khăn và thách thức đối với KBT biển Việt Nam; Một số mô hình bảo tồn ĐDSH biển và bài học kinh nghiệm về bảo tồn ĐDSH biển. Cụ thể, các mô hình điển hình về bảo tồn ĐDSH biển như: Sáng kiến tổ cộng đồng bảo tồn và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm; Mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rạn san hô tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã góp phần phát triển du lịch sinh thái địa phương và cải thiện sinh kế cho người dân.
Đại biểu Viện Địa lý nhân văn và Phát triển bền vững tham gia trồng cây
Sau buổi tập huấn, tiếp theo Chương trình Hội thảo, các đại biểu đã tham gia hoạt động tham quan ĐDSH và trồng cây trong rừng ngập mặn VQG Xuân Thủy.
Châu Loan