Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 06/12/2024

Duy trì dịch vụ hệ sinh thái cho Mũi Cà Mau trong bối cảnh biến đổi khí hậu

02/09/2013

Mũi Cà Mau là một vùng đất ngập nước với hệ sinh thái (HST) ngập mặn ven biển độc      đáo có tính đa dạng sinh học cao đem lại giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa và khoa học. Tuy      nhiên, ngoài mối đe dọa thường xuyên do hoạt động của con người, Mũi Cà Mau đang         chịu nhiều tác động rất rõ của hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng,          kể cả sự thay đổi về địa hình tự nhiên. Đến nay, giá trị dịch vụ HST Mũi Cà Mau vẫn             chưa được kiểm kê và đánh giá một cách toàn diện. Bài viết nhằm thảo luận hiện trạng,     các nguy cơ và đề xuất mang tính chiến lược để duy trì dịch vụ HST Mũi Cà Mau bền vững trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra.

Giới thiệu HST Mũi Cà Mau

            Nếu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) được mệnh danh là miền đất tận cùng phía Nam của tổ quốc, thì tỉnh Cà Mau được xem là vùng đất thuộc về cả cực Nam và cực Tây của vùng ĐBSCL. Cà Mau có tổng diện tích đất liền là 529,88 km², là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng ĐBSCL. Đây là tỉnh ven biển tận cùng phía cực Nam với điểm xa nhất là Mũi Cà Mau, có đến 3 mặt giáp biển, là nơi trung gian giữa biển phía Tây thông ra Vịnh Thái Lan và biển Đông của Việt Nam đi ra Thái Bình Dương.

            Mũi Cà Mau có Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau, diện tích tự nhiên bao trùm lên một vùng rộng hơn 41.000 ha, trong đó diện tích đất liền khoảng 15.200 ha, diện tích ven biển khoảng 26.600 ha và thay đổi theo sự dao động của thủy triều. Trải qua hàng trăm năm hình thành, nhờ dòng chảy biển mang phù sa, phiêu sinh vật và các chất dinh dưỡng từ sông Cửu Long và vùng biển ven tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu bồi tụ, Mũi Cà Mau đang là một sản phẩm vô giá của tự nhiên. Nhiều hệ thực vật chịu ngập mặn như mắm, đước, sú, vẹt… phát triển mạnh mẽ, cung cấp hàng trăm sản vật từ rừng như cây đước làm vật liệu xây dựng, làm củi đốt, làm thuốc… có giá trị kinh tế hàng hóa cao. Đồng thời, rừng ngập mặn ở đây đã tạo nguồn dinh dưỡng, là môi trường sống cho nhiều loài động vật lưỡng cư, loài bò sát, loài nhuyễn thể, loài có vú, linh trưởng… sinh sôi, tạo nên một khu vực có tính đa dạng sinh học phong phú. Hệ rừng ngập mặn là bức tường tiên phong chặn gió bão, giữ đất và là khu bể chứa cácbon khổng lồ thông qua sinh khối rừng dày đặt, cung cấp ôxy tạo nên bầu không khí trong lành. Ngoài ra, Mũi Cà Mau còn là nguồn cung cấp dịch vụ cho những sản phẩm phi vật chất như giá trị nghiên cứu, tham quan du lịch, cảm hứng cho văn chương, thi ca, hưởng thụ văn hóa hoặc các giá trị lịch sử khác. Về mặt môi trường, Mũi Cà Mau đóng vai trò to lớn trong việc góp phần cân bằng nước, điều hòa khí hậu và hạn chế tác hại của thiên tai. Năm 2009, Mũi Cà Mau đã được Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) công nhận là Khu dự trữ Sinh quyển thế giới; Phần đất VQG Mũi Cà Mau ở huyện Ngọc Hiển vừa được công nhận là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam.

DUY TRÌ DỊCH VỤ HỆ SINH THÁI CHO MŨI CÀ MAU.tif

VQG Mũi Cà Mau - Khu vực  có tính đa dạng sinh học phong phú

            Rừng ngập mặn của Bán đảo Cà Mau được xem là lớn nhất nước. Phần đất rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh Cà Mau thống kê đến cuối năm 2011 là 109.085,4 ha, bao gồm 40.911 ha rừng tràm, 67.553,9 ha rừng ngập mặn và 620 ha rừng trên các đảo. Tất cả các giá trị hữu hình và vô hình đều tạo nên một nguồn dịch vụ HST của Mũi Cà Mau mà đến nay vẫn chưa kiểm kê, định lượng và đánh giá hết chức năng của nó. Bảng 1 liệt kê một số dịch vụ HST sẵn có của vùng đất Mũi Cà Mau.

Bảng 1: Liệt kê một số dịch vụ HST của Mũi Cà Mau

Tài nguyên của hệ sinh thái

Dịch vụ Cung cấp

Dịch vụ Điều hòa

Dịch vụ Hỗ trợ

Dịch vụ Văn hóa

Cây rừng ngập mặn

(mắm, đước, sú, vẹt…)

  • Vật liệu xây dựng
  • Chất đốt (củi, than, …)
  • Dược liệu
  • Nhựa đước có thể dùng trong công nghệ chế biến vecni, sơn, mực in

 

  • Hấp thu cácbon và khí ô nhiễm, làm giảm hiệu ứng nhà kính
  • Lọc nước
  • Ngăn gió bão, lốc xoáy
  • Điều hòa nhiệt, ẩm
  • Hạn chế sự xâm nhập mặn vào nội địa
  • Cân bằng sinh thái
  • Chu trình dưỡng chất
  • Phát tán hạt giống
  • Giữ phù sa, mở rộng diện tích bãi bồi
  • Chống xói lở
  • Bãi đẻ các loài thủy hải sản, chim chóc
  • Nơi trú ngụ cho các động vật hoang dã
  • Nghiên cứu khoa học
  • Cảm thụ văn hoá
  • Giá trị lịch sử
  • Du lịch sinh thái, cảnh quan
  • Tạo việc làm cho người dân

Các nguồn thủy hải sản

(cá, tôm, cua, sò, ốc …)

  • Thực phẩm cho người
  • Thức ăn chăn nuôi
  • Dược liệu
  • Nguồn giống, gen cho nuôi trồng thủy sản
  • Lọc nước, loại bỏ một phần ô nhiễm nước
  • Cân bằng sinh thái
  • Cấu trúc đất
  • Nguồn thức ăn cho các loài khác
  • Chu trình dưỡng chất
  • Nguồn dự trữ gen
  • Phân hủy hữu cơ
  • Nghiên cứu khoa học
  • Cảm thụ văn hóa
  • Tạo việc làm cho người dân

Động vật hoang dã

(Trăn, rắn, rùa, rái cá, chim, khỉ, ong mật …)

  • Thực phẩm cho con người
  • Dược liệu
  • Nguồn gen
  • Cân bằng sinh thái
  • Cấu trúc đất
  • Nguồn thức ăn cho các loài khác
  • Nguồn dự trữ gen
  • Giúp hoa thụ phấn
  • Phát tán hạt giống
  • Nghiên cứu khoa học
  • Cảm thụ văn hóa
  • Tạo việc làm cho người dân

Đất và nước vùng rừng ngập mặn ven biển

  • Nơi cư trú
  • Đất canh tác
  • Cung cấp nước ngọt từ mưa, nước ngầm
  • Điều hòa khí hậu
  • Bảo tồn tài nguyên nước, đất
  • Cân bằng sinh thái
  • Cải tạo đất
  • Chống cháy rừng
  • Nơi trú ngụ cho các động vật hoang dã
  • Giá trị lịch sử
  • Cảm thụ văn hóa
  • Tạo việc làm cho người dân

 

            Tác động của thiên tai và BĐKH đến HST Mũi Cà Mau

            Cà Mau được dự đoán là tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi mực nước biển dâng do địa hình thấp, vùng ven biển dài 254 km và ảnh hưởng của hai chế độ thủy triều của biển Tây và biển Đông. HST rừng ngập mặn là hệ thống hở và dễ bị tổn thương do thiên tai, tác động BĐKH và nước biển dâng. Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau (2011), trong giai đoạn 1997 - 2010, thiên tai, bao gồm cả lốc xoáy, bão và xói mòn đất đã gây tổn thất 200 triệu USD, làm thiệt hại nhà cửa của cư dân và gãy đổ nhiều cây rừng. Cà Mau cũng là nơi chịu ảnh hưởng các cơn bão lớn ở Việt Nam.

            Có thể nói, Mũi Cà Mau là nơi có tần số bão đổ bộ vào đất liền cao nhất trong vùng ĐBSCL. Vấn đề lo ngại của tác động BĐKH là triều cường dâng cao. Theo ghi nhận của người dân, triều cường bắt đầu có dấu hiệu dâng cao nhanh từ năm 2008 và đỉnh điểm là năm 2011. Mực nước người dân đo được cao từ 30 - 40 cm, thậm chí có nơi cao hơn 80 cm so với năm 2010. Một số ấp như ấp Kiến Vàng (Rạch Gốc) có đến 80% số nhà bị ngập, ấp Đồng Khởi (Tân Ân Tây) toàn bộ số nhà bị ngập và  có nơi ngập cao hơn 70 cm so với mức bình thường (Lê Anh Tuấn và Nguyễn Ngọc Huy, 2012).

            Bán đảo Cà Mau đang phải đối diện với một hiểm họa diễn ra trên diện rộng, đó là tình trạng sạt lở và sụt lún ven biển và hai bên bờ sông với tốc độ tương đối nhanh. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau (2011) về tình hình sạt lở bờ biển ảnh hưởng đến cây rừng và đất lâm nghiệp trên địa bản tỉnh giai đoạn 2006 - 2011,  tổng diện tích đất rừng bị sạt lở là 1.848,3 ha, trong đó phần diện tích rừng tự nhiên là 632,6 ha và phần diện tích rừng trồng là 1.215,7 ha.

            Ngoài ra, Mũi Cà Mau đứng trước một thách thức mới là sự sụt lún mặt đất. Theo số liệu sơ khảo ban đầu ở điểm quan trắc lún mặt đất của nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, từ 6/2011 -2/2012, Mũi Cà Mau đã lún xuống khoảng 45 mm.

            Chiến lược duy trì dịch vụ HST Mũi Cà Mau

Để duy trì dịch vụ HST rừng ngập mặn Mũi Cà Mau trước những tác động tiêu cực của BĐKH, cần phải có những chiến lược và chương trình cụ thể để bảo tồn chức năng của HST rừng ngập mặn quý giá này.

            Về mặt thể chế: Xây dựng quy chế bảo vệ nghiêm ngặt HST Mũi Cà Mau ở tầm quốc gia; Củng cố Ban quản lý VQG, bổ sung kinh phí, trang thiết bị chuyên ngành, đảm bảo hoạt động bảo vệ rừng có hiệu quả; Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trong và ngoài nước có những chương trình nghiên cứu sâu về chức năng và dịch vụ HST Mũi Cà Mau; Kiên quyết ngăn chặn tình trạng phá rừng ngập mặn để nuôi tôm; Khuyến khích người dân nuôi tôm sinh thái; Xem việc bảo vệ rừng là một phần của công tác bảo vệ an ninh quốc phòng cho miền cực Nam Tổ quốc.

            Về mặt sinh thái: Kiểm kê và đánh giá sự hiện hữu của các loài động, thực vật trong vùng; Xác định sơ đồ chuỗi thực phẩm trong HST rừng ngập mặn; Có kế hoạch duy trì các nguồn gen động, thực vật quý hiếm và đặc trưng vùng ngập triều. Bảo vệ ĐDSH của các HST rừng ngập mặn; Lập kế hoạch phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn, xác định địa điểm phù hợp và  phương thức phục hồi hiệu quả; Lồng ghép các dịch vụ HST dựa vào các công cụ đánh giá khoa học trong việc ra quyết định duy trì và khai thác nguồn lợi tự nhiên một cách bền vững; Đánh giá nguy cơ và có biện pháp hữu hiệu chặn tình trạng xói lở bờ biển và khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát trong khu vực.

            Về mặt kinh tế: Xây dựng mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, kết hợp với du lịch sinh thái; Xây dựng hợp đồng Chi trả dịch vụ HST (PES) ở các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và tổ chức phi lợi nhuận nhằm chủ động giải quyết, hỗ trợ thực hiện mục tiêu quan trọng của Công ước Bảo tồn ĐDSH; Thực hiện các chứng chỉ cácbon từ diện tích rừng để tăng nguồn thu cho công tác duy trì dịch vụ HST.

            Về mặt xã hội: Nâng cao đời sống cho cư dân trong vùng nhằm tránh các hành vi phá rừng bất hợp pháp; Hạn chế di dân thiếu kiểm soát, xâm lấn vào vùng bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Mũi Cà Mau; Thường xuyên giáo dục ý thức bảo vệ HST rừng ngập mặn; Tổ chức đối thoại giữa người quản lý tài nguyên thiên nhiên và người dân để có tiếng nói chung trong việc bảo vệ và khai thác bền vững nguồn tài nguyên…

            Kết luận và kiến nghị

            Là nơi chịu ảnh hưởng bất lợi bởi hiện tượng thiên tai, BĐKH và nước biển dâng nên khu vực Mũi Cà Mau thường xuyên bị triều cường dâng cao trong mùa mưa lũ và thiếu nước ngọt nặng nề do sự xâm nhập mặn vào mùa khô. Đời sống người dân phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Song khả năng ứng phó với BĐKH và nước biển dâng hiện nay bị hạn chế, các thích ứng ở địa phương mang tính tự phát và không phổ biến.

            Mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vùng Đất Mũi Cà Mau nhưng vẫn còn khó khăn về nguồn nhân lực và kinh phí. Do vậy, cần phải có sự phối hợp giữa các nhà quản lý địa phương, các nhà khoa học và người dân trong việc xác định các giải pháp ứng phó với BĐKH hữu hiệu.

            PES có thể được xem là một chiến lược tạo cơ chế tài chính cho bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và góp phần xóa đói, giảm nghèo. Chính quyền nên thúc đẩy việc hình thành các hợp đồng PES để tạo ra một nguồn thu mới cho các hoạt động quản lý, phục hồi, bảo tồn và sử dụng đất hợp lý, qua đó tăng cường tiềm năng quản lý HST bền vững.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn

Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Đại học Cần Thơ

Nguồn: Tạp chí MT, số 6/2013

 

 

Ý kiến của bạn