Banner trang chủ

Tỉnh Nghệ An thực hiện hiệu quả công tác quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong việc phòng, chống dịch Covid-19

09/12/2021

    Những ngày qua, tại Việt Nam, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng lên từng ngày, với nhiều ổ dịch mới, ca nhiễm xuất hiện trong cộng đồng… Riêng ở tỉnh Nghệ An, tính từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến ngày 7/12/2021, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 5.204 bệnh nhân mắc Covid-19 ở 21 địa phương như TP. Vinh, các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Tân Kỳ, Nam Đàn… Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc quản lý, xử lý chất thải nói chung và chất thải liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh, cơ sở thu dung, phong tỏa, cách ly y tế nói riêng là một trong những yêu cầu quan trọng góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh.

    Trên cơ sở Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ TN&MT về quản lý chất thải y tế; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/5/2015 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại và những hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo cơ quan tham mưu chuyên môn, cụ thể là Sở TN&MT ban hành các văn bản liên quan tới công tác thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch như các Công văn: Số 2842/TNMT-BVMT ngày 24/5/2021 về việc xử lý chất thải phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; số 4989/STNMT-BVMT ngày 1/9/2021 về việc tăng cường công tác quản lý chất thải trong việc phòng, chống dịch Covid-19 gửi Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND các huyện, thị xã, TP. Vinh đề nghị chỉ đạo thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải (bao gồm chất thải rắn, lỏng) phát sinh từ khu vực có bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2; số 5282/STNMT-TNMT ngày 16/9/2021 về việc quản lý chất thải trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ Y tế; số 7208/STNMT-BVMT ngày 29/11/2021 về việc quản lý chất thải trong khu vực phong toả, cách ly y tế… Bên cạnh đó, nhận thấy ngày càng có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là khu vực vùng đỏ, cam (khu vưc có nguy cơ lây nhiễm cao), dẫn đến việc phát sinh một lương chất thải có khả năng lây nhiễm lớn, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cũng đã chủ động gửi Công văn số 5165/STNMT-BVMT đến Bộ TN&MT về việc xem xét ban hành hướng dẫn, quy trình chi tiết về quản lý, thu gom, phân loại và xử lý chất thải (rắn, lỏng) trong kịch bản quá tải cơ sở cách ly, cơ sở điều trị và phải cách ly, điều trị bệnh nhân/người có nguy cơ lây nhiễm cao tại nhà. Các văn bản trên đã quy định cụ thể, chi tiết công tác thu gom, phân loại và xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19. Đây là căn cứ, cơ sở pháp lý để tỉnh Nghệ An thực hiện, đảm bảo yêu cầu BVMT, kiểm soát an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.

Công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An phun khử khuẩn xe vận chuyển để đảm bảo an toàn phòng dịch

    Công tác quản lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 cơ bản được thực hiện như sau: Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 bệnh viện dã chiến chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 với quy mô từ 100 đến 1000 giường bệnh đã được kích hoạt hoạt động từ đợt bùng phát dịch cuối tháng 4/2021 đến nay. Tại cơ sở dung thu, điều trị này, chất thải rắn được thu gom đóng gói trong bao dùng để chứa rác thải lây nhiễm và đựng trong các thùng chứa màu vàng có dán nhãn cảnh báo nguy cơ, sau đó vận chuyển đến kho lưu trữ tạm thời, phun khử khuẩn trước khi bàn giao cho Công ty TNHH Môi trường Phú Hà mang đi xử lý (đơn vị được Bộ TN&MT cấp phép xử lý chất thải nguy hại và chất thải y tế). Về nước thải, đối với các cơ sở có hệ thống xử lý nước thải tập trung (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, Bệnh viện Dã chiến số 1), chất thải lỏng được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung xử lý, bổ sung hóa chất Clo hoạt tính trước khi thải ra ngoài môi trường; với các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, dùng lọ tiết chế đựng viên nén Chlor 250g/Cloramin B 1%, đặt tại các hố ga thoát nước, đồng thời phân công nhân viên theo dõi, kiểm tra và bổ sung định kỳ 2 lần/ngày (thực hiện theo Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020).

     Còn tại khu vực cách ly, khu vực có phong tỏa y tế do có người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2, chất thải rắn được thu gom, phân loại cơ bản theo các văn bản hướng dẫn đã nêu trên, như thu gom vào túi đựng rác thải chất lây nhiễm (2 bao), sau đó đựng vào thùng chứa có ghi dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” và phun khử khuẩn phía ngoài, bố các vị trí cố định để lưu giữ trước khi mang đi xử lý. Rác thải sau khi được thu gom tại các khu cách ly thuộc Trung tâm y tế (hoặc có vị trí gần) có lò đốt thì thực hiện tiêu hủy tại chỗ, đối với các điểm cách ly khác (không có/gần lò đốt), lựa chọn địa điểm, đào hố và xử lý bằng phương pháp đốt thông thường (bổ sung xăng, dầu); trước và sau khi đốt xong phun khử khuẩn (một số địa phương bổ sung thêm vôi bột).

    Có thể nói, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An, đến nay, TP. Vinh vẫn là điểm nóng về nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, nhiều khu cách ly tập trung, khu cách ly y tế được thiết lập để khoanh vùng, cách ly các trường hợp liên quan, hạn chế lây lan dịch bệnh ngoài cộng đồng. Theo đó, lượng chất thải có yếu tố dịch tễ phát sinh từ những khu vực này cũng tăng cao. Trung bình, mỗi ngày tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn TP. Vinh thải ra khoảng 40 tấn rác. Chất thải rắn thông thường được Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Nghệ An thực hiện phun khử khuẩn trước khi bốc lên xe chuyên dụng để vận chuyển, xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Còn chất thải rắn y tế được Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An thu gom và xử lý theo quy định của Bộ Y tế, Bộ TN&MT, thời gian và số lần thu gom phụ thuộc vào tình hình thực tế tại các cơ sở cách ly, đảm bảo rác thải nguy hại không tồn đọng qua ngày. Trong công tác thu gom và vận chuyển, để đảm bảo an toàn phòng dịch, các đơn vị vệ sinh đã thực hiện phun thuốc khử khuẩn theo giai đoạn, công nhân tham gia thu gom rác thải nguy hại đều được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế...

    Việc ban hành công văn hướng dẫn kịp thời cho các địa phương cũng như thực hiện một số biện pháp cấp bách trong công tác BVMT, nhất là xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh, đã góp phần giúp tỉnh Nghệ An ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục bám sát các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc giađể kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn cũng như kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý xử lý chất thải nói chung, chất thải y tế nói riêng phục vụ giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn, thích ứng hiệu quả trong điểu kiện tình hình mới.

Hương Mai

Tài liệu tham khảo

1. Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 5/8/2020 về việc ban hành “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19” của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống  dịch  Covid-19.

2. Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ TN&MT về quản lý chất thải y tế.

3. Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/5/2015 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại.

4. Công văn số 2842/TNMT-BVMT ngày 24/5/2021 về việc xử lý chất thải phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

5. Công văn số 4989/STNMT-BVMT ngày 1/9/2021 về việc tăng cường công tác quản lý chất thải trong việc phòng, chống dịch Covid-19.

6. Công văn số 5282/STNMT-TNMT ngày 16/9/2021 về việc quản lý chất thải trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ Y tế.

7. Công văn số 7208/STNMT-BVMT ngày 29/11/2021 về việc quản lý chất thải trong khu vực phong toả, cách ly y tế.

8. Công văn số 5165/STNMT-BVMT ngày 10/9/2021 gửi Bộ TN&MT về việc xem xét ban hành hướng dẫn, quy trình chi tiết về quản lý, thu gom, phân loại và xử lý chất thải (rắn, lỏng) trong kịch bản quá tải cơ sở cách ly, cơ sở điều trị và phải cách ly và điều trị bệnh nhân/người có nguy cơ lây nhiễm cao tại nhà.

 

Ý kiến của bạn