Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 13/12/2024

Thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

13/07/2023

    Tiếp nối Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 3/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược này sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường quản lý môi trường biển ở Việt Nam hiện nay. Chiến lược định hướng tổng thể về mục tiêu dài hạn, cơ bản về quản lý tài nguyên, môi trường biển gắn với việc huy động các nguồn lực và giải pháp cơ bản theo lộ trình phát triển.

1. Những kết quả đạt được trong thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

    Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 6/9/2013 (sau đây gọi là Chiến lược 1570) với mục tiêu “Hiểu rõ hơn về biển, về tiềm năng, lợi thế, các tác động bất lợi từ biển; thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước”. Những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có biển đã tổ chức triển khai Chiến lược và đạt được những kết quả đáng ghi nhận về quản lý môi trường biển như sau:

    Về điều tra, đánh giá môi trường biển: Đã tiến hành điều tra và thu được các số liệu về hiện trạng môi trường nước, môi trường trầm tích và khoanh định được các khu vực dễ bị tổn thương môi trường tại 16 khu vực trọng điểm từ Thanh Hóa đến Bình Thuận ở độ sâu từ 30 - 60m và vùng biển Việt Nam từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định ở độ sâu từ 0 - 60m, vùng biển xung quanh 9 đảo, cụm đảo cách bờ đảo đến 6 km.

    Bước đầu đã sơ bộ đánh giá được nguồn lợi hải sản theo các tầng tại các vùng biển của Việt Nam, đánh giá được hiện trạng đa dạng sinh học về hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặt, bãi bồi, cửa sông, đầm phá; đã phát hiện và bổ sung vào danh mục một số loài san hô mới, đánh giá được hiện trạng và diện tích bao phủ rạn san hô, rừng ngập mặn. Đồng thời, xây dựng được bộ bản đồ về hiện trạng phân bố hệ sinh thái rừng ngập mặn, đầm phá ven biển; phân bố cỏ biển; phân bố cỏ biển cho các tiểu vùng; phân bố cỏ biển tại các vùng khảo sát trọng điểm; phân bố nguồn lợi hải sản tầng đáy ở biển tỷ lệ 1/500.000 - 1/2.000.000.

    Về quan trắc môi trường biển, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường biển: Chú trọng xây dựng hệ thống trạm quan trắc môi trường tại các địa phương có biển và thường xuyên định kỳ tiến hành quan trắc môi trường nước các khu vực cửa sông, ven biển. Kết quả quan trắc tại các các địa phương được sử dụng phục vụ cho công tác kiểm soát môi trường, nuôi trồng thủy sản...

    Về kiểm soát nguồn thải: Các bộ, ngành và địa phương tích cực tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chủ động điều tra, thống kê các nguồn thải ra môi trường biển, quan trắc môi trường biển, đầu tư kinh phí xây dựng các hệ thống xử lý chất thải tại các khu vực ven biển và thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường biển như xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tại các địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh ven biển; quy định bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm từ các nguồn thải trên đất liền; rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp với điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

    Về ứng phó sự cố trên biển: Tiến hành nghiên cứu, đề xuất thiết lập vùng biển nhạy cảm (PSSAs) tại vùng biển khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng và hoàn thiện hồ sơ gửi Tổ chức Hàng hải quốc tế đề xuất thiết lập vùng biển đặc biệt nhạy cảm (PSSAs) tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đã hoàn thiện về phương pháp đánh giá ô nhiễm tràn dầu trên biển, xác định các khu vực nhạy cảm tràn dầu và bước đầu đề xuất phương pháp tính toán lượng giá tổn thất do ô nhiễm tràn dầu và ô nhiễm môi trường; triển khai xử lý, ứng phó sự cố tràn dầu kịp thời, hiệu quả.

    Về bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển: Đã lập quy hoạch chi tiết 7 khu bảo tồn biển (Bạch Long Vĩ, Phú Quý, Hải Vân - Sơn Chà, Hòn Cau - Cà Ná, Tiên Yên - Hà Cối, Lý Sơn, Hòn Mê); thành lập và đưa vào hoạt động 12 khu bảo tồn biển: Cô Tô, Bái Tử Long (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ, Cát Bà (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), Núi Chúa (Ninh Thuận), Hòn Cau (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang); tích cực trồng rừng ngập mặn, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái ven biển.

    Về phát triển khoa học, công nghệ biển: Một số địa phương đã tích cực, chủ động trong việc đầu tư kinh phí cho các đề tài về khoa học, công nghệ biển; các nội dung nghiên cứu tập trung vào quản lý tổng hợp vùng bờ, xây dựng bộ chỉ thị tổn thương môi trường vùng ven biển, phân vùng chức năng sinh thái, ứng dụng các công nghệ, mô hình mới trong khai thác, nuôi trồng thủy sản.

    Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nêu trên, song việc thực hiện Chiến lược 1570 còn những hạn chế, yếu kém nhất định. Đó là công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển còn hạn chế (việc phân định ranh giới hành chính trên biển, quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ chưa được phê duyệt); việc chuyển giao và khai thác số liệu điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội còn chậm; môi trường biển vẫn bị ô nhiễm cục bộ tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, các vịnh neo đậu tàu thuyền trên biển, các cửa sông,…áp lực về rác thải nhựa đại dương; kinh phí dành cho thực hiện Chiến lược còn chưa đảm bảo; năng lực thực hiện bao gồm cả khía cạnh quản lý và kỹ thuật ở trung ương cũng như địa phương chưa đủ mạnh, lực lượng cán bộ mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

2. Nội dung chủ yếu về quản lý môi trường biển của Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

    Quản lý môi trường biển ở nước ta hiện nay trong bối cảnh đan xen những thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi là đã bước đầu thiết lập được phương thức quản lý tổng hợp trong quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đã dần hội nhập sâu rộng với xu hướng quản lý môi trường biển của các nước trong khu vực và trên thế giới; đã có sự liên kết giữa Việt Nam với thế giới trong việc chia sẻ lợi ích, mục tiêu quản lý môi trường biển, nhất là các nỗ lực giải quyết các vấn đề chung về môi trường biển và đại dương; đã và đang tận dụng được phương pháp quản lý tiên tiến, nguồn vốn, khoa học, công nghệ của thể giới để phục vụ quản lý môi trường biển. Còn khó khăn là nhận thức về quản lý môi trường biển còn chưa đầy đủ, nhất là nhận thức về quản lý nhà nước về môi trường biển theo phương thức tổng hợp; thể chế về môi trường biển còn những khoảng trống, thiếu đồng bộ; thiết chế quản lý môi trường biển còn những hạn chế nhất định; nguồn lực cho quản lý môi trường biển còn chưa đáp ứng được yêu cầu; các vấn đề môi trường biển mang tính toàn cầu như ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới, tràn dầu và hóa chất độc trên biển, rác thải nhựa đại dương, sự xâm lấn của sinh vật ngoại lai gây hại, suy giảm đa dạng sinh học biển và vùng bờ cũng như những rủi ro về sự cố môi trường biển có thể xảy ra bở áp lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và các hoạt động trên biển.

    Trước bối cảnh trên, ngày 3/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi là Chiến lược 48) với mục tiêu tổng quát là: “Tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển”. Đặc biệt, một trong những mục tiêu cụ thể về quản lý môi trường biển được Chiến lược 48 đưa ra là “các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả”.

    Mục tiêu của Chiến lược 48 cho thấy, quản lý môi trường biển đã được chú trọng quan tâm một cách toàn diện: từ các hoạt động ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển đến các hoạt động bảo vệ, duy trì và phục hồi đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo; quản lý môi trường biển và hải đảo gắn với khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển và hải đảo.

Hội nghị công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

    Để thực hiện mục tiêu quản lý môi trường, Chiến lược 48 đã đưa ra những định hướng và nhiệm vụ chủ yếu sau:

    Thứ nhất, thực hiện định kỳ công tác điều tra, thống kê, phân loại, quan trắc và đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Đẩy mạnh điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường, xác định cấp độ rủi ro ô nhiễm môi trường biển cho phát triển kinh tế biển; phân vùng rủi ro và lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển; công bố các khu vực biển, hải đảo vượt sức chịu tải môi trường.

    Thứ hai, tăng cường năng lực và chủ động kiểm soát, giám sát, xử lý các vấn đề môi trường biển trong khu vực và toàn cầu bao gồm ô nhiễm xuyên biên giới, axit hóa đại dương và các vấn đề liên quan khác. Tăng cường năng lực hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

    Thứ ba, ưu tiên nguồn lực từ nguồn kinh phí bảo vệ môi trường để triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Đến năm 2030, tỷ lệ thu hồi, xử lý rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển và khu bảo tồn biển đạt 100%.

    Thứ tư, kiện toàn tổ chức và xây dựng các công cụ, phương tiện, chế tài nhằm tăng cường hiệu quả công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra, giám sát trong kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

    Thứ năm, bảo vệ, duy trì hệ thống các khu bảo tồn hiện có; điều tra, khảo sát, đánh giá đề xuất thành lập các khu bảo tồn mới trên các vùng biển, ven biển và hải đảo; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài khu bảo tồn; phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển bị suy thoái. Thiết lập, mở rộng và tăng cường năng lực quản lý các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các loài thủy sản.

    Thứ sáu, đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp của các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi.

    Thứ bảy, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi và buôn bán xuyên biên giới các loài sinh vật biển hoang dã thuộc danh mục cần được bảo tồn. Ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; kiểm soát chặt chẽ sự du nhập các giống, loài thủy sản ngoại lai và sự du nhập sinh vật ngoại lai qua hoạt động vận tải biển.

    Chiến lược 48 còn đưa ra các giải pháp tổng thể để thực hiện mục tiêu. Đó là các giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; hoàn thiện và vận hành thông suốt thể chế quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; đào tạo, huy động, sử dụng nguồn nhân lực cho điều tra, nghiên cứu về biển, quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn cho điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

    Như vậy, với những kết quả đạt được của Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo thời kỳ trước và việc xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược cho thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo giữ vai trò là công cụ quan trọng để quản lý môi trường biển. Hiện nay, việc thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa là động lực, vừa là mục tiêu của quản lý môi trường biển gắn với khai thác tài nguyên biển bền vững. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và địa phương có biển trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược. Trước hết, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có biển cần sớm xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai các kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược với nguồn nhân lực, vật lực được đầu tư tương xứng. Có như vậy mới phát huy hiệu quả công cụ chiến lược trong quản lý môi trường biển ở nước ta.

ThS. Hoàng Nhất Thống

Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2023)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2023), Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội.

2. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 06/9/2013 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội.

3. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (2021), Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội.

Ý kiến của bạn