Banner trang chủ

Phê duyệt Đề án Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

13/12/2021

    Ngày 8/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2067/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học (ĐDSH) quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

    Mục tiêu của Đề án là từ năm 2022 - 2025 sẽ thực hiện kiểm kê, quan trắc ĐDSH 100% các khu bảo tồn có danh hiệu quốc tế; củng cố cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị và năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo; cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia được xây dựng và cơ bản hoàn thiện, vận hành trên cơ sở nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu TN&MT… Đồng thời, tạo lập môi trường, điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia điều tra, kiểm kê, quan trắc, thu nhận, triển khai xây dựng hạ tầng dữ liệu số, cung cấp dịch vụ số về ĐDSH.

    Phấn đấu đến 2030, 100% các khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn ĐDSH thực hiện chương trình kiểm kê, quan trắc ĐDSH theo bộ chỉ tiêu kiểm kê, chỉ thị quan trắc; Hệ thống quan trắc ĐDSH được thiết lập đồng bộ, phù hợp với quy hoạch; Kiến trúc dữ liệu và chức năng của cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia được nâng cấp, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu thông tin, báo cáo, hoạch định chính sách quản lý, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH…

    Để đạt mục tiêu trên, Đề án sẽ triển khai xây dựng Chương trình kiểm kê, quan trắc ĐDSH theo bộ chỉ tiêu kiểm kê, chỉ thị quan trắc; thí điểm các phương pháp, quy trình, định mức kinh tế – kỹ thuật điều tra, kiểm kê, quan trắc ĐDSH; hoàn thiện, phát triển bộ chỉ tiêu kiểm kê, chỉ thị quan trắc; hoàn thiện hành lang pháp lý; phương pháp, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia.

    Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tính ĐDSH cao với khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; dưới biển có trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển, thú biển.

    Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tài nguyên ĐDSH của Việt Nam đang trên đà suy giảm do các áp lực từ biến đổi khí hậu và hoạt động của con người như chia cắt, thu hẹp các sinh cảnh, phá rừng, ô nhiễm môi trường, săn bắt, khai thác hủy diệt, buôn bán trái phép, không bền vững các loài động vật hoang dã. Do đó, việc đưa ra các vấn đề ưu tiên trong quản lý ĐDSH của Việt Nam là việc quan trọng cần thực hiện.

    Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.544 km2 diện tích đất rừng đã bị mất, chủ yếu do chuyển đổi thành đất rừng trồng và đất trồng cây ăn quả. Khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên đã bị mất do chuyển đổi sang phát triển các loài cây trồng thương mại khác.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn