Banner trang chủ

Một số trao đổi liên quan đến triển khai quy định về kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020

04/08/2021

     1. Giới thiệu về kinh tế tuần hoàn

     Nền kinh tế ngày nay đang phải đối mặt với sự khai thác tài nguyên quá mức đã dẫn đến sự thiếu hụt tài nguyên trong xã hội, cùng với sự gia tăng nhanh chóng về dân số, biến đổi khí hậu (BĐKH) mạnh mẽ đã đặt ra nhu cầu cấp thiết về thay đổi mô hình kinh tế tuyến tính hiện tại. Nền kinh tế tuyến tính biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành các vật liệu và sản phẩm cơ bản, được thiết kế cho một thời gian sử dụng, rồi bán ra thông qua một loạt những bước tạo thêm giá trị gia tăng, dẫn tới sự hoang phí khi sử dụng các nguồn tài nguyên.

     Trong khi đó, mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) là nền kinh tế được xây dựng từ hệ thống sản xuất - tiêu dùng xã hội nhằm tối đa hóa dịch vụ được tạo ra từ dòng chảy thông qua năng lượng và vật chất tự nhiên - xã hội - tự nhiên. Điều này được thực hiện bằng cách sử dụng các dòng nguyên liệu tuần hoàn, các nguồn năng lượng tái tạo và các dòng năng lượng kiểu tầng. Nền KTTH thành công góp phần vào cả ba khía cạnh của phát triển bền vững. Nền KTTH giới hạn dòng thông lượng ở mức độ mà tự nhiên có thể chấp nhận và tận dụng các chu kỳ của hệ sinh thái trong các chu kỳ kinh tế bằng cách tôn trọng tỷ lệ tái sinh tự nhiên của chúng.

     Ba nguyên tắc cơ bản của một nền KTTH bao gồm: (1) Giảm thiểu và hạn chế chất thải và ô nhiễm: Thải loại/lãng phí và gây ô nhiễm là hậu quả của khâu thiết kế sản phẩm; khi khai thác vật liệu và công nghệ mới, việc thiết kế sẽ đảm bảo chất thải và ô nhiễm không được tạo ra ngay từ đầu; (2) Giữ cho sản phẩm và vật liệu được tái sử dụng: Tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách quay vòng các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong chu trình; (3) Tái tạo các hệ thống tự nhiên: Dựa trên nguyên tắc là trong tự nhiên không có chất thải loại; kiểm soát hợp lý các tài nguyên không thể phục hồi, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch và tăng cường nguồn năng lượng tái tạo.

     2. Một số kết quả triển khai KTTH trên thế giới và Việt Nam

     Trên thế giới, KTTH ngày càng được quan tâm từ góc độ định hướng chính sách, cũng như những giải pháp thực tiễn ở cấp độ vĩ mô, trung mô và vi mô. Những giải pháp này thường liên quan đến vấn đề môi trường và bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể. Nhiều giải pháp ở cấp độ vĩ mô và vi mô thường thấy trong các lĩnh vực: Năng lượng; sản xuất (bao gồm xây dựng, cải tạo và phá bỏ, hàng tiêu dùng) và dịch vụ giao thông vận tải. Điển hình như Trung Quốc, nước này đã thông qua Luật Thúc đẩy KTTH vào năm 2007, trong đó tập trung vào các khu công nghiệp “tuần hoàn” và xây dựng các cơ sở tái chế vật liệu quy mô lớn  nhằm hỗ trợ tăng tỷ lệ tái chế, BVMT và hướng đến sự phát triển bền vững. Tương tự, ở Hà Lan, vào năm 2016, Chính phủ Hà Lan đã thông qua Chiến lược KTTH Quốc gia nhằm đạt được nền kinh tế không rác thải đến năm 2050. Thủ đô Amsterdam là một trong những thành phố đầu tiên trên toàn cầu thực hiện công cụ “Quét toàn thành phố (Circle City Scan tool)” và phát triển lộ trình cho việc chuyển đổi sang nền KTTH. Tại Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đang phát triển các ứng dụng để theo dõi thùng rác thông minh, xe chở rác, công nhân vệ sinh, nhằm tối ưu hóa tuyến đường cho xe tải, kiểm tra chéo trọng lượng rác….

     Việt Nam cũng đã từng bước thay đổi và bắt đầu áp dụng mô hình KTTH trong hoạt động kinh doanh, sản xuất. Mô hình Vườn - Ao - Chuồng, hay một biến thể khác đó là Rừng - Vườn - Ao - Chuồng được thực hiện thành công trong thời gian qua; hoặc mô hình hệ thống aquaponics kết hợp nuôi cá và trồng cây thủy canh giúp giảm thiểu nguồn thải. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã triển khai mô hình KTTH trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của mình. Điển hình đó là Vinamilk, kể từ năm 2020 cho đến nay, Vinamilk đã tiến hành lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại 5/12 trang trại bò sữa với tổng lượng điện ước tính đạt hơn 19 triệu kWh, giúp giảm hơn 17,3 triệu kg khí CO2 phát thải. Ngoài ra, Vinamilk còn chú trọng phát triển bền vững, áp dụng tư duy KTTH trong hoạt động kinh doanh, sản xuất như hợp tác với các đối tác thiết lập giải pháp thu gom và tái chế bao bì phù hợp, nhất là tái chế nhựa trong sản xuất, 100% trang trại đầu tư công nghệ xử lý chất thải theo công nghệ yếm khí biogas; 100% nước thải đầu ra được xử lý và tái sử dụng.

     Một ví dụ điển hình khác đó là trang trại chăn nuôi Lộc Phát tại Bình Phước, với việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải tạo khí sinh học biogas trị giá hơn 10 tỷ đồng đã giúp doanh nghiệp này bước đầu thực hiện hiệu quả mô hình KTTH. Toàn bộ chất thải của quá trình chăn nuôi được thu gom tập trung vào hệ thống xử lý để tạo khí sinh học và đã đáp ứng được đến 30% nhu cầu năng lượng của toàn trại. Cùng với đó, nước thải cũng được tái sử dụng và đưa vào hệ thống tưới cho khu vực trồng cây cao su trong vùng. Với mô hình KTTH tái sử dụng chất thải như vậy đã góp phần giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời nâng cao nguồn lợi thu lại cho Lộc Phát. Bên cạnh đó, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) bao gồm các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì cũng là một ví dụ điển hình trong việc tiên phong áp dụng mô hình KTTH, giúp cho quá trình thu gom, tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận và bền vững hơn ở Việt Nam.

     3. Một số đề xuất liên quan đến vấn đề KTTH trong 2 Dự thảo hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020

     Nhận thức được xu hướng phát triển của toàn cầu, khái niệm KTTH lần đầu tiên được đưa ra trong Luật BVMT năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Theo đó, KTTH được thực hiện ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII cũng khẳng định, “kinh tế số, KTTH, tăng trưởng xanh đang là mô hình nhiều quốc gia lựa chọn” và định hướng trong giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”. Văn kiện nêu rõ “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất” là một trong những giải pháp chiến lược trong 10 năm tới.

     Mới đây, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020 (Dự thảo hướng dẫn thi hành Luật) và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (Dự thảo về trách nhiệm tái chế). Trên cơ sở các quy định trong Dự thảo hướng dẫn thi hành Luật liên quan đến mô hình KTTH, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển KTTH có một số góp ý như sau:

     Thứ nhất, tại Điều 187, cần bổ sung tiêu chí cấp vùng, tiêu chí đánh giá thực hiện KTTH trong các lĩnh vực sản xuất chính (dệt may, nhựa, nông nghiệp, xây dựng, năng lượng…); tiêu chí tuần hoàn kết nối doanh nghiệp, khu công nghiệp, mức độ trả lại hệ sinh thái (tái tạo) của các hoạt động sản xuất trong nền kinh tế; quan tâm đến mức độ ưu tiên đặc biệt các tiêu chí kinh tế - xã hội - môi trường.

     Thứ hai, tại Điều 188, cần bổ sung: Vai trò của lãnh đạo của Chính phủ (Thủ tướng, hoặc Phó Thủ tướng làm Trưởng ban Chỉ đạo) để chỉ đạo thực hiện những chương trình, đề án KTTH có tính chất liên Bộ/ngành cao (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ TN&MT; Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho những sản phẩm, ngành công nghiệp có tính chất chiến lược, tiềm năng tạo giá trị kinh tế - xã hội cao, đóng góp vào nền kinh tế đất nước (thí điểm từ 3 - 5 đề án từ nay đến năm 2025); Vai trò của Chính phủ, UBND các tỉnh/thành phố có thể xây dựng, ban hành các cơ chế thí điểm một số đề án triển khai mô hình KTTH có tiềm năng tạo giá trị kinh tế - xã hội cao nhằm giải quyết các vướng mắt về thể chế, chính sách liên quan đến mô hình KTTH trong thực tế (thí điểm 3 - 5 đề án trước năm 2025); Vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lồng ghép các chương trình, giải pháp KTTH trong hoạt động giáo dục, đào tạo (phổ thông, đại học), tham khảo kinh nghiệm Phần Lan (thí điểm 3 - 5 chương trình trước năm 2025 và tích hợp cho toàn bộ hệ thống giáo dục trước năm 2030); Cần thành lập Hội đồng quốc gia về KTTH (hoặc tích hợp vào Hội đồng Bền vững quốc gia) với chức năng là cơ quan/đơn vị thực hiện công tác đánh giá, khuyến khích việc thực hiện KTTH; Xây dựng lộ trình triển khai KTTH cấp quốc gia, cấp địa phương trước năm 2025 (tham khảo kinh nghiệm Phần Lan, Hà Lan, CHLB Đức).

     Thứ ba, trong Điều 189, một số nội dung cần được bổ sung gồm: Cung cấp nền tảng chia sẻ sản phẩm/ tài nguyên trong nền kinh tế; Có chính sách hỗ trợ hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối các đơn vị sản xuất triển khai KTTH, đặc biệt lồng ghép vào chính sách phát triển KTTH cấp Trung ương, địa phương; Chính sách, nguồn vốn ưu đãi cho chuyển đổi sang KTTH đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (tham khảo kinh nghiệm Đài Loan); Chính phủ ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển KTTH theo các hình thức như: Có thể bổ sung nội dung về Lập quỹ thúc đẩy nghiên cứu, áp dụng và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực KTTH, hoặc lồng ghép vào Quỹ BVMT.

     Ngoài ra, Dự thảo hướng dẫn Luật chưa có đầy đủ cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh trong nền KTTH. Để triển khai và nâng cao mô hình kinh doanh tuần hoàn, cần có các yếu tố: Các mục tiêu chung (tái sử dụng, sửa chữa và tái chế) cần được các nhà hoạch định chính sách chấp thuận; Phát triển mô hình kinh doanh mới thông qua sự đổi mới của công ty (đổi mới mô hình kinh doanh); Cải tiến kỹ thuật, đổi mới xã hội trong doanh nghiệp và cộng đồng cần đi đôi với đổi mới mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, sự đổi mới này không tự diễn ra, mà cần một số kích hoạt nhất định. Đầu tiên, các chính sách cần được đưa ra để hỗ trợ đổi mới sáng tạo và các mô hình kinh doanh tuần hoàn. Đồng thời, cần có sự thay đổi trong hành vi và giáo dục của các bên liên quan, cũng như người tiêu dùng. Các yếu tố này kết hợp với nhau nhằm cung cấp khuôn khổ cho phép để triển khai và mở rộng các mô hình kinh doanh theo định hướng tuần hoàn.

     Đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩp, nhóm nghiên cứu đề xuất một số nội dung cần điều chỉnh, bổ sung như: (1) Tiêu đề của Nghị định nên bổ sung đề cập đến trách nhiệm thu gom bao bì bên cạnh trách nhiệm tái chế của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; (2) Bổ sung Điều khoản về việc thúc đẩy sự tham gia/hợp tác của lực lượng thu gom và tái chế không chính thức, vai trò, trách nhiệm của các nhà phân phối, bán lẻ trong hệ thống trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng (EPR), quan tâm lợi ích của họ (thu nhập và phúc lợi) hoạt động trong hệ thống EPR; (3) Nghị định chưa đề cập đến một số khái niệm như tái sử dụng, sửa chữa, phục hồi, mà chỉ nhấn mạnh đến việc tái chế. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cần có quy định cụ thể về lợi ích cho hoạt động tái sử dụng, sửa chữa, phục hồi để khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia; (4) Bổ sung phần thưởng khích lệ cho việc thiết kế các sản phẩm/bao bì thân thiện môi trường, hoặc có quy định đồng nhất một số sản phẩm nhất định như ly nhựa, bao bì để hạn chế lượng nhựa thải ra môi trường; (5) Bổ sung quy định về việc bán hàng online (các sản phẩm có bao bì được mua trực tiếp từ nước ngoài và phần lớn các công ty này không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, nên chưa quy được trách nhiệm đơn vị tiến hành thu gom, phân loại, tái chế); (6) Bổ sung vai trò, trách nhiệm của đại lý bán lẻ, người tiêu dùng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện cơ chế EPR thông qua thu gom, phân loại rác tại nguồn, như vậy, sẽ đảm bảo sự công bằng về việc chia sẻ trách nhiệm lên các bên liên quan; (7) Cần bổ sung điều khoản riêng quy định về phần thưởng, hoặc lợi tức và xử phạt, các hệ thống EPR ở châu Âu gọi đây là phí điều biến, hay phí điều biến sinh thái; (8) Có phụ lục quy định cụ thể về lượng sản phẩm/bao bì tối thiểu trong mỗi ngành cần được thu gom, tái chế: (9) Trường hợp nhà sản xuất đóng góp tài chính cho Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế, cần lưu ý cân đối giữa chi phí đóng góp và chi phí tái chế thực tế; (10) Bổ sung quy định về tiêu chuẩn thành phẩm của quá trình tái chế; (11) Bổ sung điều khoản riêng để quy định về việc phân bổ nguồn thu tài chính sau khi Quỹ BVMT nhận được kinh phí mà các doanh nghiệp đã đóng. Việc minh bạch trong việc phân bổ nguồn thu là rất quan trọng, bởi vì điều này sẽ khích lệ cộng đồng và doanh nghiệp tham gia vào hoạt động phân loại, thu gom, tái chế rác thải bao bì.

     Ngoài ra, hiện tại, khái niệm KTTH chỉ được đề cập như một định hướng chung. Các quy định, quy chuẩn và hướng dẫn cụ thể cho mỗi ngành, mỗi lĩnh vực sản xuất vẫn chưa có. Do đó, cần phải ban hành những hướng dẫn cụ thể hơn (Thông tư) vì có một số giải pháp KTTH được du nhập, chuyển giao từ các quốc gia phát triển với điều kiện kinh tế - xã hội và chính sách khác nhau. Việc triển khai các giải pháp này ở Việt Nam liên quan đến nhiều bên, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, cần có chính sách về cơ chế thí điểm chính sách nhằm thử nghiệm, chuyển giao, đánh giá và điều chỉnh các giải pháp, chính sách, định hướng KTTH trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

     4. Kết luận

     Nhận thức được xu hướng phát triển của toàn cầu, Luật BVMT năm 2020 lần đầu tiên đề cập đến khái niệm KTTH và một số quy định về tiêu chí, lộ trình và khuyến khích thực hiện KTTH. Một trong những định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 là “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”. Vì vậy, các quy định cụ thể trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020 và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu là rất cần thiết. Từ đó, cung cấp nền tảng chia sẻ sản phẩm/ tài nguyên trong nền kinh tế và chính sách hỗ trợ hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối các đơn vị sản xuất triển khai KTTH, đặc biệt lồng ghép vào chính sách phát triển KTTH cấp Trung ương và địa phương.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân1,2, Nguyễn Kiều Lan Phương1,3,

Trần Thị Diễm Phúc1, Bùi Lê Thanh Khiết1

1Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh

2Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên

    3Khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường, Đại học Nguyễn Tất Thành

4Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2021)

     Tài liệu tham khảo

     [1] Ellen MacArthur Foundation. (2013). Towards the Circular Economy. Economic and business rationale for an accelerated transition. Rethink the Future, 1.

     [2] Liu. L, Ramakrishna. Seeram. (2021). An Introduction to Circular Economy. 978-981-15-8510-4. Springer Singapore. 10.1007/978-981-15-8510-4

     [3] European Commission. (2019). The Netherlands Adds a Circular Building Touch. https://ec.europa.eu/environment/ecoap/about-eco-innovation/policies-matters/netherlands-adds-circular-building-touch_en

     [4] Bộ Công Thương. (2019). KTTH - Từ sản xuất đến tiêu dùng và xử lý chất thải. https://moit.gov.vn/phat-trien-ben-vung/kinh-te-tuan-hoan-tu-san-xuat-den-tieu-dung-va-xu-ly-chat-th.html

 [5] Báo Chính phủ. (2020). Vinamilk dẫn đầu TOP 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2020. https://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=417143

[6] Dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2020 (bản ngày 10/5)

     [7] Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (phiên bản ngày 10/5)

     [8] European Environment Agency. 2021. A framework for enabling circular business models in Europe. [online] Available at: https://www.eea.europa.eu/publications/a-framework-for-enabling-circular/a-framework-for-enabling-circular [Accessed 9 July 2021].

 

Ý kiến của bạn