Banner trang chủ

Luật Bảo vệ môi trường 2020: Tăng cường bảo vệ môi trường không khí

20/11/2021

    Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí (ÔNMTKK) tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng. Nhằm tăng cường BVMT không khí, Luật BVMT năm 2020 đã quy định cụ thể về BVMT không khí, đây sẽ là cơ sở pháp luật quan trọng để thực hiện phòng ngừa, kiểm soát và BVMT không khí được hiệu quả.

    Thực trạng ô nhiễm môi trường không khí

    Theo Báo cáo Hiện trạng môi  trường quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Bộ TN&MT, ở Việt Nam  ÔNMTKK chủ yếu là ô nhiễm bụi ở các thành phố, đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, Hà Nội là thành phố có mức độ ô nhiễm bụi và biến động qua các năm cao hơn so với các đô thị khác. Giá trị trung bình năm của thông số bụi PM2,5 và PM10 tại tất cả các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục tại Hà Nội giai đoạn năm 2018 - 2020 đều vượt ngưỡng của QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,1 đến 2,2 lần, cao nhất ghi nhận năm 2019. Trong khi đó, tại các đô thị miền Nam, giá trị trung bình năm của thông số PM2,5 khá ổn định, mức độ biến động không đáng kể. Nhìn chung, các đô thị ở miền Bắc có giá trị trung bình năm của thông số bụi PM10 và PM2,5 cao hơn các đô thị khu vực miền Trung và miền Nam.

    Nguyên nhân chính dẫn đến ÔNKK ở các đô thị lớn do khí thải từ số lượng lớn phương tiện cơ giới tham gia giao thông, trong đó có nhiều phương tiện cũ không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải. Hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa thực hiện nghiêm túc việc che chắn bụi; phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác, trong đó có cả chất thải không đúng quy định tại một số địa phương; sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hằng ngày cũng như để kinh doanh. Bên cạnh đó, ÔNMTKK còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nguyên nhân khách quan là thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt; ảnh hưởng do lan truyền ÔNKK khí xuyên biên giới…

    Hoàn thiện quy định pháp luật về kiểm soát ÔNMTKK

    Để tăng cường kiểm soát môi trường không khí, nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về BVMT không khí như: Quyết định số 909/2010/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố; Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 phê duyệt Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động Giao thông vận tải; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 về Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21/01/2014 ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/ 2016 về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí (CLMTKK) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Các hoạt động giao thông vận tải là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí

    Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020, tại Chương II, mục 2, điều 12 đã quy định về BVMT không khí, cụ thể: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật; CLMTKK phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố theo quy định của pháp luật; tình trạng ÔNMTKK phải được thông báo và cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng; các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật.

    Ngoài ra, tại điều 13, 14 Luật BVMT năm 2020 cũng quy định rõ về thời hạn, nội dung và trách nhiệm ban hành Kế hoạch quản lý CLMTKK cấp quốc gia và cấp tỉnh. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý CLMTKK; chỉ đạo thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp CLMTKK bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng và xuyên biên giới. Bộ TN&MT có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý CLMTKK và tổ chức thực hiện; hướng dẫn xây dựng kế hoạch quản lý CLMTKK cấp tỉnh, phương pháp đánh giá CLMTKK.

    Như vậy, việc quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong BVMT không khí trong Luật BVMT năm 2020 đã bảo vệ sức khỏe người dân, cộng đồng. Để thực thi các quy định mới về BVMT không khí trong Luật BVMT năm 2020 phù hợp với thực tiễn, trong thời gian tới, cần triển khai một số giải pháp sau:

    Một là, Nhà nước cần ban hành quy định về khuyến khích cho tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thân thiện môi trường không khí cũng như ứng phó với BĐKH,phát triển mô hình kinh tế xanh; giảm phát thải khí nhà kính...

    Hai là, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn CLKK trong nhà ở và nhà công cộng, với những quy định cụ thể về kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, biện pháp cải thiện CLKK trong nhà…Hoàn thiện các quy chuẩn này nhằm nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân;

    Ba là, tăng cường đầu tư các thiết bị quan trắc môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin quan trắc tự động và kết nối trực tiếp đến cơ quan chức năng quản lý môi trường; thông tin dự báo kịp thời các bản tin về CLKK cho người dân…

    Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật BVMT nói chung và BVMTKK nói riêng, tuyên truyền giáo dục về tầm quan trọng của môi trường không khí, tác hại của việc ÔNKK đến sức khỏe và cuộc sống của con người.

Châu Loan

Ý kiến của bạn