Banner trang chủ

Nội dung cơ bản của Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT quy định chi tiết hướng dẫn một số điều Nghị định số 40/2019/NĐ-CP

03/03/2020

     Ngày 13/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT (Nghị định số 40/2019/NĐ-CP). Để hướng dẫn triển khai thi hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, ngày 31/12/2019, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (QTMT). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2020.

     Thông tư gồm 7 chương, 40 điều và 6 Phụ lục hướng dẫn cụ thể các nội dung về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kế hoạch BVMT và cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; công bố danh mục sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; tiêu chí lựa chọn, thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH); đóng bãi chôn lấp CTRSH; quản lý chất lượng môi trường; quản lý hoạt động dịch vụ QTMT; báo cáo công tác BVMT. Sau đây là một số điểm mới về pháp luật BVMT của Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT:

     Về mẫu báo cáo ĐTM: Thông tư số 25/2019/TT­BTNMT quy định cụ thể, chi tiết cấu trúc và nội dung của báo cáo ĐTM. Tại mẫu báo cáo này đã nêu những dự án thuộc Phụ lục IIa có lưu lượng xả thải lớn phải tham vấn ít nhất 10 chuyên gia, nhà khoa học, các dự án còn lại thuộc Phụ lục IIa thực hiện tham vấn ít nhất 3 chuyên gia, nhà khoa học; việc lấy ý kiến của tổ chức chuyên môn về tính chuẩn xác của mô hình được áp dụng đối với các dự án có nguy cơ bồi lắng, xói lở hoặc xâm nhập mặn do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; dự án có hoạt động nhận chìm vật, chất nạo vét xuống biển có tổng khối lượng từ 5.000.000 m3 trở lên; các dự án có lưu lượng nước thải công nghiệp từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên (trừ các trường hợp đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung và nước thải của dự án nuôi trồng thủy sản) hoặc lưu lượng khí thải từ 200.000 m3/giờ trở lên.

     Về số thay đổi sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt: Khác với quy định trước đây là bất cứ thay đổi nào, chủ dự án cũng phải được sự chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM, theo quy định mới chỉ những thay đổi làm tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ thì tùy từng trường hợp, chủ cơ sở, khu công nghiệp (KCN), dự án mới phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM để chấp thuận thay đổi hoặc lập lại báo cáo ĐTM. Đối với những thay đổi khác, chủ cơ sở, KCN, dự án tự quyết định, không phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

     Quan trắc chất thải trong quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án, cơ sở: Thông tư quy định về mẫu tổ hợp và quan trắc, đánh giá trong giai đoạn điều chỉnh hiệu suất của từng công đoạn và giai đoạn vận hành ổn định của công trình xử lý nước thải, khí thải. Theo đó, trong giai đoạn điều chỉnh hiệu suất của từng công đoạn thì lấy mẫu tối thiểu là 15 ngày/ lần trong ít nhất 75 ngày (tức là tối thiểu 5 ngày lấy mẫu tổ hợp) với thông số quan trắc từng công đoạn xử lý là thông số ô nhiễm chính đã được sử dụng để tính toán thiết kế cho từng công đoạn. Trong giai đoạn vận hành ổn định của công trình xử lý nước thải, công trình, thiết bị xử lý bụi, khí thải thì lấy mẫu ít nhất là 1 ngày/ lần trong 7 ngày liên tiếp (tối thiểu 1 mẫu đầu vào đối với nước thải, 7 mẫu đầu ra đối với nước thải, bụi, khí thải), trường hợp bất khả kháng không thể đo đạc, lấy và phân tích mẫu liên tiếp được, thì phải thực hiện đo đạc, lấy và phân tích mẫu sang ngày kế tiếp. Thông số quan trắc thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật về chất thải. Đối với những dự án, cơ sở đã có thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải trước ngày 15/2/2020, chủ dự án, cơ sở chỉ thực hiện quan trắc trong giai đoạn vận hành ổn định mà không phải thực hiện quan trắc trong giai đoạn điều chỉnh hiệu suất của từng công đoạn xử lý.

 

Thực hiện kiểm soát hiện trạng bãi chôn lấp CTRSH sau khi đóng cửa theo đúng quy trình

 

     Công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải: Thông tư hướng dẫn kỹ thuật đối với công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố đối với nước thải trong trường hợp chủ dự án lựa chọn giải pháp kỹ thuật được khuyến khích là xây dựng các bể sự cố quy định tại khoản 6 Điều 37 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP được bổ sung tại khoản 19 Điều 3 Nghị định số 40/2019/ NĐ-CP. Ngoài giải pháp kỹ thuật nêu trên, chủ dự án, cơ sở, KCN căn cứ vào đặc điểm, tải lượng dòng thải của mình có thể đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải pháp khác để thực hiện công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố; đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và phù hợp với kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường của chủ dự án, cơ sở, KCN.

     Về xử lý CTRSH: Thông tư quy định tiêu chí lựa chọn, đánh giá và công bố công nghệ xử lý CTRSH. Theo đó, công nghệ xử lý CTRSH sẽ được thẩm định, xem xét cho ý kiến đáp ứng yêu cầu BVMT theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; trên cơ sở kết quả xác nhận hoàn thành công trình BVMT, Bộ TN&MT ban hành và cập nhật danh mục công nghệ xử lý CTRSH, công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ TN&MT. Đồng thời, Thông tư quy định quy trình đóng bãi chôn lấp (BCL) CTRSH hợp vệ sinh với các nội dung xác định các trường hợp đóng BCL, thủ tục đóng BCL, trình tự đóng BCL, kiểm soát hiện trạng BCL sau khi đóng BCL và điều kiện tái sử dụng BCL, trách nhiệm của chủ BCL sau khi đóng BCL.

     Quản lý chất lượng môi trường: Thông tư quy định về quan trắc, đánh giá và công bố hiện trạng chất lượng môi trường nước mặt lục địa, môi trường không khí; điều tra, đánh giá, cảnh báo chất lượng môi trường; xác định mức độ, phạm vi, nguyên nhân ô nhiễm và cải tạo, phục hồi môi trường đất. Theo đó, chỉ số chất lượng nước, chất lượng không khí phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Các khu vực có khả năng bị ô nhiễm được tổ chức điều tra, đánh giá sơ bộ theo quy trình cụ thể để xác định và công bố khu vực có hoặc không bị ô nhiễm. Trường hợp khu vực bị ô nhiễm được điều tra, đánh giá chi tiết và phân loại theo 3 mức gồm: Ô nhiễm môi trường (ÔNMT), ÔNMT nghiêm trọng và ÔNMT đặc biệt nghiêm trọng; Tổ chức, cá nhân được xác định là đối tượng gây ô nhiễm có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá chi tiết khu vực bị ô nhiễm, thực hiện xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường và báo cáo kết quả cho Bộ TN&MT hoặc UBND cấp tỉnh.

     Báo cáo công tác BVMT: Trước đây, cơ sở, dự án phải thực hiện nhiều các báo cáo về BVMT định kỳ trong đó có nhiều thông tin trùng lắp bao gồm báo cáo quan trắc và giám sát môi trường định kỳ, báo cáo quan trắc tự động liên tục, báo cáo quản lý CTRSH, báo cáo quản lý CTR công nghiệp thông thường, báo cáo quản lý chất thải nguy hại, báo cáo về quản lý phế liệu nhập khẩu, báo cáo kết quả giám sát và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản. Theo quy định mới, chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chỉ phải lập 1 báo cáo công tác BVMT định kỳ theo mẫu quy định và gửi tới các cơ quan quản lý trước ngày 31/1 của năm tiếp theo, báo cáo lần đầu được gửi trước ngày 31/1/2021. Tại mẫu báo cáo công tác BVMT đã tích hợp đầy đủ các nội dung về quan trắc, giám sát môi trường, quản lý nước thải, CTR, chất thải nguy hại, nhập khẩu phế liệu, cải tạo, phục hồi trong khai thác khoáng sản. Các cơ sở, dự án không phải gửi kèm các tài liệu có liên quan (biên bản bàn giao, liên chứng từ…) mà các tài liệu này được lưu giữ tại cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện công tác thanh, kiểm tra. Đây là nội dung mới nhằm thực hiện chủ trương cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đối với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật của KCN thực hiện chế độ báo cáo theo quy định về BVMT KCN.

     Quản lý hoạt động dịch vụ QTMT: Thông tư quy định về đăng ký hoạt động thử nghiệm môi trường; trách nhiệm của tổ chức hoạt động dịch vụ QTMT sau khi được cấp giấy chứng nhận; việc quản lý hoạt động dịch vụ QTMT đối với các đơn vị thứ cấp. Cụ thể, tổ chức đề nghị đăng ký hoạt động thử nghiệm phù hợp với lĩnh vực môi trường và đăng ký chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT có thể lựa chọn thực hiện thủ tục hành chính cấp Giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm phù hợp với lĩnh vực môi trường và Chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT theo quy định về liên thông thủ tục hành chính do Bộ TN&MT ban hành.

     Tổ chức hoạt động dịch vụ QTMT phải lập hồ sơ bản giấy hoặc bản điện tử để lưu trữ và theo dõi riêng đối với hoạt động quan trắc môi trường mà tổ chức thực hiện để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Khi tham gia cung cấp dịch vụ QTMT trường hợp tổ chức ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ với khách hàng thì các hợp đồng phải có ký hiệu riêng của tổ chức để nhận biết, ghi rõ ngày, tháng, năm của hợp đồng. Ký hiệu riêng phải được đánh số thứ tự bảo đảm đúng trình tự thời gian ký kết hợp đồng. Trả kết quả cho khách hàng thông qua phiếu kết quả quan trắc được người có thẩm quyền của tổ chức ký, đóng dấu với các thông tin cơ bản theo quy định. Trường hợp có liên kết với các đơn vị quan trắc thứ cấp thì biên bản bàn giao mẫu giữa tổ chức hoạt động dịch vụ QTMT và đơn vị quan trắc thứ cấp phải được lưu giữ trong hồ sơ của mỗi đơn vị.

 

Lê Thị Minh Ánh

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2020)

 

 

Ý kiến của bạn