Banner trang chủ

Một số giải pháp hoàn thiện quy định về quản lý chất thải của Luật Bảo vệ môi trường

28/02/2020

     Luật BVMTnăm 2014 được ban hành đã tạo ra những thay đổi tích cực trong quan điểm BVMT bằng pháp luật của Nhà nước. Luật đã trở thành công cụ pháp lý quan trọng trong kiểm soát ô nhiễm môi trường (ÔNMT), góp phần đảm bảo phát triển bền vững tại Việt Nam. Trong Luật BVMT năm 2014 đã có một mục riêng về quản lý chất thải (QLCT), trong đó quy định trách nhiệm của từng chủ thể trong QLCT và những yêu cầu đặc thù trong QLCT thông thường hay chất thải nguy hại. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, trước những yêu cầu mới của QLCT và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhóm quy định về QLCT trong Luật BVMT đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, cần sớm được hoàn thiện.

     Nhận thức rõ điều đó, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định về QLCT như: Chuyển quy định về QLCT phóng xạ sang phạm vi quản lý của Luật Năng lượng nguyên tử; quy định rõ hơn việc phân loại chất thải rắn thông thường… Về cơ bản, đó là những thay đổi tiến bộ và phù hợp với thực tiễn.Trên cơ cở Luật BVMT 2014 và Dự thảo Luật BVMT sửa đổi, xin đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định của Luật, góp phần nâng cao hiệu quả QLCT tại Việt Nam.

     Thứ nhất, bổ sung quy định về trao đổi chất thải

     Theo cách tiếp cận truyền thống tại Việt Nam, mọi loại chất thải (những vật chất bị loại bỏ từ các hoạt động của con người) đều được quản lý theo một quy trình chung là giảm thiểu, phân loại, thu gom, xử lý và tiêu hủy. Do vậy, chất thải không được nhìn nhận dưới góc độ kinh tế của chất thải và dường như trở thành một gánh nặng cho xã hội vì những vấn đề về môi trường, chi phí để xử lý chúng. Tuy nhiên, tiếp cận theo một cách khác, trong số những vật chất bị loại bỏ từ hoạt động của con người, không ít loại có thể tái chế, tái sử dụng vàcó thể trở thành nguồn nguyên liệu thay thế cho nguyên liệu tự nhiên. Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày một khan hiếm, cách tiếp cận này càng trở nên có ý nghĩa trong việc kiểm soát ÔNMT và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo phát triển bền vững.

 

Luật BVMT đã có quy định khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng chất thải

 

     Với cách tiếp cận tích cực đó, Luật BVMT hiện hành đã có quy định khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng chất thải tại từng cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải. Song thực tế, quy định này chưa phát huy hiệu quả mà mới chỉ dừng lại ở yêu cầu chung chung, mang tính khuyến nghị. Bên cạnh đó, thực tiễn QLCT tại nhiều nước trên thế giới cũng đã cho thấy, giá trị kinh tế và môi trường của việc trao đổi chất thải giữa các cơ sở sản xuất. Theo đó, chất thải của cơ sở sản xuất này có thể trở thành nguồn nguyên liệu cho một hoặc nhiều cơ sở sản xuất khác. Vì vậy, việc trao đổi chất thải giữa các nhóm doanh nghiệp không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn có giá trị không nhỏ trong việc ngăn ngừa ÔNMT hay khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Với ý nghĩa đó, cần bổ sung quy định trao đổi chất thải vào Luật BVMT hiện hành nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động trao đổi chất thải giữa các cơ sở sản xuất, qua đó tận dụng tốt hơn những giá trị về kinh tế và môi trường của hoạt động này.

     Thứ hai, bổ sung quy định về cán bộ chuyên trách thực hiện QLCT tại các cơ sở có phát sinh chất thải

     Do QLCT là hoạt động mang tính chuyên môn, đòi hỏi cán bộ tại các cơ sở có phát sinh chất thải phải được đào tạo về chuyên môn. Song, tại các doanh nghiệp, đây là vấn đề còn bị xem nhẹ, đặc biệt là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hiệu quả QLCT chưa cao. Vì vậy, cần bổ sung quy định vềviệc bắt buộc phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Người đó phải được tập huấn chuyên môn về kiểm soát ÔNMT nói chung và QLCT nói riêng. Khi đó, họ sẽ có khả năng phát hiện sớm nhữngbất ổn về môi trường tại doanh nghiệp trước khi nó xảy ra, đảm bảo sự chủ động của doanh nghiệp trong phòng ngừa ÔNMT,đồng thời giảm thiểu gánh nặng về thủ tục hành chính của doanh nghiệp trong QLCT.

     Đề xuất này liên quan đến người chịu trách nhiệm chuyên môn về kiểm soát ÔNMT, bao gồm cả quản lý chất thải và là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có phát sinh chất thải (không nhất thiết phải là cơ sở có phát sinh lượng chất thải lớn, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường như quy định tại Điều 68Luật BVMT năm 2014). Người này chỉ cần có chứng chỉ về việc đã được tập huấn, chứ không phải là yêu cầu cao về chuyên môn, nên sẽ phù hợp cho các cơ sở vừa và nhỏ, có lượng chất thải thải vào môi trường không lớn. Quan trọng, người đó đảm bảo yêu cầu chuyên môn trong QLCT và thể hiện được trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đối với những cơ sở có lượng chất thải thải ra môi trường lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thì có thể quy định thêm các yêu cầu cao hơn về nhân sự.

     Thứ ba, bãi bỏ một số quy định trùng lặp về QLCT trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ

     Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong mọi lĩnh vực là chủ nguồn thải của rất nhiều loại chất thải. Việc thực hiện QLCT phát sinh tại các cơ sở này là hết sức cần thiết và là trách nhiệm của các chủ cơ sở đó. Với cách tiếp cận này, Luật BVMTnăm 2014 đã đưa ra khá nhiều quy định về BVMT trong từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh dịch vụ, kèm theo đó là những yêu cầu về QLCT. Cụ thểnhư: Điều 38 quy định vềBVMT trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản có nêu:“Tổ chức, cá nhân khi tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường(thu gom và xử lý nước thải theo quy định của pháp luật; Thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định về QLCT rắn)”; Điều 69 quy định về BVMT trong sản xuất nông nghiệp nêu rõ:“Khu chăn nuôi tập trung phải có phương án BVMT và đáp ứng yêu cầu: Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư; Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về QLCT”; Điều 79 quy định về BVMT đối với cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm đề cập đến việc những cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm phải thực hiện các yêu cầu BVMT: “Thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Phân loại chất thải rắn tại nguồn; thu gom và xử lý theo quy định của pháp luật về QLCT rắn”…

     Việc thực hiện các yêu cầu QLCT trong quá trình hoạt động của các cơ sở nêu trên là đúng, song việc quy định lặp đi, lặp lại trong Luật BVMTnăm 2014 là không cần thiết, khi đã có quy định chung về trách nhiệm thực hiện quản lý nước thải, chất thải rắn và khí thải cho mọi tổ chức, cá nhân có làm phát sinh chất thải trong quá trình hoạt động. Dù đó là chất thải phát sinh trong nông nghiệp hay trong các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm, hoặc các hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản, thì các chủ cơ sở đó đều phải thực hiện các yêu cầu QLCT theo quy định chung. Điều đó có nghĩa, việc nhắc lại các yêu cầu này trong từng lĩnh vực, tại nhiều điều luật khác nhau trong cùng một đạo luật là thiếu khoa học, trừ khi có những yêu cầu đặc thù.

     Thứ tư, quy định rõ về trách nhiệm phân loại chất thải của chủ nguồn thải

     Hiện nay, trong nhóm quy định chung về QLCTcủa Luật BVMT năm  2014, tại Điều 86 về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải có quy định: “Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng phải được phân loại”. Tuy nhiên, trách nhiệm phải phân loại chất thải lại chưa được quy định cho chủ thể nào. Đó là trách nhiệm của chủ nguồn thải, của chủ vận chuyển, xử lý chất thải hay là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước?

     Về mặt khoa học cũng như thực tiễn, phân loại chất thải tại nguồn là giải pháp hiệu quảcả về phương diện kinh tế lẫn môi trường. Song nếu chỉ dừng lại ở yêu cầu chung là phải phân loại chất thải như quy định hiện hành, thì không thể ràng buộc trách nhiệm của bất kỳ một chủ thể nào trong quy trình QLCT. Thiết nghĩ, sẽ khả thi hơn khi quy định rõ trách nhiệm phân loại chất thải này, trước hết cho chủ nguồn thải, sau đó là cho các chủ thể có liên quan (chủ vận chuyển chất thải hay chủ xử lý chất thải) trong trường hợp chủ nguồn thải vì lý do nào đó chưa thực hiện nghĩa vụ này.Đây là quy định đã được đề xuất tại Điều 44 của Dự thảo Luật: Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn. Tuy nhiên, quy định này không chỉ rõ ai là người phải phân loại chất thải. Chủ nguồn thải chỉ có trách nhiệm phải giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải. Do đó, sẽ hợp lý hơn khi quy định rõ trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn của chủ nguồn thải trong nhóm quy định chung về QLCT.

     Thứ năm, chuyển quy định về sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ, pháo hoatrong nhóm quy định hiện hành về QLCT sang một lĩnh vực pháp luật khác

     Quy định về quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ tại Khoản 4 Điều 103 Luật BVMTnăm 2014 có quy định: “Cấm sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ”. Việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo hoa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quy định này trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, nhưng nó chưa phù hợp khi đặt trong nhóm quy định về quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ. Có hai lý do chính để lý giải cho quan điểm này, đó là,pháo nổ, pháo hoa không phải chất thải. Chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng pháo nổ, pháo hoa cũng không phải là vấn đề lớn hay đặc thù, cần có một quy trình riêng biệt để kiểm soát. Mục đích chính của việc nghiêm cấmsản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ trong điều kiện của Việt Nam hiện nay là vấn đề quản lý vật liệu nổ, chứ không phải vấn đề quản lý và kiểm soát tiếng ồn hay độ rung phát sinh trong quá trình sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ dưới góc độ QLCT. Như vậy, sẽ hợp lý hơn nếu chuyển quy định này sang một lĩnh vực pháp luật khác (pháp luật về quản lý vật liệu nổ),thay vì đặtnó trong nhóm các quy định về QLCT.

     Tóm lại, sau hơn 5 năm áp dụng, các quy định về QLCT của Luật BVMTnăm 2014 đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Tuy không lớn, nhưng việc khắc phục chúng là cần thiết để nâng cao hiệu quả kiểm soát ÔNMT ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

PGS.TS. Vũ Thị Duyên Thủy

Trường Đại học Luật Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2020)

 


 

 

Ý kiến của bạn