Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Long An: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

14/12/2016

Ông Nguyễn Tân Thuấn,
Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An

   Trong thời gian qua, Long An đã quan tâm, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường, di dời các bãi rác, cơ sở sản xuất, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT). Tuy nhiên, công tác phối hợp quản lý kiểm soát ô nhiễm môi trường giữa cấp tỉnh và địa phương còn bất cập, thiếu chặt chẽ… Để hạn chế tác động đến môi trường, ngày 14/10/2016, UBND tỉnh Long An đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND nhằm thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An về vấn đề này.

   Ông có thể giới thiệu đôi nét về Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND tỉnh Long An về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT?

   Ông Nguyễn Tân Thuấn: Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Chính phủ, ngày 14/10/2016, UBND tỉnh Long An đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu Lãnh đạo các Sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP thực hiện nghiêm Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT; Quán triệt chủ trương thu hút đầu tư phải bảo đảm các yêu cầu về BVMT, không tiếp nhận các loại hình sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Các cấp quản lý phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ BVMT; Ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương…

   Về việc di dời các cơ sở gây ÔNMTNT, UBND tỉnh yêu cầu các ngành và UBND huyện, thị xã, TP tập trung xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ÔNMTNT ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các khu, cụm công nghiệp (CCN); Yêu cầu tất cả các khu, CCN phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống nước thải tập trung, buộc đối tượng có quy mô xả thải lớn lắp đặt ngay các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định pháp luật và truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT…

   Là địa phương nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, thời gian qua Long An đã triển khai những hoạt động gì nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường trên lưu vực, thưa ông?

   Ông Nguyễn Tân Thuấn: Trong những năm qua, tỉnh Long An luôn duy trì hoạt động quan trắc chất lượng môi trường nước định kỳ trên các sông với tần suất 3 tháng/lần; Tiến hành kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải trực tiếp ra các sông; Tuyên truyền, kêu gọi người dân chung tay BVMT, đặc biệt là BVMT chất lượng nước mặt. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng các nguồn thải và phân vùng xả thải vào các sông chính trên địa bàn tỉnh Long An” nhằm đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp bảo vệ chất lượng nước tại các sông chính trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đồng thời, kết nối hệ thống giám sát các trạm quan trắc tự động liên tục nước thải tập trung của các KCN/CCN và các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh như KCN Long Hậu, Thuận Đạo, Tân Đức, Thái Hòa, Đức Hòa 1, Công ty TNHH Sapporo VN và Công ty HuaFu VN. Tuy nhiên, một địa phương rất khó thực hiện triệt để nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh trong lưu vực để tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm BVMT hệ thống lưu vực sông Đồng Nai.

KCN Long Hậu, tỉnh Long An đầu tư hệ thống xử lý nước thải với công suất 4.500 m3/ngày, đêm

   Công tác BVMT tại các KCN/CCN và việc chấp hành pháp luật BVMT của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào, thưa ông?

   Ông Nguyễn Tân Thuấn: Trên địa bàn tỉnh Long An hiện có 20/34 KCN và 14/32 CCN đang hoạt động với 866 dự án đầu tư vào KCN và 263 dự án đầu tư vào CCN. Công tác BVMT tại các KCN/CCN đã từng bước đi vào nề nếp và có sự phân cấp cụ thể. Theo đó, Sở TN&MT là cơ quan quản lý các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng của các KCN/CCN; Ban Quản lý Khu kinh tế quản lý các đơn vị thứ cấp hoạt động trong KCN và Sở Công Thương quản lý các đơn vị thứ cấp hoạt động trong CCN.

   Nhận thức được trách nhiệm về sản xuất kinh doanh phải gắn với BVMT, các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã xây dựng tôn chỉ, mục đích về BVMT, đảm bảo tính khả thi, định lượng và có lộ trình; Xây dựng và triển khai chính sách về BVMT, đặc biệt là chính sách liên quan đến giá của các sản phẩm, dịch vụ có tính chất BVMT của DN (như năng lượng tái tạo…), đảm bảo tính toán được chi phí, lợi nhuận trong chiến lược và kế hoạch quản lý kinh doanh; Chủ động chuyển đổi từ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh truyền thống, công nghệ cũ, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sang lĩnh vực thân thiện với môi trường và bền vững.

   Đặc biệt, sau khi Luật BVMT năm 2014 có hiệu lực, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan quản lý nhà nước, nhận thức của các cấp chính quyền, DN cũng như người dân đã có những thay đổi tích cực, BVMT không còn là vấn đề của riêng các cấp chính quyền mà trở thành vấn đề của toàn xã hội. Do đó, chất lượng môi trường ngày càng được cải thiện.

   Xin ông cho biết một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai công tác BVMT tại địa phương?

   Ông Nguyễn Tân Thuấn: Khó khăn nhất hiện nay là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BVMT chưa hoàn thiện, chưa thực sự sát với tình hình thực tế. Ngoài ra, thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014, cụ thể: Thiếu quy định về quản lý chất thải rắn thông thường (hướng dẫn mẫu hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Trách nhiệm của UBND cấp huyện trong quản lý chất thải rắn thông thường, sinh hoạt). Bên cạnh đó, công tác phối hợp quản lý BVMT giữa cấp tỉnh và các địa phương chưa có sự đồng nhất; Kinh phí hoạt động sự nghiệp môi trường còn hạn chế, đặc biệt là nguồn nhân lực mỏng, không đáp ứng được sự phát triển của các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

            Phạm Đình
(Thực hiện)

Ý kiến của bạn