Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Lào Cai triển khai hiệu quả các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường

30/10/2017

     Trong thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác quản lý và BVMT, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn. Từ đó, nhận thức và hành động về BVMT của doanh nghiệp, cộng đồng có sự chuyển biến rõ rệt, chất lượng môi trường trên toàn tỉnh từng bước được kiểm soát. Để hiểu rõ hơn về kết quả này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Sinh - Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai.

 

Ông Nguyễn Thành Sinh - Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai

 

     PV: Xin ông cho biết đôi nét về công tác BVMT các Khu công nghiệp (KCN)/Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua?

    Ông Nguyễn Thành Sinh: Công tác BVMT tại các KCN/CCN trên địa bàn tỉnh được triển khai theo quy định của Luật BVMT năm 2014; Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về việc BVMT khu kinh tế (KKT), KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao; Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ TN&MT về việc BVMT CCN, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

     Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 KCN/CCN (Bắc Duyên Hải; Đông Phố Mới, TP. Lào Cai và KCN Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng). Trong đó, KCN Bắc Duyên Hải và Đông Phố Mới là 2 KCN ít phát thải, chủ yếu là kho chứa hàng, không trực tiếp sản xuất nên không gây tác động nhiều tới môi trường; Đối với KCN Tằng Loỏng, đặc thù là KCN chuyên sản xuất hóa chất, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, chịu ảnh hưởng của tác động cộng hưởng do hoạt động của các Nhà máy phát thải, gây ô nhiễm môi trường,do đó đã và đang được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm về quản lý môi trường.

     Việc triển khai các quy định pháp luật về BVMT đối với KCN/CCN: Thực hiện quy định chung về BVMT, trước khi các dự án được phê duyệt đầu tư đều được cấp thẩm quyền phê duyệt/xác nhận thủ tục pháp lý về BVMT (Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM)/Đề án BVMT; xác nhận Bản Cam kết BVMT/Kế hoạch BVMT). Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã tiến hành đăng ký quản lý chất thải với cơ quan quản lý (như đăng ký Chủ nguồn thải chất thải nguy hại với Sở TN&MT; xử lý chất thải rắn với Ban Quản lý KKT...), thực hiện đầy đủ chương trình quan trắc giám sát định kỳ về môi trường.

     Để tăng cường công tác phối hợp trong việc quản lý các vấn đề môi trường KCN/CCN trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT, Ban quản lý KTT và các ngành có liên quan đã ban hành quy chế phối hợp. Hàng năm, xây dựng kế hoạch phối hợp thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về BVMT đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong KCN/CCN, đặc biệt là KCN Tằng Loỏng. Qua đó, ý trách nhiệm trong việc xử lý, quản lý chất thải của các đơn vị đã được nâng cao, môi trường được cải thiện, những xung đột môi trường với khu vực dân cư từng bước được tháo gỡ.

     Bên cạnh đó, các cơ quan của Bộ TN&MT phối hợp với cơ quan quản lý về môi trường địa phương (Sở TN&MT, Ban quản lý KKT, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường…) tiến hành kiểm tra các đơn vị trên địa bàn, trong đó có cơ sở trong KCN nghiệp. Năm 2014 và 2015, Cục kiểm soát các hoạt động BVMT đã tiến hành thanh, kiểm tra các đơn vị trong KCN Tằng Loỏng. Qua kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị khắc phục những tồn tại trong công tác BVMT, do đó, thời gian qua việc chấp hành các quy định pháp luật về môi trường cơ bản đã có chuyển biến rõ rệt.

     PV: Sau khi Luật BVMT năm 2014 đi vào cuộc sống, đến nay nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân về vấn đề này như thế nào?

     Ông Nguyễn Thành Sinh: Việc triển khai các quy định pháp luật về BVMT đã được tỉnh triển khai qua nhiều thời kỳ gắn với các giai đoạn của Luật BVMT (Luật BVMT năm 1993, 2005 và 2014), do đó các quy định về BVMT trên địa bàn tỉnh đã sớm được triển khai và ngày càng được nâng cao.

     Nhận thức được tầm quan trọng của BVMT, các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh đều chú trọng lồng ghép kế hoạch, mục tiêu về BVMT. Trong định hướng phát triển KT-XH tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 10 về Tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH. Qua đó, nhiều mục tiêu về BVMT được tập trung triển khai như BVMT khu dân cư, KCN, KKT đã được đầu tư hạ tầng về BVMT. Hiện TP. Lào Cai và thị trấn Sa Pa đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đô thị; KCN Đông Phố Mới được đầu tư 1 trạm xử lý nước thải với công suất 500 m3/ngày, đêm; KCN Tằng Loỏng được đầu tư Nhà máy xử lý nước thải công suất 3.000 m3/ngày, đêm (đang chuẩn bị triển khai giai đoạn II với 2 Nhà máy xử lý nước thải công suất 4.950 m3/ngày, đêm); 4/9 huyện/TP đã được đầu tư nâng cấp bãi rác sinh hoạt tập trung để đảm bảo các yêu cầu về BVMT. Để xử lý rác thải sinh hoạt TP. Lào Cai, thị trấn Sa Pa, Bát Xát, tỉnh đã đầu tư 1 Nhà máy xử lý rác thải công suất 100 tấn/ngày, đêm (chế biến thành phân hữu cơ, phân khoáng và thu hồi các thành phần có thể tái chế nhằm giảm tối đa lượng rác chôn lấp trực tiếp, đảm bảo vệ sinh môi trường); Nhà máy xử lý nước thải đô thị TP. Lào Cai với công suất trên 4.000 m3/ngày. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai triển khai Đề án phân loại rác tại nguồn ở một số địa phương...

     Việc triển khai quy định pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, điển hình như các đơn vị trong KCN Tằng Loỏng. Sau khi được kiểm tra, đề nghị khắc phục những tồn tại về BVMT, các doanh nghiệp đã tập trung cải tạo, thay đổi các công trình, biện pháp BVMT để đảm bảo yêu cầu theo quy định, môi trường KCN Tằng Loỏng đang có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, từng bước xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường.

     Nhìn chung, các quy định trong Luật BVMT năm 2014 đã được tỉnh tập trung triển khai và xác định là mục tiêu quan trọng để phát triển KT- XH bền vững.

     PV: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT, tỉnh Lào Cai đã triển khai nội dung này như thế nào?

     Ông Nguyễn Thành Sinh: Để triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, ngày 28/4/2017, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 119/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg, trong đó đề ra một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác BVMT, đồng thời giao nhiệm vụ các Sở, ban ngành tăng cường thực hiện quy định về BVMT trong lĩnh vực quản lý.

     UBND tỉnh Lào Cai chú trọng chỉ đạo Sở, ban ngành tập trung triển khai các biện pháp BVMT đối với những khu vực trong điểm, điểm nóng về môi trường (KCN/CCN, khu dân cư, khai thác khoáng sản,...) tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng BVMT, xử lý ô nhiễm môi trường, công việc đã triển khai (đầu tư Nhà máy xử lý nước thải, chất thải rắn TP. Lào Cai, thị trấn Sa Pa, nâng cấp, cải tạo bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung tại cấc huyện, tập trung xử lý ô nhiễm môi trường đối với KCN Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng...).

     Đối với công tác quản lý, các Sở, ban ngành tăng cường phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật BVMT với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về BVMT, đặc biệt quan tâm tới việc kiểm soát các đối tượng, khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng tới môi trường như KCN Tằng Loỏng, các cơ sở khai thác khoáng sản...

     Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được UBND tỉnh Lào Cai xác định là định hướng quan trọng, nhằm triển khai các quy định pháp luật về BVMT trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh, do đó được các cấp ngành tập trung triển khai thực hiện.

 

Hội nghị Tập huấn nâng cao nhận thức về BVMT và quản lý ĐDSH do Sở TN&MT Lào Cai tổ chức tháng 7/2017

 

     PV: Vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực BVMT đối với một số doanh nghiệp vi phạm các quy định về BVMT với tổng số tiền lên tới hơn 1,8 tỷ đồng. Vậy sau khi xử phát, công tác giám sát các doanh nghiệp chấp hành pháp luật như thế nào, thưa ông?  

     Ông Nguyễn Thành Sinh: Nhằm tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Tằng Loỏng, thời gian tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các Sở, ban ngành tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt để cải thiện môi trường KCN, xem xét đề xuất di chuyển dân cư ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường, tập trung hoàn thiện hạ tầng về BVMT (xây dựng Nhà máy xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn...), trong đó chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm quy định pháp luật về BVMT đối với các Nhà máy trong KCN. Kết quả các đợt kiểm tra, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BVMT đối với 4 đơn vị là Công ty CP Hóa chất Phúc Lâm; Công ty CP Hóa chất Đức Giang; Công ty TNHH MTV Khoáng sản và luyện kim Việt Trung; Công ty CP Hóa chất Bảo Thắng với các hành vi vi phạm như: thiếu thủ tục pháp lý về BVMT (chưa được Bộ TN&MT cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT), đổ thải không đúng vị trí...

     Sau khi các Quyết định được ban hành, Sở TN&MT thường xuyên đôn đốc các đơn vị sớm hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ TN&MT theo quy định. Hiện các đơn vị đang tập trung điều chỉnh, hoàn thiện nhằm đảm bảo điều kiện, cấp xác nhận hoàn thành công trình BVMT. Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường trong công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp (xỉ thải phốt pho, gyps thải..) gia cố đáy thành bãi thải, bố trí hệ thống thu nước rỉ bãi thải trách phát tán ra ngoài môi trường... Đồng thời, Sở yêu cầu 12 các đơn vị khẩn trương lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động theo quy định Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015.  

     PV: Để công tác quản lý BVMT phát huy hiệu quả, hiện Sở có đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng?

     Ông Nguyễn Thành Sinh: Để việc triển khai hiệu quả quy định pháp luật về BVMT, Sở có một số kiến nghị sau: 

     Bộ TN&MT sớm hoàn thiện quy định, hướng dẫn thực hiện Luật BVMT năm 2014 để có căn cứ pháp lý thực hiện, nhất là trong việc tính toán bồi thường thiệt hại về môi trường, hướng dẫn thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp,… Đồng thời, chỉ đạo những đơn vị trực thuộc kiểm soát những dự án do Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo ĐTM.

     Tiếp tục hỗ trợ nguồn kinh phí cho tỉnh trong việc xử lý môi trường các đối tượng nằm trong khu vực công ích: Dự án cải tạo bãi chôn nấp chất thải rắn sinh hoạt từ nguồn chi sự nghiêp BVMT trung ương cho 2 huyện Mường Khương, Văn Bàn; Đề án thành lập Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Hoàng Liên Sơn - Vườn quốc gia Hoàng Liên; Đầu tư trạm quan trắc nước tự động biên giới; Dự án Xử lý triệt để điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại trường tiểu học Na Hối II, thôn Dì Thàng 2, xã Na Hối, huyện Bắc Hà.

     Tăng cương năng lực quan trắc, kiểm soát ô nhiêm: các trạm quan trắc ô nhiễm xuyên biên giới; trạm quan trắc khí tượng, trạm đo mưa tự động; Trạm quan trắc tự động tại KCN Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng. Nhằm cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan; cảnh báo ô nhiễm xuyên biên giới và ô nhiễm do hoạt động công nghiệp;

     Hỗ trợ tỉnh đầu tư hạ tầng nâng cao năng lực chống chịu với BĐKH một số khu vực trọng điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai: kè suối phìn ngan; Xem xét trước mắt hỗ trợ cải tạo lại trên 160 ha diện tích lúa bị ảnh hưởng do ảnh hưởng của cơn bão số 1 và 2 từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH để sớm ổn định đời sông nhân dân.

     Để giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và bảo đảm được vấn đề BVMT, đề nghị Bộ TN&MT sớm ban hành Hướng dẫn thu phí BVMT đối với khí thải công nghiệp nhằm điều chỉnh hành vi của đơn vị sản xuất công nghiệp, hướng tới giảm thiểu việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo nguồn thu cho BVMT.

     Chính phủ ban hành hoặc cho phép tỉnh Lào Cai được ban hành quyết định về thu một khoản đóng góp từ các doanh nghiệp sản xuất hóa chất cho địa phương, nơi doanh nghiệp đầu tư dự án để đầu tư hạ tầng khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường. Mức thu đề xuất tính theo tỷ lệ % trên lợi nhuận sau thuế.

     Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét, điều chỉnh các quy định về ưu đãi đầu tư liên quan đến miễn giảm tiền thuê đất, thuế TNDN nên loại trừ các dự án không khuyến khích đầu tư do nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông.

 

Phạm Tuyên (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017)

Ý kiến của bạn