Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Hoàn thiện cơ sở pháp lý để thu hồi xe máy cũ gây ô nhiễm môi trường

30/03/2017

   Thu hồi xe máy cũ là vấn đề đang được các Bộ, ngành quan tâm vì xe máy cũ gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, từ ngày 1/1/2018, mô tô, xe gắn máy khi hết niên hạn sử dụng sẽ bị thu hồi và thải bỏ. Thời hạn thu hồi xe máy sắp đến gần nhưng cho đến nay, vẫn chưa có căn cứ để xây dựng quy định về niên hạn cho xe máy cũ để làm cơ sở thu hồi.

   Xe máy cũ là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường

   Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, “xe Nhật bãi” là một khái niệm rất quen thuộc ở Việt Nam. Đây là những chiếc xe đã hết niên hạn sử dụng, không được phép lưu hành ở Nhật, xuất sang Việt Nam và tiếp tục được sử dụng sau khi đã chỉnh sửa lại một số bộ phận. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, lượng xe ít nên chưa gây ô nhiễm không khí và do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên “xe Nhật bãi” trở thành một phương tiện được ưa chuộng. Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cả nước hiện có khoảng 40 triệu xe máy. Riêng TP. Hà Nội hiện có khoảng 2,5 xe máy cũ/6 triệu xe máy các loại đang lưu hành. Trong đó, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng hiện vẫn tham gia giao thông, thậm chí nhiều loại xe chỉ còn khung và máy, nhiều xe không đèn, còi, gương, thải khói đen xì… Những chiếc xe này không được bảo dưỡng định kỳ nên phát thải cao, là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam năm 2016 cho thấy, ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng tại các TP lớn, với hàm lượng bụi lơ lửng ven đường vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Đặc biệt, mức độ phơi nhiễm của người tham gia giao thông, nhất là người đi xe máy cũng vượt giới hạn cho phép 2 - 3 lần. Các hoạt động giao thông vận tải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất chiếm tới 70 - 90%, trong đó xe máy chiếm tỷ trọng lớn trong phát thải chất ô nhiễm.Theo tính toán, tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% hyđrôcácbon (HC); 87% cácbon ô xít (CO); 57% ô xít nitơ (NOx)… trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.

Những chiếc xe cũ lưu thông trên đường phố Hà Nội 

   Về lượng tiêu hao nhiên liệu, kết quả khảo sát của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, xe máy có mức tiêu hao (tính theo hành khách/km) cao hơn 92 lần xe buýt. Lượng chất thải trung bình của xe máy cũng cao hơn xe ô tô con gần 4 lần và cao hơn xe buýt tới gần 40 lần. Một số nghiên cứu khoa học khác cũng chỉ ra rằng, một chiếc xe máy động cơ 100 cc, tiêu chuẩn Euro 2 thải ra lượng khí thải độc hại cao gấp hàng trăm lần so với khí thải của một chiếc ô tô có động cơ 1.800 cc, tiêu chuẩn Euro 5. Nguyên nhân là xe máy sử dụng công nghệ thấp nên đốt cháy nhiên liệu không hết, thải ra môi trường gấp nhiều lần ô tô. Phần lớn khí thải độc hại là các hyđrôcácbon, tác động xấu tới sức khỏe con người. Thành phần khí thải phụ thuộc nhiều vào chất lượng động cơ, động cơ càng cũ, công nghệ càng lạc hậu, thì việc đốt cháy triệt để nhiên liệu sẽ bị giảm đi, khí thải độc hại rất nhiều. Việc hít khí thải động cơ khi tham gia giao thông có thể dẫn đến những nguy cơ gây ung thư cho con người.

   Bên cạnh đó, xe máy cũ cũng là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông. Kết quả nghiên cứu năm 2015 của Ủy ban An toàn Giao thông cho thấy, có mối liên hệ giữa số vụ tai nạn và tuổi đời phương tiện. Xe mới từ 1 - 5 năm, có mức độ tai nạn ít nghiêm trọng hơn, so với xe sử dụng từ 6 - 10 năm.

   Kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy

   Để xây dựng quy định niên hạn cho xe máy cũ, cần phải kiểm soát khí thải xe máy. Từ năm 2010, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy nhưng đến nay, hầu hết các mục tiêu trong Đề án đều không đạt được. Theo Bộ GTVT, nguyên nhân chậm triển khai Đề án về mặt khách quan là do việc kiểm tra khí thải mô tô, xe gắn máy là vấn đề phức tạp, liên quan đến đa số người dân ở các TP lớn và người dân có nhận thức rất khác nhau về vấn đề kiểm soát khí thải. Trong khi đó, mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu trong những năm tới, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong TP. Hơn nữa, đa số người sử dụng chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng, tác hại của khí thải mô tô, xe gắn máy, sự cần thiết phải kiểm tra khí thải, bảo dưỡng xe để bảo đảm độ bền, hiệu quả hoạt động, giảm khí thải độc hại, tiết kiệm nhiên liệu. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận với chủ trương thu phí kiểm tra khí thải trực tiếp từ người sử dụng mô tô, xe gắn máy. Mặc dù, mức giá kiểm tra khí thải theo đánh giá của Bộ GTVT là rất nhỏ so với chi phí nhiên liệu.

Xe máy cần phải bảo dưỡng định kỳ nhằm giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường

   Mặt khác, giao thông công cộng chưa đáp ứng được nên số lượng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tiếp tục tăng lên, càng gây khó khăn cho công tác triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc quy định kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũng chưa được quy định bắt buộc trong Luật Giao thông đường bộ. Vì thế, cần tiếp tục nghiên cứu quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy trong quá trình xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) trong thời gian tới.

   Theo các chuyên gia trong ngành GTVT, trong điều kiện chưa có quy định niên hạn xe máy, thì việc cần phải làm ngay lúc này là ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật phương tiện mô tô, xe gắn máy để có cơ sở pháp lý thu hồi xe máy cũ. Cùng với đó, việc thực hiện Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg là không thể trì hoãn vì lợi ích chung của cộng đồng. Tuy nhiên, để thu hồi được các phương tiện quá đát, hơn nữa, đây là tài sản của người dân cần phải có giải pháp và lộ trình để đảm bảo cuộc sống của những người dân.

   Ở các nước phát triển, việc trả góp mua phương tiện rất dễ dàng và các nhà sản xuất phương tiện cũng hỗ trợ Chính phủ, nên việc thu hồi xe cũ không gây xáo trộn cho cuộc sống của người dân. Vì thế, giải pháp trước mắt là chính quyền phải trích ngân sách, mua lại những chiếc xe cũ, với giá hợp lý hoặc kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất xe máy, thực hiện chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, trong đó có hỗ trợ tài chính cho người dân. Đây là giải pháp khá tốn kém, nếu không quản lý chặt, dễ bị lợi dụng để trục lợi.

   Ngoài ra, cũng cần phân cấp cho địa phương quy định điều kiện hoạt động của mô tô, xe gắn máy tùy theo đặc thù của từng địa phương, thay vì quy định chung cho cả nước. Số lượng xe máy ở Hà Nội nhiều hơn so với các tỉnh miền núi, nên TP cần phải sớm xây dựng quy định về điều kiện hoạt động của xe máy.

Lê Xuân Thái

Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn