Banner trang chủ

Hưng Yên tập trung phát triển công nghiệp theo hướng bền vững

07/12/2018

     Từ một tỉnh thuần nông, Hưng Yên đã có nhiều chủ trương đúng đắn trong phát triển công nghiệp đưa tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh khá nhanh, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Cùng với sự phát triển công nghiệp, Hưng Yên luôn chú trọng công tác BVMT, đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BVMT tới các tầng lớp nhân dân; đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng phương án BVMT phù hợp với thực tế địa phương; xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch BVMT gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH) của tỉnh.

     Phát triển kinh tế gắn với BVMT

     Xác định công nghiệp là động lực chủ yếu để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, từ năm 2006 đến nay Hưng Yên đã ban hành 22 Nghị quyết về phát triển KT-XH. Thực hiện các Nghị quyết của HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp thu hút các nhà đầu tư, tiến hành lập quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp để các dự án có điều kiện thuận lợi trong khâu giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý. Theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Hưng Yên có 11 KCN tập trung, với tổng diện tích là hơn 2.480 ha; 35 cụm công nghiệp, tổng diện tích là gần 1.400 ha, tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 KCN đã được đầu tư đồng bộ, đưa vào hoạt động, thu hút nhiều dự án đầu tư. Các KCN đã đóng góp nhiều vào nguồn thu cho địa phương thông qua hoạt động xuất khẩu như KCN Phố Nối, Như Quỳnh A, Như Quỳnh B. Đặc biệt, KCN Thăng Long II được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, điểm nhấn trong phát triển công nghiệp của tỉnh.

     Với mục tiêu phát triển công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT), tỉnh Hưng Yên yêu cầu các dự án trước khi đi vào hoạt động phải có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cam kết BVMT được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm BVMT, cụ thể: Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 3/10/2008 về tăng cường công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT trong thời kỳ hội nhập; Chỉ thị số 04/2009/CT - UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác BVMT trên địa bàn tỉnh. Trước sự phát triển của các KCN, nhiều vấn đề mới nảy sinh, nhất là vấn đề môi trường, UBND tỉnh Hưng Yên đã đề ra Chương trình hành động số 51/CTr-UBND, ngày 26/4/2013 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 21/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên, trong 10 năm (từ năm 2007 - 2017), Sở đã tham mưu, góp ý kiến về BVMT cho 679 dự án đầu tư vào tỉnh; từ chối tiếp nhận 36 dự án có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường; tổ chức thẩm định và tham mưu UBND tỉnh quyết định phê duyệt hơn 260 báo cáo ĐTM; 48 đề án BVMT chi tiết; kiểm tra và cấp 66 giấy phép xác nhận đã thực hiện các công trình, biện pháp BVMT phục vụ giai đoạn vận hành dự án. Từ năm 2011-2016, Sở TN&MT Hưng Yên thẩm định, thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp, thu hơn 3,6 tỷ đồng. Ở cấp huyện và Ban Quản lý các KCN tỉnh đã xác nhận 349 bản cam kết BVMT, 82 đề án BVMT.

 

KCN Thăng Long II tỉnh Hưng Yên

 

     Tăng cường sự quản lý việc xả nước thải của các doanh nghiệp, năm 2016 Sở TN&MT Hưng Yên đã rà soát, lập danh sách 11 cơ sở có lưu lượng nước thải trên 500 m3/ngày đêm và lập kế hoạch giám sát, quan trắc định kỳ với tần suất tháng/lần; 17 cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở phát sinh lưu lượng nước thải trên 200 m3/ngày đêm và lập kế hoạch giám sát, quan trắc định kỳ với tần suất 2 tháng/ lần. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thực hiện hiệu chuẩn, kiểm định trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục; hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc truyền, nhận số liệu quan trắc tự động liên tục.

     Bên cạnh đó, Sở TN&MT Hưng Yên luôn coi trọng công tác phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT. Hàng năm, Sở đã tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền về Luật BVMT, các Nghị định... cho đại diện hàng trăm doanh nghiệp; Lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Năm 2016, Sở TN&MT đã tổ chức 10 hội nghị tập huấn tuyên truyền công tác BVMT cho trên 4.500 người gồm đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn...

     Đến nay có 6 doanh nghiệp lắp đặt trạm quan trắc tự động nguồn nước thải, như các nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp Thăng Long II; Nhà máy giấy lụa của Công ty TNHH JP Corelex Việt Nam, Công ty Kinh Đô miền Bắc... Sở TN&MT Hưng Yên đang thực hiện đầu tư, lắp đặt thiết bị nhận dữ liệu để tiếp nhận dữ liệu truyền về từ các đơn vị thực hiện quan trắc môi trường tự động nhằm quản lý, kiểm soát hoạt động xả thải vào môi trường.

     Cùng với phát triển công nghiệp, Hưng Yên luôn quan tâm tới vấn đề xử lý chất thải công nghiệp, năm 2006 Hưng Yên cấp giấy phép cho Công ty Môi trường và đô thị URENCO 11 xây dựng khu xử lý chất thải tại xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm. Dự án đi vào hoạt động từ năm 2008, với công suất xử lý 200tấn/ngày.

     10 năm qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các sở chuyên môn thanh tra, kiểm tra tại các KCN của tỉnh được hơn 1.150 doanh nghiệp. Trong các năm 2010 - 2016, Sở phối hợp với thanh tra của Bộ TN&MT, các cơ quan chức năng thực hiện 53 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 7 KCN của tỉnh, kiến nghị xử lý vi phạm pháp luật về BVMT đối với 3 KCN và tiến hành thanh tra 381 doanh nghiệp, xử lý vi phạm 130 doanh nghiệp, với số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước gần 7,4 tỷ đồng; đình chỉ xả thải nước thải sản xuất chưa qua xử lý ra môi trường đối với 2 doanh nghiệp; kiểm tra việc chấp hành các quy định về BVMT đối với các doanh nghiệp nằm dọc sông Cầu Lường, đã phát hiện và xử phạt 5 công ty với hành vi xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường...

     Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, trước sức ép phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa tỉnh Hưng Yên có chiều hướng gia tăng, điển hình là làng nghề tái chế nhựa thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh và làng nghề tái chế chì Đông Mai xã Chỉ Đạo huyện Văn Lâm...

     Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hưng Yên, như hệ thống pháp luật và chính sách liên quan đến môi trường, áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, hỗ trợ và ưu đãi đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT, khuyến khích phát triển dịch vụ môi trường còn thiếu và chưa đồng bộ. Kinh phí chi cho sự nghiệp BVMT của tỉnh trong thời gian qua tuy có tăng nhanh nhưng hàng năm mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu thực tế.

     Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa thật sự có ý thức, trách nhiệm BVMT, coi việc lập ĐTM chỉ là một thủ tục hành chính. Nhiều doanh nghiệp chưa bố trí cán bộ chuyên môn chuyên trách về BVMT. Số các dự án đầu tư nằm ngoài các khu công nghiệp tập trung còn chiếm tỷ lệ lớn khoảng 80% tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát việc xử lý chất thải đảm bảo môi trường của các dự án khi đi vào hoạt động. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường ở các cấp còn mỏng, nhất là ở cấp huyện; việc xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn gặp khó khăn và tốn kém như làng nghề tái chế chì thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo vượt quá khả năng của tỉnh. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường tuy đã được quan tâm nhưng chưa sâu rộng, nội dung và hình thức chưa được đổi mới nên hiệu quả chưa cao. Vai trò chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền một số địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện công tác BVMT còn bị thụ động, trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị…

     Một số giải pháp BVMT trong phát triển công nghiệp hiện nay

     Thứ nhất, nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, quản lý của chính quyền cấp tỉnh về BVMT ở các KCN; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về BVMT thông qua việc tăng cường phối hợp giữa Tổng cục môi trường với Sở TN&MT; Xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý khắc phục tình trạng chồng chéo như hiện nay.

     Thứ hai, phát huy vai trò, làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền về xây dựng năng lực quản lý, giải quyết các vấn đề môi trường, khắc phục tình trạng tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt, mang tính hình thức, tư duy coi nặng tăng trưởng kinh tế, bỏ qua hoặc buông lỏng quản lý nhà nước về BVMT.

     Tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi nhằm khuyến khích các nguồn đầu tư cho công tác BVMT, nhân rộng các mô hình phát triển bền vững trong ngành công nghiệp. Các khu công nghiệp khác lên tham khảo mô hình khu công nghiệp Thăng Long II. Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phải gắn liền với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải, nước thải, hệ thống cây xanh…

     Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường. Hợp tác với các viện, trường đại học trong nước để nghiên cứu, chuyển giao các giải pháp khoa học công nghệ và kỹ thuật mới trong sản xuất và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp, mô hình về công nghệ kỹ thuật hiện đại trong và ngoài nước mang lại hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

     Đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nâng cao ý thức trách nhiệm BVMT cho các doanh nghiệp. Tổ chức tuyên dương và khen thưởng những doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về BVMT.

     Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT các KCN; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Phát huy kết quả đã đạt được trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm luật BVMT, để thực hiện tốt hơn luật BVMT, các ngành chức năng Hưng Yên cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát. Việc kiểm tra, kiểm soát môi trường phải có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết dứt điểm những nội dung, những điểm bức xúc về môi trường.

     Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Hưng Yên với các tỉnh/TP lân cận như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh... để tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về BVMT, xử lý hiệu quả những vấn đề ÔNMT xảy ra trong vùng.  

     Thứ tư, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, lực lượng thanh tra, kiểm tra có tinh thần trách nhiệm và tính cơ động cao, luôn nêu cao đạo đức nghề nghiệp; có chế tài xử lý nghiêm đối với cán bộ quản lý môi trường vi phạm trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

 

Cao Văn Khởi

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2018)

 

 

 

Ý kiến của bạn