Banner trang chủ

Hà Nội tăng cường công tác bảo vệ môi trường làng nghề

10/04/2019

     Là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai một số giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn TP. Đặc biệt, mới đây, Sở TN&MT TP. Hà Nội đã gửi Tờ trình số 1382/TTr-STNMT đến UBND TP về việc ban hành Quy định về BVMT làng nghề trên địa bàn Thủ đô. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND TP về việc “Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về BVMT làng nghề trên địa bàn TP phục vụ phân loại và quản lý” và Đề án BVMT làng nghề của TP đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

     Theo Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề của TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Số làng nghề đã đăng ký và được công nhận đến hết năm 2016 là 297 làng nghề. Làng nghề được phân loại theo 6 nhóm ngành nghề sản xuất chính: Thủ công mỹ nghệ (gốm, sứ, thủy tinh mỹ nghệ, chạm khắc, sơn mài, đồ gỗ mỹ nghệ); chạm mạ vàng, bạc, thêu, ren; chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, giết mổ; dệt nhuộm, ươm tơ, thuộc da; vật liệu xây dựng và khai thác đá, tái chế phế liệu; nghề khác (sản xuất nông cụ như cày bừa, đóng thuyền, làm quạt giấy...).

     Thời gian qua, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục trở lại và nhiều làng nghề mới ra đời, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người lao động, giải quyết lao động dư thừa tại các địa phương. Tuy nhiên, đa số các làng nghề chỉ tập trung vào việc sản xuất kinh doanh, với quy mô nhỏ lẻ, thủ công, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nguyên, nhiên liệu... Việc đầu tư các công trình BVMT chưa được chú trọng; ý thức BVMT và bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động trong các hộ gia đình còn hạn chế. Vì thế, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn TP ngày càng gia tăng, đe dọa tới hệ sinh thái, sức khỏe của người dân làng nghề.

 

Kênh mương ở cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Tân Triều (Thanh Trì -TP. Hà Nội) bị ô nhiễm nghiêm trọng

 

     Kết quả khảo sát, lấy mẫu tại 65 làng nghề theo Đề án BVMT làng nghề trên địa bàn TP cho thấy, về môi trường nước, có 40 làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm, 8 làng nghề không ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm; môi trường đất (đánh giá 37/65 làng nghề) có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm. Trong đó, có 6/65 làng nghề đạt chuẩn không ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất; 13 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường nước, không khí, đất; 5 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường nước và không khí. Trên 70% số làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, kết cấu hạ tầng nông thôn (đường, cống, rãnh thoát nước thải) không đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến tình trạng ô nhiễm càng gia tăng. Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm xử lý nước thải làng nghề đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp, các công trình xử lý nước thải tập trung của làng nghề hầu hết chưa được đầu tư, một vài điểm đang được đầu tư, nhưng chưa đi vào hoạt động.

     Để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn TP, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 235/2015/KH-UBND về công tác BVMT làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 6136/2017/QĐ-UBND về phê duyệt nội dung của “Đề án BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT; triển khai nhiệm vụ “Rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội”...

     Năm 2018, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở TN&MT rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề; quy hoạch lập danh mục các cụm công nghiệp có tính chất làng nghề nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề mở rộng mặt bằng sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường. Căn cứ kết quả rà soát, đánh giá, phân loại ô nhiễm môi trường tại các làng nghề và tình hình triển khai các hoạt động BVMT làng nghề, UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách về BVMT làng nghề; tiếp tục thực hiện quy hoạch, di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất phù hợp để hạn chế ô nhiễm…; tổ chức thu phí BVMT; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tuân thủ các quy định và xử lý vi phạm về BVMT tại làng nghề.

     Đồng thời, TP khuyến khích các địa phương xây dựng Hương ước, Quy ước về BVMT làng nghề; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về BVMT làng nghề; nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến công nghệ xử lý môi trường phù hợp với làng nghề, bảo đảm đến năm 2030, các làng nghề trên địa bàn cơ bản đáp ứng yêu cầu về BVMT. Bên cạnh đó, TP triển khai chính sách vay vốn ưu đãi để thay đổi công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn… Các làng nghề, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư nông thôn cần di dời vào khu, cụm công nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất và phải tuân thủ các quy định BVMT đối với khu, cụm công nghiệp tập trung.

 

Hoạt động sản xuất của các hộ dân trong làng nghề làm mộc Canh Nậu (huyện Thạch Thất, Hà Nội) gây ô nhiễm môi trường

 

     Trong thời gian qua, TP đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư Nhà máy xử lý nước thải cầu Ngà - Dương Liễu với công suất 20.000 m³/ngày,  đêm. Hiện Nhà máy đã đi vào vận hành từ tháng 10/2016. TP đang đẩy nhanh thi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, công suất 8.000 m³/ngày, đêm bằng nguồn vốn ngân sách TP, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức trong quý I/2019. TP đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường khẩn trương đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với Dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Vân Canh, công suất 4.000 m³/ngày, đêm và Nhà máy xử lý nước thải làng nghề cơ, kim khí xã Thanh Thùy, công suất 1.000 m³/ngày, đêm; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức), công suất 500m³/ngày, đêm.

     Hiện nay, Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND TP đã ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý, BVMT liên quan đến hoạt động làng nghề. Tuy nhiên, do các quy định còn phân tán cấp nên việc áp dụng của các Sở, ban, ngành thuộc TP, chính quyền địa phương và việc chấp hành các quy định của các cơ sở làng nghề còn nhiều hạn chế. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường đối với các làng nghề của TP, Sở TN&MT đã gửi Tờ trình số 1382/TTr-STNMT đến UBND TP về việc ban hành Quy định về BVMT làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo Tờ trình, Quy định về BVMT làng nghề trên địa bàn TP gồm 3 Chương và 15 Điều, trong đó, Chương I là những quy định chung; Chương 2 quy định về BVMT làng nghề, trong đó nhấn mạnh đến Điều kiện tiêu chí môi trường trong việc xét, công nhận làng nghề; Phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm; Biện pháp BVMT đối với làng nghề ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Hương ước, Quy ước BVMT làng nghề; Chính sách ưu đãi cho công tác BVMT đối với làng nghề được công nhận; Thông tin và báo cáo. Chương 3 về tổ chức thực hiện, quy định trách nhiệm của các cơ sở trong làng nghề, tổ chức tự quản, chính quyền địa phương, các Sở, ngành thuộc TP trong công tác BVMT làng nghề.

     Ngoài 65 làng nghề đã khảo sát, lấy mẫu trên, Sở TN&MT sẽ hướng dẫn các quận, huyện có làng nghề rà soát thực hiện đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề còn lại trong tổng số 297 làng nghề trên địa bàn TP; tiến tới 100% các làng nghề được rà soát, đánh giá phân loại theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT để có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện thực tế của địa phương.

 

Đàm Thị Thúy Nga

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2019)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn