Banner trang chủ

Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh: Thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng bền vững

24/08/2018

     Là quốc gia chịu nhiều tác động xấu của biến đổi khí hậu (BĐKH), để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo môi trường và sinh thái bền vững, với sự hỗ trợ của UNDP cùng nhiều nhà tài trợ, tháng 9/2012, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (Chiến lược TTX). Chiến lược xác định, TTX là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH của Việt Nam. Chiến lược TTX xác định 3 nhiệm vụ chiến lược: (1) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính (KNK): Xanh hóa nền kinh tế để thực hiện nỗ lực chung về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH; (2) Xanh hóa sản xuất: Chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển có chiều sâu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp sinh thái, dịch vụ môi trường và đổi mới công nghệ; (3) Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hành động (KHHĐ) TTX cho một số Bộ/ngành, địa phương

     Thực hiện nhiệm vụ cấp bách đề ra trong Chiến lược TTX, “Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ/ngành liên quan và UBND các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược TTX”. Theo đó, Bộ KH&ĐT giao Vụ Khoa học, Giáo dục,TN&MT, Dự án CIGG tập trung thực hiện các mục tiêu: Tăng cường năng lực cho Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các tỉnh/TP được lựa chọn để thực hiện Chiến lược TTX và KHHĐ TTX của Việt Nam và lồng ghép TTX vào kế hoạch phát triển KT-XH.

     Dự án CIGG đã hỗ trợ Bộ GTVTxây dựng KHHĐ quốc gia về TTX cho ngành GTVT ở Việt Nam giai đoạn 2015-2020; Xây dựng Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô tham gia giao thông tại Việt Nam; Khảo sát đánh giá kiểm soát khí thải đối với xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại Việt Nam và đề xuất lộ trình thực hiện; Rà soát và đánh giá các công nghệ hiện có, cơ chế quản lý và mức khí thải, lộ trình thực hiện; Nghiên cứu phát triển vận tải thủy nội địa đa phương thức ở Việt Nam…

    Dự án cũng hỗ trợ Bộ Tài chính hoàn thiện các quy định về các khoản thu phí, lệ phí nhằm tăng cường công tác BVMT, góp phần thực hiện TTX; Đề xuất phương án thu phí, lệ phí đối với việc dán nhãn năng lượng góp phần thực hiện TTX; Nghiên cứu các chính sách, công cụ tài chính mới và nghiên cứu xây dựng dự thảo chính sách về lệ phí BVMT đối với các nguồn khí thải góp phần thực hiện TTX…; Xây dựng lộ trình thực hiện Chiến lược năng lượng tái tạo cho ngành Công Thương.

     Bên cạnh đó, Dự án CIGG còn hỗ trợ các đơn vị liên quan tăng cường năng lực tiếp cận tài chính khí hậu:Đánh giá đầu tư và chi tiêu công và tư nhân cho BĐKH và TTX làm cơ sở cho báo cáo quốc gia theo cam kết tại Thỏa thuận Pari và đề xuất chính sách cải thiện huy động và quản lý tài chính khí hậu; Tham gia hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xây dựng kế hoạch hành động TTX và tiếp cận Quỹ Khí hậu xanh; Duy trì và tăng cường việc tham gia các diễn đàn khu vực để thúc đẩy tăng cường năng lực tiếp cận tài chính khí hậu cho cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp.

     Với sự hỗ trợ của Dự án CIGG, đến nay đã có 39 tỉnh/TP ban hành và đang thực hiện KHHĐ TTX, một số địa phương khác đang trong quá trình xây dựng, cụ thể: Tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và thực hiện KHHĐ TTX (Tháng 10/2015), TP. Đà Lạt - Lâm Đồng (Tháng 4/2016), TP. Hồ Chí Minh (Tháng 7/2017), tỉnh Hà Nam (Tháng 9/2017) và tỉnh Cao Bằng (Tháng 4/2018). Một số địa phương khác như tỉnh Bắc Kạn, KHHĐ TTX đã qua tham vấn lần 2, hiện đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; TP. Hà Nội đã bắt đầu được xây dựng KHHĐ từ tháng 5/2018, dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành và trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt thực hiện.

 

Hội thảo Tham vấn kỹ thuật về đầu tư của khu vực tư nhân cho BĐKH và TTX, ngày 20/10/2017 tại Hà Nội

 

Đầu tư và chi tiêu cho BĐKH và TTX

    Những năm qua, Bộ KH&ĐT, thông qua Dự án CIGG và phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã hoàn thiện và ban hành “Hướng dẫn phân loại đầu tư công cho BĐKH và TTX” theo hướng chủ động và đơn giản nhằm trang bị cho các Bộ/ngành và địa phương các công cụ để đánh giá việc phân bổ ngân sách đầu tư công cho ứng phó với BĐKH và thúc đẩy TTX ở cấp quốc gia/ngành, lĩnh vực và địa phương, áp dụng cho các chương trình, dự án được phân loại thuộc danh mục Dự án kế hoạch đầu tư công hàng năm hoặc 5 năm của các Bộ/ngành và địa phương. Nội dung chính bao gồm: Rà soát và nhận dạng các khoản đầu tư và chi tiêu; Sắp xếp những dự án đã được nhận dạng theo mã phân loại tương ứng; Kiểm tra chất lượng kết quả phân loại; Tổng hợp và báo cáo kết quả phân loại đầu tư.

     Từ đó, xác định và phân loại các dự án đầu tư công theo mục tiêu về BĐKH và TTX theo một quy trình thống nhất; Hình thành số liệu, thông tin về các dự án đầu tư công cho BĐKH và TTX, tạo cơ sở để theo dõi/giám sát và báo cáo định kỳ về phân bổ vốn đầu tư công cho BĐKH và TTX theo các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐKH và TTX; Tăng cường tính minh bạch trong việc phân bổ vốn đầu tư công cho BĐKH và TTX; Cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách để đánh giá thêm những phương án chiến lược giúp tăng cường lồng ghép ứng phó với BĐKH và TTX vào quá trình xem xét quyết định đầu tư, từ chuẩn bị đầu tư đến thẩm định và ra quyết định đầu tư; Nâng cao mức độ sẵn sàng của Việt Nam trong việc tiếp cận, quản lý và điều phối các dòng tài chính quốc tế cho BĐKH và TTX.

    Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán quốc tế về BĐKH cũng chỉ ra vai trò quan trọng của tài chính tư nhân đối với giảm phát thải KNK và ứng phó với BĐKH nói chung. Sự kết hợp giữa một khung pháp lý thuận lợi và các chính sách ưu đãi phù hợp (Đồng tài trợ từ khối tài chính công) là điều kiện tiên quyết để thu hút tài chính tư nhân cho các hoạt động ứng phó với BĐKH. Nhận thức được tầm quan trọng về các chính sách trong nước đối với huy động tài chính, đặc biệt là tài chính tư nhân, Bộ KH&ĐT thông qua Dự án CIGG đã chủ trì thực hiện “Nghiên cứu đầu tư của khu vực tư nhân và các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực BĐKH và TTX” (CPrEIR) với mục tiêu làm sáng tỏ một phần bức tranh đầu tư đa dạng của khu vực tư nhân cho BĐKH và TTX.

    Nghiên cứu hướng tới các khoản đầu tư và chi tiêu tư nhân được định hướng bởi mục tiêu của Chiến lược quốc gia về TTX, tập trung vào lĩnh vực giảm nhẹ tác động của BĐKH và đóng góp vào TTX với tiềm năng giảm phát thải KNK thông qua đầu tư cho lĩnh vực hiệu quả năng lượng của 4 ngành công nghiệp (Xi măng, thép, đường và giấy) cũng như đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2010-2015.

     Nghiên cứu cho thấy, ở Việt Nam, các khoản đầu tư tư nhân cho BĐKH trong giai đoạn 2010-2015 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo được hỗ trợ chủ yếu thông qua các công cụ chính sách trong nước và hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Về mặt chính sách, Việt Nam đã ban hành một loạt các chính sách, quy định nhằm khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành năm 2010; các Nghị định, Quyết định, Thông tư… thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

     Số liệu kết hợp về hai dòng đầu tư công và tư thể hiện nỗ lực chung nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK mà Việt Nam mong muốn, góp phần hỗ trợ Ủy ban Quốc gia về BĐKH và kết nối với quốc tế để lượng hóa được các khoản đầu tư tư nhân liên quan đến giảm nhẹ tác động của BĐKH.

    Các nhiệm vụ chính của CPrEIR bao gồm: Nhận dạng về đầu tư của khu vực tư nhân cho BĐKH và TTX; Hỗ trợ việc lập báo cáo tài chính khí hậu bằng cách thêm vào chức năng theo dõi dòng chảy tài chính tư nhân cho BĐKH; Đánh giá mức độ hiệu quả của cơ chế chính sách nói chung, chính sách tài chính công nói riêng khuyến khích đầu tư tư nhân cho BĐKH và TTX.

    Hơn nữa, bổ sung cho báo cáo đánh giá chi tiêu công cho BĐKH (CPEIR), CPrEIR là nền tảng quan trọng cho việc xây dựng một khuôn khổ tài chính cho TTX/tài chính xanh/tài chính khí hậu toàn diện cho Việt Nam. Khuôn khổ này sẽ hỗ trợ cho các cơ quan ra quyết định bằng cách nâng cao hiệu quả theo dõi các nỗ lực thực hiện TTX và ứng phó với BĐKH của Việt Nam, đưa ra các quyết định về định hướng chính sách, phân bổ nguồn lực hợp lý để có thể tối đa hóa hiệu quả thực hiện.

Đào tạo nâng cao năng lực chođội ngũ tập huấn viên

     Hoạt động “Xây dựng chương trình/module tập huấn cho tập huấn viên (TOT) về TTX cho cán bộ quản lý nhà nước” đã được thực hiện trong khuôn khổ Dự án CIGG. Hoạt động này góp phần phát triển đội ngũ tập huấn viên thông qua việc trang bị kiến thức và kỹ năng bài bản về TTX, từ đó mở rộng phạm vi đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện TTX ở các cấp Trung ương và địa phương.

     Hoạt động này cung cấp bộ tài liệu đào tạo với kiến thức cập nhật về TTX thiết kế cho cán bộ làm công tác lập kế hoạch ở các cấp và chuyển giao kiến thức, bổ sung một số kỹ năng giảng dạy cần thiết cho đội ngũ giảng viên, tập huấn viên để sau khóa học sẽ đào tạo cho cán bộ đang làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về hoạch định chính sách phát triển cấp Trung ương và cấp tỉnh.

    Nội dung tập trung giới thiệu phương pháp đào tạo; Bối cảnh ra đời và những khái niệm cơ bản về TTX; Kinh nghiệm quốc tế và thực hiện TTX tại Việt Nam; Đổi mới cơ chế chính sách hướng tới TTX; Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững hướng tới TTX; Lồng ghép TTX trong kế hoạch phát triển; Hướng dẫn xây dựng chương trình đào tạo về TTX.

     Các khóa tập huấn TOT đã được tổ chức tại Hà Nội (Năm 2016) và TP. Hồ Chí Minh (Năm 2017) thu hút hàng trăm học viên tham gia. Nhìn chung, hai khóa tập huấn được đánh giá tốt và phù hợp nội dung đào tạo. Sản phẩm từ khóa tập huấn có thể được sử dụng làm tài liệu hỗ trợ các tập huấn viên khi triển khai thực hiện khóa đào tạo cho cán bộ nhà nước cấp Trung ương và cấp tỉnh. Tuy nhiên, khi sử dụng các tài liệu này, các tập huấn viên có thể/cần điều chỉnh về một số nội dung cụ thể, thời lượng, phương pháp tiến hành để phù hợp với đối tượng học viên và các nguồn lực cho phép.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo Công bố dự án CIGG

 

Tăng cường các hoạt động truyền thông về TTX

     Bên cạnh các hoạt động trên, Dự án CIGG cũng chú trọng tới các hoạt động truyền thông - Công cụ để hỗ trợ các bên liên quan và cộng đồng tiếp cận, chia sẻ các thông tin về TTX, thực hiện lối sống xanh, sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững.Các hoạt động truyền thông bao gồm: Phát sóng các bản tin về các sự kiện của Dự án trên truyền hình Việt Nam (VTV1); đăng tải các tin, bài viết về TTX và các sự kiện của Dự án trên Tạp chí Môi trường, Cổng Thông tin điện tử Bộ KH&ĐT và một số phương tiện truyền thông khác… Phối hợp với các Bộ/ngành và địa phương có liên quan tổ chức các sự kiện như đào tạo, hội nghị, hội thảo, triển lãm về TTX…

     Đặc biệt, trong năm 2017-2018, Dự án đã và đang thực hiện Chiến dịch truyền thông bao gồm: Tuần lễ TTX , tiêu dùng bền vững trong lĩnh vực GTVT và thương mại, thúc đẩy áp dụng các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, lối sống xanh… Theo đó, Dự án đã tổ chức Chương trình “Hành trình xanh vì Việt Nam xanh”, tọa đàm với sinh viên các trường đại học chuyên ngành kinh tế, môi trường, nông lâm nghiệp…; Tổ chức Cuộc thi “Xây dựng ý tưởng tiêu dùng bền vững” để lựa chọn ra các ý tưởng tiêu dùng bền vững xuất sắc nhất có khả năng ứng dụng cao; Xây dựng các phim ngắn tuyên truyền về lối sống xanh, sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững; Tọa đàm "Giao thông xanh vì Việt Nam xanh" với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT… Dự án cũng phối hợp với Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AIT Việt Nam) tổ chức Chương trình đào tạo “Em sống xanh” cho học sinh từ 8 - 12 tuổi, qua đó truyền cảm hứng và hướng dẫn học sinh thực hiện những hành vi xanh trong cuộc sống,chương trình không chỉ giúp học sinh hình thành thói quen mà còn truyền cảm hứng để các em trở thành những “Hạt giống vàng”, chia sẻ kiến thức, hành động với bạn bè, người thân cùng thực hiện những hành vi sống xanh. Tổ chức sự kiện đạp xe với chủ đề “Giao thông xanh vì Việt Nam xanh” với sự tham gia của sinh viên các trường đại học, một số cơ quan và đối tác có liên quan trên địa bàn Hà Nội và cộng đồng.

 

Nguyễn Tuấn Anh 

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, TN&MT, Bộ KH&ĐT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tăng trưởng xanh năm 2018)

Ý kiến của bạn