Banner trang chủ

Chất lượng môi trường không khí tại Thủ đô Hà Nội năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019

02/05/2019

     Ô nhiễm môi trường không khí luôn là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng do những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người thông qua đường hô hấp. Trong thời gian qua, đã có nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về ô nhiễm không khí (ÔNKK) của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, việc hiểu và đánh giá đúng về ÔNKK cần được xem xét, đánh giá một cách toàn diện. Xét về tính chất vật lý và hóa học thì chất ÔNKK được phân thành 2 loại: Loại hạt, gồm: bụi lơ lửng (TSP), bụi PM10, bụi mịn (PM2.5, PM1) và loại khí (SO2, NOx, CO và VOC. Trong thời gian qua, Thủ đô Hà Nội và một số thành phố của nước ta đều đã bị ô nhiễm bụi ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nồng độ các chất khí ô nhiễm (SO2, NOx, CO và VOC) đa phần vẫn trong giới hạn cho phép và tốt hơn nhiều TP khác trong khu vực.

     Chất lượng không khí Hà Nội năm 2018

     Theo dõi diễn biến chất lượng môi trường không khí trong những năm gần đây cho thấy, tình trạng ÔNKK tại Hà Nội nhìn chung đã có sự cải thiện, mức độ ô nhiễm bụi trong giai đoạn 2016 - 2018 đã giảm so với giai đoạn trước.

 

Biểu đồ 1. Diễn biến nồng độ bụi mịn PM2.5 tại một số trạm quan trắc đặt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

     Tình trạng ô nhiễm bụi tại các đô thị hiện nay chủ yếu từ các nguồn tại chỗ (hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp) và một số nguồn vận chuyển từ xa tới (bụi mịn từ các ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cháy rừng… từ các quốc gia lân cận…)

     Kết quả tính toán AQI theo giờ tại các trạm quan trắc không khí tự động của Hà Nội (01 trạm của Tổng cục Môi trường (Trạm Nguyễn Văn Cừ); 10 trạm của Sở TN&MT Hà Nội (Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, Kim Liên, Tân Mai, Thành Công, Trung Hòa, Tây Mỗ, Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng, Minh Khai) và 01 trạm của Đại sứ quán Mỹ (số 8 Láng Hạ) năm 2018 cho thấy, không có AQI giờ ở mức nguy hại, AQI giờ ở mức rất kém và xấu chiếm tỉ lệ rất thấp. Đa số các giờ trong ngày tại các trạm có chất lượng không khí ở mức trung bình (tỷ lệ AQI giờ ở mức trung bình chiếm khoảng 68%).

 

Mức AQI

Thang đo

Tỉ lệ (%)

Tốt

0 – 50

15,6

Trung bình

51 – 100

68,2

Kém

101 – 200

14,1

Xấu

201 – 300

2,1

Nguy hại

Trên 300

0,0

 

     Bảng đánh giá trên thống kê số liệu tổng quan chung cho Hà Nội. Tuy nhiên, ở mỗi khu vực chịu sự tác động của các nguồn ô nhiễm khác nhau sẽ có tỷ lệ các mức đánh giá theo AQI khác nhau. Cụ thể, Trạm Minh Khai, Phạm Văn Đồng là những trạm có tỷ lệ AQI ở mức kém khá cao (khoảng 23-35%). Nhưng tại các trạm như Hoàn Kiếm, Tân Mai, Tây Mỗ, Kim Liên, Nguyễn Văn Cừ thì tỷ lệ ngày ở mức tốt và trung bình cao hơn.

     Liên quan đến thông tin “Hà Nội là TP ô nhiễm bụi PM2.5 đứng thứ hai Đông Nam Á” mà một số bài báo gần đây đề cập, do không giải thích đầy đủ, thiếu chính xác nên dẫn đến hiểu lầm trong cộng đồng khi tiếp nhận thông tin. Cụ thể, Báo cáo về Hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu của Tổ chức Hòa Bình Xanh (Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) lược dịch và tóm tắt), đã phân hạng mức độ ô nhiễm bụi mịn của 20 thành phố, thuộc 4 quốc gia ở Đông Nam Á gồm: Thái Lan (14 TP), Inđônêxia (1 TP); Philipine (3 TP), Việt Nam (2 TP). Theo kết quả phân hạng, Hà Nội đứng thứ 2 sau Jakarta (Inđônêxia) về mức độ ô nhiễm. Như vậy, bảng đánh giá này không có đủ số liệu của 11 quốc gia  trong khu vực Đông Nam Á để có thể đánh giá, xếp hạng theo như nhận định đã nêu.

     Qua so sánh với một số TP khác của châu Á cho thấy, mức độ ô nhiễm của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ở mức trung bình. Giá trị bụi PM2.5 trung bình năm 2018 tại Hà Nội là 40,8 µg/m3, tại TP. Hồ Chí Minh là 26,9 µg/m3, trong khi đó, Dhaka (Băng - la - đét): 97,1 µg/m3; Dehli (Ấn Độ): 113,5 µg/m3; các TP của Trung Quốc như Hòa Điền, Hà Bắc, Từ Châu, Trịnh Châu… dao động từ 65,5 - 116 µg/m3... Để xem thông tin trực tuyến và so sánh chất lượng không khí của Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với các TP khác trên thế giới, có thể tham khảo thông tin, số liệu đầy đủ hơn tại các trang thông tin điện tử: https://www.airvisual.com/ hoặc https://airnow.gov/index.cfm?action=airnow.global_summary.

     Đến nay, ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, ÔNKK chủ yếu chỉ là ô nhiễm bụi (do hoạt động giao thông, xây dựng... Một số khu vực xảy ra ô nhiễm NO2, hoặc SO2 , nhưng chỉ mang tính cục bộ ở một số thời điểm. Trong khi đó, tại  Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác, ngoài ô nhiễm bụi còn xảy ra tình trạng ô nhiễm NO2, SO2 do sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp nặng, đun nước nóng, sửa ấm trong mùa đông... với mức độ khá cao.

     Diễn biến chất lượng không khí tại Hà Nội trong Quý I/2019

     Tại Hà Nội và một số tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi vào thời gian mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật, ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào tháng 12, tháng 1- 2 và kéo dài sang tháng 3.

     Đặc biệt, hiện tượng này cũng đã diễn ra trong thời gian qua khi nồng độ bụi trong môi trường không khí của Thủ đô Hà Nội có những biến động đáng kể, nhất là sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5. Kết quả quan trắc từ các trạm quan trắc không khí (QTKK) tự động đặt tại đường Nguyễn Văn Cừ do Tổng cục Môi trường quản lý, 10 trạm do Sở TN&MT Hà Nội quản lý, tham chiếu số liệu của Trạm QTKK tự động tại số 8 Láng Hạ của Đại sứ quán Mỹ trong Quý I/2019 cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trung bình 24 giờ của một số ngày đã vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng không khí xung quanh. Thời gian nồng độ bụi mịn (PM2.5) tăng cao đột biến tập trung trong tháng 1 và 3, đặc biệt trong các ngày 11 - 13/01, 19 - 20/01, 23 - 26/01,11 -14/3, 20 - 22/3 và 26 - 27/3.

 

 

Biểu đồ 2.Diễn biến giá trị trung bình 24h của PM2.5 tại các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội (1/1/2019 - 30/3/2019)

 

     Qua theo dõi cho thấy, tỷ lệ số ngày có nồng độ PM2.5 vượt QCVN 05:2013/BTNMT tại 12 trạm QTKK tự động tại Hà Nội có sự khác nhau giữa các khu vực. Theo kết quả phân tích số liệu tại Biểu đồ 2, các trạm có tỷ lệ số ngày nồng độ PM2.5 vượt chuẩn cao chủ yếu tập trung tại các khu vực có hoạt động xây dựng đang diễn ra, hoặc mật độ giao thông cao như đường Phạm Văn Đồng, phố Hàng Đậu, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm)...; tại các khu vực khác, tỷ lệ số ngày nồng độ PM2.5 vượt quy chuẩn thấp. 

 

 Biểu đồ 3Tỷ lệ số ngày trong tháng 1 - 3/2019 có giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt QCVN tại các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội

 

     Đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2019, chất lượng không khí tại các khu vực có trạm đo ở mức trung bình (tỷ lệ ngày có chất lượng không khí ở mức trung bình tại các trạm trên địa bàn TP. Hà Nội dao động trong khoảng 50 - 60%). Tại các khu vực ngoại vi, hoặc nơi có không gian thoáng, nhiều cây xanh như Nguyễn Văn Cừ, Mỹ Đình, Tân Mai, Tây Mỗ, số lượng ngày có chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình chiếm tỷ lệ cao. Một số khu vực như Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, số ngày có chất lượng không khí ở mức kém và xấu cao hơn. Đây là những nơi có mật độ phương tiện giao thông cao, các công trình xây dựng đang diễn ra, làm phát sinh lượng bụi lớn vào môi trường (Biểu đồ 3).

 

Biểu đồ 4. Tỷ lệ mức độ ô nhiễm theo giá trị AQI tại các trạm quan trắc trên địa bànHà Nội trong tháng 1 - 3/2019

 

    Theo dõi diễn biến nồng độ bụi PM2.5 qua các giờ trong ngày cho thấy, nồng độ  bụi PM2.5 dao động trong khoảng từ 40 - 80 µg/m3, thường tăng cao vào các giờ cao điểm, khi mật độ giao thông lớn. Tuy nhiên, theo số liệu quan trắc, nồng độ bụi PM2.5 cũng tăng cao vào những thời gian khác, cụ thể: từ 23 h đêm - 5 h sáng các ngày 19 - 20/tháng 1, 23 - 27/tháng 1, 11 - 14/tháng 3, 20 - 22/tháng 3 và 26 -27/tháng 3, đây cũng  chính là thời điểm gió mùa Đông Bắc tràn về Thủ đô Hà Nội.

     Hiện tượng ô nhiễm bụi mịn thường tăng cao vào khoảng tháng 12, tháng 1 -2 và có thể kéo dài sang tháng 3 tại Hà Nội là do Hà Nội chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc. Nền nhiệt độ trong không khí cao, cộng với sự di chuyển, biến động của các khối khí tầng trên đã nén khí tầng thấp, khiến cho lượng bụi mịn không thể khuếch tán. Bên cạnh đó, vào những ngày có độ ẩm cao, sương mù xuất hiện, làm cho lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán lên cao để pha loãng và phát thải, mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, càng gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.

     Theo dự báo diễn biến xu hướng thời tiết, trong thời gian tới, tại Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì trạng thái thời tiết thay đổi bất thường, những ngày nóng xen kẽ những ngày giảm nhiệt độ mạnh do các đợt không khí lạnh tràn về, độ ẩm trong không khí cũng thay đổi bất thường khiến cho tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5 tiếp tục diễn ra như những ngày qua. Hiện tượng này sẽ giảm dần khi thời tiết chuyển dần sang mùa hè.

     Một số giải pháp kiểm soát và hạn chế ÔNKK tại Hà Nội

     Để cải thiện chất lượng môi trường không khí, Bộ TN&MT và các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu bụi và khí thải phát sinh như tăng cường kiểm soát phát thải, nâng cấp chất lượng hạ tầng giao thông, sử dụng nhiên liệu sạch, quan trắc đánh giá hiện trạng và cảnh báo các khu vực có mức độ ô nhiễm cao... Chất lượng môi trường không khí ở một số nơi đã được cải thiện so với thời gian trước. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn hiện nay, đặc biệt tại Hà Nội vẫn đang là vấn đề nổi cộm, cần tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp để cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường không khí, cụ thể:

     Thứ nhất, kiểm soát ô nhiễm khí thải do giao thông: Quản lý chất lượng phương tiện giao thông, tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch, phát triển hạ tầng giao thông đô thị bền vững, quy hoạch hợp lý các tuyến giao thông đô thị, tăng mật độ cây xanh, áp dụng các biện pháp giảm tắc nghẽn giao thông...; kiểm soát phát thải từ hoạt động xây dựng: Thực hiện nghiêm các quy định về BVMT trong xây dựng; kiểm soát phát thải từ hoạt động công nghiệp: Giám sát phát thải bằng hệ thống quan trắc không khí tự động đối với những loại hình sản xuất công nghiệp có mức độ phát thải lớn như sản xuất thép, nhiệt điện, xi măng, hóa chất...

     Thứ hai, rà soát, hoàn thiện, bổ sung các quy chuẩn khí thải cho từng ngành đặc thù; di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu vực nội đô; đẩy mạnh hoạt động quan trắc và kiểm kê nguồn thải.

     Thứ ba, khuyến khích sản xuất phát triển công nghiệp thân thiện môi trường, sản xuất sạch hơn..; tuyên truyền và huy động sự tham gia của cộng đồng, trong đó, đẩy mạnh các hoạt động như: hạn chế đốt rác, rơm rạ, sử dụng bếp than tổ ong, ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường...; thu gom và xử lý rác theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống.

 

 

TS. Hoàng Văn Thức
Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường

Lê Hoàng Anh

Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn